Chúng ta

Quỹ Hy vọng - 5 năm hành trình và những câu chuyện

Thứ bảy, 17/12/2022 | 00:00 GMT+7

Cô giáo từ bản vùng sâu, lão nông từ vùng sông nước và cô bé mắc ung thư đã kể mối duyên của mình với Quỹ Hy vọng (do FPT và VnExpress vận hành), tại lễ kỷ niệm 5 năm, tối 16/12.

Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông, cô Mùa Thị Xua, 29 tuổi, cho biết hơn 300 cây số từ huyện Sông Mã, Sơn La, xuống Hà Nội dự lễ kỷ niệm đôi khi còn nhanh hơn cả những lần vượt 25 km tới điểm trường Huổi Lếch, xã Đứa Mòn, nơi cô đang công tác.

"Quãng đường đi dạy 25 km, chạy xe khoảng một tiếng vào ngày nắng, còn ngày mưa thì phải đi bộ. Điểm trường không có cầu qua suối. Mùa lũ buộc phải lựa chọn dừng lại hoặc đi qua. Vì quá yêu nghề chúng tôi đã vượt lên những trở ngại để đến với các con", cô Xua chia sẻ.

9 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó 4 năm ở điểm trường mầm non Huổi Lếch, cô Xua chứng kiến các em chỉ có vài manh áo mỏng, không dép không tất, ngồi trong căn lớp bằng ván gỗ bốn bề thông thốc, gió lùa giá buốt. Trường lớp tạm bợ là một trong những lý do khiến trò không muốn đến trường.

Bao lần cô Xua băng rừng lội suối đến từng gia đình động viên cho con em đi học, cũng gần như bấy nhiêu lần cô bị xua đuổi. "Cô giáo không có việc gì làm hay sao mà đến làm phiền con tôi, một phụ huynh nói khi tôi đến nhà động viên cho con đi học. Cứ nghĩ đến tôi lại buồn", cô kể.

-4328-1671413025.png

Cô giáo Mùa Thị Xua chia sẻ niềm vui, sự háo hức của trẻ nhỏ khi được học tại trường mới, trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập quỹ Hy vọng tối 16/12. Ảnh: Phạm Chiểu

Tháng 10/2021, trường mầm non của cô Xua được khánh thành với sự đầu tư của Quỹ Hy vọng, có 5 phòng học, nhà công vụ và các công trình phụ trợ khác. Huổi Lếch là một trong 100 điểm trường tại miền núi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt được dự án Ánh sáng học đường của Quỹ xây mới, sửa chữa.

Kể từ đó, các con không chỉ được học, còn được chơi. Các con thích được tới trường, phụ huynh cũng tin tưởng giao con em cho thầy cô dạy chữ. "Riêng với tôi đây là điều bất ngờ. Tôi chưa từng nghĩ nơi công tác của mình lại to lớn và đẹp nhường vậy", cô Xua nói.

Đến từ thành phố Cần Thơ, ông Đỗ Văn Thư, 68 tuổi, cho biết quê hương mình bao đời nay gắn với những cây cầu bằng gỗ, tre, nứa, cầu bê tông xuống cấp. Nhiều trẻ em tới trường, nhiều người dân chở nông sản đã bị ngã xuống sông. Nhưng đó là chuyện của những năm trước. "Khi Hope mang cây cầu số 57 tới chỗ tôi, cuộc sống đã thay đổi", ông Thư chia sẻ.

Cầu số 57 nằm trong hơn 250 cây cầu được Quỹ Hy vọng xây ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hướng đến mục tiêu dài hạn, giống như tên của chương trình - Nâng bước em đến trường. Những cây cầu không chỉ giúp con đường học chữ của trẻ em dễ dàng hơn, bộ mặt nông thôn trở nên khang trang. Xe bốn bánh vào tận nhà chở nông sản đưa đi khắp nơi tiêu thụ.

Ngay từ khi thành lập, Quỹ Hy vọng đã xác định đối tượng thụ hưởng là trẻ em. Ngoài hai dự án tập trung vào cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để bớt đi phần nào khó khăn trên con đường tìm con chữ, chương trình Mặt trời hy vọng của Quỹ còn trở thành người bạn gần gũi của các gia đình, bệnh nhi ung thư và bệnh hiểm nghèo khác. Hơn hai năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ được kinh phí điều trị cho hàng nghìn trẻ em.

-6028-1671413025.png

Ngọc Mai và mẹ chia sẻ hành trình chiến đấu với bệnh tật trong sinh nhật Quỹ, tối 16/12. Ảnh: Phạm Chiểu

Đến dự sinh nhật Quỹ, cô bé Ngọc Mai, học sinh lớp 9, trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, cho biết điều em vui nhất là được tham dự cuộc thi vẽ tranh Vì một Việt Nam tất thắng, hoạt động của chương trình Mặt trời hy vọng năm 2021. Nhờ đó em được gặp các bạn cùng hoàn cảnh, được vào Phủ chủ tịch gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bức tranh của em còn được giải 3 toàn quốc.

"Đó là kỷ niệm rất vui và có ý nghĩa với con", Ngọc Mai chia sẻ. Mai đã vẽ một cô bé bị ung thư, có đôi cánh trắng và vòng trên đầu. Qua đó em muốn thể hiện mỗi người sinh ra là một thiên thần, dù là những người đã và đang phải đối mặt với bệnh tật, cũng sẽ cố gắng vượt qua.

Ngọc Mai đã có 9 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư Sarcoma cơ vân nang, thể ác tính, từng trải qua 9 ca phẫu thuật, 31 mũi xạ, 26 lần truyền hóa chất, có những lúc tưởng như đã hết phác đồ.

Ông Minh Nhân, người đã mang chương trình tới Quỹ Hy vọng cho biết, trên cả mục tiêu mỗi năm phải hỗ trợ hỗ trợ 500 đến 1.000 bé, điều chương trình muốn làm nhất là giúp các em được tỏa sáng.

Ngọc Mai đã có kỷ niệm đẹp và tỏa sáng theo cách của riêng em. Nhiều bệnh nhi khác đã qua đời, nhưng các em không mất đi mà vẫn gửi gắm những thông điệp về một thế giới hòa bình, thiên nhiên trong lành, không bệnh tật... khiến người lớn cũng nhận được bài học cho mình.

"Bà ngoại của một bệnh nhi quê Thanh Hóa kể với tôi rằng đêm trước khi cháu qua đời, cháu nói không muốn vào chùa, mà ước muốn được bay mọi nơi, hòa mình vào thế giới. Đó là ước mong của mọi đứa trẻ", ông Minh Nhân chia sẻ.

Vì thế ông hy vọng trên hành trình làm từ thiện đừng chỉ lúc nào cũng quan tâm bao nhiêu tiền, giúp được bao nhiêu người, mà hãy giúp các em được tỏa sáng, hãy giúp ước mơ của các em được lan tỏa và thành hiện thực.

Không mang đến buổi lễ sinh nhật câu chuyện về đứa trẻ, chị Thanh Lam, phóng viên của báo VnExpress, người được xem là cầu nối đưa những đứa trẻ và thầy cô khắp các vùng Đông Bắc, Tây Bắc đến với độc giả, kể câu chuyện về một người phụ nữ Mông, 27 tuổi ở xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Người phụ nữ ấy sống trong gia đình có bố nghiện thuốc phiện, chỉ hai người con trai trong 8 anh chị em được đến trường, khiến cô luôn tò mò về những thứ được viết trong sách vở. Một lần cô đang giở cuốn vở của em, người cha thình lình xuất hiện, dùng chính ống điếu hút thuốc phiện đập liên tiếp lên người cô. Khát khao đi học của cô dập tắt luôn sau trận đòn ấy.

Và đến giờ, mối quan tâm của cô không còn sách vở mà là người chồng nghiện thuốc phiện và bốn đứa con. "Cô ấy đã nhờ em trai, một trong hai người biết tiếng Kinh trong nhà, kể với tôi câu chuyện đời mình. Tôi xót xa vì ngay đến nỗi đau của mình, ngay cả điều mình muốn nói, cô ấy cũng phải nhờ người khác"...

-8121-1671413025.png

Ông Minh Nhân, ông Hoàng Quốc Quyền và nhà báo Thanh Lam (từ phải sang trái) chia sẻ hành trình 5 năm gắn bó với Quỹ Hy Vọng. Ảnh: Tùng Đinh

Không chỉ xây trường, làm cầu hay hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trong chặng đường 5 năm của Quỹ Hy vọng không thể thiếu mảnh ghép về Trường Hy vọng (Hope School), nơi nuôi dưỡng, đào tạo hơn 200 trẻ mồ côi vì Covid-19.

Hầu như những ý tưởng mang tầm kiến tạo lúc mới hình thành đều gây ra phản ứng trái chiều. Thời điểm Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tuyên bố sẽ mở trường nuôi trẻ, cộng đồng trong nước đã dậy sóng.

Ba tiếng sau khi đọc bài báo về việc FPT xây trường nuôi dạy 1.000 em nhỏ mồ côi do Covid-19, anh Hoàng Quốc Quyền, khi đó đang quản lý một công ty, quyết định liên hệ với nhân sự của tập đoàn FPT, mong có thể góp sức mình cho ngôi trường.

"Thời điểm đó tôi thật sự băn khoăn vì biết đây không phải chuyện dễ dàng. Nhưng vì muốn làm một điều gì đó cho các con, tôi chấp nhận từ bỏ mọi công việc đang làm để theo đuổi lý tưởng sống mới", anh Quyền nói.

Hơn 20 năm từ ngày ra trường, anh Quyền chưa từng trải qua phỏng vấn tuyển dụng, bởi luôn được các tập đoàn lớn săn đón. Nhưng để trở thành "ông bố đông con nhất nhì Việt Nam", đây là lần đầu tiên anh kiên nhẫn trải qua 7 vòng phỏng vấn ở nhiều cấp trong suốt một tháng, trước khi được gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

"Tôi muốn được cống hiến và làm một điều gì đó cho lũ trẻ. Tôi muốn đi đến tận cùng của những điều tử tế", anh bày tỏ.

Tại buổi phỏng vấn, anh Quyền và Chủ tịch Trương Gia Bình trao đổi về cách nuôi một đứa trẻ thế nào, làm sao để hiểu được tâm lý ẩm ương của chúng và cách giáo dục giới tính cho chúng... "Nuôi dưỡng và giáo dục một hay 1.000 đứa trẻ đều không khác, bởi cách yêu thương giống nhau, chỉ là có đủ kiên nhẫn và muốn theo đuổi mục tiêu đến tận cùng hay không", anh trải lòng. Sau nhiều nỗ lực, năm 2022, Trường Hy vọng (Hope School) ra đời và Quỹ Hy vọng là một thành viên sáng lập.

Đến dự buổi lễ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chúc mừng Quỹ Hy vọng, đánh giá cao các hoạt động của Quỹ, đồng thời bày tỏ sự trân trọng trước nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp đã đồng hành cùng chung tay tạo nên sự lớn mạnh của Quỹ. "Thời gian tới tôi mong muốn và tin tưởng Quỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu, sứ mệnh cao cả của mình", ông Đạt nói.

Trong lễ kỷ niệm, Quỹ Hy vọng đã được đón nhận bằng khen từ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Chị Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hy vọng, bày tỏ sự cảm ơn với các lãnh đạo, các khách mời và nhà đồng hành. "Thực ra hành trình của chúng tôi là hành trình của những câu chuyện. Chúng tôi đang viết câu chuyện của một quỹ từ thiện mong muốn những điều tốt lành nhất cho đất nước. Chúng tôi đang viết câu chuyện bằng những nụ cười, tiếng khóc; câu chuyện của những thầy cô vùng sâu; câu chuyện của bác nông nhân, và gần nhất là câu chuyện của những đứa trẻ mồ côi. Chúng tôi đi cùng những câu chuyện đó để xây nên câu chuyện của mình. Và đây mới chỉ là 5 năm đầu tiên".

Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) là Quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, phi lợi nhuận, được thành lập bởi Báo VnExpress và FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Điểm nhấn trong mọi hoạt động của Quỹ là trẻ em, nhất là nhóm trẻ ở vùng sâu, vùng xa, trẻ yếu thế.

Phan Dương - Quỳnh Nguyễn

Ý kiến

()