Chúng ta

Nhật ký đón con về Trường Hy vọng

Thứ ba, 15/2/2022 | 10:30 GMT+7

Đón 1.000 con về mái ấm Hy vọng (Hope School) sau đại dịch là việc làm không đơn giản, không thể làm trong ngày một ngày hai, lại càng không thể ồ ạt để lấy số lượng. Người đi đón con phải gặp trực tiếp từng gia đình, trò chuyện, tháo gỡ bao nhiêu thắc mắc, nghi ngại của những người muốn gửi các bé mồ côi vì Covid-19 vào trường Hy vọng. 1.000 em bé là 10.000 câu chuyện…

Báo Chúng ta chia sẻ nhật ký đón các em nhỏ về Trường Hy vọng của anh Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc dự án Hope School.

Tôi cùng nhóm cộng sự đã đến từng ngõ ngách của TP HCM cũng như nhiều tỉnh/thành để mong đón được các con về ngôi nhà lớn. Những chuyến đi qua mỗi ngày như thế đều được ghi lại và đặt tên là “Nhật ký đón con”. Xin được trích một phần nhật ký để bạn đọc hình dung được trong 90 ngày qua, mái ấm Hy vọng đã dần tạo dựng một gia đình lớn như thế nào.

Khi trích những trang nhật ký này, chúng tôi đã thực hiện cam kết sẽ không ghi tên thật của các bé để tôn trọng tuyệt đối quyền riêng tư.

Q-jpeg-9205-1644894072.jpg
 

Ngày thứ nhất - 28/11/2021

Gặp N. (15h10)

Lên máy bay lúc 11h30 sau khi thực hiện đúng yêu cầu 5K, kèm 3 loại giấy tờ đủ tiêu chuẩn lên máy bay (căn cước công dân, chứng nhận tiêm vắc xin, giấy xác nhận kết quả âm tính test nhanh và test PCR).

Không ăn trưa vì cũng không muốn la cà. Anh Hùng lái xe biết đường, thuộc đường chạy thẳng một mạch đến khu tập thể Đường sắt tại Sài Gòn. Tấm biển “Cư xá Đường sắt hẻm 290” hiện ra sau mấy chục phút.

Nhà đầu tiên trong hành trình đón con về mái ấm của chúng tôi là của N. Con sinh 2008, học lớp 8. Để vào nhà N. phải đi qua những khúc cua trong con hẻm nhỏ xíu mà chúng tôi không thể nào tìm được, phải chờ mẹ N. ra tận nơi đón vào nhà. Một con hẻm siêu siêu nhỏ, hai người đi gặp nhau thì phải nghiêng người mới đỡ va vào nhau.

Mẹ N. đã khóc vì sự tử tế, sự chia sẻ và động viên tận nơi của những con người nhà F. Nghe nói đến rồi, đọc trên mạng rồi và giờ lại thấy xuất hiện nữa - một điều mà mẹ N. không tưởng tượng nổi vì mẹ con N. ở cái hẻm xa xôi, bé xíu này ai nghĩ đến mình. Chị nói: “Cả cái ngõ này 100% người lớn đều nhiễm Covid vì nó quá nhỏ, quá bé, em ở trong nhà đủ 2 tháng không ra ngoài mà vẫn nhiễm đó anh.”

Tôi đến hôm nay đúng 100 ngày mất của bố N., gửi chút quà của những người F thắp hương cho người không may mắn trong chúng ta đã ra đi vì đại dịch. Hai mẹ con N. sống trong một căn nhà 2 tầng, mỗi tầng khoảng 10 m2 và chúng tôi phải đứng nói chuyện vì không có ghế để ngồi. Chào mẹ con N., tôi nghĩ: bằng những tấm lòng tử tế, bằng tình yêu và sự sẻ chia, N. sẽ lớn lên, sẽ đi qua những mất mát, buồn thương để đối đáp lại cuộc đời này cùng bằng tình yêu và sự chia sẻ.

Gặp V. (16h37)

Đường vào nhà V. xe không đi được vì không đủ diện tích cho ô tô. Chúng tôi đi bộ khoảng 800 m đến số nhà 675, nhưng được ghi thêm đủ 26 chữ cái (675A, 675B, 675C... đến 675Z). Nhà V. ở số 675J.

Bố V. ra đi để lại 3 con và một người vợ sinh năm 1984. Ba con còn quá nhỏ để hiểu và thấm sự vắng bóng của người cha, vẫn hồn nhiên và trong veo như cái tuổi của mình. Nỗi đau, sự mất mát của đại dịch đi qua hằn rõ trên khuôn mặt, đôi mắt và bàn tay của người phụ nữ ở lại. Tôi chỉ biết tin rằng mẹ V. sẽ đi qua nó bằng lòng nhân ái, chia sẻ của cộng đồng, sự chung tay của những con người nhà F. Tôi cũng tin, V. và hai em của V. sẽ bước những bước mạnh mẽ, yêu thương để thực hiện khát vọng trên con đường phía trước.

rsz-2q5-jpeg-2890-1644894072.jpg

Sáng 29/11

Gặp N. N.

Vết đau còn hằn rõ trên khuôn mặt mẹ em và em bởi nỗi đau quá lớn, đến mức khiến tôi nghẹn ngào vì không nghĩ nổi chị sẽ đi qua nó như thế nào.

Chỉ một tuần, cả nhà chị 7 người nhiễm Covid. Và chỉ trong 1 tuần đó chồng chị, bố chồng chị, em chồng chị đã ra đi. Khi đó, chị, hai con, chị gái chồng cũng đang chắt chiu từng hơi thở để vượt qua cơn hành hạ của bệnh dịch. Phải đi vào tận cùng của nỗi đau mới thấy sự tàn phá ghê gớm của Covid. Hậu quả của việc nhiễm nặng là chị và con gái lớn mái tóc đã rụng quá nửa, mỗi lần soi gương chị và cháu cũng không thể tin vào hình ảnh của mình.

Tôi tin chị sẽ đi qua, vững vàng.

Gặp nhà B. T.

Những phận đời éo le và tận cùng nỗi khổ.

Mẹ B. T. tai biến và đã liệt 10 năm nay từ khi con mới chỉ học lớp 1. Năm nay B. T. vào lớp 11 và chỉ học online từ đầu năm 2021.

Đại dịch tràn đến, bố mất đi để lại gánh nặng và việc chăm sóc mẹ cho B. T. Gia đình B. T. không có nhà mà sống nhờ gian phòng khách của người dì. Mẹ B. T. chỉ ngồi trên chiếc ghế giường, cần thì hạ xuống để nằm. Ngày cũng như đêm, chị gắn liền với cái ghế, lúc tắm và đi vệ sinh phải có sự hỗ trợ của B. T. Cái chị thiếu nhất, tôi hiểu được, đó là nhu cầu được giao tiếp, được nói chuyện, được chia sẻ về nỗi đau khi Covid đã lấy đi mất phần quan trọng nhất, đó là người bạn, người sẻ chia, người chồng của chị. Chị quay quắt, bực dọc và cả những cảm xúc vỡ oà khi những người nhà F đến, chị nói chuyện, kể các câu chuyện về đời chị, về quãng thời gian chị bị tai biến, về B. T. Chị đã lưu trữ tất cả những giấy khen, thư khen của con trong hơn 10 năm qua và giờ nó là niềm tự hào, niềm vui còn lại của chị.

Với B. T., tôi cũng chẳng biết nói gì, định hướng gì cho em. Vì thực sự em đã quá nghị lực, mạnh mẽ và làm được tất cả các phần việc của người cha, trở thành đôi chân đôi tay của người mẹ và nhận luôn cả phần sẻ chia, kết nối giúp mẹ với thế giới bên ngoài. B. T. chưa bao giờ dừng bất kỳ buổi học nào, vẫn mải miết cày bừa với con chữ để có thể đi tiếp bằng ước mơ của mình là thật giỏi tiếng Anh để tiếp thu thêm nhiều điều mới mẻ từ thế giới. Và biết đâu khi đi qua tất cả những khó khăn, mất mát và cả những điều thiếu thốn của cuộc sống này, B. T. sẽ có nhiều trải nghiệm để cứng cáp, mạnh mẽ và bản lĩnh để đi tiếp con đường ước mơ khi qua tuổi 18.

Q1-jpeg-3576-1644894072.jpg

Gặp A. T.

A. T. đã đủ lớn để hiểu được việc mất mẹ. Em dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm ba và chia sẻ cùng ba. Ba A. T. cũng dồn nhiều thời gian hơn cho con, hai cha con cùng chia sẻ và yêu thương nhau qua nỗi đau hậu Covid.

A. T. kể, lúc cả ba mẹ em dương tính và y tế đưa đi cách ly tập trung, hai tuần đó em ở nhà một mình trong căn nhà cuối con hẻm rất nhỏ, nhà mỗi lầu 25 m2 mà em cảm thấy nó to như cái sân bóng. Hai tuần em không liên hệ được với cả ba và mẹ, em cũng không đoán được việc gì sẽ xảy ra, em cũng không dám nghĩ điều xấu nhất có thể đến.

Thế rồi ngày thứ 20, ba em về, sự vui mừng vỡ oà, cả sự tủi thân mà không gọi được ra tên của nó. Em hỏi ba: “Mẹ con đâu?”. Ba nói mẹ tách khỏi ba khi bệnh nặng hơn vào ngày thứ 15, mẹ được chuyển qua bệnh viện lớn có hỗ trợ máy thở và dụng cụ tốt hơn. Đến ngày thứ 25 thì A. T. và ba nhận được tin mẹ đã không qua khỏi tại bệnh viện. Hai ba con từ lo lắng, hoang mang đến đau đớn tột cùng. Sự đau đớn của cả hai ba con là không được ở gần, không được nhìn thấy mẹ lần cuối khi mẹ mất, có nhiều điều, nhiều câu chuyện còn dang dở mà mẹ mang đi... Không gì có thể diễn tả được những nỗi buồn, sự mất mát và thiếu vắng của hậu Covid.

A. T. sẽ bước tiếp trên đường đời bằng những kỷ niệm về mẹ, những ước mơ của mẹ còn đang dang dở và tình yêu của ba.

Gặp H. H.

Khi mẹ và ba nhập viện, H. H. và chị gái chỉ nghĩ như những lần khác, ba mẹ cùng ốm đi viện rồi sẽ về.

Thế nhưng đến ngày ba về, H. H. không thấy mẹ về và nhìn ba đầy nước mắt. Cảm giác ba mệt mỏi, tơi tả sau những ngày đi điều trị và ba chỉ trở về có một mình. Hai chị em H. H. hoang mang, không thể tin vào việc mẹ mất, chị gái H. H. đã không thể đứng dậy được sau khi biết mẹ không bao giờ trở về…

Những chia cắt và mất mát đột ngột không cho những đứa trẻ sự chuẩn bị.

Những nỗi đau của trẻ con sẽ cứ lơ lửng, lúc nhận ra, lúc không. Sự ra đi của mẹ H. H. cũng vậy, nó làm cho những đứa trẻ cảm nhận nỗi đau đớn và khoảng trống lớn dần theo thời gian.

Hậu Covid thật khủng khiếp!

Gặp H.

Mẹ H. sinh em khi đã 46 tuổi, ba em khi đó 57 tuổi. Mẹ em nói đó là sự may mắn không được báo trước.

Chúng tôi đến nhà H., căn nhà của 3 mẹ con chỉ vỏn vẹn 9 m2. Chúng tôi đứng để chia sẻ với nhau, nói với nhau những câu chuyện về Covid và nỗi đau Covid.

Ba H. nhiễm Covid và mất luôn ở nhà. Tôi cũng chưa hiểu làm sao 4 người sống được ở một nơi 9 m2. Sau khi ba mất, hai anh em H. đưa mẹ vào viện vì mẹ cũng nhiễm Covid. Hai em ở nhà, trong lúc hoang mang và đau đớn đã đóng gói hết đồ đạc của ba, mẹ đem cho vào thùng rác để tránh lây Covid. H. và anh trai chứng kiến đầy đủ đau đớn cấp tập ập đến với ba, không kịp nói lời tạm biệt với vợ và hai con.

H. bảo em may mắn bởi còn có anh trai để lo, chia sẻ được cho em và mẹ. H. sẽ tiếp tục những ước mơ của mình bằng sự đồng hành và hướng dẫn của anh trai. Tôi tin H. sẽ làm được điều mình muốn và sẽ làm tốt những điều đó. Tận mắt chứng kiến, hiểu được sự cận kề giữa sống và chết, dù là bất đắc dĩ, sẽ làm em yêu quý và biết sẻ chia hơn với cuộc đời này.

Hoàng Quốc Quyền

Ý kiến

()