Chúng ta

Thầy trò nhà F Đà Nẵng sáng tạo cách học vui mùa dịch

Chủ nhật, 5/4/2020 | 08:09 GMT+7

Với tiêu chí ‘nghỉ học’ không có nghĩa là ‘ngừng học’, thầy trò nhà Giáo dục đã có những sáng tạo trong cả dạy và học trực tuyến. Nhiều học sinh làm chính thầy cô ‘bất ngờ’ về kết quả sáng tạo trong bài tập được giao.

Cắm nguồn sạc máy tính, kiểm tra lại đường truyền kết nối, tài liệu cho bài học, nhắc nhở đến từng em học sinh… là những gì mà thầy Phạm Văn Lương (Giáo viên môn Ngữ Văn, TH &THCS FPT Đà Nẵng) chuẩn bị trước giờ lên lớp trực tuyến. Những ngày nghỉ do ảnh hưởng của dịch, việc giảng dạy của những giáo viên như thầy Lương lại thêm phần bận rộn. Mọi thứ phải được chuẩn bị chu toàn sao cho buổi học vừa không bị gián đoạn, vừa đạt được hiệu quả tốt nhất.

Buổi học trực tuyến bắt đầu bằng những cái vẫy tay qua màn hình máy tính, kèm theo đó là những lời chào thân thiện giữa thầy và trò. Mở đầu bằng những lời hỏi thăm, những câu nói khiến khoảng cách thầy trò gần gũi hơn nhiều. Những ngày này, ngoài giờ học trực tuyến trên máy tính, chiếc điện thoại cũng được thầy giữ ‘khư khư’ trong tay, để sẵn sàng giải đáp thắc mắc.

anh1-JPG-8320-1586012744.jpg

Thầy Phạm Văn Lương trong một lần giảng dạy trực tuyến trong mùa dịch Covid-19.

“Tâm lí về dịch vẫn còn bỡ ngỡ nên cần phải giúp đỡ các em nhiều. Bất kể lúc nào các em cũng có thể nhắn tin hỏi thầy, có khi buổi tối trước khi đi ngủ mà vẫn còn thắc mắc, nhiều em vẫn nhắn tin. Lúc đấy tôi phải kịp thời giải đáp cho các em. Ngày trước chủ yếu gặp các em vào những giờ đứng lớp, còn bây giờ gặp trò suốt ngày, có khi vừa thức dậy đã có học sinh hỏi chuyện học tập”, thầy Lương bật cười.

Với tiêu chí “nghỉ học” không có nghĩa là “ngừng học”, thầy cô nhà Giáo dục không chỉ dạy học trực tuyến mà còn sáng tạo nội dung bài giảng thông qua những video. Để giúp các em vừa giữ vững tinh thần học tập, vừa phù hợp với điều kiện hiện tại, những video luôn được thầy cô nghĩ ra nội dung, tự quay video, tự sản xuất… rồi chia sẻ với các em. Ngoài những video về nội dung học tập, những chủ đề như cổ động phòng chống dịch, tuyên truyền về ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)… cũng được các thầy cô lên ý tưởng, sản xuất. Không chỉ các giáo viên, các em học sinh của trường cũng có những video tự sản xuất cho riêng mình. Các em tự quay clip về những bài hát, kể chuyện… rồi chia sẻ lên nhóm chung của cả lớp.

anh2-9315-1586013993.jpg

Những bài tập sáng tạo do chính em Hoàng Lê Thanh Thảo (Lớp 6A1) bắt tay vào thực hiện. 

Những ngày chuyển sang học trực tuyến, thầy Lương cho biết, không chỉ bản thân thầy mà nhiều đồng nghiệp khác đều phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo. “Có thể nói là cả thầy và trò đều học. Sau những lần trên lớp học online, mình lại phải tìm tài liệu, làm sao cho các buổi sau có thêm những điều mới, những điều hấp dẫn. Sao cho các em không bị nhàm chán. Những buổi đầu, cũng phải học về phương pháp dạy trực tuyến, sao cho truyền tải, tương tác tốt nhất đến với các em”, thầy nói.

Còn đối với cô Nguyễn Thị Kiều Trinh, ngoài những hoạt động động chuyên môn, giờ học trực tuyến với những hoạt động kể chuyện, hỏi đáp, hát cho nhau nghe thực sự là những điểm mới, giúp sự tương tác giữa giáo viên và học sinh tốt hơn rất nhiều. “Đúng là phải làm việc hết công suất, nhưng trong khó khăn thì mới thấy được những giá trị đẹp của cuộc sống. Nhiều lúc chỉ là những câu hỏi thăm về sức khỏe thôi, nhưng trong mùa dịch này, được nghe những câu hỏi dễ thương ấy mình lại cảm thấy rất vui. Nhiều em còn nhắc mình về cách phòng dịch… Vui lắm!”, cô Trinh chia sẻ.

Để thêm phần thú vị cho những tiết học, những giáo viên tại TH&THCS FPT Đà Nẵng còn có thêm những phần sáng tạo mới, như việc cùng các em “review” những cuốn sách hay, khuyến khích văn hóa đọc trong những ngày các em ở nhà. Đối với thầy Lương, ngoài những giờ học là những giờ thầy tìm những cuốn sách hay, để giới thiệu với cả lớp. “Muốn vậy, chính mình cũng phải đọc, đọc trước, thấy hay mới giới thiệu đến các em”.

Nguyễn Thị Kiều Ngân, Giám đốc khối TH&THCS FPT Đà Nẵng cho biết, để nâng cao hiệu quả hơn nữa việc học trực tuyến, phía Nhà trường đã chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 5 đến 6 em để có thể trao đổi, tương tác tốt hơn với giáo viên. Điều này tuy có phần vất vả cho giáo viên, nhưng đem lại hiệu quả tốt hơn trong việc cùng các em học tại nhà giữa mùa dịch.

Tại FPT Schools, ngay từ đầu năm, các bạn học sinh đã được cung cấp nhiều nền tảng học online như: VioEdu, Google Classroom, Shub classroom, Online test, Kahoot, Quizizz, Quizlet, Zalo, Microsoft Office 365…. Nên khi có thông báo nghỉ học, các bạn hoàn toàn chủ động học online thay vì đến lớp để duy trì nề nếp.

anh3-6492-1586013993.jpg

Các thầy cô sẽ hỗ trợ, hướng dẫn online để các em có thể hoàn thành những bài tập trong mùa dịch ngay tại nhà.

Đối với các môn học tự nhiên, các thầy cô chủ yếu sử dụng công cụ VioEdu – phần mềm học trực tuyến áp dụng trí tuệ nhân tạo AI đầu tiên tại Việt Nam do FPT triển khai. Mỗi học sinh được cung cấp một tài khoản cá nhân, khi đăng nhập vào hệ thống, các bạn có thể tuỳ ý chọn môn học, chuyên đề học và làm bài kiểm tra đánh giá. Việc học tập trên VioEdu cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Ngoài giáo viên, phụ huynh cũng được cung cấp tài khoản để quản lý việc học của con.

Đối với những môn học khối xã hội, những bài tập được giao nằm trong phạm vi kiến thức đã học với những hình thức hấp dẫn và thú vị. Sử dụng video khám phá trải nghiệm về danh lam thắng cảnh để các em đánh giá cách hành văn - diễn ngôn của tác giả. Các em được khuyến khích tự sáng tác những tác phẩm của riêng mình.

Giám đốc khối TH&THCS FPT Đà Nẵng thông tin nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn những phương án, để có thể chủ động trong công tác đón các em quay trở lại học tập bình thường bất cứ lúc nào. "Chúng tôi sẽ căn cứ tùy vào tình hình thực tế, nhưng vẫn sẽ tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả học sinh".

TH& THCS FPT Đà Nẵng bắt đầu hoạt động từ 8/2019 tại KCN An Đồn với 3 khối lớp 1,2 và 6 với hơn 500 học sinh. Tháng 2/2020, dự án xây dựng trường Tiểu học và THCS FPT chính thức động thổ tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng trên khu đất 1.6ha. Dự án bao gồm 3 toà nhà (2 khối học tập, mỗi khối 5 tầng có thang máy, 1 khối văn phòng) trong đó có 90 phòng học, phòng chức năng với sự đầu tư thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. Dự kiến trường mới sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2021.

>>Hơn 8.000 lượt người F ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19

Nguyễn Huy

Ý kiến

()