Chúng ta

Nỗi sợ học sinh chán học giúp thầy giáo đạt giải iKhiến

Thứ tư, 23/10/2019 | 13:40 GMT+7

Trước tình trạng học sinh uể oải trong những tiết học Văn, thầy giáo Đoàn Mạnh Linh cùng học trò tạo nên trò chơi tương tác 3D để truyền đạt kiến thức.

Từ nhỏ, Đoàn Mạnh Linh đã có khiếu văn chương. Anh nhớ như in những bài học về nỗi cô đơn của con hổ trong Nhớ rừng, hình ảnh Bác Hồ trong hang Pác Pó, tết đến có ông đồ già… qua lời cô kể, trở thành hình ảnh sống động trong trí tưởng tượng trẻ con. Hồi đó cô giáo dạy Văn gần nhà thuyết phục mẹ Linh cho cậu đi thi tỉnh. Năm lớp 8, từ một học sinh chuyên Toán, Linh thi Văn đoạt giải Nhất huyện và giải Ba toàn Thanh Hóa. Kể từ đó ước mơ của Linh là trở thành thầy giáo dạy Văn.

Trải qua bốn năm sư phạm, Linh trở thành giảng viên văn kiêm biên tập viên cho một số trung tâm giảng dạy ở Hà Nội. Tại đây, anh nhận thấy kiến thức môn Văn truyền đạt cho học sinh thường khô khan, không có sức cuốn hút. Linh từng đề bạt thay đổi phương pháp dạy, nhưng bị gạt phăng do các trung tâm sợ có rủi ro với thử nghiệm mới. Mỗi lần lên lớp dù cố sức khởi nên nguồn cảm hứng, nhưng thầy giáo trẻ chỉ nhận lại những ánh mắt buồn ngủ, mơ màng. Ngày thi đại học gần kề lòng thầy như lửa đốt, kiến thức thì nhiều mà học trò vẫn hoang mang.

Năm 2015, Linh nhận tin trúng tuyển trở thành giáo viên của THPT FPT. Vào đây rồi, anh ấn tượng với môi trường học tập cởi mở và Ban giám hiệu nhà trường không ngại thử nghiệm những cái mới. “Nhưng học sinh ở đâu thì cũng chung như vậy”, anh nói, kiến thức Văn học nếu chỉ truyền đạt theo phương thức truyền thống sẽ rất khó được học sinh tiếp thu.

Trong nhiều tháng, Linh thay đổi cách tiếp cận, hướng truyền đạt để học trò có thêm hứng khởi. Trên lớp thầy Linh vừa hài hước, vừa nghiêm khắc khiến học sinh vừa thích, vừa sợ. Năm cuối THPT là lúc nhiều áp lực nhất, kiến thức ngày càng chồng chất trong khi học sinh không cảm thấy hào hứng với môn học này. Thời điểm này, thầy giáo Linh luôn bị một nỗi sợ đeo bám. Anh sợ học sinh không còn thích học Văn.

Linh được học trò nhận xét vừa hài hước, vừa nghiêm khắc. Ảnh: NVCC

Linh được học trò nhận xét vừa hài hước, vừa nghiêm khắc. Ảnh: NVCC

“Đã đến lúc phải thay đổi”, anh nghĩ, “học sinh không có hứng học, làm thế nào để vừa khiến các em thích, vừa không đánh mất đi lượng kiến thức của mỗi bài giảng”. Nỗi đau đáu ám ảnh Linh suốt thời gian dài. Bỗng một ngày nọ, ý tưởng lóe lên trong đầu thầy giáo trẻ, thời đại 4.0 tại sao không tạo môi trường công nghệ cho học sinh cảm thụ Văn học.

Ngày thường, Linh vốn ghét các mô-tip dạy truyền thống. Sẵn có một chút niềm đam mê công nghệ, anh hưởng ứng ý tưởng mới không chút đắn đo. Hồi đó, xu hướng thế giới rộ lên các sản phẩm ứng dụng tương tác 3D, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường. Ngay khi vừa tìm hiểu, Linh biết những công nghệ này có thể dùng được cho môn xã hội.

Chỉ bằng một ý tưởng, Linh mạnh dạn đề bạt với Ban Giám hiệu. Ý tưởng hay, mới lạ được lãnh đạo ủng hộ. Trong số các học trò, thầy Linh thấy Nguyễn Lân dù chỉ học lớp 11 nhưng có khả năng lập trình tốt. Sau khi bàn bạc hai thầy trò quyết định cùng thực hiện, trong đó Linh đảm nhận nội dung, cậu học sinh sẽ phụ trách đồ họa, lập trình. Tác phẩm Người lái đò sông Đà được chọn làm thử trò chơi 3D tương tác, bởi đây là bài giảng cần đến sự tưởng tượng phong phú, đụng đến “nỗi sợ” của nhiều học sinh.

Công việc bắt đầu từ chuỗi ngày thức khuya đến 2h sáng. Thầy giáo tìm mọi cách miêu tả để học trò dễ hình dung. Cứ làm được một phân đoạn, Lân lại gửi thầy xem và sửa. Từng chút, từng chút, hai thầy trò bất kể thời gian nghỉ ngơi hay cuối tuần đều gắng sức vì dự án. Linh kể lại hồi đó càng làm càng hăng, hai thầy trò căng sức vì đứa con tinh thần chung nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi. Thời gian dành cho gia đình gần như không có, may mắn anh được vợ thông cảm, cổ vũ, động viên.

Linh trình bày về dự án dạy văn đa phương tiện tại hội đồng chấm giải iKhiến của tập đoàn. Ảnh: Chúng Ta

Linh trình bày về dự án dạy văn đa phương tiện tại hội đồng chấm giải iKhiến của tập đoàn. Ảnh: Chúng Ta

Không chỉ gặp khó khi truyền tải nội dung thành hình ảnh, để làm được bài học cần áp dụng nhiều công nghệ như blender, unreal engine, substance designer, photoshop. Một số trong đó là công nghệ mới. Một thầy, một trò vừa làm, vừa chia nhau tìm hiểu.

Sau ba tháng trò chơi hoàn thiện ra đời. Tất cả trong đó từ đường nét, chi tiết, màu sắc giống như những gì Linh hình dung. Ngày mang sản phẩm dạy thử Linh không bao giờ quên. Lần đầu tiên toàn bộ học sinh hóa thân thành nhân vật chính để tương tác với các chướng ngại vật mô tả theo tác phẩm, cuốn hút với bài giảng. Học trò được dạy bằng phương pháp ghi nhớ bài tốt hơn so với cách dạy truyền thống.

Đến đây, Linh tin hướng đi của mình đang đúng. Khởi động với trò chơi tương tác 3D, anh bắt đầu nghĩ đến hướng đi rộng hơn là khởi tạo một dự án dạy Văn đa phương tiện. Theo đó, công trình gồm ba giai đoạn trong giảng dạy, sau bài giảng và giai đoạn thi. Mỗi quá trình được áp dụng công nghệ phù hợp với mục đích, thời gian và lượng kiến cần tiếp thu.

Ngoài ra trong quá trình giảng dạy, học sinh có thể sử dụng nearpod nghe bài giảng qua file Audio. Khi về nhà, dự án cung cấp tài liệu tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường, hiển thị nội dung bài dạy qua ứng dụng trên điện thoại và học online trên Youtube. Bước vào giai đoạn thi, Linh tính sử dụng công nghệ OBS studio để livestream các bài tổng hợp kiến thức qua nền tảng Facebook.

Ngày 29/7, Đoàn Mạnh Linh cùng dự án dạy Văn đa phương tiện được xướng tên trao giải bạc iKhiến số 3, tổ chức bởi Tập đoàn FPT. Anh cùng Lân nhận nhiều nhiều khen ngợi từ BGK bởi tính sáng tạo và độ khả thi khi ứng dụng vào công việc chuyên môn.

Có được những thành công ban đầu, Linh nghĩ đến tương lai sẽ mở rộng một nhóm mang tên Ftech để đồng bộ sản phẩm mới với dự án vừa nhận giải. “Nguyên tắc của tôi rất đơn giản, điều thích và thấy ý nghĩa, giá trị thì sẽ làm được”, anh cười.

iKhiến là giải thưởng thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

Tại iKhiến mùa 3, sẽ có giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến Khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm một điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số sẽ nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng/giải.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Huyền Trang

Ý kiến

()