Nguyễn Đức Thành Công (bìa phải) là đội trưởng của CAD, chịu trách nhiệm thiết kế giao diện, dịch game sang tiếng Anh, trình bày ý tưởng sản phẩm trước Ban giám khảo. |
Với đề bài lập trình một trò chơi phiêu lưu dựa trên ngôn ngữ lập trình Scartch, mỗi đội chơi (chia theo lứa tuổi 10-11 tuổi và 12-14 tuổi) có hai tháng xây dựng sản phẩm và một buổi bảo vệ trước Ban giám khảo.
Được sự khích lệ, ủng hộ và hướng dẫn của mentor Hà Anh Dũng (FPT Telecom), nhóm bạn cùng học lớp lập trình Scratch gồm Thành Công (học sinh lớp 7, THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM) và Tuấn Anh, Minh Duy đã lập nhóm CAD đăng ký tham gia cuộc thi.
Tham gia ở hạng mục lứa tuổi 12-14, CAD phải thỏa mãn những yêu cầu khá cao như tính tương tác cao; có mục tiêu rõ ràng; có âm thanh; sử dụng ít nhất 6 công cụ của Scratch; dịch toàn bộ game sang tiếng Anh...
Cả nhóm thuyết trình về trò chơi mô tả hành trình của các cô gái cao bồi. |
Câu chuyện của "Cowgirls's Adventure" khá thú vị khi nhân vật anh hùng có nhiệm vụ đi giải cứu là một cô gái và nạn nhân bị bắt cóc là ông già Noel. Cuối phần thuyết trình, cả nhóm còn ghi điểm với Ban giám khảo khi nhiệm vụ hoàn thành, ở màn cuối trò chơi, cô gái sẽ đưa ông già Noel về chính địa điểm là Công ty CSC Việt Nam để đảm bảo sự an toàn cho nhân vật.
Không chỉ phân công đầu việc rất hợp lý trong vòng chung kết (final round), các bạn nhỏ còn làm việc nhóm hiệu quả trong suốt quá trình làm việc hơn một tháng. "Các em làm việc đoàn kết, phân chia rõ ràng nhưng cũng không ngại tranh luận và lắng nghe", mentor Hà Anh Dũng của FUNiX nhận xét.
Chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí là khả năng làm việc nhóm, kỹ năng code, lưu loát khi thuyết trình và tiếng Anh, sản phẩm game “Cowgirl’s Adventure” của cả nhóm đã xuất sắc thuyết phục Ban giám khảo để đạt giải Nhất chung cuộc CSC Codes.
Giao diện game “Cowgirl’s Adventure” do team CAD thiết kế |
Anh Nguyễn Trung, bố của Công, cho biết em bình thường trầm tính, ít nói, chỉ thích tự mày mò nghiên cứu nhưng khi cùng các bạn làm việc nhóm, Công bỗng khác hẳn và có phần trưởng thành hơn, mạnh dạn nêu lên những ý tưởng của mình và thuyết phục các bạn.
Mentor Hà Anh Dũng, người theo sát quá trình làm việc của cả nhóm, nhận xét ba thành viên của CAD đều có kiến thức máy tính nổi trội so với bạn bè cùng trang lứa. "Các em không ngại tranh luận, giải quyết vấn đề và cùng làm việc với nhau tốt hơn tôi nghĩ", anh Dũng nói.
Ba sản phẩm đạt giải cao nhất của cuộc thi CSC Code 2017 tại Việt Nam sẽ tiếp tục lên đường tham dự cuộc thi CSC Code quốc tế, với vòng thi mang tên Thử thách toàn cầu (Global Challenge Championship).
Cuộc thi tìm kiếm tài năng lập trình nhí CSC Codes là chương trình của CSC Việt Nam, nhằm giúp trẻ em dưới 14 tuổi làm quen với các hoạt động, nghề nghiệp liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán (STEM) trên tinh thần vui học và thi đua tranh tài. Đây là cơ hội đánh thức niềm đam mê sáng tạo và lập trình ở lứa tuổi học sinh. |
Ngọc Dung
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()