"Anh hai nghỉ rồi mốt làm gì?", cô bé Lưu Gia Nghi (14 tuổi) hỏi, sau khi nhận ra anh trai mình đã bỏ học ba ngày. "Nghi ham học, Nghi đi trước, anh hai đi làm kiếm tiền nuôi. Chờ Nghi học xong thì anh hai đi học tiếp", Nghị tiếp lời.
Cuộc trò chuyện của hai đứa trẻ mồ côi trong căn nhà cuối hẻm ở Sài Gòn chỉ có hai câu đối đáp. Cô bé Nghi không nói gì thêm, chỉ khóc vì hiểu rằng không có tiền đồng nghĩa một đứa phải nghỉ hoặc cả hai anh em thất học.
Lưu Hữu Nghị, ngày mới ra Đà Nẵng (tháng 8/2022) kể về những biến cố gia đình gần một năm sau đợt dịch thứ tư. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tháng 10/2021, TP HCM bắt đầu gỡ phong tỏa sau gần bốn tháng thực hiện hàng loạt chỉ thị phòng chống dịch. Năm học mới bắt đầu bằng bài giảng online, thầy trò vẫn nhìn nhau qua màn hình máy tính. Mười ba ngày sau khi mẹ qua đời vì Covid, Lưu Hữu Nghị quyết định ôm chồng sách cất vô tủ, khóa trái rồi bỏ học.
Hơn 23.000 cuộc đời mất đi, hơn 2.000 trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ sau đợt dịch, theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tới tháng 10/2021. Trong đó có anh em Lưu Hữu Nghị, Lưu Gia Nghi.
Người cha qua đời từ bốn năm trước sau cơn nhồi máu cơ tim. Căn nhà không số cuối hẻm ở ấp 7, xã Đông Thành, huyện Hóc Môn, tổ ấm của bốn người giờ còn hai đứa trẻ mồ côi nương tựa nhau. Ngày tiễn đưa cha và ngày nhận hũ tro cốt mẹ, Nghị đều không dám khóc. Lần đầu để làm chỗ dựa cho mẹ, lần sau thành nơi bấu víu cho em.
Bộ đồng phục học sinh thay bằng đồng phục nhân viên quán trà sữa, nhà sách, nhà hàng, mỗi ngày của Nghị bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc 22h sau ca học tiếng Anh ban đêm. Món tiền 4 triệu đồng kiếm được mỗi tháng phân chia rất rõ ràng: một triệu tiền học cho em gái, 2 triệu ăn uống và một triệu chi trả điện nước. Khoản tiền hỗ trợ trẻ mồ côi từ các đoàn thể, hai anh em gửi sổ tiết kiệm lo việc lớn sau này.
"Cứ làm miết rồi quen, em chưa bao giờ thấy mệt. Mệt sẽ không có ai lo cho em gái", Nghị mân mê những ngón tay chai sần, nhớ mình chưa một ngày nghỉ ngơi từ khi mẹ mất.
Nghị cùng các học sinh trường Hy Vọng được cắt tóc miễn phí trước ngày khai giảng năm học. Ảnh: Nguyễn Đông |
Cách nơi hai anh em ở gần 2.000 cây số về phía bắc, ý tưởng một ngôi trường mang tên Hy Vọng ra đời: nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ vì dịch cho đến khi khôn lớn. Chọn khai sinh ngôi trường không giống bất kỳ trường học nào trên đất nước, trong thời điểm mà xã hội đang chịu nhiều mất mát, sợ hãi lẫn hoài nghi là một sự thách thức. Nhưng trong vô vàn cách giúp lũ trẻ, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT - người sáng lập trường Hy Vọng chọn cho chữ thay vì cho tiền, bởi niềm tin "có chữ lẫn nếp sống kỷ cương sẽ giúp những đứa trẻ thay đổi cuộc đời".
Nhận phụ trách dự án trường Hy Vọng - thầy Hoàng Quốc Quyền cùng các cộng sự trong vòng một năm đã tìm đến gần 3.000 nhà có trẻ mồ côi vì Covid-19 để thuyết phục người thân, gia đình trao các em cho nhà trường nuôi dạy.
Thầy Quyền tìm đến nhà Nghị vào một buổi chiều cuối đông 2021, khi cậu vừa tan ca ở tiệm trà sữa. Thầy kể với Nghị về ngôi trường và những bạn bè đồng cảnh với em. Có bạn sau hơn một năm vẫn nghĩ mẹ mình đang đi khám bệnh chưa về. Có bạn mất cả cha lẫn mẹ, về quê sống với ông bà. Có đôi bạn bị đại dịch chia lìa, đứa ở Bình Dương, đứa về Quảng Ngãi, biệt tin nhau rồi gặp lại nhau trong trường. Lũ trẻ chẳng dám nói to, chỉ lí nhí hỏi "Nhà mày ai mất?"...
Cuộc trò chuyện gần hai tiếng khi ấy chẳng khiến Hữu Nghị dám đặt trọn niềm tin vào người đàn ông mình gặp lần đầu. Dù cậu nhìn thấy rõ cơ hội đi học cho cả hai anh em và nhẹ gánh lo sinh hoạt phí. Người thân các em cũng không tin có ngôi trường nuôi ăn nuôi học miễn phí đến năm 18 tuổi, còn hỗ trợ việc làm trong tập đoàn. Nghị nhờ người quen và tự mình tìm hiểu thêm thông tin ngôi trường, rồi đồng ý gặp thầy Quyền nói chuyện thêm một lần nữa.
"Ra Đà Nẵng hay ở lại Sài Gòn? Rồi ai thờ cúng cha mẹ nếu đi?", những ý nghĩ luẩn quẩn khiến Nghị nhiều đêm mất ngủ. Nhưng rồi người bạn thân nhất động viên "Cơ hội chỉ đến một lần. Cứ đi đi, thành công rồi lại về Sài Gòn" và lời hứa "Nhang khói ba mẹ để dì lo" của dì Ba giúp Nghị quyết tâm đi học.
Sau lễ Vu Lan tháng 7, hai anh em cùng dì Ba mang tro cốt cha mẹ lên chùa nương nhờ cửa Phật. Lũ trẻ bàn nhau bán bớt đồ đạc rồi cho thuê lại căn nhà với giá 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Món tiền góp tiếp vào sổ tiết kiệm. Hai anh em chừa lại một gian phòng, đưa hết kỷ vật của ba mẹ vào trong rồi khóa cửa. Chiếc xe máy ba dành dụm mấy năm trước để chạy xe ôm, đưa anh em tới trường, Nghị giao cho người em họ đi lại.
Anh em Hữu Nghị, Gia Nghi cùng thầy Hoàng Quốc Quyền trong ngày khai giảng đầu tiên của trường Hy Vọng, cuối tháng 8/2022. Ảnh: Nguyễn Đông |
Đầu tháng 8, anh em Lưu Hữu Nghị, Lưu Gia Nghi cùng gần 200 bạn học nhập trường Hy Vọng ở Đà Nẵng. "Con vui khi gặp thầy, con đã đủ tin tưởng để ở lại đây", Nghị nói với thầy Quyền ngày hội ngộ.
Nghỉ giữa chừng từ năm ngoái, nên khi nhập trường cậu phải học lại từ lớp 10 và được xếp cùng lớp với em gái. Hai anh em vì thế có nhiều thời gian gặp gỡ, kèm nhau học bài. Khu nội trú xếp nam, nữ khác tầng và nhà ăn cũng riêng biệt, hai đứa trẻ thường trò chuyện lúc ra chăm vườn rau, lúc đoàn thiện nguyện đến cắt tóc miễn phí. Thi thoảng Nghi than nhớ nhà, Nghị lại động viên em "ráng học cho ngon, ba năm nữa anh hai đưa em về lại Sài Gòn".
Nghị được xếp ở cùng phòng với hai nam sinh khác. Chung cảnh ngộ nên lũ trẻ dễ dàng bảo ban nhau học bài, chia sớt buồn vui lẫn nỗi nhớ nhà. Tranh thủ buổi tối được dùng điện thoại 45 phút, cậu thường gọi điện về cho cậu, dì ở trong Nam, báo tin mình vẫn ổn, chỉ chưa quen lắm với đồ ăn miền Trung nhiều cay ít ngọt.
Trong ngày hội tới trường cuối tháng 8, Lưu Hữu Nghị đại diện hơn 200 học sinh lên sân khấu cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, những người đồng sáng lập trường Hy Vọng. Nghị không kể nhiều về hoàn cảnh vì biết bạn bè trong mái nhà chung đều có những khoảng trống lớn sau đại dịch.
Năm học mới bắt đầu khi Hữu Nghị đứng dưới sân khấu nhảy vũ điệu minh họa cho bài hát Nối vòng tay lớn. Phía trên, Gia Nghi cùng bạn học đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam hòa giọng "người chết nối linh thiêng vào đời. Và nụ cười nối trên môi".
Hồng Chiêu - Nguyễn Đông
Ý kiến
()