Chúng ta

Nguyễn Ngọc Long - kẻ nghiện game 'biến hóa' tài tình

Thứ tư, 4/10/2017 | 16:11 GMT+7

"Hồi bé, tôi hết mê mẩn Doraemon rồi lại đến game, thế nhưng tôi phát hiện ra đam mê của mình khi thứ duy nhất khiến tôi có thể cai hai món nghiện là sách lập trình", Nguyễn Ngọc Long chia sẻ trong một buổi xDay - chương trình offline định kỳ của ĐH trực tuyến kiểu FUNiX. 

Đó là lần anh đến tham dự chương trình khi nghe tin anh Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX, có buổi trò chuyện về kiếm tìm đam mê. Chủ nhật đầu tiên của tháng 10 này, Nguyễn Ngọc Long sẽ trở lại xDay với vai trò diễn giả với chủ đề "Xây dựng thương hiệu cá nhân". 

Chương trình diễn ra lúc 9h ngày 8/10 tại Saigon Innovation Hub, 273 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM. Trước sự kiện, anh Long chia sẻ nhiều điều thú vị về bản thân, lý do anh lựa chọn chủ đề thương hiệu cá nhân cho xDay cũng như quan điểm của anh về nghề nghiệp và cuộc sống.

Anh Nguyễn Ngọc Long, đồng sáng lập Truyền thông Trăng đen (Blackmoon), blogger, người làm truyền thông xã hội nổi tiếng trên cộng đồng mạng.

Anh Nguyễn Ngọc Long, đồng sáng lập Truyền thông Trăng đen (Blackmoon), blogger, người làm truyền thông xã hội nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Link đăng ký tham gia dành cho Công dân FUNiX (xTer, mentor) tại đây và khán giả tham dự tại đây. 

- Vì sao anh nhận lời trở thành diễn giả tại chương trình xDay?

Mình biết đến FUNiX thông qua anh Nguyễn Thành Nam nhưng trước đó, mình có biết qua bài viết về FUNiX qua VnExpress về mô hình đại học kiểu mới. Tuy chưa có điều kiện là sinh viên nhưng mình vẫn thường xuyên theo dõi, nhận thông tin từ FUNiX. Mình từng tham gia sự kiện xDay ở TP HCM do anh Nguyễn Thành Nam làm diễn giả với chủ đề: Làm sao để tìm kiếm đam mê?

Khi tham gia chương trình, cảm nhận của mình đây là một chương trình rất “cây nhà lá vườn”, ấm cúng, có chất gì đó dân dã, bình dân, giống như ấn tượng của mình về anh Nam. Cảm thấy chương trình xDay phù hợp với mình.

- Anh lựa chọn chủ đề để chia sẻ với cộng đồng FUNiX như thế nào ?

Mình lựa chọn chủ đề về xây dựng thương hiệu cá nhân vì mình là người làm thương hiệu cá nhân một cách có chủ ý, đã từng làm thương hiệu cá nhân một cách bài bản, quyết liệt và hỗ trợ rất nhiều người. Mình có những trải nghiệm sâu sắc, tích cực và cả tiêu cực về “xây dựng thương hiệu cá nhân”. Mình đã từng tổ chức nhiều buổi học về xây dựng thương hiệu cá nhân cho mọi người và có nhiều học viên đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho mình. Mình nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu cá nhân hữu ích đến thế nhưng lại chưa đến được với nhiều người, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến điều này.

Chính mối duyên với FPT đã dẫn anh Long từ một lập trình viên trở thành người làm truyền thông chuyên nghiệp.

Anh Long tại Hội nghị truyền thông FPT 2016. Chính mối duyên với FPT đã dẫn anh Long từ một lập trình viên trở thành người làm truyền thông chuyên nghiệp.

- Theo anh, chủ đề này có ý nghĩa như thế nào với những người làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin?

Mình cho rằng CNTT là một lĩnh vực phát triển rất nhanh,  người làm trong lĩnh vực này nếu biết về làm thương hiệu cá nhân, biết định hình thương hiệu cho mình thì có thể tiến rất xa trong nghề. Chính mình cũng từng làm việc tại FPT, chứng kiến nhiều sếp cầu hiền thường tìm những bạn giỏi, người có thương hiệu cá nhân…

CNTT là môi trường lý tưởng để những người sẵn sàng làm thương hiệu cá nhân dễ dàng tỏa sáng hơn.

- Tham gia sự kiện xDay của FUNiX lần này, anh có mong muốn hay kỳ vọng gì?

Đương nhiên mong muốn các bạn tích cực tham gia, chia sẻ. Mình chỉ cảm thấy thăng hoa, say sưa khi nhận được sự trao đổi, những câu hỏi xoáy đáp xoay, câu hỏi khó từ khán giá. Bản thân mình có rất nhiều trải nghiệm, nhiều câu chuyện và kinh nghiệm về chủ đề này, chúng được “cất” trong rất nhiều ngăn cửa trong trí não mình. Nếu không có người “gõ cửa” thì chúng vĩnh viễn ở lại trong đó. Ngược lại nếu được các bạn hỏi, các bạn quan tâm… thì sẽ gọi ra được chúng.

Kỳ vọng của mình đơn giản là được chia sẻ, được nói về điều mình tâm huyết, với những người muốn nghe. Đó là điều hạnh phúc của mình. Mình mong được hỏi, xoay, phản biện thật nhiều, thậm chí là hỏi sốc… từ khán giả.

- Anh từng có mơ ước trở thành một lập trình viên giỏi và từng theo học lập trình. Vậy, cơ duyên nào đã đưa anh trở thành một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông?

Thực ra, mình từng là một người nghiện game. Vì thế, từ một học sinh giỏi, năm nào cũng được cử đi thi học sinh giỏi, mình trở thành học sinh trung bình, bố mẹ phiền lòng, ngăn cản.

Khi chơi game, mình luôn luôn tự hỏi: Điều gì đang diễn ra trên màn hình vậy? Tại sao khi ta bấm vào nút điều khiển thì nhân vật có thể quay phải, quay trái, ngồi xuống, đứng lên? Liệu tay cầm chơi game có giống như dụng cụ “múa rối” hay không?  Mình thậm chí còn xem đằng sau màn hình máy tính liệu có những sợi dây điều khiển nào hay không??

Tất nhiên thực tế không như vậy. Nhờ được tiếp xúc với một vài sinh viên học về lập trình trong xóm, nghe họ trò chuyện và tự mình tìm hiểu, cuối cùng mình đã hiểu, hóa ra “game” hoạt động được là nhờ lập trình.

Kể từ đó, mình tự tìm hiểu về lập trình và nó thực sự khiến mình say mê lĩnh vực này. Kể từ năm lớp 4, mình đã tự tìm sách, học lập trình và cho đến giờ – khi đã 34 tuổi. Sau này, lập trình là một sở thích không bỏ được. Lâu lâu mình lại “ngứa nghề” code cái này, cái kia, phục vụ bản thân, để chơi…

Về cơ duyên chuyển sang lĩnh vực truyền thông, có thể nói khá tình cờ. Khi làm nghề lập trình cho một công ty phần mềm ở TP HCM, mình có nhiều dịp làm dự án với các nghệ sĩ và dần có mối quan hệ với một số nhà báo trong showbiz. Về sau, khi mình sang làm lập trình viên cho FPT, đây đã là lý do khiến mình xung phong nhận nhiệm vụ “làm thương hiệu” cho một sản phẩm công ty khi sếp nêu yêu cầu.

Để phục vụ công việc, mình lên Google tìm kiếm thông tin “thương hiệu là gì, cách làm thương hiệu", rồi in ra một xấp tài liệu khoảng 100 trang A4 chữ nhỏ li ti và bắt đầu đọc. Một thế giới mới đã mở ra: về truyền thông, thương hiệu, marketing. Đó cũng là cơ duyên đưa mình bước sang lĩnh vực truyền thông.

xDay là sự kiện offline hàng tháng do ĐH trực tuyến kiểu FUNiX tổ chức. Trong khuôn khổ xDay, ngoài các hoạt động nội bộ, FUNiX luôn mời các chuyên gia trong ngành CNTT hay các lĩnh vực khác nhau tới tham dự nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành, cũng như mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.

Chương trình xDay 22 do FUNiX tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có chủ đề “Xây dựng thương hiệu cá nhân”, với phần chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Long – blogger truyền thông xã hội.

Sinh viên, mentor của FUNiX đăng ký chương trình tại đây. Nếu chưa là công dân FUNiX, đăng ký tham gia tại đây với phí tham dự là 300.000 đồng. 

>> Anh Nguyễn Thành Nam: 'Cuộc đời mới là trường đại học lớn nhất'

Theo FUNiX

Ý kiến

()