Vượt ngưỡng giới hạn
Cổng đăng ký Boston Marathon chỉ mở trong 5 ngày, từ 11-15/9, nhưng chị Quách Thị Bích Thùy đã mất hơn 5 năm chờ đợi và luyện tập cho ngày quan trọng này. Đơn đăng ký của nữ runner được gửi đi trong ngày đầu tiên mở xét duyệt và vượt qua các tiêu chí khắt khe từ ban tổ chức giải, còn lại là chờ đợi kết quả xét duyệt. Boston Marathon sẽ sàng lọc theo thành tích đầu vào, tính từ trên xuống dưới, ưu tiên những người có thành tích cao.
Số đơn đăng ký của những người đủ chuẩn tham dự giải Boston Marathon lần thứ 128 (năm 2024) đạt mức kỷ lục. Khi tuần nhận đơn khép lại, Hiệp hội Điền kinh Boston (B.A.A.) nhận số đơn đăng ký kỷ lục, lên tới 33.000, vượt qua con số 30.458 đơn vào năm 2019. Ở lứa tuổi 35-39, chuẩn BQ rơi vào mức 3h35p.
Chị Bích Thùy về đích tại VM Hà Nội Midnight 2023. |
Đối với chị Thùy, việc tham dự Boston Marathon 2024 không nằm trong kế hoạch ban đầu mà đến như một món quà cho những gì đã cố gắng. Đầu năm trước, thành tích của chị ở VnExpress Marathon (VM) Midnight HCM dừng lại ở mức 3h48p41, kém xa chuẩn đăng ký gần 14 phút, nhưng chỉ 2 tháng sau đã cải thiện đến 23 phút tại VM Huế (3h25p03 - kỷ lục cá nhân tại thời điểm đó). Chính màn thể hiện xuất sắc tại Huế đã giúp nữ runner gặp cơ duyên khi được HLV Chí Hùng - Giám đốc Ultrain gợi ý thử vận may ở Boston Marathon.
Thành tích này giúp con đường đến nước Mỹ trở nên rộng mở nhưng chưa đủ chắc chắn cho một suất chính thức. Nhưng nhờ thông số tốt liên tiếp ở các giải thuộc hệ thống VM, chị Thùy không những đủ chuẩn mà còn cải thiện để có vị trí xuất phát tốt hơn sau khi cập nhật kết quả VM Hà Nội Midnight 2023 (3h18p56s). Tức chỉ trong 9 tháng, chị đã rút ngắn đến 30 phút. Thành quả đến vào tháng 12 khi B.A.A đã gửi email xác nhận runner nhà FPT đủ điều kiện tham dự giải.
Chị Bích Thùy trong danh sách 7 runner Việt Nam tham dự Boston Marathon 2024. |
“Để có ngày đó, tôi đổi lại bằng việc tập luyện miệt mài, “cày” hàng chục giải trong nước, nhiều lúc cũng cảm thấy cơ thể không được nghỉ ngơi”, nữ runner tâm sự. Qua từng năm, thành tích tăng dần lên, nó như liều doping để chị kiên trì chạy mỗi ngày.
Nhìn lại quá trình 5 năm tích lũy cho khát khao chinh phục môn marathon đến hoàn thành mơ ước tham dự Boston Marathon ghi nhận những thăng trầm và ngày tháng luyện tập miệt mài của chị Bích Thùy. Năm 2018, chị chỉ có thể vừa chạy vừa đi bộ 5-10 km. Năm 2019, chị lần đầu chinh phục cự ly 42 km. 1 năm sau, chị bắt đầu “hành trình đứng bục” ở giải Mekong Delta Marathon 2020 tại Hậu Giang với thành tích 4h07. Năm 2021, chị lần đầu đạt mức sub 4 (dưới 4 giờ). Năm 2022, chấn thương khiến chị không thể hoàn thành full marathon ở mốc sub 4 ở VM Quy Nhơn nhưng điều đó không thể ngăn cản ý chí của nữ runner quê Bình Định. Chị âm thầm trở lại, hoàn thành nhiều bài tập khó trước khi chuyển dần lên sub 3:40 (3 giờ 40 phút) và rồi là sub 3:20.
Chinh phục ước mơ
Nhận được thông báo từ BTC, giấc mơ ra biển lớn đã đến gần hơn, cũng là lúc phải lo nhiều thứ. Muốn đặt chân đến Mỹ, chị Bích Thùy cần một tấm visa và sau đó là nỗi lo kinh phí, dự tính số tiền để đến Boston rơi vào khoảng hơn 100 triệu đồng - con số đáng để trăn trở.
“Tôi liên hệ với những ai đã từng có kinh nghiệm chạy ở Boston và nhờ công ty hỗ trợ để hoàn thành thủ tục cần thiết. Boston Marathon là ước mơ của mọi runner. Có người chạy cả đời cũng không đủ thành tích tham gia dù họ thừa điều kiện kinh tế. 100 triệu đồng rất lớn, nhưng nó đáng để tôi đổi lấy dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời runner và đổi lấy cảm xúc tận hưởng không khí, đường chạy ở đó”, chị Thùy chia sẻ. Nữ runner FPT bật mí, cùng với hỗ trợ thủ tục xin visa, ban lãnh đạo FPT Telecom cũng hứa tặng một phần kinh phí.
Dù khẳng định mục tiêu ở BM lần này chỉ đơn giản là hoàn thành đường đua theo cách tốt nhất có thể, trở thành số ít runner Việt Nam hoàn tất cự ly FM ở giải major danh giá, thế nhưng nữ runner vẫn nhiều điều phải lo, chưa biết thời tiết, điều kiện ăn uống ra sao? Vì vậy, chị dự định sẽ đến trước vài ngày để làm quen với thời tiết và địa hình tại Boston. Cốt yếu là giữ vững tinh thần, tích cực tập luyện để tạo sự thoải mái và nền tảng thể lực thật tốt.
Chị Thùy tại vạch đích Tiền Phong Marathon 2024. Ảnh: BTC. |
Việc tham gia liên tục nhiều giải chạy trong năm khiến chị Thùy có thời điểm cảm thấy bị quá tải do không có thời gian nghỉ ngơi. Hết thi đấu lại lao vào tập luyện để chuẩn bị cho giải chạy tiếp theo, guồng quay đó lặp đi lặp lại, trở thành thói quen, một phần cuộc sống của chị.
“Hàng ngày chỉ có 24 tiếng, nếu hôm nay bỏ tập thì sẽ không có sức để chạy. Tôi tưởng rằng năm nay sẽ bỏ chạy sau nhiều cơn đau chân nhưng quyết không từ bỏ. Tôi chưa bao giờ thấy mình thật sự sung sức cả, 1 tháng 4-5 race thì không thể nào sung sức nổi. Nhiều khi không biết tuần tới mình đi giải nào, chỉ đến gần ngày mới chuẩn bị”, chị Thùy chia sẻ.
Chân chạy nhà FPT cho biết chuẩn bị hành lý rất đơn giản, chỉ 1 vali nhỏ với đôi giày vì vốn không quen mang nhiều đồ, có thể lần này chị sẽ chuẩn bị thêm vài chiếc áo giữ nhiệt để giữ ấm cơ thể. Sau khi xuống máy bay sẽ có người quen đón về nhà và đến gần ngày chị sẽ di chuyển đến địa điểm chạy để làm quen.
Về phía gia đình, chồng và hai con của chị đều ủng hộ chị tham gia major lần này. Dù không tiết lộ nhiều với các con nhưng hai cháu vẫn tò mò vì sao lần này mẹ đi chạy lâu thế (1 tuần với 2 ngày bay, 1 ngày thi đấu và 4 ngày chuẩn bị).
Runner nhà FPT vẫn miệt mài tập luyện trước ngày lên đường. |
Hiện gần đến ngày lên đường, chị vẫn miệt mài tập luyện bởi theo nữ runner, quan trọng nhất vẫn là nền tảng có sẵn, sức phải có mới chạy được đúng mục tiêu tại Boston Marathon. “Ở giải Tiền Phong vừa qua, dù nhiều elite đã tập luyện cả tháng để làm quen với thời tiết miền Trung nhưng vẫn gặp sự cố, thậm chí DNF. Mọi người tập leo cầu nhiều nhưng vẫn có thể “gãy”. Vì vậy, ngoài tập luyện cần có sự cố gắng của bản thân. Chính mình nhiều khi cũng tự phục mình, nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc, không muốn chạy nữa nhưng nghĩ lại vẫn phải cố gắng”, chân chạy nhà FPT tâm sự.
Boston Marathon, ra đời từ 1897, là giải chạy lâu đời nhất thế giới, và thuộc hệ thống World Marathon Majors (WMM), bên cạnh năm giải ở New York, Chicago, London, Berlin và Tokyo. Với giải chạy bắt đầu vào ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Tư hàng năm, khoảng 30.000 runner sẽ xuất phát từ thị trấn Hopkinton ở phía Tây Nam Boston để hướng về vạch đích đến ở quảng trường Copley trên phố Boylston. Đây là năm thứ 100, giải này đặt vạch xuất phát tại khu vực Hopkinton. Cung đường 42,195km của Boston Marathon chứa đầy thử thách với đặc sản là những cơn gió ngược cùng các con dốc và ngọn đồi, nổi bật nhất là đồi Heartbreak khét tiếng. BM có cung đường chạy khó bậc nhất trong số các giải World Marathon Majors và cũng không có đội ngũ dẫn tốc, buộc người chạy phải tự tính toán chiến thuật. |
>> Runner FPT Quách Thị Bích Thùy giành hạng Ba giải marathon lâu đời nhất Việt Nam
Sơn Thạnh
Ý kiến
()