Chúng ta

Nữ Phó Giám đốc FPT Telecom 'hái quả ngọt' khi 'trót yêu' yoga

Thứ ba, 26/10/2021 | 08:57 GMT+7

Gần 6 năm theo đuổi bộ môn yoga, chị Cao Hoài Thương (FPT Telecom) không chỉ có một cơ thể dẻo dai, năng động với vóc dáng chuẩn mà hơn thế, yoga còn giúp chị cân bằng cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc hơn và luôn tỏa ra năng lượng tích cực với người xung quanh.

Kiên trì tập luyện để “hái quả ngọt”

Suốt mấy năm nay, chiếc đồng hồ báo thức vẫn đều đặn 5-6h “gọi” chị Cao Hoài Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Cước FPT Telecom, thức dậy. Dù lễ, tết… chị vẫn duy trì khung giờ cố định: giờ tập yoga và giờ làm việc. Theo chị, khi đã quyết định theo đuổi thì phải nghiêm khắc với bản thân để có kết quả tốt nhất.

Sau khi sinh đứa con thứ 2, chị Thương gặp vấn đề ở lưng, cứ ngồi lâu sẽ khiến lưng đau đến mức không đứng dậy được. Cộng thêm ngoại hình không còn “gọn” như trước khiến tâm lý chị nặng nề. Người mẹ 2 con quyết định đăng ký gói tập thể hình với bài tập như chạy bộ, đạp xe… Đều đặn, sau giờ làm việc chị sẽ đến trung tâm để “đốt calo”.

anh-2-1635213305-8574-1635213415.jpg

Chị Thương đã có 6 năm theo đuổi yoga. Các tư thế từ dễ đến khó đều lần lượt được chinh phục. Nữ Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Cước FPT Telecom thường chia sẻ cho bạn bè chiêm ngưỡng góc ban công quen thuộc.

“Sau 2-3 tháng, tôi chuyển sang thử thách với các lớp yoga và bén duyên với nó đến tận bây giờ. Thời gian đầu rất vất vả khi cơ thể vừa cứng, nhịp thở không đúng khiến tôi không cảm nhận được động tác và chuyển động của mình. Có lần, do không giữ được nhịp thở nên tôi ngã lăn trên sàn tập”, chị kể.

Từng bị chấn thương ở lưng giữa khi tập tư thế “lạc đà biến thể” khiến cơ thể đau nhói mỗi lần đứng lên hay ngồi xuống, đỉnh điểm là không thể cử động được khiến chị hoảng loạn gọi cầu cứu huấn luyện viên. Cách đây 3 tháng, chị bị giãn lưng đột ngột do quên khởi động mà nằm trên bóng lăn. Lần này, chị nằm bất động trên sàn.

“Với những chấn thương, tôi sẽ tập các bài tập trị liệu theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Thời gian đầu thực sự rất nản vì tập ở trung tâm, mọi người đều dẻo dai và chuyên nghiệp còn tôi thì cứ hay té, động tác không chuẩn… Vì ngại nên tôi chọn ngồi sau cùng nhưng để không phân tâm, tôi quyết định lên hàng đầu, chỉ chú tâm vào huấn luyện viên và cảm nhận cơ địa của mình”, chị nói.

Tập được 2 năm, chị Thương dần thấy những thay đổi của cơ thể như sự dẻo dai, sức bền, nhịp thở tốt hơn. Bị cuốn hút nhiều hơn với bộ môn này, chị quyết tâm chinh phục nó gần 6 năm nay với những động tác từ cơ bản đến nâng cao, biến thể.

Ngoài tập theo những bài hướng dẫn ở lớp, chị còn tập thêm với các video trên youtube. Mỗi buổi sáng, chị lại trải thảm ra sàn, khởi động và bắt tay vào tập. Những hôm đầu do chưa quen thức sớm, chị cứ tập nhưng mắt vẫn nhắm sầm. Còn hiện tại, chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể đã quen với lịch trình. Sáng sớm thức dậy để tập yoga rồi cùng chồng chăm lo 2 con ăn uống, đến trường. Sau đó, chị sẽ đến công ty để làm việc.

“Sáng thứ Hai đến thứ Sáu, chuông báo thức sẽ reo lúc 4h40 để 5h ngồi vào tập. Còn thứ Bảy và Chủ nhật sẽ trễ hơn một chút, 5h30 chuông reo và 6h sẽ khởi động. Đây là khung giờ cố định mà tôi đã duy trì suốt mấy năm. Ngoài ra, tôi còn dành 3-4 buổi tối trong tuần để luyện tập thêm”, chị chia sẻ.

“Luyện yoga” để chinh phục chính mình

Theo chị Thương, để theo đuổi yoga, đầu tiên phải hiểu và nắm chắc các động tác cơ bản như tư thế chữ V ngược, tấm ván… và động tác định tuyến để căn chỉnh cho phù hợp với chức năng, giới hạn của cơ thể, tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai mà không gây đau hay chấn thương.

“Tôi có cơ địa cứng, để tập được các động tác uốn cong phải tính bằng năm và trải qua nhiều khó khăn. Mất 2 năm để tôi dám thử thách với tư thế trồng cây chuối, khi thấy cơ thể đủ cứng, chắc, tôi mới dám thử sức với nó. May mắn cơ lõi của tôi khá chắc nên có lợi thế ở những động tác cần sức mạnh ở tay, chân”, chị nói.

Tư thế khó như con quạ, con bọ cạp, chim bồ câu… đều được chị chinh phục. Khi đã thuần thục, chị Thương lại biến thể và kết hợp để tạo ra những bài tập bổ trợ khác. Những ngày dịch, chị tự tập ở nhà là chủ yếu. Vì vậy, tất cả các bài tập đều được chị quay bằng điện thoại để tiện xem lại và so sánh với động tác của huấn luyện viên.

“Động tác nào chưa chuẩn tôi sẽ sửa lại, nghiền ngẫm để tập thêm nâng cao và biến thể. Cũng nhờ các video quay lại giúp tôi có những thước hình khá xinh đẹp làm kỷ niệm. Đăng tải lên mạng xã hội cũng là cách tôi lan tỏa niềm đam mê của mình với bạn bè, đồng nghiệp…”, chị nói.

anh-4-1-1635213286-3329-1635213415.jpg

Chị Thương và chồng - anh Nguyễn Hoàng Phương đều làm tại FPT.

Nhờ sự kiên trì, chăm chỉ theo đuổi yoga mỗi ngày, ngoài sức khỏe tốt hơn, cơ thể dẻo dai hơn, chị còn cảm nhận được sự sâu sắc trong suy nghĩ của mình. “Khi tập yoga, tôi cảm giác mình được giải phóng khỏi những áp lực công việc và cuộc sống. Cơ thể linh hoạt hơn và bản thân tôi cũng làm chủ cảm xúc và hiểu rõ chính mình hơn”, chị nói.

Người chồng trở thành hậu phương vững chắc khi thay chị chăm 2 con nhỏ trong khoảng thời gian đầu. Làm chung tại FPT, anh Nguyễn Hoàng Phương (FPT IS) thấu hiểu rõ khó khăn khi người vợ luôn tất bật xử lý công việc và về nhà khi đồng hồ đã hơn 20h. Vì thế, ngoài động viên và luôn ủng hộ vợ, anh Phương còn thay chị lo cho 2 đứa trẻ từ bữa cơm, giấc ngủ để chị có thêm thời gian theo đuổi đam mê của mình.

“Sao hôm nay em không tập, mệt trong người hay lười biếng vậy?” là câu mà anh Phương hay hỏi khi chưa thấy vợ mình tập luyện. Chỉ là câu hỏi vui nhưng đầy sự quan tâm của hậu phương khiến chị có thêm động lực để bắt tay vào “luyện yoga” ngay lập tức. Nếu vợ “trót yêu” yoga thì đi bộ, hít đất là môn thể thao ưa thích của anh Phương.

Mỗi ngày của chị sẽ bắt đầu thật sớm với yoga, gia đình rồi công việc. Nhưng theo chị, chỉ cần bản thân nghiêm túc duy trì tập luyện thì lợi ích sau này sẽ gấp đôi, gấp ba. “Đừng tập vì xu hướng “ai cũng tập” mà hãy tập để bản thân khỏe hơn, đẹp hơn. Chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng mới nghiêm khắc và chinh phục được chính mình”, chị Thương chia sẻ.

Thanh Dung

Ý kiến

()