Chúng ta

Chuyên gia công nghệ trẻ nhất FPT chưa học đại học

Thứ hai, 21/9/2015 | 16:32 GMT+7

Nguyễn Quốc Trung, FPT Telecom, trở thành chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn khi chưa đến 25 tuổi và cũng chưa học đại học.

Tập đoàn vừa công bố danh sách 32 chuyên gia công nghệ năm 2015. Các cá nhân này được chọn lựa sau vòng phỏng vấn 128 hồ sơ từ các công ty thành viên đề cử. Bên cạnh những “nhân vật có số má” với kinh nghiệm lâu năm và thành tích “đáng gờm” tại FPT, trong danh sách lần đầu xuất hiện 3 gương mặt còn rất trẻ - những người sinh năm 1989-1990. Ít tuổi nhất trong số này là Nguyễn Quốc Trung, Phó phòng Phát triển sản phẩm, FPT Telecom, người chưa đủ 25 tuổi.

Trước khi Ban công nghệ công bố danh tính, cái tên Nguyễn Quốc Trung còn khá xa lạ với người FPT, kể cả việc tìm bằng Google với từ khóa: Nguyễn Quốc Trung FPT, trong khi những người còn lại đều dễ dàng tra cứu.

DSC-6825-6770-1442822579.jpg

Quốc Trung (áo cam) là chuyên gia công nghệ cấp 3 trong đợt vinh danh vừa diễn ra tại tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. Ảnh: Hà Dương.

Thậm chí, trong Hội đồng phỏng vấn số 3 có một ‘tuyển trạch viên’ không đồng ý Trung là chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn bởi cậu còn thiếu năm kinh nghiệm. Sau nhiều lần “nhấc lên đặt xuống”, Hội đồng công nghệ quyết định ghi tên Trung vào bảng vàng. “Tuy chưa đủ số năm kinh nghiệm nhưng Trung có thành tích đáng nể với việc xây dựng hệ thống FPT Play - OTT truyền hình không có đối thủ tại Việt Nam và đang trên đường vươn ra thế giới”, anh Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban công nghệ FPT, nhận xét.

Trung kể, cậu bén duyên với công nghệ từ rất sớm. “Em tập tành sử dụng, cài đặt máy tính từ khi học lớp 5. Học xong cấp 3 đã gia nhập hội những người sử dụng Linux và nghiên cứu các công nghệ trên nên tảng này”, chuyên gia công nghệ trẻ nhất FPT nhớ lại.

Tuy nhiên, khi thi đại học, Trung lại chọn ngành Marketing chứ không phải kỹ thuật hay công nghệ. “Thời đó ngu ngơ, gia đình dụ dỗ đi thi ngành kinh tế đang hot nên em cũng nghe theo”, Trung chia sẻ tại bàn làm việc khi vừa gõ xong dòng lệnh. “Bản thân cũng không mong đợi gì nhiều nên em cũng không cảm thấy buồn hay tiếc”.

Không chờ năm sau thi đại học tiếp, Trung tạm biệt quê nhà Vĩnh Long khi ghi danh học lập trình ở một trung tâm đào tạo tại Sài Gòn để có thể chuẩn bị nền tảng cho công việc yêu thích từ nhỏ. Bận rộn lên lớp rồi tập tành nghiên cứu một số thứ về công nghệ nên cậu cũng không còn thời gian luyện thi và cũng quên luôn hai chữ đại học.

Năm 2011, một đồng nghiệp FPT Telecom rủ Trung về làm việc. “Do anh ấy cũng là người sử dụng Linux lâu năm nên việc phỏng vấn không có gì khó khăn”, chuyên gia công nghệ trẻ tiết lộ cú “vượt vũ môn” về tuyển dụng với vẻ bí hiểm. Ngay sau đó, cậu tham gia Phòng Công nghệ của Trung tâm R&D với công việc là tham gia phát triển dự án quản lý hệ thống modem của FPT Telecom cho hàng trăm nghìn khách hàng.

Bước ngoặt lớn mang đến thành công bước đầu cho Trung là tham gia dự án FPT Box HD, FShare, FPT Play và một số dự án nhỏ khác. Trong đó, FPT Play ghi đậm dấu ấn của Trung.

Ý tưởng ban đầu của FPT Play là nơi giải trí, sân chơi của giới trẻ qua ứng dụng xem video. Lúc đầu, FPT Play thâm nhập thị trường ngách khi chỉ phát các chương trình dành riêng cho bóng đá. Cách làm đó đã nhanh chóng phát huy tác dụng khi lượng người sử dụng FPT Play tăng trưởng với tốc độ 100% mỗi tháng. Chỉ trong vòng một năm, FPT Play đã có hơn 1 triệu người sử dụng. Quan trọng hơn, mức độ tăng trưởng hấp dẫn đã giúp FPT Telecom mua được bản quyền của giải bóng đá Premier League. Hiện ứng dụng có khoảng 6 triệu người dùng.

Qua nhiều nhân sự làm quản lý, Trung là người hiếm hoi tham gia từ đầu và trụ lại với ứng dụng. 4 năm xây dựng hệ thống, chuyên gia công nghệ trẻ nhất FPT vẫn nhớ như in sự kiện FPT Play truyền hình trực tiếp tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “FPT Play được TGĐ FPT Telecom giao nhiệm vụ trực tiếp trên Internet cho các báo điện tử như VnExpress, Thanh niên Online, Tuổi trẻ Online... Do hệ thống lúc đó còn nhỏ và mục tiêu là truyền hình trực tiếp cho 50.000 độc giả nên áp lực rất lớn”, Trung kể.

Nhận nhiệm vụ, anh em kỹ thuật mới ngồi lại với nhau để đánh giá tình hình sự kiện và bắt đầu phân chia công việc. Các thành viên phải phối hợp với nhau để đưa dữ liệu khẩn cấp lên rất nhiều server, cấu hình kết nối mạng và cấu hình hệ thống để đảm bảo dịch vụ ổn định. Khi chỉ còn 2 ngày là tới ngày tang lễ, nhóm 6 nhân viên R&D phải ở lại ban đêm để dựng hệ thống cho kịp. Thức trắng đêm và nỗ lực quên cả mệt mỏi, khoảng sáng ngày diễn ra tang lễ, hệ thống mới dựng xong và bắt đầu cấu hình dịch vụ. “Lúc đó mọi người trong nhóm cũng rã rời nhưng ý nghĩa của sự kiện quá lớn khiến ai cũng phải cố gắng”.

IMG-5490-JPG-3502-1442822579.jpg

Trước đó, Trung có tên trong danh sách học viên lớp Kiến trúc sư hệ thống do Ban công nghệ FPT và Trường đào tạo cán bộ (FCU) tổ chức. Tuy nhiên, sau khi được công nhận là chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn, cậu được mời chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai FPT Play cho các đồng nghiệp của lớp. Ảnh: Như Ngọc.

Ngày 4/10/2013, độc giả khắp mọi miền đất nước đổ dồn lên hệ thống để xem truyền hình, số người lên tới 48.000 CCU (concurrent users - lượng người truy cập trong cùng một thời điểm) - con số kỷ lục. FPT Play đã tạo ra bầu không khí sôi động, mới mẻ cho thị trường truyền hình OTT tại Việt Nam. Hiện, ứng dụng đã có khoảng 6 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, cả trên di động, web và SmartTV. Số lượt cài đặt trên các nền tảng vượt mốc 2,5 triệu. FPT Play đang tham gia vào thị trường được hãng Digital TV Research dự báo đạt 51,1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

“Cảm giác rất vui. Việc được công nhận là chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn sẽ giúp ích cho bản thân rất nhiều trong quá trình làm việc”, chuyên gia trẻ bẽn lẽn cười khi được hỏi cảm xúc lúc nhận tin vui.

Hiện Trung là quản lý kỹ thuật của một số dự án trong Ban Dự án của FPT Telecom. Nhóm có 14 người chỉ duy nhất Trung chưa bước chân vào giảng đường đại học. “Bí quyết của tôi là tập trung vào các giá trị thực tế trong công việc chứ không chú trọng học vấn”, Trung chia sẻ và tiết lộ bí quyết lớn nhất là tự học, kể cả tiếng Anh và sự tự tin vào bản thân.

“Điều tâm đắc nhất của em từ khi làm ở FPT là gì”, một thành viên trong Hội đồng phỏng vấn số 3 đặt câu hỏi. “Em vẫn chưa có điều tâm đắc nhất. Mong muốn của em ở FPT Telecom vẫn chưa đạt được nên việc tâm đắc phải chờ đợi tiếp”, Trung đáp và cho biết ước mơ lớn nhất là hiểu biết chuyên sâu về công nghệ, phát triển dự án cấp toàn cầu.

>> CEO Facebook lần đầu 'khoe' văn phòng làm việc

Trong danh sách 32 chuyên gia được xếp hạng cán bộ công nghệ cấp tập đoàn năm 2015, FPT Software có 14 chuyên gia, trong đó có 2 chuyên gia người nước ngoài đang làm việc tại FPT Slovakia; FPT Telecom là đơn vị có số lượng chuyên gia được xếp hạng đông thứ hai với 8 người; 5 chuyên gia đến từ FPT IS; 2 chuyên gia thuộc FPT HO; FPT Online, Sendo và ANTS mỗi đơn vị có 1 chuyên gia được xếp hạng.

Trong đợt này, FPT cũng thực hiện nâng hạng cho 9 cán bộ công nghệ cấp tập đoàn. Theo đó, tính đến nay, FPT có 4 chuyên gia cấp 5, 18 chuyên gia cấp 4 và 91 chuyên gia cấp 3.

Năm 2015 là năm thứ ba FPT thực hiện đánh giá, xếp hạng cán bộ công nghệ cấp Tập đoàn, với 9 tiêu chí gồm: học vấn (bằng cấp, chứng chỉ công nghệ); ngoại ngữ; kinh nghiệm làm về công nghệ; kinh nghiệm làm với chức danh công nghệ; mức độ quan trọng đối với tổ chức; doanh số ảnh hưởng; mức độ ảnh hưởng với các cán bộ công nghệ khác; hiểu biết về ngành CNTT và khả năng làm việc với các khách hàng, đối tác.

Theo Quy định chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ công nghệ cấp tập đoàn được Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc ký ban hành đầu tháng 7/2014, cùng với việc được tôn vinh và tham gia những hoạt động công nghệ chung của FPT, các cán bộ công nghệ cấp tập đoàn còn được hưởng chính sách đãi ngộ dành riêng với mức thu nhập tối thiểu là 500 triệu đồng/năm. Mức thu nhập tối thiểu hằng năm của cán bộ công nghệ cấp tập đoàn sẽ tăng dần theo cấp họ được xếp hạng.

Trước đó, trong các năm 2013 và 2014, Hội đồng công nghệ FPT đã lần lượt xếp hạng, vinh danh 54 và 27 cán bộ công nghệ cấp tập đoàn.

Nguyên Văn

Ý kiến

()