Đúng như chủ đề hội diễn, “Chung một dòng sông” thực sự đã đưa người FPT từ khắp mọi miền và trên thế giới về sát bên nhau, mừng tuổi 32 với nhiều ước vọng mới. Vở nhạc kịch tối 13/9 thu hút hơn 1.000 lượt theo dõi cùng thời điểm trên nền tảng FPT Workplace cùng trên 9.000 lượt xem trực tiếp qua FPT Play và Truyền hình FPT.
Dịch Covid-19 đã không thể ngăn FPT thêm một lần bừng sáng trong khó khăn. Kho nhạc STCo được bổ sung nhiều ca khúc mới đặc sắc. Hình tượng con sông FPT với Thượng lưu và Hạ lưu hòa dòng chảy lại một lần nữa được tôn vinh trong “siêu phẩm” STCo chưa từng có trên sân khấu nhà F. “Không thể ngờ được anh em đã cùng làm được ra một vở diễn đẹp như vậy”, “Sử gia” Lê Đình Lộc cảm thán.
Dàn diễn viên Thượng lưu - các lãnh đạo cấp cao nhất của nhà F. |
Sau tiết mục mở màn sôi động “Come together” với giọng hát Thái Sơn và Bối Vy, mọi ánh mắt đổ dồn vào MC Hoàng Quân bước ra giới thiệu tâm điểm của đêm diễn: nhạc kịch “Chung một dòng sông”. Đó câu chuyện về hành trình thấu hiểu nhau của người FPT trên hai đầu con sông - Thượng lưu và Hạ lưu. Vào vai Thượng lưu chính là dàn lãnh đạo cấp cao, còn vai Hạ lưu do cán bộ nhân viên nhà F đảm nhiệm.
Lời bình súc tích mà thâm thúy, giàu hình ảnh do “Sử gia” Lê Đình Lộc soạn dẫn dắt người xem đến với hình tượng dòng sông FPT với từng khúc quanh, từng giai đoan lịch sử. “Ý tưởng đến với cả tôi, Đinh Tiến Dũng và Trương Quý Hải cùng lúc”, anh Lộc cho biết. “Đầu tiên chưa biết ví FPT với hình tượng nào, tôi bèn đưa ra chủ đề "Chung một dòng sông", thế là giải thoát cho cả ba người. Từ dòng sông đó, kịch bản cứ thế "chảy" ra trơn tru”.
Thiết kế sân khấu được Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT Đinh Tiến Dũng định hình ngay từ khi mới xong kịch bản, chia làm hai nửa tượng trưng cho hai khu vực của dòng sông, ở giữa là hình ảnh con đập "Chuyển 10” đầy ẩn ý. Trên sân khấu đặc biệt đó, lần lượt 9 bài hát STCo vang lên, tặng cho khán giả nhiều cảm xúc, bất ngờ.
“Từ muôn nơi, bao anh em về với sông này/Tài cũng lắm, tật cũng lắm, sống vui bên nhau”, bài hát “Chung một dòng sông” hài hước tóm lược về dòng sông FPT từ ngày đầu yên vui cho tới khi mối nguy Covid xuất hiện. Ca khúc được thể hiện trên giai điệu quen thuộc của “Red river valley”, hay được biết đến ở Việt Nam dưới cái tên “Tuýp sông Hồng”.
Ngạc nhiên lớn đầu tiên do chính Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mang tới. Trên nền bản nhạc Nga “sở trường” là “Đôi bờ”, anh Bình lên bổng xuống trầm, tự hát những tâm tư, gửi gắm niềm tin vào “cánh tay phải” - CEO FPT Nguyễn Văn Khoa.
CEO FPT Nguyễn Văn Khoa đã có tiết mục rất ấn tượng với sự đồng hành của Thái Sơn Beatbox. |
Không để người xem ngóng đợi lâu, ngay sau bài nhạc du dương đậm chất tự sự của anh Bình, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa trẻ trung xuất hiện, xây đập Chuyển 10 với giai điệu “Anh thanh niên”, phô diễn giọng hát lẫn vũ đạo khiến tất cả phải nhún nhảy theo.
Được truyền lửa từ anh Khoa, người FPT “toàn dân chống dịch”, chuyển từ thời bình sang thời chiến với phần nhạc hào hùng của “Thời thanh niên sôi nổi”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải góp giọng cùng tốp ca, đem đến một tiết mục máu lửa.
Tiếp nối đàn anh, vẫn phong cách tếu táo, hóm hỉnh thường thấy, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng mượn giai điệu “Ob la di ob la da” để thắc mắc với Thượng lưu “Sao chưa thấy nước?” và dọa vùng lên phá đi con đập ngăn hai lưu vực.
Người Hạ lưu đã hát lên tâm tư thì tất nhiên giới Thượng lưu sẽ phản biện. “Đừng suy đoán lung tung, chờ trông cứ trông/Còn vị trí không được nhầm”, những lời răn đe nhẹ nhàng mà đanh thép theo nhịp điệu “Que sera sera” được gửi tới Hạ lưu qua giọng hát của hai ca sĩ nhà F là Trang Phùng và Vân Hải.
Nhưng cỏ vẫn úa, đất vẫn khô cằn, Hạ lưu không thể chờ đợi mãi. Những mối nghi ngờ ngày một dâng cao khiến người Hạ Lưu quyết định phá đập để nước tràn về cứu hạn. “Cùng nhau ta phá đập” vang lên trên nền nhạc “Bella Ciao” dồn dập hào sảng như tinh thần chống phát xít của người dân Italy thuở nào.
Phá đập xong, người Hạ lưu ngỡ ngàng nhận ra bên Thượng lưu cũng chung cảnh ngộ. Hai phía nghẹn ngào trao gửi những nghĩ suy qua ca khúc “Chung một nỗi lòng”, được viết lời mới từ bài ca “Triệu triệu đóa hồng”, do Chủ tịch Trương Gia Bình và ca sĩ đến từ nhà Viễn thông - chị Hương Giang thể hiện.
Vở nhạc kịch khép lại với cái kết không thể trọn vẹn hơn: Thượng lưu, Hạ lưu cùng tràn vào, hòa quyện trong “Dòng sông FPT”, nhạc điệu mượn từ bài hát kinh điển “Rivers of Babylon”. Mỗi chữ "FPT" vang lên với rất nhiều xúc cảm và tự hào.
Khi ca khúc truyền thống “FPT - Dòng sông lời thề” cất tiếng, bánh sinh nhật FPT được mang ra, những ly rượu vang sóng sánh trong vui mừng, những người thực hiện chương trình biết đã hoàn thành nhiệm vụ còn hơn mong đợi. “Tôi đã làm với tất cả sự quyết liệt của mình, với toàn bộ ý chí của mình, nhưng vẫn sẵn sàng cho trường hợp hội diễn không thành công, bởi đây là mô hình online hoàn toàn mới. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình thôi”, anh Đinh Tiến Dũng tâm sự. “Tuy nhiên rất may, cảm nhận được không khí của mọi người thì có vẻ hội diễn thành công rồi”.
Sinh nhật online đầu tiên trong 32 năm lịch sử của FPT đã kết thúc một cách đáng nhớ. |
Sau phần nhạc kịch giàu cảm xúc, chương trình tối 13/9 điểm lại nhiều hoạt động đồng hành online mà người nhà F hưởng ứng mạnh mẽ suốt hơn một tháng hướng tới sinh nhật tập đoàn. Bức tranh mosaic được tạo từ 36.000 điểm ảnh được lật mở với mỗi điểm ảnh, mỗi mảnh ghép là một con người FPT.
Chủ nhân của những giải thưởng danh giá trong cuộc thi MV STCo chủ đề “Dịch - Dịch chuyển trong mùa dịch” cũng đã được tìm ra. Synnex FPT thắng lớn với không chỉ giải Vàng mà còn “càn quét” rất nhiều hạng mục chính khác như: Nội dung xuất sắc, Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc. Không có sân khấu biểu diễn nghệ thuật như mọi năm, nhưng các đơn vị vẫn cố gắng hết sức, sáng tạo, sản xuất ra các tác phẩm đặc sắc, đậm dấu ấn FPT.
Mọi thử thách xuất hiện là để vượt qua và chứng kiến người F vươn lên mạnh mẽ. Mang tên gọi trùng với tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, hội diễn “Chung một dòng sông” đã truyền tải đúng tinh thần FPT “tràn trề khí thế”, như một lời khẳng định chắc nịch cho sứ mệnh 32 năm mở lối tiên phong của tập đoàn.
Hoa Hạ
Ảnh: Trần Huấn
Ý kiến
()