Chúng ta
Chủ nhật, 21/6/2020 | 00:00 GMT+7

Những 'chiến sĩ' VnExpress thời Covid

Có mặt ở những tâm dịch, đối mặt những hiểm nguy, mang trong mình những áp lực khó chia sẻ, nhưng những phóng viên VnExpress chưa bao giờ quên nhiệm vụ hàng đầu của mình.

Những 'chiến sĩ' VnExpress thời Covid

Có mặt ở những tâm dịch, đối mặt những hiểm nguy, mang trong mình những áp lực khó chia sẻ, nhưng những phóng viên VnExpress chưa bao giờ quên nhiệm vụ hàng đầu của mình.

Nguyễn Lệ Chi bắt đầu công việc tại Ban Sức khỏe, báo VnExpress trước Tết Canh Tý chỉ vài ngày. Đây cũng chính là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và đó sẽ là đề tài có thể nói là duy nhất của cô trong những tháng đầu tiên. Chuỗi ngày đi về về Vĩnh Phúc - Hà Nội để ghi nhận tình hình những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên bắt đầu cho hành trình tác nghiệp kéo dài hơn mọi người lúc bấy giờ tưởng tượng. Cô gái tốt nghiệp Học viện Báo chí lập tức trở thành 1 trong 3 phóng viên của tòa soạn phải vào vòng trong nhiều nhất. 

Hai tay máy kỳ cựu của Ban Thời sự VnExpress, Hoàng Giang Huy và Phạm Ngọc Thành là những đồng nghiệp còn lại. Trong khi Giang Huy tác nghiệp ngay cửa phòng khu cách ly đặc biệt của bệnh nhân được coi là "siêu lây nhiễm" đầu tiên, Ngọc Thành cũng có mặt tại "ổ dịch" xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và trường học quân sự nơi cách ly trường hợp tiếp xúc người bệnh. 

21h45 tối 6/3, Nguyễn Lệ Chi vừa gác chân chống xe máy trước cổng nhà thì nhận được tin nhắn từ sếp: "Em ơi, 22h họp báo". Chỉ còn 15 phút. Địa điểm họp báo cách nhà 7km. Cô vội gửi dòng tin: "Mẹ ơi con đi họp báo đây. Chắc đêm nay con về muộn", rồi quay xe. Chưa bao giờ cô gái sinh năm 1995 phi nhanh như thế. "Thật may là các anh cơ động không làm việc đợt ấy", Chi nhớ lại. Cô không ngờ việc công bố bệnh nhân 17 sẽ được tiến hành đêm đó.

Sau ca nhiễm thứ 16 cũng liên quan nhóm người trở về Vĩnh Phúc từ Vũ Hán, khi ấy cả nước trải qua hơn 20 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới. Thông tin phố Trúc Bạch bị phong tỏa đã rò rỉ từ trước, chính đồng nghiệp VnExpress Hoàng Giang Huy là phóng viên Việt Nam đầu tiên có mặt tại đây và ghi nhận tình hình.

Tại buổi họp báo, lần đầu tiên nữ phóng viên bút danh Chi Lê nhìn thấy Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trông căng thẳng và xuống sắc như thế. Quá nửa đêm, cuộc họp thông báo ca bệnh mới kết thúc, các lãnh đạo vẫn ở lại để trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên dù gương mặt của họ hằn rõ sự mệt mỏi. Len lỏi giữa nhóm phóng viên vây quanh ông Chủ tịch, Chi kịp chĩa vào chiếc máy ghi âm và đặt được 2 câu hỏi.

Đó là dấu mốc quan trọng của dịch Covid tại Việt nam, cũng là lúc phóng viên VnExpress lao vào guồng quay công việc, lui tới bệnh viện và các khu cách ly, các cửa khẩu... bất kể ngày đêm, và bất chấp cả nguy hiểm.

 

Máu nghề nghiệp khiến các phóng viên lao vào chốn hiểm nguy, nhưng họ không muốn người thân gặp bất kỳ nguy cơ nào vì mình. Tự cách ly giai đoạn này là điều họ đã đều lựa chọn. Gửi vợ con về ngoại, anh Ngọc Thành, người có kinh nghiệm 15 năm trong nghề, gạt đi nỗi nhớ để có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Có đợt cách ly hơn 1 tháng, nhớ con quá, anh về nhà bố mẹ vợ chỉ để nhìn con và vẫy tay qua cánh cửa tầng trên, rồi lại lao đi làm nhiệm vụ.

Lệ Chi cũng ở một mình một phòng, cách ly tuyệt đối với người thân. Tới giờ ăn, cô đợi cả nhà ăn xong mới đeo khẩu trang đi xuống, rửa tay, ăn uống và tự lau dọn. Khi đi từ vùng có nguy cơ về, bước đầu tiên của nữ phóng viên là đi tắm, tẩy trùng và thay đồ ngay lập tức trước khi tính đến chuyện bài vở.

Tay máy Giang Huy thậm chí còn thuê luôn nhà ở ngoài khi liên tục phải vào những vùng dịch, nguy hiểm; chấp nhận không gặp vợ con, bạn bè. Suốt 2 tháng trời, Huy không có ngày nào nghỉ. Hỏi sợ không, anh bảo sợ chứ, nhưng "máu" nên cứ... 'theo lao'. "Cánh phóng viên chúng tôi đùa nhau là có nhóm máu khó nhiễm", Huy cười.

"Em yên tâm. Nếu bị lây nhiễm, anh sẽ cho em cách ly riêng một phòng áp lực âm, Wifi, điện nước, Internet đầy đủ. Em vào trong này thoải mái tác nghiệp", vị bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trêu Chi sau một thời gian "nhẵn mặt" với cô gái ở bệnh viện. Chi không sợ điều đó, ngược lại cô còn lên hẳn kế hoạch tin bài sẽ làm nếu bị nhiễm bệnh và đồ rằng đây hẳn là một điều kiện... lý tưởng để tác nghiệp. "Nhưng đáng tiếc là thất hẹn với anh ấy", nữ phóng viên hóm hỉnh.

Không những phải chấp nhận nguy cơ lây nhiễm dù đã tuân thủ mọi biện pháp phòng chống và được sự hỗ trợ tối đa từ tòa soạn, phóng viên nhiều khi còn gặp điều kiện tác nghiệp ngặt nghèo khó tránh khỏi. Đêm 19/3, khi khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp được thông báo đón những đoàn người từ nước ngoài về cách ly đầu tiên, phóng viên ảnh Ngọc Thành có mặt tại hiện trường từ 18h30. Để xe bên ngoài, anh mang theo 14kg thiết bị trên vai nhưng phải tìm cách lánh mặt vì nguồn tin có được là "cực độc".

Anh nhắm một địa điểm có thể canh góc máy nhìn thẳng vào khu vực đón người. Nhưng đó là một tán cây cỏ thấp lùm xùm. Trời về đêm, mưa nhỏ, lạnh cắt da cắt thịt, lại nhiều muỗi kinh khủng. Ấy vậy mà anh cứ cắm thiết bị "trực chiến" hơn 3 tiếng thì có đoàn xe đầu tiên tới nơi. 5h sáng hôm sau anh mới lục tục khoác thiết bị ra về.

Dịch càng diễn biến phức tạp, cánh nhà báo nhận ra nguy hiểm nhất không phải tiếp xúc người có nguy cơ, mà là tiếp xúc với người đang... ngay trên giường bệnh. Ngọc Thành đã có một kỷ niệm "nhớ đời" như thế. Sau khi tìm cách 'trà trộn' vào đoàn cấp cao, anh đến được các phòng bệnh trong đó có bệnh nhân 87, lúc bấy giờ diễn biến bệnh đang khá nặng. Nữ điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai không thể ngừng gập người để ho kể cả khi các y bác sĩ và lãnh đạo chính quyền tới thăm hỏi.

Phóng viên Ngọc Thành đối mặt nguy cơ lây nhiễm khi đứng gần mữ điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai trên giường bệnh.

Chỉ còn khoảng đuôi giường cho 3 phóng viên, tay máy nhà VnExpress chọn góc thấp nhất - góc có thể bắt trọn khoảnh khắc tốt nhất nhưng cũng là "góc liều". Trong bộ đồ bảo hộ được cấp, mắt kính mờ đi, tay đeo 2 lớp găng, anh cố gắng chụp bằng cảm giác, và cố trấn tĩnh khi ở vị trí nguy hiểm nhất hứng cơn ho của người bệnh. "Ho là lúc virus trong người bệnh ở mức cao nhất, chỉ hy vọng những lớp khẩu trang sẽ bảo vệ mình", anh tự nhủ để hoàn thành nhiệm vụ.

Tác nghiệp xong, nam phóng viên quyết định đi bộ ngoài nắng 1 giờ với hy vọng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Về nhà, anh tắm rửa nhiều lần và ở trong nhà tự cách ly. Đây là lần thứ 2 Ngọc Thành gặp áp lực nặng nề nhất sau khi tác nghiệp. Lần đầu tiên là lần anh tác nghiệp ở hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông lúc chưa nắm được độ nguy hiểm của ô nhiễm thủy ngân. Lần đó, áp lực khiến anh bạc đầu. Nhưng lần này, anh đã bình tĩnh hơn khi đối mặt hiểm nguy.

Báo tòa soạn về việc tự cách ly, Thành tìm cách hoạt động trong nhà, đi bộ lên xuống cầu thang cho khuây khỏa. Buồn ngủ nhưng không thể ngủ, người anh mệt lả. Nhưng chỉ ngày hôm sau không chịu được, anh lại xin lên đường tác nghiệp. Thành cố "trốn" ra đường, đeo khẩu trang, đi chụp những nơi vắng vẻ. "Ở trong nhà là chết", tay máy chưa bao giờ chịu được sự ngơi nghỉ.

Cùng lúc đó, bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa. Tòa soạn có lệnh phóng viên không được trực tiếp vào bệnh viện để tác nghiệp. Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai còn nói vui với Lệ Chi: "Sợ gì, vào đây anh nuôi mày tất từ A đến Z, thích làm đề tài gì anh dẫn đi làm". "Cám dỗ lắm chứ!", cô cười nói về cơ hội tác nghiệp hiếm có. Nhưng vì tuân thủ quy định của tập thể, cô phóng viên chấp nhận chỉ tác nghiệp từ vùng an toàn.

"Đợt dịch này đối với một số người có thể là không may, nhưng với tôi thì nó mang lại một số cơ hội, ví dụ như tiếp cận được với những con người mà trước đấy rất khó khăn để để xin phỏng vấn. Sau khi mình có những bài viết và có cả sự hỗ trợ của tòa soạn, người ta chú ý đến mình hơn và thông tin cũng cởi mở hơn", cựu sinh viên Học viện Báo Chí bày tỏ.

Không chỉ là những lần căng não, những thông tin u ám hay nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình, điều các phóng viên VnExpress nhớ nhất về đợt dịch lại là những tình người ấm áp, sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ với bệnh nhân, và những nụ cười ngày chiến thắng Covid tại những nơi được coi là "ổ dịch".

Ngày bệnh viện Bạch Mai dỡ phong tỏa, VnExpress là một trong 2 báo được vào bên trong. Giang Huy đi hết hành lang bệnh viện, nhìn thấy hàng trăm nụ cười và cả những giọt nước mắt. Anh không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh nữ điều dưỡng mang bầu chờ chồng đón về sau 14 ngày xa cách, khi vị bác sĩ nghe tiếng gọi và chạy lại ôm người con trai đã đứng đợi bố từ lâu...

Phóng viên Giang Huy bắt trọn khoảnh khắc một bác sĩ chạy lại ôm người con trai sau 2 tuần cách ly.

Đó cũng là một trong những sự kiện mà cô phóng viên Nguyễn Lệ Chi nhớ nhất. Ấy là hôm tác nghiệp muộn nhất của cô, khi 2h sáng mới về. Chờ trước cửa bệnh viện từ 22h, Chi trải qua một hành trình năn nỉ các cán bộ công an xin vào bên trong và cuối cùng cùng được đồng ý khi đã mặc đồ bảo hộ kín mít. Vài phóng viên chia nhau đi phỏng vấn xung quanh, ghi nhận tình hình bên trong trước giờ dỡ phong tỏa. Một nhóm đứng ở ngoài để phỏng vấn lãnh đạo bệnh viện. Đúng 0h ngày 12/4, hàng rào phong tỏa bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ trong tiếng reo hò của hàng trăm nhân viên y tế. "Vui như Tết!", cô gái cũng không kìm được cảm xúc.

"Tôi còn từng trải qua những điều nguy hiểm hơn cả dịch Covid, những lúc thật sự cận kề cái chết hơn", Giang Huy trầm ngâm. Anh nhớ lại 20 năm lăn lộn với nghề và chuyến công tác 1 tuần tại Hoàng Sa thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Nhưng điểm chung là những "cái liều" đều được đền đáp bằng những niềm vui vào những khoảnh khắc lịch sử được chứng kiến. "Hâm mới chọn nghề này" - Huy tặc lưỡi. "Có những lúc bức xúc, chán nản, mệt mỏi, nhưng vì yêu nghề nên tôi vẫn theo, như người bố đã 40 năm tuổi nghề của tôi".

Ngược lại với Giang Huy "con nhà nòi", Ngọc Thành đến với nghiệp chụp "không sách vở, không ai dạy". Từng làm việc ở Bộ Văn hóa hơn 10 năm, anh tiếp xúc với nhiếp ảnh thời thiết bị còn khan hiếm khó mua, Thành dần mê, tự học và "chụp nhiều thành quen". Niềm vui của anh khi làm báo là có cơ hội tiếp cận từ những người giàu nhất đến những người nghèo nhất, trải qua những bệnh dịch nguy hiểm nhất, và tác phẩm mình tạo ra được nhiều người đánh giá cao và trân trọng. "Một bức ảnh đẹp là một khoảnh khắc đóng băng, đủ sức lay động người xem hơn cả chữ", anh nói. Và đó là những động lực giúp anh theo đuổi nghề đến giờ.

"Còn tôi có niềm mong ước nho nhỏ là sau này nói với con mình thế giới này như thế nào",  lựa chọn trở thành phóng viên, sẵn sàng đi đây đi đó, Chi mong sẽ trở thành người có thể kể những điều đã trải qua, dù việc chuyên tâm tác nghiệp sẽ phải cân nhắc lại lúc có gia đình. Với cô, động lực truyền lại kiến thức cho thế hệ sau là mạnh mẽ nhất và không điều gì giúp cô thực hiện điều đó tốt hơn là làm báo.

Chi nhớ lại buổi phỏng vấn xảy ra trước khi mọi người nghe đến Covid-19, sếp đã hỏi liệu cô có sẵn sàng chạy vào vùng dịch để làm tin. "Ở chỗ nào có thông tin, ở đó có nhà báo, em nghĩ đơn giản vậy thôi". Đó là lý do cô gái cứ thế xông vào những nơi đầy những nguy cơ, giống như những đồng nghiệp - tiền bối của cô từng làm suốt nhiều năm qua. Và cô lấy làm hài lòng vì vượt qua bao khó khăn và nỗi lo, cô đã có dịp trưởng thành nhanh với chính tờ báo mà thầy cô từng khuyên đọc.

Thủy Minh - Hà Trần 

Ý kiến

()
 
Tags: