“Hội nghị Hiệu trưởng 4.0 - Lãnh đạo Kỷ nguyên số” do Trường Đại học FPT tổ chức với sự tham dự hơn 300 thầy cô giáo là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đến từ 206 trường THPT trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên.
Chia sẻ tại hội nghị, anh Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nhìn nhận quan điểm “Giáo dục cần thay đổi nhưng phải rất thận trọng” trước sự chuyển mình như vũ bão của thời đại công nghệ số. Anh Tiến cũng chia sẻ về tầm quan trọng của giáo viên trong thời buổi hiện đại, phải trở thành người kết nối, người truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận chứ không chỉ dừng lại ở vai trò là một người dạy học.
Hơn 300 lãnh đạo các trường THPT đến với Hội nghị "Hiệu trưởng 4.0". Ảnh: ĐVCC |
Theo anh, vấn đề được đặt ra là giáo dục Việt Nam phải làm sao để theo kịp tốc độ “số hoá” của thế giới. Anh Tiến nhấn mạnh, Thế hệ Z (thế hệ sinh từ năm 1995 đến 2012) và cả những thế hệ sau này sẽ là những thế hệ thông minh và nhạy bén hơn rất nhiều so với thế hệ của các thầy cô.
“Với sự phát triển của Internet, nơi mà thông tin có thể được tra cứu chỉ qua vài cú “click chuột” thì việc tự học đối với con trẻ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ ngày nay có tư duy độc lập, khác biệt và dám phản biện. Tuy nhiên một hệ luỵ kéo theo đó là trẻ càng ngày càng mất kết nối với gia đình. Chính vì thế trách nhiệm của người giáo viên trong tương lai, sẽ không chỉ là “the teacher” – một người truyền đạt kiến thức mà phải là một “connector” – người kết nối", anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, sự chuyển dịch mô hình giáo dục từ mô hình đào tạo một chiều (thầy dạy và trò tiếp thu) sang mô hình 5 chiều là rất cần thiết. Với mô hình 5 chiều, các bạn học sinh phải học cách kết nối với gia đình, xã hội, nhà trường, các công cụ AI và kết nối với chính mình, tức tự học. Thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ học sinh phát triển bản thân với mô hình giáo dục mới.
Anh Tiến cũng đề cập rằng chính các thầy cô phải là người thay đổi, tái tư duy và bước ra khỏi vùng an toàn của mình nếu không muốn bị “thụt lùi” so với con trẻ. Có như thế mới có thể dẫn dắt được GenZ trong thời đại phát triển vũ bão của kỹ thuật số.
Anh Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: ĐVCC |
Tại đây, anh Lê Ngọc Tuấn - Giám đốc Trải nghiệm Công nghệ tổ chức Giáo dục FPT, cũng chia sẻ về tầm nhìn trong tương lai của việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thế hệ mới và là “chìa khoá" giúp gia tăng hiệu suất quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy và học, mở ra những cơ hội mới để học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo, nhanh chóng
Hội nghị đã mang đến những thông tin hữu ích cho các thầy cô là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng về các giải pháp có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao công tác quản lý tại trường THPT trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã có những chia sẻ thiết thực về xu hướng ngành nghề trong thời gian tới liên quan đến Công nghệ Thông tin và Trí tuệ Nhân tạo.
Thầy Lê Triều Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên Huế) cho hay, Chương trình mang đến nhiều thông tin rất thiết thực, đặc biệt là có thể áp dụng vào công tác chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý giáo dục. “Thông qua phần trình bày của các diễn giả, tôi có thể hiểu được cuộc cách mạng công nghệ - trí tuệ nhân tạo là xu hướng của thời đại mới và chính những người làm công tác đào tạo cũng cần phải thích nghi với điều đó”, thầy Sơn nói.
Tâm An
Ý kiến
()