Chúng ta

Nguyễn Thị Uyên Thúy: Nữ Hiệu trưởng tiên phong của nhà F

Thứ năm, 19/11/2020 | 11:00 GMT+7

Từ bỏ công việc ổn định, chấp nhận làm công tác viên, hy sinh thời gian cho gia đình… là những gì chị Nguyễn Thị Uyên Thúy - Hiệu trưởng trường THPT FPT Cần Thơ - đã đối mặt khi dấn thân từ con số 0 vào dự án giáo dục này.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán - Tin năm 2006, chị Nguyễn Thị Uyên Thúy công tác tại Cao đẳng Kinh tế đối ngoại trong vai trò vừa giảng dạy bộ môn Kỹ năng mềm, vừa là Bí thư Đoàn trường. Sau khi lập gia đình và có thêm hai bé, năm 2014, dù có cơ hội về công tác tại ĐH Nam Cần Thơ nhưng chị lại ao ước được làm điều gì đó khác biệt hơn những gì đang làm.

Năm 2017, qua thông tin trên mạng xã hội, chị tình cờ thấy thông tin tuyển dụng vị trí trưởng phòng Công tác sinh viên của ĐH FPT Cần Thơ. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu chị. Liệu ở đây có ổn định và khác biệt gì với nơi chị đang công tác? Biết thông tin vợ nộp hồ sơ ứng tuyển, anh Lê Văn Nhất - chồng chị Thúy kiên quyết ngăn cản vì cho rằng vợ đã quá quen môi trường công lập hơn 10 năm qua, phần nữa do kinh tế gia đình ổn định, không cần chị phải bươn chải thêm. Nhưng chị Thúy suy nghĩ: “Nếu ở tuổi 33 mà không kịp thay đổi thì sau 35 tuổi rất khó làm được gì khác biệt. Mình lì quá thì chồng cũng phải chịu thôi”. 

IMG-0234-JPG-3096-1605868004.jpg

Chị Thúy chấp nhận từ bỏ công việc ổn định để về gầy dựng trưởng Phổ thông FPT Cần Thơ.

Sau khi quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng Công tác sinh viên, chồng chị tiếp tục phản đối vì anh biết rằng vị trí đó đòi hỏi chị phải dành phần lớn thời gian cho sinh viên nhưng lúc ấy, cả hai đứa con vẫn còn rất nhỏ. Chị quyết định thương lượng với chồng chỉ làm cộng tác viên ở ĐH FPT. “Mình không đánh trực tiếp được thì đành thỏa hiệp từng bước, phải đánh du kích từ từ, nên sau này chồng mới phát hiện là… bị lừa”, chị Thúy vui vẻ kể lại.

Đến khi đi phỏng vấn, chị cũng tâm sự thật với anh Nguyễn Xuân Phong - Hiệu trưởng ĐH FPT Cần Thơ khi chưa thể nghỉ ngay ở chỗ làm cũ và chỉ mong muốn được làm cộng tác viên của trường. Tháng 8/2017, ở những ngày đầu bước vào trường, chị Thúy chủ yếu làm MC cho những chương trình tuyển sinh. Trong thời gian này, dù làm cộng tác viên nhưng chị luôn trong tâm thế hỗ trợ hết mình, không chỉ làm cho xong.

Chỉ 8 tháng sau, chị lại phải thuyết phục chồng lần nữa để công tác chính thức tại trường. Nhận thấy độ “máu” của chị, tháng 10/2018, anh Nguyễn Xuân Phong đề nghị chị về cùng làm dự án “Phổ thông FPT” ở Cần Thơ, vị trí Phó Giám đốc dù ban đầu dự kiến đến năm 2019 mới triển khai. Cả hai anh em đã có rất nhiều kỷ niệm khi là người đặt những “viên gạch” đầu tiên để thành lập trường.

Tốc độ xin giấy phép thành lập trường diễn ra nhanh hơn dự kiến. Tháng 12/2018, trường bắt đầu nộp hồ sơ nhưng ngày 1/2/2019 đã được cấp phép. Chị trực tiếp đến các phòng/ban của thành phố để làm việc, đến tận ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết. “Một năm làm việc ở THPT FPT bằng áp lực của 11 năm trước đó cộng lại. Tôi đếm từng ngày để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng chỉ khi được đặt vào một môi trường đầy thử thách, mình mới có cơ hội để bứt phá, thoát khỏi vỏ bọc an toàn vốn có lâu nay”, nữ Hiệu trưởng tâm sự.

IMG-0207-5474-1605868004.jpg

Dành nhiều tâm huyết khi bắt tay vào dự án, chị luôn quan tâm chăm lo học sinh và giáo viên của trường.

“Từ khi bà xã trở thành Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ, tôi có một trải nghiệm rất thú vị khi đóng vai trò một ‘người mẹ’. Đưa con đi học, nấu đồ ăn và tắm rửa cho con,… tôi càng cảm nhận được sự vất vả của người phụ nữ. Nhờ vậy mà cũng chia sẻ nhiều hơn nỗi khổ của vợ, thật khó để cùng lúc làm tốt cả hai vai trò trong gia đình và ngoài xã hội. Tôi chấp nhận bận rộn hơn để bà xã thỏa đam mê và làm những gì cô ấy thích.

Có thêm hơn 160 học sinh giống như có thêm ngần ấy đứa con. Nên đôi khi cô ấy cũng tạm quên đi gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng hỏi có khi nào em mải lo chăm con người ta mà quên con mình không? Cô ấy chạnh lòng nhưng rồi vẫn lao vào công việc. Tôi thông cảm để vợ hoàn thành nhiệm vụ ở trường, nhiệm vụ của một người đi tiên phong”, anh Nhất - chồng chị Thúy - chia sẻ.

Với quan điểm dùng giáo viên cơ hữu để tạo nền móng lâu dài, anh Phong và chị Thúy đã tuyển dụng các thầy - cô giáo ở tất cả bộ môn về trường, trong đó có nhiều người đang giảng dạy tại những trường chuyên. Hiện tại, 90% giáo viên nhà trường (ít nhất 1 người/môn) là cơ hữu, trong đó có cả giáo viên nước ngoài dạy Tiếng Anh. Để thuyết phục những cán bộ - giáo viên về công tác tại trường, câu chuyện của chính bản thân chị là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công khi chuyển môi trường làm việc. “Khi mình làm việc bằng cái tâm và đúng năng lực thật sự sẽ được ghi nhận xứng đáng, đó là những gì chị thích nhất khi làm việc ở FPT”, chị Thúy chia sẻ.

“Phổ thông FPT là ngôi trường phù hợp với bản thân và định hướng của tôi. Không chỉ dễ gần, chị Thúy còn rất quan tâm đến mọi người qua từng ánh mắt, cử chỉ. Thấy mình cần vật dụng gì thì chị đều chia sẻ. Điều đó làm tôi cảm thấy ấm áp”, anh Đoàn Văn Phước Thọ - giáo viên bộ môn Kỹ năng sống nhận xét.

Bí quyết để phụ huynh chấp nhận cho con vào trường là: học Tiếng Anh với giáo viên bản địa, không học thêm, cam kết không tăng học phí và nội trú. Với chị, nội trú và học phí cao ban đầu là hai vấn đề khó nhất để thuyết phục phụ huynh học sinh. Nhưng “cái gì khó thì làm trước”, chị dần dần thuyết phục và chứng minh được những gì mình nói.

“Khi vào tham quan trường, tôi thấy môi trường và điều kiện của nhà trường tạo cảm giác học tập thoải mái cho con. Điều tôi ấn tượng nhất là nhà trường đã giúp con tôi rèn tính tự lập nhờ việc ở nội trú KTX. Các con gắn bó với thầy cô hơn cả bố mẹ ở nhà”, chị Nguyễn Thị Kim Phượng - phụ huynh học sinh.

Năm học đầu tiên, nhà trường đã tuyển được 168 học sinh chủ yếu đến từ Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ. Sang năm 2020, nhà trường bắt đầu thực hiện những chiến dịch tuyển sinh rầm rộ với chính sách cấp học bổng cho HSG cấp quận/huyện trở lên (giải Nhất cấp quận/huyện: 50% và 100% dành cho HSG cấp tỉnh/thành phố). Nhờ vậy, trình độ học sinh được tuyển vào trường đều ở mức khá/giỏi trở lên. Trong đó, học sinh đạt HSG 4 năm liền ở THCS sẽ được tuyển thẳng vào trường. Những học sinh không đạt tiêu chuẩn trên có thể thi tuyển vào trường sau khi thực hiện bài thi Toán Tư duy logic do anh Nguyễn Khắc Thành ra đề.

Hiện nhà trường đã bắt đầu nghĩ đến việc tổ chức các đội tuyển học sinh giỏi để tham gia kỳ thi cấp thành phố, quốc gia hoặc Olympic miền Nam, đặc biệt ở bộ môn Toán và Tin học. Theo chị Thúy, nếu như trước kia mọi người cho rằng học sinh trường tư thường có năng lực và chất lượng đầu vào kém nhưng Phổ thông FPT sẽ khiến tất cả phải thay đổi suy nghĩ đó. Hiện tại, trường đang có nhiều học sinh từng đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở kỳ thi HSG của nhiều tỉnh.

Untitled-1-3847-1568579728-2469-16058680

Trường trao học bổng 100% cho những học sinh từng đạt giải trong các kì thi chọn học sinh giỏi.

Nữ hiệu trưởng nhà F cho rằng với những phụ huynh đặt kỳ vọng con mình phải học 9-10 điểm cuối năm… thì nên chọn vào trường chuyên. Không phải FPT không đào tạo được mà vì “các con cần thời gian để học tiếng Anh, bổ sung kỹ năng mềm và vui chơi”. Nhà trường không làm mọi giá lôi kéo học sinh mà chỉ ra cho phụ huynh lợi ích và cách học tập tốt cho con khi gia nhập THPT FPT Cần Thơ. Đó chính là triết lý giáo dục ban giám hiệu hướng đến.

 “Ban đầu khi được nghe bà xã kể về công việc ở trường Phổ thông FPT, tôi biết là nó phù hợp với sở thích và nguyện vọng của cô ấy. Từ khi nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng trường Phổ thông FPT, cô ấy càng lúc càng bận rộn. Mặc dù bận từ sáng đến tối nhưng bà xã vẫn tràn đầy năng lượng, về đến nhà là kể rất nhiều về những gì đã làm được cho trường, cho học sinh. Dù công việc ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian, sức khỏe nhưng bù lại vợ tôi đã tìm được niềm vui cho bản thân”, anh Nhất tâm sự.

Chị Thúy tin rằng đây là dự án khởi động và chỉ mới mang lại những thành công bước đầu. Có thể dự án không thể mang lại doanh thu tỷ đô nhưng về giáo dục thì không thể nói về lợi ích kinh tế ngay lập tức. “Khi thực hiện dự án này, tôi thật sự biết ơn hai người. Thứ nhất là anh Phong - người đã cho tôi cơ hội được làm đúng thứ mà mình đam mê. Thứ hai là ông xã, bởi nếu không có anh ấy thì tôi không thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”, chị Thúy nhớ lại.

>> 9x nhà F quyên sách gây quỹ cho trẻ em nghèo

Sơn Thạnh

Ý kiến

()