Người yêu người Sống để yêu nhau
Trước những bão dông, sóng gió tưởng chừng có thể quật ngã tất cả của năm 2021, vẫn có một điều neo giữ con tàu FPT vững vàng. Đó là tình yêu.
Thế giới lại vừa kết thúc một năm không-bình-thường. Covid-19 với những đợt sóng mới tràn qua, cuốn đi hàng triệu sinh mạng, làm chao đảo mọi nền kinh tế, xáo trộn mọi lối sống và thói quen… Bất chấp những biến động gấp gáp ấy, FPT vẫn đứng vững. Tăng trưởng đều đặn, đời sống bình yên. Hơn thế, nhà F còn vươn ra ngoài xã hội, gửi gắm và lan toả thật nhiều điều tốt đẹp, tử tế. Vì đâu mà chúng ta có được sức mạnh này? Ngọn nguồn, có lẽ nằm ở tình yêu thương. Tình yêu âm thầm trong cốt cách người F, rồi bừng sáng khi những khó khăn chực chờ phủ bóng đen. Tình yêu như một chiếc mỏ neo chắc chắn, giữ con tàu FPT không chòng chành, lay động trước mọi sóng cả của thời cuộc. Chưa bao giờ người F nắm chặt tay nhau và dang tay cho cộng đồng dịu dàng, rộng mở đến thế. Chưa bao giờ, tình yêu thương và lòng biết ơn lấp lánh đến thế trong từng câu chuyện mà Chúng ta có dịp được nghe kể.
Mang yêu thương Đong đầy tâm dịch
Cuối tháng 7, Sài Gòn mưa nắng thất thường, có đoàn người trẻ FPT lên đường chẳng nề khuya sớm, số ca F0 ngày một tăng cao. Họ đến từng con ngõ trao tận tay những phần quà thiết yếu cho đồng bào, khi Covid-19 khiến thành phố trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
FPT Kéo mẹ Từ cõi chết trở về
Vượt cửa tử Covid-19, mẹ chị Nguyễn Thị Bích Dung vẫn luôn nhắc ân nghĩa mà nhà F đã dành cho người thân của nhân viên trong giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời.
Rời xa hơn 2 năm, đầu 2021, duyên cũ đưa tôi trở lại nhà F. Chưa đầy 2 tuần, tôi đã được quản lý báo là FPT tổ chức chích vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả nhân viên dù mới vào hay làm lâu năm. Tôi mừng khó tả, và cả hãnh diện nữa. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang: mẹ tôi dương tính với nCoV. Cả nhà hoang mang và suy sụp. Rồi phường xuống giăng dây phong tỏa nhà, mẹ tôi phải cách ly trong phòng riêng. Bà bắt đầu ho không dứt, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn. Ai nấy như ngồi trên đống lửa. Đã được cập nhật chính sách hỗ trợ nhân viên và người thân của công ty, tôi liền báo cho quản lý. Hôm sau, bạn Trần Thị Lan Uyên (Trung tâm dịch vụ sẻ chia FPT Software) liên lạc với tôi, vừa thăm hỏi và cập nhật tình trạng sức khỏe của phụ huynh, vừa hướng dẫn cách liên hệ nhận đồ cứu trợ. Tôi được khuyên đưa mẹ vào bệnh viện vì bà có bệnh nền huyết áp và tim mạch. Thậm chí, nếu gia đình đồng ý, công ty sẽ tìm bệnh viện có cơ sở vật chất tốt để mẹ tôi được chăm sóc. Cả nhà đều chưa muốn vì thấy mẹ cũng không có triệu chứng gì trở nặng. Vậy nhưng ngay hôm sau, mẹ tôi có dấu hiệu khó thở, đi lại khó khăn, và bị té lúc 4h sáng khi cả nhà còn đang ngủ. Lo sợ cho tính mạng của mẹ, tôi quyết định liên hệ y tế phường và công ty nhờ tìm bệnh viện. Tất cả đều quá tải. Hôm ấy là cuối tuần, nhưng nghe tôi báo mẹ cần tìm bệnh viện vì chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) ngày càng giảm, Lan Uyên vẫn nhiệt tình liên lạc với các lãnh đạo công ty để hỗ trợ gấp. Sau hành trình gian nan tìm xe chuyển viện, chúng tôi cũng đến được Bệnh viện Gò Vấp. Nhưng đời không như mơ. Khi xe đỗ trước cổng phòng cấp cứu, một người có trách nhiệm xem hồ sơ và kiên quyết không nhận, mặc cho tôi trình bày và đưa tất cả bằng chứng về việc đã liên hệ trước. Tôi hoang mang thực sự. Chẳng còn cách nào, tôi lại gọi Lan Uyên. 5 phút sau, đích thân TGĐ FPT Software Phạm Minh Tuấn liên lạc với tôi, lắng nghe và trấn an. Vài phút sau, anh Tuấn gọi lại, bảo: “Anh đã trao đổi, bệnh viện sẽ nhận mẹ em nhé, em và bác cứ an tâm”. Nghe xong, lòng tôi như cất được gánh nặng ngàn cân. Ngay lập tức, mẹ tôi được nhập viện. Sau gần 10 ngày, tôi và mẹ cùng khoẻ mạnh xuất viện đoàn viên. Về nhà, mẹ bảo tôi: “Công ty FPT của con vừa kéo mẹ từ cõi chết trở về. Mẹ mừng khôn tả. Mẹ thấy mình hạnh phúc và may mắn”. Riêng mình, tôi cảm ơn anh Phạm Minh Tuấn, bạn Trần Thị Lan Uyên và các đồng nghiệp ở FPT Software đã giúp đỡ gia đình qua cơn hoạn nạn. Có những đồng nghiệp giúp tôi một cách vô điều kiện, thậm chí tôi và mọi người chưa một lần gặp mặt hay quen biết. Thật may mắn và hạnh phúc khi là người FPT.
23 lần Hiến máu
Ngồi trước bàn đăng ký, tình nguyện viên của “Giọt máu nghĩa tình” cứ ngớ cả người, hỏi đi hỏi lại Võ Viết Nghĩa vì tưởng mình nghe nhầm. Cô nàng cố nói lớn: “2 hay 3 lần anh nhớ rõ không ạ?”. Còn Nghĩa, anh chỉ cười rồi đáp lại dứt khoát: “23 lần”.
Trong tiếng trầm trồ và ánh mắt thán phục của những người xung quanh, Võ Viết Nghĩa vô tình là cái tên ấn tượng nhất trong số hơn 300 người tham gia “Giọt máu nghĩa tình” - chương trình do Công đoàn FPT phối hợp với Hội chữ Thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức vào sáng 15/10 tại F-Complex 2. Ngủ sớm, dậy sớm, chủ động ăn sáng trước ở nhà… Nghĩa một mạch hoàn thiện các thủ tục kiểm tra sức khoẻ rất nhanh, 350ml máu cũng được cho đi một cách suôn sẻ. Anh cho biết, khi nhận thông tin công ty tổ chức hiến máu là đăng ký không chút chần chừ.
Ngồi nghỉ ngơi tại khu vực chờ, Nghĩa bộc bạch, năm nay anh 30 tuổi, nhưng đã hiến máu lần đầu tiên lúc 15 tuổi. Từ đó đến nay, anh có tổng cộng 23 tờ giấy chứng nhận, với chu kỳ khoảng 6-7 tháng/lần. Đặc biệt, trong 5 năm làm việc tại FPT, Võ Viết Nghĩa chưa bỏ sót hoạt động hiến máu nào do công ty tổ chức. “15 năm trước, cả gia đình tôi cuống cuồng tìm nguồn máu để cứu chữa cho người thân đang cấp cứu. Cũng từ lần mất đi người thân ấy, tôi mới hiểu ngân hàng máu quan trọng đến nhường nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, những gì mình cho đi sẽ giúp được một người có cơ hội vượt qua bệnh tật, để họ khoẻ mạnh và sống tiếp”. Nghĩa chỉ là một trong số gần 3.500 người FPT đã cho đi hơn 4.000 đơn vị máu trong thời điểm hiểm nguy của dịch Covid-19. “Khi ngành y tế cả nước đang giành giật sự sống từng giây phút cho bệnh nhân, chúng ta đã vượt qua sự sợ hãi của chính mình, từ lo lắng về dịch bệnh để hỗ trợ và tổ chức chu đáo những buổi hiến máu nhân đạo. Đây chính là văn hóa và là nghĩa tình của người FPT chúng ta”, TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Mệnh lệnh Từ trái tim
"Công ty cần, chúng mình có". Phan Quỳnh Mai ghi lại đoạn tuổi trẻ với trải nghiệm sống động mà nghẹn ngào về những ngày trực tiếp xông pha tại "điểm nóng" TP HCM.
Cóđồng đội Virus nào đánh bạiđược chúng ta?!
Yêu thương ở lại trong tháng ngày sục sôi chống dịch của chị Đào Thị Oanh cùng đồng đội FPT Retail.
Đồng đội ơi, tôi nhớ… Nhớ những ngày đất nước mình đổ máu, Giặc Covid làm đau thấu tâm can Sài Gòn – Tháng Sáu, trăm ngàn người khóc than Nỗi đau ấy trong từng cơn ho, hơi thở. Workchat suốt ngày đêm nhắc nhở FRT-er… Lại có người F0! Gánh nặng trên vai thêm chất chồng Có khác gì bộ đội xưa chống Pháp? Chỉ thị ra, mỗi ngày thêm phức tạp: Lockdown Sài Gòn, không mở bán, kinh doanh. Đồng đội ơi, tôi nhớ những người anh…, Trải tấm chiếu, trực đêm ngày tại Shop Check cam mà lòng tôi chợt thấy xót Tiền tuyến mình chẳng anh dũng lắm sao? Ban lãnh đạo đến từng Shop gửi trao “Combo yêu thương” chẳng thế nào đo đếm. Đồng đội ơi, tôi nhớ những người em…, Vượt chốt, vượt xa để giao hàng cho Khách Trong nguy nan và muôn vàn thử thách Vẫn kiên cường - Những chiến sĩ áo cam. Trong buổi livestream “Hướng về miền Nam” Chị Điệp đã nói “Chúng ta là một phần lịch sử”! Giữa khoảnh khắc đồng bào mình sinh tử “Túi thuốc F0” cứu sống cả vạn người. Đồng đội ơi, giữa tâm dịch chưa nguôi FShop - Long Châu kề vai sát cánh Sự cô đơn mới là virus độc hại Có đồng đội, virus nào có thể đánh bại được chúng ta?!
Tin ở hoa hồng
Yêu thương theo chân GĐ Dự án Hope School Hoàng Quốc Quyền vượt bao nắng gió mỏi mệt, bao khoảnh khắc lòng se sắt cảm nhận nỗi đau của những gia đình mất người thân, để đến với các em nhỏ cần vòng tay che chở. Anh giữ trong mình một niềm “tin ở hoa hồng”, tin ở những điều tốt đẹp vốn có trong mỗi người và trong cuộc sống.
Sài Gòn những ngày này vắng vẻ, âm thanh còi xe thưa thớt. Tôi đem thắc mắc hỏi một người dân, thì được biết những ngõ hẻm này trước đây rất nhiều lao động từ các tỉnh thành khác đến thuê để sinh sống. Họ đã hành hương về mọi miền Tổ quốc sau khi cơn bão Covid-19 quét qua. Ngôi nhà đầu tiên trong hành trình đón 1.000 con của chúng tôi là nhà của N. (sinh năm 2008 - học sinh lớp 8). Bố mẹ ly hôn, N. sống với bố và sau khi bố mất thì về với mẹ. Nhà N. nằm ở một con hẻm nhỏ xíu xiu, chúng tôi phải chờ mẹ N. ra tận nơi đón vào. Gặp chúng tôi, chị bật khóc vì sự tử tế, sự chia sẻ và động viên tận nơi “không tưởng” của người F. Chị nghĩ, hai mẹ con ở cái hẻm xa xôi, bé tới mức này thì ai biết đến. “Cả cái ngõ này 100% người lớn đều nhiễm vì nó quá nhỏ, em ở trong nhà đủ 2 tháng không ra ngoài mà vẫn nhiễm đó anh”, chị nghẹn ngào. Hai mẹ con sống trong căn nhà 2 tầng thấp lụp xụp, mỗi tầng chỉ khoảng 10 m2. Chúng tôi đứng trò chuyện vì không có ghế để ngồi. Tôi đến vào đúng 100 ngày mất của bố N., gửi chút quà từ những người F, thắp hương cho anh. Những ngõ hẻm Sài Gòn vốn đã nhỏ nay lại vắng người, cứ như một cái lỗ cống dài vô tận. Âm thanh dội vào tôi nhiều nhất là tiếng tụng kinh, và quện vào không gian là mùi thơm của khói hương toả ra từ các nhà. Con ngõ thật dễ khiến cho những người từ nơi khác đến lạc lõng, sợ hãi, có cả những cảm giác chẳng thể nào tả được. Nhưng tôi vẫn sẽ bước tiếp, qua từng ngõ hẻm, đến với các con, tiếp nối tâm nguyện của anh Trương Gia Bình và của những người FPT. Bởi tôi tin, với Trường Nội trú Hy vọng, N. cùng nhiều bạn nhỏ khác sẽ lớn lên bằng lòng tử tế, tình yêu, sự chia sẻ, để đối đáp lại cuộc đời này cũng bằng lòng tế, tình yêu và sự chia sẻ. Tôi sẽ đi đến cùng của hành trình yêu thương. Anh về sẽ kể em nghe Nguồn cơn mấy nỗi phố hè anh qua Sài Gòn khuya sớm bôn ba Thắp đèn gom lửa để mà thương nhau Người đi, người ở… đớn đau Nghẹn ngào con cháu ngày sau chốn nào? Đêm đen bừng sáng ánh sao Ngỡ ngàng Sự Thật! Chẳng còn chiêm bao Mong Chờ Hy Vọng Tin Trao Tương lai dần sáng, đau nào dần vơi…
Ta nhận được yêu thương của gia đình, của bạn bè, ta được xã hội chăm sóc trong khi hoạn nạn, gian khó, và ta cũng trả lại trọn vẹn bằng yêu thương. Bởi ta tin, yêu thương mới là sức mạnh của tất cả.