Dự án thiện nguyện "Gieo chữ nơi rẻo cao" do CLB Tiếng Anh FEC trường THPT FPT Hà Nội kết hợp tổ chức cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với mong muốn giúp các em học sinh vùng cao tiếp cận, mở mang và trau dồi khả năng ngoại ngữ. Dự án đã được triển khai trên 3 xã của huyện Mèo Vạc và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ các em nhỏ và phụ huynh.
Bắt đầu khởi động từ 20/11/2022, CLB Tiếng Anh FEC đã được sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo tổ Tiếng Anh (THPT FPT Hà Nội) để xây dựng giáo án, cố vấn kiến thức chuyên môn sư phạm. Đến nay "Gieo chữ nơi rẻo cao" đã và đang được áp dụng tại các lớp 5 của 3 xã Tát Ngà, Nậm Ban, Niêm sơn trực thuộc Huyện Mèo Vạc với tổng số học sinh hiện tại là 100 em.
Hình ảnh học sinh vui vẻ tham gia lớp học trực tuyến. |
Chia sẻ về lý do triển khai dự án, em Bùi Quang Tùng - Chủ tịch CLB Tiếng Anh FEC cho biết: "Mèo Vạc là một huyện vùng cao núi đá khó khăn của tỉnh Hà Giang, hầu hết các bạn học sinh tiểu học trên địa bàn huyện đều không có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh, đánh mất đi cơ hội để hội nhập và phát triển. Là một người con của mảnh đất Mèo Vạc, em biết ơn vì bản thân may mắn được tiếp xúc và rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ từ rất sớm, được học tập trong trường THPT FPT - nơi chú trọng phát triển khả năng ngoại ngữ cũng là lúc em nhận ra trách nhiệm cần phải chia sẻ, lan tỏa những kiến thức tiếng Anh, giúp đỡ các bạn trẻ mảnh đất quê hương. Chính vì thế, ngay khi trở lại trường THPT FPT Hà Nội, em đã cùng các bạn trong CLB Tiếng Anh FEC hun đúc ý tưởng và lên kế hoạch triển khai dự án".
Câu lạc bộ Tiếng Anh FEC rất tích cực với các hoạt động phong trào tại Trường THPT FPT Hà Nội. |
Lần đầu tiên đứng lớp với vai trò "giáo viên", đặc biệt là giáo viên dạy ngoại ngữ của những em nhỏ vùng cao người dân tộc thiểu số, còn gặp khó khăn khi sử dụng tiếng phổ thông, các thành viên dự án đã không tránh khỏi bỡ ngỡ và gặp những khó khăn nhất định. Trước khi triển khai dự án, nhóm đã nghiên cứu rất kỹ đối tượng người học, nhận thấy có khoảng 30% các em nhỏ chưa hiểu hết được tiếng phổ thông, các thành viên đã tìm hiểu và học tiếng Mông để giải thích các từ ngữ tiếng Anh sang tiếng dân tộc hay gắn liền chúng vào các hoạt động, văn hóa của người dân tộc nhằm giúp cho các em nhỏ dễ hiểu và nhớ lâu hơn.
Bảo Anh - thành viên dự án, phụ trách Trường tiểu học Xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc - chia sẻ: "Ban đầu em khá lo lắng không biết làm cách nào để truyền tải kiến thức một cách dễ dàng nhất cho các em nhỏ dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng em đã trao đổi, thảo luận rất nhiều và với sự giúp đỡ từ thầy cô, cả nhóm cuối cùng cũng có thể triển khai dự án. Một trong những điều mình cảm thấy ý nghĩa nhất, là việc các bạn nhỏ sau một vài buổi học đã mạnh dạn và tự tin hơn, có thể giao tiếp cùng em một số câu nói đơn giản bằng tiếng Anh".
Dù phải cân đối giữa thời gian học tập chính khoá, thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa trên trường nhưng các thành viên của dự án đã cố gắng dành thời gian buổi tối của mình cho những em nhỏ, luôn luôn tràn đầy năng lượng và dành hết tâm huyết cho vào mỗi buổi dạy. Đáp lại những nỗ lực đó, các em học sinh vùng cao đã tích cực tiếp nhận, ngày một thay đổi và nhận được sự ghi nhận từ phụ huynh.
Các bài giảng được biên soạn với sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo Tổ Tiếng Anh (THPT FPT Hà Nội). |
"Sau 2 tuần con được học tiếng Anh lớp học trực tuyến vào buổi tối tại trường, tôi thấy con tôi rất thích thú với lớp học và có nhiều tiến bộ để khi lên học lớp 6 con không còn bỡ ngỡ với môn học Tiếng Anh tại trường THCS" - phụ huynh em Hoàng Duy Khải, lớp 5 trường PTDTBT TH Nậm Ban, cảm kích.
Cô Trần Thị Thu - Phó Hiệu Trưởng trường PTDT Bán trú Tiểu học Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang gửi lời cảm ơn đến dự án: "Các bạn học sinh THPT FPT Hà Nội có phong thái rất tự tin, mang đến những tiết học vừa bổ ích, vừa lôi cuốn, thú vị. Chính vì thế các em học sinh trong trường rất hào hứng mỗi khi chuẩn bị đến tiết học, nhiều phụ huynh còn chủ động cho con đến lớp từ rất sớm để tham gia tiết học".
Dự kiến đến hết tháng 1 năm 2023, CLB FEC trường THPT FPT Hà Nội sẽ mở thêm 3 - 5 lớp học tiếng Anh tại các ngôi trường tiểu học khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc, nâng tổng số trẻ em được học tiếng Anh lên 300 bạn. Ngoài ra, CLB sẽ nỗ lực kêu gọi tài trợ để có thể trang bị cho các bạn nhỏ miền rẻo cao những học liệu cần thiết như sách giáo khoa, flashcard để có những giờ học thú vị, hiệu quả hơn, kiến tạo những giá trị tích cực cho cộng đồng.
S.T
Ý kiến
()