Chúng ta

'Nhờ chiến thắng Điện Biên, ba đã cưới được mẹ tôi'

Thứ tư, 7/5/2014 | 09:50 GMT+7

'Sau chiến thắng, ba tôi được cấp trên cho về quê lấy vợ. Với chiếc xe đạp và hành trình 1.000 km trong gần một tuần lễ, ba mới gặp được mẹ", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến kể lại.
> 'Mỗi người FPT hãy là một chiến sĩ Điện Biên'

Kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) - mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc đã đến. Đây cũng là lúc người Việt Nam nói chung và người FPT nói riêng thể hiện tình yêu đất nước, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc về trận chiến lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Với TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều dấu ấn khó phai, gắn liền với nhiều kỷ niệm từ thủa ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Anh đã thuộc lòng diễn biến của trận chiến này từ khi còn nhỏ.

a

Tượng đài chiến sỹ Điện Biên do TGĐ Bùi Quang Ngọc chụp trong chuyến đi Điện Biên cuối tháng 4 vừa qua.

"Với tôi, cái tên Điện Biên Phủ gần gũi biết bao. Năm 1964, khi đang học lớp 1, tôi được vào sân vận động Hàng Đẫy để dự mít-tinh nhân 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm đó, tôi được xem tái hiện trận chiến đấu cuối cùng của chiến dịch này khi bộ đội ta xông vào hầm De Castries và phất lá cờ Việt Nam trên nóc hầm", anh bồi hồi nhớ lại. Sau này, khi học cấp 3 hay đi nghiên cứu sinh ở Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn song hành cùng anh trong nhiều câu chuyện đáng nhớ.

Cuối tháng 4 vừa qua, anh đã có chuyến thăm những di tích của trận chiến năm xưa trên mảnh đất anh hùng. Sau khi đi qua rất nhiều di tích, hầm hào, chiến khu, cứ điểm... ở Điện Biên, anh đúc kết: "Tôi thấy được sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ là do lòng yêu nước, sự đoàn kết và trí thông minh của dân tộc Việt Nam".

Nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch ĐH FPT, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế ĐH FPT, đã kể lại câu chuyện cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua bài viết của cô Virginia - phóng viên nước ngoài đầu tiên đi bộ hết con đường Trường Sơn huyền thoại. Anh cho rằng, nói về Điện Biên Phủ, chiến công của Đại tướng rất rõ ràng nhưng ít ai biết được ông có vai trò quan trọng ra sao trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

Bằng những trích dẫn từ bài phỏng vấn của nữ phóng viên Virginia, anh đã tái hiện những suy nghĩ, cảm nhận đầy xúc động của Đại tướng khi quyết định mở con đường mòn Hồ Chí Minh - yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Rất nhiều bí quyết của chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Tướng Giáp ứng dụng trong quá trình xây dựng và hoạt động của con đường này.

Qua câu chuyện, anh Thành Nam đặc biệt tâm huyết với niềm tin của Đại tướng: Có thể duy trì cuộc chiến bằng chiến tranh du kích nhưng chỉ có thể kết thúc bằng chiến tranh thông thường. "Xem ra điều này cũng rất đúng trong kinh doanh, nếu hiểu kết thúc là xây dựng được nghiệp lớn", anh chia sẻ.

a

Cửa hàng bán đồ lưu niệm với hình ảnh Bác Hồ và Tướng Giáp tại hầm De Castrie ở Điện Biên. Ảnh: Bùi Quang Ngọc.

Anh Lê Quang Tiến, Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, chia sẻ rằng: "Cũng như bao người Việt Nam, tôi tự hào vì cha ông đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Trước đây, tôi có dịp trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo bác, yếu tố quyết định chiến thắng là ý chí quyết đánh, quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam. Khó khăn nhất là khi chuyển từ chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Tướng Giáp cho rằng phương án đánh nhanh mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên nên không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh với phương án đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần dần các tập đoàn cứ điểm.

Đến nay, tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng ấn tượng đọng lại trong anh về chiến thắng này chính là những ca khúc đã đi cùng năm tháng, đặc biệt là bài "Hò kéo pháo" - ca khúc mà thời mới thành lập FPT, các anh đều yêu thích và hay hát mỗi khi có dịp.

a

"Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ, có lẽ môn võ cổ truyền dân tộc đã không thể phổ biến được đến nước Tây Phi xa xôi", anh Tiến chia sẻ. Ảnh: S.T.

Với Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa thật đặc biệt vì ba anh - Tướng Hoàng Đan, đã tham gia chiến dịch này cùng với một câu chuyện khó quên.

"Khi tôi lớn, ba không kể lại những trận đánh mà chỉ kể rằng sau cuộc chiến được cấp trên cho về quê lấy vợ. Ba đã đạp xe khoảng 400 km để về tới Nghệ An nhưng lúc đó mẹ đã lên Thái Nguyên học. Vẫn chiếc xe đạp ấy, ba lại vượt tiếp 500 km lên tới đất chè thì biết mẹ đã đến Lạng Sơn. Phải mất hơn 100 km nữa, ba mới gặp được mẹ. Vậy là, chỉ chưa đầy một tuần lễ, ba đã đạp xe 1.000 km để đi cưới vợ. Ngày đó, bộ đội không có tiền nên khi tổ chức đám cưới, cơ quan mẹ mỗi người góp một chút. Sau này mẹ vẫn hay đùa rằng: 'Ba cưới mẹ không tốn một bát nước lã'. Với tôi, chiến thắng Điện Biên Phủ rất đặc biệt và quan trọng vì nhờ kỳ tích đó, ba đã cưới được mẹ tôi".

Một câu chuyện khác sau này cũng khiến anh xúc động không kém, thắp lên niềm tự hào dân tộc sâu sắc từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh kể lại, khi tới thăm Burkina Faso - một quốc gia nằm ở Tây Phi, thuộc địa cũ của Pháp, anh có gặp một anh Việt Kiều bé nhỏ, chỉ cao tầm 1m60, nặng 50 kg và là chủ một lò Vovinam - Việt Võ Đạo với lời quảng cáo rằng: "Bọn mày có biết ngày xưa khi lính Pháp, Mỹ đánh nhau với Việt Minh sợ nhất gì không? Đó là bộ đội Việt Nam chỉ nhỏ bé bằng tao nhưng võ đầy người". Quả thực, có nhiều người châu Phi cao to đã đi theo anh học tập với lòng kính trọng.

"Khi đến một quán bar ở Ouagadougou - thủ đô của Burkina Faso, tôi rất xúc động khi thấy những người vệ sĩ đặt bàn tay phải lên ngực trái cúi chào (nghi thức nghiêm lễ của Vovinam). Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ, có lẽ môn võ cổ truyền dân tộc đã không thể phổ biến được đến nước Tây Phi xa xôi ấy", anh chia sẻ.

Những ngày qua, cả nước đều hướng về Điện Biên Phủ. Chị Nông Hương Ly, Đại học FPT, xúc động chia sẻ: "Mỗi năm đến ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên tôi đều rất nhớ ông nội - người cả cuộc đời sống vì lý tưởng cách mạng, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày ông còn sống, khi nhắc đến hai nhân vật vĩ đại ấy, tôi nhận thấy trong giọng nói và ánh mắt ông là cả tấm lòng ngưỡng mộ và sự tôn kính vô biên".

Chị Ly kể về ông nội - người đã tham gia chiến dịch Điện Biên, với niềm tự hào sâu sắc. Ảnh: FB.

Chị Ly kể về ông nội - người đã tham gia chiến dịch Điện Biên, với niềm tự hào sâu sắc. Ảnh: FB.

Ông nội chị Ly sinh ra trong một gia đình dân tộc Tày yêu nước tại Lạng Sơn. Từ nhỏ ông đã là người cương trực, thẳng thắn. Năm ông 15 tuổi, ông tham gia cách mạng, sau đó được thăng cấp và chỉ huy một đại đội và về đóng quân tại Thanh Hóa. Ở đây ông đã kết hôn với bà - người con gái đẹp nhất làng chài Tĩnh Gia. Sau đó vài năm, ông đưa vợ con theo quân đoàn lên Sơn La đóng quân. Ông bắt đầu tham gia trận Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của Tướng Giáp và trực tiếp chỉ huy đại đội của mình đánh chiếm được đồi A1.

"Sau này khi con cháu đầy đàn, mỗi năm ông lại kể chuyện cũ. Chúng tôi dù đã nghe nhiều lần nhưng chưa bao giờ hết hứng thú vì ông chính là nhân chứng sống ở thời khắc khó khăn nhưng vô cùng oanh liệt, tự hào của cả dân tộc", chị Ly bồi hồi.

a

Một số CBNV FPT đã có chuyến thăm Điện Biên vào năm 2011. Ảnh: FB.

Trong dịp này, rất nhiều người FPT cũng như người dân Việt Nam đã không quản ngại đường xá xa xôi về với mảnh đất anh hùng để tham quan các di tích xưa, tìm về với cội nguồn.

"Năm 2011 là lần đầu tiên tôi đến thăm Điện Biên Phủ bằng chuyến phượt cung đường Tây Bắc. Đọc và nghe nhiều về mảnh đất này nhưng khi đến nơi thì cảm xúc thật nhiều và thấy thêm kính nể tinh thần chiến đấu bất khuất của cha ông. Sau khi trực tiếp được chạm vào những hiện vật còn lại của cuộc chiến lịch sử, tôi đã về đọc và xem lại hết những tài liệu, phim ảnh về chiến thắng Điện Biên để được hiểu biết thêm và có những liên tưởng sinh động hơn", anh Đinh Công Sáng, Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, tâm sự.

Sau chuyến đi, anh đã thực sự hiểu việc "kéo pháo vào trận địa, rồi lại kéo ra vì thời cơ chưa đến" của các chiến sĩ Điện Biên ngày xưa đã diễn ra vất vả và kỳ công như thế nào khi địa hình rừng núi quá hiểm trở. Anh bộc bạch: "Từ đó, tôi thấy thêm khâm phục những bậc cha anh đã làm nên kỳ tích phi thường dù khi ấy họ vẫn còn rất trẻ".

"Tuy không sinh ra vào những năm chiến tranh nhưng tôi cũng được học, được nghe kể rất nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ hùng tráng, lẫy lừng. Khi có dịp tới tham quan, tôi hơi bất ngờ vì trước đó đã có những tưởng tượng khác. Điện Biên bây giờ là một thành phố to đẹp, phát triển, các di tịch lịch sử đều được quy hoạch. Dù dấu vết thời gian đã làm mờ những hiện vật song tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc sẽ mãi trường tồn", anh Ngô Anh Tuấn, Ban Truyền thông FPT, chia sẻ.

Dù không sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, cũng chưa từng đi tham quan mảnh đất anh hùng này, nhưng niềm tự hào về chiến thắng vang dội năm châu vẫn luôn hiện hữu trong mỗi người con đất Việt. Anh Lê Nguyễn Khánh Linh, FPT Telecom Đà Nẵng, bày tỏ: "Tôi mong sẽ sớm có dịp về với vùng đất này, thăm những chiến trường, hầm hào, di tích lịch sử để hiểu hơn về chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Qua đó, tôi sẽ có thêm động lực phấn đấu làm việc tốt hơn nữa, góp một phần nhỏ bé xây dựng đất nước mà cha anh đã đổi bằng máu xương để giành lại cho chúng ta hôm nay".

Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()