Chúng ta

Trách nhiệm xã hội tạo giá trị chung

Thứ ba, 17/11/2015 | 14:57 GMT+7

Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) và cao hơn là Tạo lập giá trị chung (Corporate Shared Value - CSV) vẫn còn là một khái niệm mới đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, với thế giới, CSV là một yếu tố khá quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia khi tham gia sân chơi toàn cầu hóa.

DC-3982.jpg

Ông Ravi Fernano, Chuyên gia tư vấn và giảng dạy về Quản trị doanh nghiệp của Global Leadership Academy (Pháp), kiêm Giám đốc Học viện Chiến lược Đại dương Xanh Malaysia, chia sẻ tại sự kiện “Trách nhiệm xã hội trong thời kỳ hội nhập – Chi phí, giải pháp, hay đầu tư” do Câu lạc bộ Lãnh đạo Đắc Nhân Tâm tổ chức.

“Tạo lập giá trị chung” được hai giáo sư Mark Kramer và Michael Porter (Đại học Harvard, Mỹ) đưa ra từ đầu năm 2011, đã chứng minh được tính hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao. CSV là cách tiếp cận mới trong chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, giúp tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường khả năng cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ của những điều kiện kinh tế xã hội, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và doanh nghiệp một cách bền vững.

Giáo sư Mark Kramer lý giải, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn phụ thuộc vào các điều kiện xã hội. Doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Việc xem xét đưa các vấn đề xã hội vào chiến lược và kế hoạch hành động của doanh nghiệp sẽ là sự thay đổi quan trọng trong tư duy quản lý. “Các doanh nghiệp đã từng bước chuyển nhận thức sang việc tham gia đóng góp vào giải quyết vấn đề và đã nhận ra rằng, các vấn đề xã hội sẽ tạo cơ hội để đưa ra giá trị chung cho cộng đồng, thậm chí làm giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp”, Giáo sư Mark Kramer nói.

Hitachi là tập đoàn kinh doanh đa ngành của Nhật nhưng có phạm vi hoạt động toàn cầu với 947 công ty con và chi nhánh, 330.000 lao động, doanh thu hằng năm đạt gần 10.000 tỷ Yen. Các nhà quản lý của tập đoàn cho rằng, Hitachi là một thành viên của xã hội nên có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Tập đoàn này nhận thức, hoạt động kinh doanh của mình có ảnh hưởng đến xã hội theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, Hitachi không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng với giá cả hợp lý mà còn phải giảm gánh nặng cho môi trường toàn cầu và thực hiện các hoạt động phù hợp với luật, quy định và quy tắc xã hội.

DC-3933.jpg

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh CSR là cơ hội để gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Chẳng hạn, năm 2012, đã có 92% sản phẩm đầu vào cho khối văn phòng của Hitachi là các sản phẩm được chứng nhận có ý thức về môi trường hay Hitachi cam kết không trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho các hành vi vi phạm quyền con người. Ví như năm 2012, Hitachi đã cam kết với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ không mua khoáng sản thuộc quyền quản lý của nhóm vũ trang vi phạm nhân quyền tại các nước châu Phi.

Bà Petraea Heynike, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nestlé - phụ trách chiến lược kinh doanh, tiếp thị và bán hàng - cho rằng, bên cạnh chiến lược sản phẩm, yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Nestlé trên thế giới là CSV, nghĩa là tạo ra giá trị chung, được Nestlé đưa vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của tập đoàn từ khi sáng lập vào năm 1866.

Theo ông Jerry Bernas - Giám đốc chương trình, mạng lưới CSR ASEAN tại Singapore - một môi trường sống, môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và bền vững sẽ tạo điều kiện cho mỗi doanh nghiệp phát triển. “Để cân bằng giữa lợi nhuận và CSR, các doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá hoạt động kinh doanh của mình để từ đó đưa ra các định hướng cho CSR phù hợp với năng lực".

Minh chứng cho vấn đề này, ông Jerry Bernas cho biết, ở Philippines, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee đã cung cấp toàn bộ nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân của hai tỉnh thuộc Philippines để sản xuất khoai tây và gà nhằm cung cấp cho hệ thống này trên toàn thế giới thay bằng mua và nhập ngoại (mặc dù giá thành nhập nguyên liệu từ nước ngoài rẻ hơn). Và sau 2 năm đầu tư, Jollibee đã có nguồn nguyên liệu có giá thành rẻ hơn 20-30% giá nhập và chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu cho chế biến.

DC-4164.jpg

Các diễn giả trong phiên thảo luận về các mô hình CSR điển hình.

Tại Việt Nam, FPT là tập đoàn tiên phong trong việc đưa CSR trở thành một phần trong chiến lược hoạt động. Vừa qua, trong hội thảo “Trách nhiệm xã hội trong thời kỳ hội nhập - Chi phí, giải pháp, hay đầu tư” do Câu lạc bộ Lãnh đạo Đắc Nhân Tâm tổ chức, đại diện FPT được mời chia sẻ mô hình CSR trong phát triển bền vững.

Ngoài FPT, khách mời của chương trình còn có TS. Lê Dăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương; Giáo sư Ravi Fernando, Giám đốc Học viện Chiến lược Đại dương xanh Malaysia; ông Cao Tiến Vị - Tổng Giám đốc Giấy Sài Gòn; ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan; bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Hỗ trợ Hoạt động Cộng đồng Prudential Việt Nam; và bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, Giám đốc Phát triển Bền vững Ngân hàng HSBC Việt Nam. 

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận và tạo một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cùng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu thế giới thì Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) đang ngày càng trở thành một chiến lược quan trọng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Mở đầu hội thảo, ông Mai Việt Hà, Phó Chủ tịch Ban Năng lực Cộng đồng Doanh nhân CLB Lãnh đạo Đắc Nhân Tâm, thông tin các con số thống kê biết nói về CSR thời hội nhập. Theo báo cáo của Nielsen, 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường trong khi con số tương tự ở Philippines là 83%, Thái Lan - 79%, Indonesia - 78%...

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem CSR không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp trở lại cho xã hội và cộng đồng. “Đây còn là cơ hội để gia tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững và tạo được uy tín thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng, đội ngũ nhân viên, đối tác nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung”.

Ông Ravi Fernano, Chuyên gia tư vấn và giảng dạy về Quản trị doanh nghiệp của Global Leadership Academy (Pháp), kiêm Giám đốc Học viện Chiến lược Đại dương Xanh Malaysia, đã khắc họa một bức tranh toàn cảnh và rõ nét về một chiến lược CSR thành công như một chuẩn mực để đại diện các doanh nghiệp cùng nhìn lại, chiêm nghiệm, đánh giá chiến lược và hoạt động CSR của mình và từ đó làm tiền đề để tối ưu hóa hiệu quả của chiến lược cho những năm tiếp theo.

DC-4242.jpg

Chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội tập đoàn, cho rằng từ lúc vác từng thùng mỳ tôm đến các vùng lũ lụt, rồi hiến máu, xây cầu; đến nay, FPT đã lấy giá trị cốt lõi của mình là công nghệ để hỗ trợ, giúp xã hội đưa ứng dụng công nghệ, Internet vào học tập, giải quyết các bài toán xã hội.

Ngoài việc nhấn mạnh đến các định hướng của Liên Hiệp Quốc về các mục tiêu toàn cầu mới về môi trường có liên quan đến Việt Nam, chuyên gia Ravi còn thôi thúc người nghe về lòng yêu nước dành cho Việt Nam để cùng chung tay bảo vệ một đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm CEO Mỹ Lan, tập đoàn chuyên về hóa chất có doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm ở Trà Vinh, tâm niệm CSR là kinh doanh bài bản, rõ ràng minh bạch, là tạo môi trường làm việc tốt đẹp ngay từ ban đầu. “Chúng tôi chủ động đóng thuế trước cho tỉnh Trà Vinh. Trụ sở của Mỹ Lan giống công viên hơn công ty do trên 50% đất đai được dùng để trồng cây. Đặc biệt, dù quy mô công ty rộng hàng chục hecta nhưng từ nhà ăn đến nhà xưởng, nhà vệ sinh ở Mỹ Lan đều sạch sẽ, không một cọng rác”, ông Mỹ nói. Theo vị CEO này, để làm được điều đó, Mỹ Lan rất chú trọng giáo dục văn hóa và ý thức trong nội bộ.

Là doanh nghiệp sản xuất, Mỹ Lan đầu tư hẳn hệ thống xử lý nước thải khép kín và hiện đại. Nước thải từ nhà xưởng không chảy ra sông, dù sông nằm sát bên cạnh mà đi qua nhiều quy trình xử lý tái tạo nguồn nước, để từ chỗ phụ thuộc toàn bộ nguồn nước từ nhà máy cấp nước, giờ đây, Mỹ Lan chỉ phải mua 20% nước bên ngoài.

Chung câu chuyện, CEO Giấy Sài Gòn cho biết, công ty này xác định đầu tư vào công nghệ, con người để tạo ra môi trường xanh sạch… “Tuy khá tốn kém nhưng đã giúp Giấy Sài Gòn có những lợi thế cạnh tranh vượt trội”, ông Cao Tiến Vị nhấn mạnh. “Chẳng hạn, kể từ khi đưa vào hoạt động nhà máy Mỹ Xuân 2 với trang bị hiện đại, được nhập từ các hãng cung cấp công nghệ giấy hàng đầu thế giới..., Giấy Sài Gòn đã gia tăng công suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, tạo ra nhiều dòng sản phẩm cao cấp với giá phù hợp. Công ty đang xếp số 1 tại Việt Nam về phân khúc giấy vệ sinh, đứng thứ hai về mặt hàng giấy công nghiệp”.

Tuy nhiên, giấy là ngành thường gây ô nhiễm nặng. Để khắc phục tình trạng này, Giấy Sài Gòn đã đầu tư 20 triệu USD để xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất đạt 17.000m3 một ngày đêm. Công nghệ này cho phép công ty tái sử dụng đến 90% lượng nước thải, giúp tiết kiệm 2,2% nhiên liệu cũng như giảm phát thải khí ra môi trường.

Theo chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội, trước đây FPT thực hiện các hoạt động CSR như một cách chia sẻ thành quả kinh doanh với cộng đồng bằng các chương trình thiện nguyện cụ thể. Tuy nhiên, gần đây trách nhiệm xã hội được tập đoàn nâng tầm cao hơn. “Một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững trong một xã hội kém phát triển và một môi trường bị hủy hoại”, chị Thanh chia sẻ về lý do FPT xây dựng chiến lược Phát triển bền vững hội tụ cả 3 yếu tố: Profit (Lợi nhuận), People (Cộng đồng), Planet (Môi trường). Trong đó, FPT ưu tiên đầu tư vào con người, yếu tố mà theo FPT là đảm bảo sự thành công lâu dài cho mọi doanh nghiệp

Với thế mạnh cốt lõi là công nghệ, FPT đã và đang nỗ lực phát triển công nghệ vì cộng đồng với mong muốn tạo ra một môi trường để tri thức, công nghệ mới phát triển khắp cộng đồng và xã hội. Cuộc thi Giải toán trên mạng ViOlympic là một trong những cách để FPT đem sức mạnh cốt lõi là công nghệ của mình để góp phần đổi mới tư duy, cách học cho thế hệ trẻ. Giúp xã hội giải quyết vấn đề cải cách giáo dục, FPT cũng hy vọng rằng thế hệ công dân toàn cầu mới cũng sẽ là nguồn lực tương lai cho sự phát triển của FPT. Đó chính là một phần của khái niệm CSV - doanh nghiệp sẽ phát triển cùng với sự phát triển của xã hội.

DC-3787-750x350.jpg

Các diễn giả và khách mời chụp hình lưu niệm.

Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT chia sẻ ví dụ một chương trình được đánh giá tương đối thành công là cuộc thi Giải toán trên mạng ViOlympic. Qua 7 năm phát triển, từ 700.000 học viên ban đầu, cuộc thi thu hút được 20 triệu học sinh tham gia và trở thành sân chơi trí tuệ được biết đến rộng rãi. Hiện FPT phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện nội dung, đưa thêm cả câu hỏi tiếng Anh vào các bộ đề cho các em làm quen với tiếng Anh. Đồng thời, đưa chương trình tiếp cận với các nước xung quanh để tạo ra một sân chơi rộng lớn mang tầm quốc tế. Các cuộc thi lập trình trên mạng Alice cũng bắt đầu được thử nghiệm cho học sinh làm quen với CNTT. 

Năm 2015, chương trình thiện nguyện của FPT tiếp tục vượt biên giới Việt Nam. Người FPT đã đến với người dân khó khăn ở Campuchia, Myanmar…

Mới nhất, ngày 14/11, đoàn FPT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Thành Hưng và đại diện Hitachi Nhật Bản đã tới thăm hai thành phố Soma và Fukushima - nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011. Trước đó, chỉ ba ngày sau khi thảm họa xảy ra, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã kịp thời có mặt ở Nhật Bản để động viên nhân viên và trực tiếp giúp đỡ người dân Nhật Bản. Khi đó, anh Bình đã đích thân mang mì tôm, thức ăn và 300.000 USD của FPT và CBNV sang ủng hộ.

>> ‘Chỉ FPT, Vinamilk, Viettel đủ sức vươn toàn cầu’

Nguyên Văn

Ý kiến

()