Là người đã gắn bó với FPT từ những ngày đầu tiên, chị Thanh hiểu rõ hơn ai hết con đường mà chị và những đồng đội lứa đầu đã đi qua trong suốt 30 năm. Từng đảm nhận trách nhiệm nhiều vị trí quan trọng như GĐ FPT HCM hay thành viên HĐQT FPT, những trải nghiệm của chỉ cả nhà F trở nên vô giá. “Những ngày đầu tiên, chúng tôi phần lớn đều không biết kinh doanh là gì. Chúng tôi bảo với nhau rằng nếu ai nghĩ ra cái gì mà thấy phù hợp thì hãy tiến hành”, chị Thanh chia sẻ.
Với chủ đề “Trải nghiệm Toàn cầu hóa”, chương trình "72h trải nghiệm" sẽ diễn ra trong 2 ngày 22-23/3 tại TP HCM và Bình Dương. |
Chị Thanh kể, động lực thôi thúc những nhà sáng lập tạo nên FPT chính là khát vọng thoát nghèo xuất phát từ cảm giác đau đớn khi vị thế của người Việt trên thế giới bị coi thường. Trong thời kỳ đầu tiên đó, phương châm tồn tại là “Chúng ta làm bất cứ điều gì để tồn tại vì không thể hèn, nhục mãi được”.
Những thương vụ đầu tiên cũng thể hiện điều đó, chị Thanh và các đồng đội đã bán máy tính, bán ôtô Liên Xô hay thậm chí sấy cam thảo để kiếm tiền. Có lẽ không ai nghĩ rằng một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam lại có những bước khởi đầu kỳ lạ như vậy.
Theo suốt chặng đường phát triển đó, FPT đã trải qua nhiều khó khăn và thất bại. Chị Thanh cho rằng đây là một điều may mắn vì thất bại là một điều phổ biến và nó cho chúng ta một tâm thế sẵn sàng thử cái mới, không chịu an phận trong thành công. Chị cho rằng: “Hễ sống trong thành công là đã bắt đầu chết”.
Tân binh chăm chú lắng nghe cậu chuyện từ người chị cả FPT. |
Lớn lên từ trong thời đất nước khó khăn và cùng tạo dựng FPT từ bàn tay trắng, chị Thanh và những nhà sáng lập hiểu rõ giá trị của thành công. Ở FPT, thành công không phải là một thành tích cá nhân mà đó là dấu ấn của tập thể, sự cống hiến của tất cả các cá nhân và là sự bao bọc của xã hội. Từ nhận thức đó FPT đã đề cao sự tử tế và luôn luôn thúc đẩy tạo ra một xã hội tử tế chính từ bên trong tổ chức.
Tại buổi nói chuyện, chị Thanh đã kêu gọi các tân binh của FPT hãy sống tử tế, trước tiên là với những người gần gũi nhất và sau đó là đối với xã hội. Chị tin rằng: “Khi chúng ta tử tế với cuộc đời, cuộc đời sẽ tử tế với chúngta”. Chị Thanh trầm tư, những người sống tử tế, có cái nhìn lạc quan, nhân ái với đồng loại sẽ dễ hấp thu những sóng năng lượng tích cực và có được cơ hội "trời cho". Đó là sự thật chứ không phải trong truyện cổ.
Diễn giả Trương Thanh Thanh. |
Đa phần CBNV tham gia chương trình lần này đều là tân binh cho nên họ không giấu nổi sự phấn khích xen lẫn hồi hộp. Bạn Hoàng Thị Hương Diệu đến từ Sendo.vn cho biết: “Mặc dù thời gian này rất bận nhưng mình vẫn cố gắng tham gia vì muốn tìm hiểu về lịch sử FPT và kết nối với nhiều bạn đến từ các công ty khác”.
Tuy nhiên vẫn có những “cựu binh” đã góp mặt tại FPT trên 2 năm nhưng đây mới là lần tham gia đầu tiên như bạn Đặng Quốc Vinh đến từ FPT IS. Vinh chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 đăng ký và tôi khá hồi hộp không biết sẽ bị hành xác như thế nào. Mong rằng sẽ được hành xác theo một cách hấp dẫn nhất”.
Sau chia sẻ buổi sáng tại Tân Thuận, chương trình 72h trải nghiệm lần này sẽ diễn ra tại KDL Đại Nam từ chiều 22/3 đến 23/3 với các hoạt động giải mật thử, thi đấu thể thao, trải nghiệm tinh thần đồng đội và Gala STCo. Chương trình lần này có hơn 70 CBNV tham gia.
Hơn 70 học viên FPT HCM tham gia 72h trải nghiệm đầu tiên của năm 2019. |
Qua chương trình, học viên sẽ học cách vượt qua giới hạn của bản thân, tăng tính sáng tạo trong từng thử thách và nâng cao tinh thần đồng đội qua các game thi đấu. Ngoài ra, các thành viên sẽ hiểu rõ hơn về môi trường đang gắn bó, được khám phá bản thân, từ đó có trách nhiệm và hứng thú với công việc. Đồng thời giao lưu, mở rộng mối quan hệ và kết nối với nhân viên đến từ các công ty trong FPT.
>> Anh Nguyễn Khắc Thành là khách mời của '72h trải nghiệm'
"72h trải nghiệm” do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức, chính thức ra mắt năm 2015 với đối tượng chính là tân binh nhà F. Từ năm 2016, chương trình mở rộng cho toàn thể thành viên FPT. Đối tượng tham gia chỉ cần là CBNV có hợp đồng chính thức và chưa từng tham dự các số trước đó. |
Trần Khang
Ý kiến
()