Trạng nguyên FPT: ‘Tôi luôn đón nhận thách thức’
Từ cậu sinh viên chân ướt chân ráo, trong 9 năm, Lê Trung thăng tiến và lần lượt chinh phục loạt danh hiệu danh giá: FPT Under 35, Trạng nguyên FPT. Bí quyết là sẵn sàng đón nhận thử thách hay những đề bài khó từ lãnh đạo.
Chưa đến một thập kỷ gia nhập FPT, nhiệt huyết, sáng tạo của Lê Trung - cậu sinh viên năm 4 khoa Điện tử Viễn thông ngày nào - đã thuyết phục các lãnh đạo FPT điền tên anh vào danh hiệu Trạng nguyên FPT năm 2019 – niềm tự hào của FPT Telecom sau 11 năm chờ đợi.
Chủ động tiến về phía trước, rút ngắn khoảng cách với cơ hội
Lê Trung
Buổi sáng tháng 7 năm 2010, nắng Sài Gòn vàng ươm, oi bức. Tại quán trà đá vỉa hè số 68 Võ Văn Tần – nơi FPT Telecom đặt văn phòng - hai người đàn ông dáng cao ráo, hơi gầy ngồi nói chuyện thoả mái. Người đàn ông đối diện liên tục gật đầu hài lòng khi người trẻ hơn trình bày ý tưởng. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Vũ Anh Tú, GĐ Trung tâm Điều hành mạng (NOC, FPT Telecom) và cậu sinh viên năm cuối trường ĐH KHTN (ĐHQG TP HCM) Lê Trung cách đây 9 năm.
Lúc đó, Trung được giảng viên Ngô Đắc Thuần giới thiệu để thực tập tại FPT Telecom. Trong tưởng tượng, Trung không nghĩ là mình được nói chuyện trà đá vỉa hè với một vị giám đốc trung tâm lớn có tiếng của Viễn thông FPT mà sau này đi thực tập Trung mới biết. Là sinh viên năm cuối, Trung như con hổ mới lớn, muốn chứng minh tài năng cùng kiến thức của mình về điện tử viễn thông, mạng Internet qua nhiều câu chuyện và thành tích học tập. Mặc dù có cảm giác “anh chàng chém gió cũng giỏi” nhưng anh Tú vẫn gật đầu vì Trung toát lên vẻ thông minh, sôi nổi và hài hước. Nhìn Trung, anh Tú nhớ về hình ảnh của mình khi chân ướt chân ráo ra trường, tin vào sự nhiệt thành của cậu sinh viên. Từ khoảnh khắc đó, Trung bén duyên với FPT.
Là thực tập sinh, Trung thường đến văn phòng khi chưa ai đến và về nhà lúc không còn ai. Anh được giao tìm hiểu một số hệ thống mạng trong đơn vị và thế giới. Tinh thần ham học hỏi, không ngại việc và luôn chủ động nhận công việc khiến mọi người đều hài lòng. Thậm chí, anh Tú đã ngỏ ý để tạo điều kiện cho Trung thực tập toàn thời gian để cậu có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn.
Đây là một cơ hội tốt nhưng Trung vẫn có nhiều nỗi niềm băn khoăn. Không muốn để vuột mất, chàng sinh viên đã mạnh dạn đề nghị được học hỏi và nghiên cứu thêm một thời gian và sau khi ra trường sẽ quay lại xin việc. GĐ NOC chia tay Trung bằng một lời hứa.
Một năm sau, Trung tốt nghiệp, ra trường với thành tích thủ khoa bài luận nghiên cứu cuối khoá. Trong suốt 1 năm đó, hai người gần như không liên lạc gì với nhau. Nhưng một ngày tháng 7/2010, Trung nhắn tin với nội dung: “Em học xong rồi”. Giữ đúng lời hứa với cậu sinh viên, cuộc phỏng vấn lại diễn ra ở vỉa hè Võ Văn Tần; và Trung được nhận ngay. Trung ấn tượng khi một quản lý cấp cao thân thiện, thoải mái khi trao đổi với ứng viên.
Bắt đầu từ vị trí kỹ sư mạng NOC, Trung cùng 10 người khác trong đội được giao tham gia dự án lớn của FPT Telecom lúc bấy giờ. Đầu năm 2012, Trung bắt đầu công việc mới là kiến trúc mạng NOC-NET với nhiệm vụ thiết kế, tối ưu, xử lý lỗi lớn và nghiên cứu công nghệ liên quan đến mạng Core, Hosting.
Hơn 3 năm công tác, Trung trở thành kỹ sư quan trọng nhất của NOC và là người thứ 2 trong FPT thi đạt chứng chỉ quốc tế CCIE Service Provider. Đúng thời điểm đạt độ ‘chín’, ‘sâu’ về kiến thức viễn thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF) - anh Vũ Đức Huy đề xuất cầu hiền Lê Trung về đơn vị. Quá bất ngờ và cảm thấy có chút lưỡng lự, Trung từ chối vì vai trò này đi theo hướng khác (access network) so với những gì anh đã học hỏi và tìm hiểu trước đó (core network).
Với PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú, việc này giống như đem một nhà nghiên cứu trong phòng lab ra dây chuyền lắp ráp. Dù cả 2 trung tâm đều có trách nhiệm quan trọng nhưng đặc thù công việc lại quá khác nhau. Vấn đề thực tế, kinh nghiệm quản trị cán bộ, quan hệ với đối tác - đều là những điều mà Trung chưa có nên anh Tú khá lo lắng. Tuy nhiên, sếp mảng công nghệ muốn cán bộ trẻ được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn, đặc biệt với người ham công việc như Trung. Từ tháng 4/2014, Trung được luân chuyển về làm Trưởng phòng kỹ thuật hệ thống của INF miền Nam.
Với vai trò mới, trách nhiệm của Trung không còn cá nhân mà là của 15 người trong phòng. Đối với anh, để thấu hiểu một đơn vị khác không gì hiệu quả bằng việc đi thực tế, tìm hiểu công việc, đời sống của anh em. Suốt 6 tháng, Trung phân bổ thời gian lăn xả đi chi nhánh tổ chức mạng lưới, đào tạo, xây dựng đội ngũ và hỗ trợ kinh doanh.
Tìm hiểu, Trung nhận thấy bất cập là mạng luôn không ổn định, kiến trúc RING làm các thiết bị trong vòng dễ xử lý sai, gây ra loop (tình trạng các gói tin được chuyển trong vòng mà không bao giờ đến được đích của nó) khiến các thiết bị treo toàn tập. Đồng thời kế hoạch quang hoá của FPT Telecom từ kết nối 1 Gbps lên 10 Gpbs gặp vấn đề về cách thức và chi phí. Trước mắt Trung có 2 lựa chọn: Giữ RING hoặc bỏ. Với kiến thúc chuyên sâu về hệ thống, Trung quyết định bỏ RING và chuyển sang kiến trúc hình STAR. Lựa chọn táo bạo này giống như cách dùng một con dao nhỏ để mổ 1 trâu lớn. Nhân sự trong đơn vị cũng hoang mang nhưng sự tin tưởng đã giúp dự án thành công. Kiến trúc STAR phù hợp với tất cả hệ thống dịch vụ của FPT Telecom: mạng Internet, IPTV, Truyền hình FPT và tiết kiệm 1/3 chi phí. Một con số lớn.
Từng bước chắc chắn, Lê Trung ngày một trưởng thành, táo bạo trong cách làm cùng tinh thần ham học hỏi. Cậu luôn nhận được sự tin tưởng của ban điều hành nhà ‘Cáo’. Tháng 4/2016, chàng trưởng phòng được thử thách ở tầm cao mới – PGĐ INF miền Nam khi ở tuổi 28. Vị trí này có ảnh hưởng đến mảng hạ tầng - kỹ thuật của toàn bộ chi nhánh/trung tâm từ Quảng Bình đến Cà Mau và Campuchia với hàng triệu khách hàng cùng hơn 400 nhân sự ngành dọc.
Bình thản, mạnh mẽ thoát khỏi sự lo âu, sợ sệt
Hành trình của Trung không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Thời điểm khi bắt đầu nhận vị trí Trưởng phòng kỹ thuật ở độ tuổi còn rất trẻ, đương nhiên không nhận được sự tín nhiệm của nhiều người. Không ai biết Trung là ai. Cậu chọn lựa con đường thuyết phục đồng nghiệp bằng tài năng, kiến thức chuyên sâu và chia sẻ về nghiệp vụ. 6 tháng liên tiếp, anh tranh thủ đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật và thường trở về nhà lúc 20 - 21h. Trung lên kế hoạch đào tạo cho nhân sự cũ và nhân sự mới trong phòng. Rồi cái duyên ‘giảng viên nội bộ’ tự đến với anh. Gia đình có truyền thống dạy học (Bố dạy Toán và mẹ dạy Hoá cấp 3) cộng thêm kiến thức, kinh nghiệm có sẵn nên việc chuẩn bị bài giảng với anh khá đơn giản.
Trung thích việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mình đã khổ công có được, muốn đồng nghiệp trẻ có khởi điểm tốt chứ không phải vất vả mày mò. Qua đào tạo, Trung nhận thấy, nhóm nhân sự khối kỹ thuật yếu những điểm nào khiến kết quả làm việc không đạt hiệu quả cao. “Thành quả của đào tạo là cải thiện chất lượng công việc khiến tôi rất hào hứng”, Trung trải lòng. Và thành quả là nhiều chuyên gia trẻ của INF đã lấy các chứng chỉ quốc tế của Cisco, Juniper… Hiện tại, INF đã có 5 chứng chỉ quốc tế CCIE.
Làm giảng viên nội bộ, Trung phát hiện ra những "tác dụng phụ tuyệt hảo": Giúp ôn lại kiến thức, nhớ dai hơn từng chi tiết thiết kế, các tham số, nắm rõ quy trình hoạt động của hệ thống. Đặc biệt, về quản trị nhân sự và các mối quan hệ liên phòng ban, PGĐ INF được mọi người yêu mến hơn, hỗ trợ nhiệt tình hơn. “Nhân viên cấp dưới không chỉ nể ở góc độ người quản lý mà còn tôn trọng tôi như một người thầy”, Trung nói về khám phá mới.
Từ không phục đến khâm phục, Trung chinh phục được sự tín nhiệm không chỉ của cấp trên mà các CBNV bên dưới cũng vậy. Mọi thứ đến với Trung không phải ngẫu nhiên, “tất cả là cách suy nghĩ và hành động”. Trong cách sống hay làm việc, Trung luôn cho mình những ‘từ khoá’ nằm vùng “hiếu thảo với cha mẹ, đi đến đâu cũng phải để ý, quan sát xung quanh, tích luỹ kinh nghiệm sống; làm việc hết mình, chăm chỉ, không đợi được giao việc mà khi nào hết thì việc chủ động xin việc khác để làm; cố gắng vươn lên các vị trí cao trong công việc vì sẽ giúp tiếp cận được nhiều thông tin quan trọng và có cơ hội làm việc lớn".
Ai đó từng nói thành công trước hết phải đến từ tâm, khi bên trong ổn định tự khắc mọi thứ sẽ đâm chồi nảy lộc. Với Lê Trung, quan niệm này hoàn toàn đúng. Sự cộng hưởng của trạng thái tinh thần ổn định, vững vàng và lạc quan đã dẫn Trung bằng chính khả năng của mình từng bước một tiến đến những vị trí quan trọng tại Viễn thông FPT và Tập đoàn. Tháng 4/2016, Lê Trung trở thành PGĐ Trung tâm INF miền Nam trẻ nhất FPT khi ở tuổi 28. Năm 2017, cậu được tôn vinh chuyên gia công nghệ tiêu biểu công nghệ chặng đường 5 năm của FPT (2012 – 2017). Và năm 2018, anh lọt Top 13 FPT Under 35, được vinh danh ở Dubai
Sau 11 năm, danh hiệu Trạng nguyên đã về với nhà ‘Cáo’, đó là niềm tự hào của gần 10.000 CBNV FPT Telecom
Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà
Giấc mơ của Trung chưa chắc là giấc mơ của FPT Telecom, nhưng có một điều chắc chắn ‘mơ’ của FPT Telecom là ‘mơ’ của Trung. Ngay từ đầu khi nhận “đề cử” từ Ban điều hành công ty đi thi Trạng nguyên FPT, Trung xác định phải mang niềm vinh dự này về.
Bắt đầu vào cuộc đua Top 36, Trung được trải nghiệm một môi trường đa màu sắc gồm nhiều tài năng, cá tính, không quy trình, khuôn khổ. Bản tính ham học hỏi, Trung đều cố gắng tạo nhiều mối quan hệ với các sĩ tử trong tập đoàn. Các hoạt động diễn ra ở tốc độ cao, thách thức, tốn nhiều năng lượng nhưng đều rất ‘đã’.
Trước thời gian đi thi, Trung dành nhiều thời gian để trò chuyện, học hỏi nhiều kinh nghiệm của Bảng nhãn FPT Nguyễn Phú Trung. Tập trung vào điểm mạnh là kiến thức chuyên môn uyên thâm, tham gia nhiều dự án to nhỏ trong nội bộ FPT Telecom, Lê Trung bày tỏ những mục tiêu ấp ủ với Hội đồng BGK cuộc thi Trạng. “Tạo ra cho FPT Telecom bước đột phá ấn tượng trong thời gian tới với dự án nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng”, anh nói. Với một hệ sinh thái công nghệ, Trung kỳ vọng thế mạnh “giám sát chất lượng dịch vụ và tự động tối ưu chất lượng dịch vụ” sẽ được phát triển mạnh mẽ ở đơn vị. Một bối cảnh về việc sử dụng dịch vụ sẽ được triển khai mạnh. Khi khách hàng trải nghiệm dịch vụ có thể giảm tối thiểu việc ngắt kết nối, băng thông rộng, các lỗi/sự cố được xử lý tự động hoặc thậm chí dự đoán trước khi thông báo…
Tư duy tích cực, khả năng lãnh đạo và tinh thần sáng tạo, Trung thuyết phục các lãnh đạo FPT điền tên anh vào danh hiệu cao nhất, trở thành Trạng nguyên FPT năm 2019.
"Sau 11 năm, danh hiệu Trạng nguyên đã về với nhà ‘Cáo’, đó là niềm tự hào của gần 10.000 CBNV FPT Telecom. Hy vọng với nguồn năng lượng trẻ, tài năng và nhiệt huyết, các CBNV trong công ty sẽ học tập và nghiên cứu nhiều hơn nữa để nhà ‘Cáo’ có thêm niềm tự hào to lớn trong các năm tới", nữ Chủ tịch FPT Telecom có mặt tại lễ trao giải Trạng FPT bày tỏ.
Sau khi kết thúc sự kiện, Chủ tịch Chu Thanh Hà gọi điện luôn cho PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú vì chị đoán đây sẽ là người hạnh phúc nhất. Đang trong chuyến công tác cách nửa vòng Trái đất, kết nối có vấn đề, chỉ kịp lõm bõm nghe “… của em đỗ Trạng nguyên”, anh Tú sững sờ, không tin nổi vì cậu sinh viên mới ngày nào còn nhắn tin “Anh ơi! Em học xong rồi!” giờ đã trở thành Trạng nguyên của FPT - danh hiệu cao quý người F mong đợi. Đó còn là hạnh phúc của tất cả CBNV nhà ‘Cáo’ sau hơn 11 năm chờ đợi danh hiệu này.
Trong 1 trận đấu hãy ghi bàn thắng đẹp nhất, hay là hậu vệ cừ khôi nhất
Lê Trung
Trạng nguyên FPT - chưa phải là điểm kết, mà với Trung, đó là cánh cổng mở ra con đường mới – truyền cảm hứng, động lực để các đồng nghiệp trẻ tiếp bước. Tân Trạng nguyên quan niệm, mọi thứ đều không phải ‘mâm cỗ’ sắp sẵn chờ ai đó đến ‘ăn’ mà là quá trình. “Trong 1 trận đấu hãy ghi bàn thắng đẹp nhất, hậu vệ cừ khôi nhất. Trong 1 dự án, hãy làm nhanh nhất có thể, làm chất lượng và hiệu quả nhất có thể…”.
Cuộc sống là sự vận động, cầu tiến. Trung cho mình những thử thách mới, cơ hội mới để đạt đến những thành công mới để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Luôn “Sống hết mình, làm hết mình và cống hiến hết mình” và Trung mơ ước những đồng nghiệp trẻ sẽ không ngừng nỗ lực như chàng sinh viên năm 2009 bước vào FPT.
Nội dung: Hà Trần
Ảnh: Trần Vũ - Hà An
Video: Hà An
Thiết kế: An Trâm
Ý kiến
()