Chúng ta

Trách nhiệm xã hội của FPT đạt đến tầm Giá trị chung

Thứ bảy, 7/11/2015 | 18:29 GMT+7

Chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội tập đoàn, cho rằng từ lúc vác từng thùng mỳ tôm đến các vùng lũ lụt, rồi hiến máu, xây cầu; đến nay, FPT đã lấy giá trị cốt lõi của mình là công nghệ để hỗ trợ xã hội giúp xã hội đưa ứng dụng công nghệ, internet vào học tập, giải quyết các bài toán xã hội.

Đại diện FPT được mời chia sẻ mô hình trách nhiệm xã hội của tập đoàn tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo “Trách nhiệm xã hội trong thời kỳ hội nhập” do CLB lãnh đạo Đắc Nhân Tâm tổ chức ngày 7/11 tại Crystal Palace, quận 7, TP HCM.

Ngoài FPT, khách mời của chương trình còn có ông Cao Tiến Vị - Tổng Giám đốc Giấy Sài Gòn; ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan; bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Hỗ trợ Hoạt động Cộng đồng Prudential Việt Nam và bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, Giám đốc Phát triển Bền vững Ngân hàng HSBC Việt Nam. Điều phối phiên thảo luận là bà Tô Mỹ Châu, Chủ tịch của CLB Lãnh đạo Đắc Nhân Tâm.

DSC-0026-JPG-9501-1446888521.jpg

Chương trình do CLB lãnh đạo Đắc Nhân Tâm tổ chức tại Crystal Palace, quận 7, TP HCM. Ngoài FPT và các tập đoàn, khách mời của chương trình còn có đại diện của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Giáo sư Ravi Fernando - Giám đốc tổ chức của Học viện Chiến lược Đại dương Xanh Malaysia; Thành viên Quản trị Độc lập - Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp).

Theo chị Thanh, Trách nhiệm xã hội (CSR) là một chuỗi các hoạt động để đảm bảo sự cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, chất lượng cuộc sống của cộng đồng xã hội và góp phần bảo vệ môi trường. Với FPT, CSR đã trở thành chiến lược phát triển lâu dài với tên gọi Chiến lược 3P bằng sự quan tâm đúng mực tới 3 yếu tố: Profit (Lợi nhuận), People (Cộng đồng), Planet (Môi trường). “Chúng tôi đã nhận thức được một cách sâu sắc rằng: Một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững trong một xã hội kém phát triển và một môi trường bị hủy hoại. Đầu tư vào con người là cách đầu tư tốt nhất đảm bảo cho sự thành công lâu dài cho doanh nghiệp, nhất là những đơn vị mà nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất như FPT”.

Từ kinh nghiệm của mình, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT cho rằng không đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm gì thật  lớn, mà hãy bắt đầu quan tâm đến xã hội, môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực. “Tôi nghĩ điều này doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. FPT chúng tôi cũng bắt đầu từ những việc rất nhỏ như chăm lo đời sống văn hóa cho CBNV, chăm lo việc hỗ trợ học hành cho con cái người FPT, thực hiện các hoạt động thiện nguyện...”, chị Thanh nhớ lại. “Và ngày nay, khi đã phát triển lớn hơn, FPT cố gắng mang sức mạnh cốt lõi của mình ra hỗ trợ cho giáo dục, văn hoá, giao thông… thông qua các ứng dụng CNTT. Chúng ta hãy bắt đầu từ cái Tâm của doanh nhân và doanh nghiệp”.

“Chiến lược CSR của FPT đã được đạt đến tầm Tạo giá trị chung (Corporate Shared Value - CSV) do tầm lan tỏa của nó. Vậy FPT đã và đang làm gì để duy trì CSR như là một chiến lược bền vững trong sự phát triển của tổng thể công ty”, chị Tô Mỹ Châu, điều phối phiên thảo luận, đặt câu hỏi?

“FPT chưa bao giờ nhận mình làm được điều gì thật hoành tráng. Điều chúng tôi làm được còn quá nhỏ bé. Nhưng nhỏ lớn không quan trọng, quan trọng nhất là muốn làm và bắt đầu từ những gì rất nhỏ”, chị Thanh nói. “FPT cũng khởi đầu từ chạy sấp chạy ngửa lo kinh doanh, rồi chạy sấp chạy ngửa vác từng thùng mỳ tôm đến các vùng lũ lụt, rồi hiến máu, xây cầu, chung tay cùng các chương trình của các đơn vị khác. Sau đó, chúng tôi phát triển những chương trình lấy giá trị cốt lõi của mình là Công nghệ để hỗ trợ xã hội; giúp xã hội đưa ứng dụng công nghệ, internet vào học tập, giải quyết các bài toán xã hội. Vì thế tất cả chúng ta hãy bắt đầu, hãy chung sức. FPT tin rằng cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn và xã hội cũng tốt đẹp hơn nhiều”.

DSC-0030-JPG-1760-1446888521.jpg

Bên cạnh việc chia sẻ mô hình trách nhiệm xã hội của FPT, chị Trương Thanh Thanh sẽ đưa ra cái nhìn rõ nét về khái niệm CSR và mục tiêu tương lai của FPT đối với mô hình của mình, đặc biệt là đối với lợi ích hướng đến phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT ví dụ một chương trình được đánh giá tương đối thành công là cuộc thi Giải toán trên mạng Violympic. Qua 7 năm phát triển, từ 700.000 học viên tham gia năm đầu tiên, đến nay cuộc thi đã thu hút được 20 triệu học sinh tham gia và trở thành một sân chơi trí tuệ đầy thú vị cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học, góp phần vào xu hướng đổi mới cách dạy cách học.

Hiện nay, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, FPT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đưa ngôn ngữ tiếng Anh vào các bộ đề thi cho các em làm quen với ngôn ngữ này, đưa chương trình tiếp cận với các nước xung quanh để tạo ra một sân chơi rộng lớn mang tầm quốc tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn chỉnh cuộc thi Giải toán trên mạng Violympic”, chị Thanh khẳng định.

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu chặng đường trưởng thành của chương trình Ngày FPT vì cộng đồng. Để phát động phong trào hướng tới cộng đồng một cách sâu rộng, hằng năm, vào ngày 13/3, FPT đều thực hiện chương trình với mục đích khuyến khích mỗi cán bộ nhân viên tham gia đóng góp một ngày lương hoặc một ý tưởng cho các hoạt động thiện nguyện hướng đến xã hội. Đến nay, FPT đã dành gần 100 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, trong đó số tiền quyên góp của cán bộ nhân viên là 12 tỷ đồng.

FPT muốn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp: làm hết sức, chơi hết mình và dành sự quan tâm thích đáng đến xã hội. Văn hóa đó đã gắn kết được nhân viên, thu hút được người tài, thuyết phục được đối tác và tạo được hình ảnh một công ty công nghệ thân thiện với xã hội qua các chương trình như học bổng FPT, CLB Tài năng FPT, CLB Trường Tồn cho con em người FPT. “Vừa qua, chúng tôi đã đưa CSR đến các nước có văn phòng của FPT như Myanmar, Campuchia…Sắp tới đây, FPT và các bạn đối tác Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện một chuỗi các hoạt động thiện nguyện nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập văn phòng FPT tại Nhật Bản (ngày 13/11)”, chị Thanh tiết lộ.

DSC-0048-JPG-9680-1446888521.jpg

Đại diện Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả.

“Hãy tâm niệm rằng, bắt đầu từ bây giờ chứ không phải chờ khi doanh nghiệp lớn mới nghĩ đến chuyện làm CSR. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng. Chỉ cần người lãnh đạo quan tâm và mong muốn thì sẽ có những lời giải phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đơn vị mình bởi vì “Chúng ta cho đi là chúng ta đã nhận lại”, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT tư vấn khi được đề nghị chia sẻ bí quyết thành công.

Ông Châu Hồng Quang, công ty dệt Minh Châu, cho rằng, chương trình giúp tiếp thêm động lực để ông và đơn vị mình cố gắng thực hiện những dự án CSR nhỏ như văn phòng xanh, các đợt trao học bổng hay những chuyến thiện nguyện. “Hai bé nhà tôi cũng thi Toán của trang ViOlympic nhưng tôi cũng không để ý xem là của đơn vị nào làm vì cứ nghĩ do Nhà nước xây. Hôm nay mới biết là của FPT. Rất khâm phục những dự án về trách nhiệm xã hội bài bản của tập đoàn”, anh Quang nói.

>> ‘Tăng trưởng sẽ tăng thưởng’

Nguyên Văn

Ý kiến

()