Người xây làng FPT trên đảo Okinawa
Sự tăng trưởng vượt bậc về doanh số và nhân sự trong 5 năm qua đã làm nên danh tiếng cho Trung tâm nghiên cứu phát triển FPT (FPT Okinawa - FORD) tại quần đảo cực Nam của Nhật Bản. Đặc biệt hơn khi trên chính vùng đất này, những kỹ sư nhà F đã bắt đầu an cư lạc nghiệp, đến gần với giấc mơ về một ngôi làng người Việt ở xứ sở Phù Tang.
Để triển khai thành công mô hình phân phối toàn cầu (Global Delivery Model), đáp ứng cho các giao dịch lớn có quy mô hàng trăm triệu USD, đầu năm 2017, ban lãnh đạo FPT Japan (FJP) liên tục có chuyến đi thị sát để mở các nearshore (cơ sở sản xuất tại các quốc gia nằm gần thị trường tiêu thụ). Sau nhiều vòng xem xét, Okinawa với những lợi thế về văn hóa, chính sách hỗ trợ đã trở thành “điểm đến” của FJP.
Tháng 7/2017, Trung tâm nghiên cứu tại Okinawa có tên gọi FPT Okinawa (FORD) được thành lập do anh Lương Hồng Hải làm Giám đốc. Ban lãnh đạo kỳ vọng, Okinawa sẽ gia tăng tốc độ tăng trưởng của FJP trên thị trường Nhật Bản và sớm hoàn thành mục tiêu cán mốc 500 người.
Anh Lương Hồng Hải sang Nhật học và làm việc tại đây từ năm 1998. Năm 2007, anh được anh Nguyễn Hữu Long (hiện là Giám đốc FCJ, FPT Software) và anh Trần Đăng Hòa (hiện là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành (COO) FPT Software) rủ về FJP tại Osaka. Lúc này văn phòng còn thưa người, thử thách làm một mình khiến Hải thích thú nên nhận lời.
Năm 2013, dự án với khách hàng N. nảy sinh nhiều vấn đề, khách đòi đổi đối tác triển khai. “Bài toán” khó nhất lúc này là giữ khách đã thôi thúc anh “nhảy” vào dự án. Với quyết tâm cao độ, chỉ một tuần sau đó, anh cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành tốt công việc, khách không có cơ hội phàn nàn. Cũng vì được khách hàng yêu mến, anh Hải có chuyến hồi hương khi khách quyết định mở rộng quy mô công việc ở Việt Nam.
Cuối năm 2016, FPT Software có dự án mới quy mô có thể lên tới hơn 100 người với khách hàng P. Đội dự án cần bổ sung nhân sự “cứng” sang Nhật onsite phụ trách phần kiểm thử. Nhận lời anh Tạ Trần Minh (Giám đốc GAM, FPT Software), anh Hải bỏ ngang vị trí PM (quản trị dự án) lúc đó để lên đường chinh phục khách hàng.
Vào một ngày hè năm 2017, COO FPT Software Trần Đăng Hòa, khi đó là CEO FPT Japan, gặp anh cùng lời ngỏ cho vị trí Giám đốc trung tâm nghiên cứu FPT Okinawa đang cần người. Quyết định nhận lời của anh Hải được đưa ra nhanh chóng chỉ một ngày sau đó. Vậy là, giữa lúc công việc và gia đình đã ổn định tại Tokyo, anh trung niên xứ Hà thành vẫn không chút nề hà để sẵn sàng cho sự xáo trộn. Anh trở thành “Chúa đảo” của FPT Okinawa từ ấy.
“Đơn giản là, tôi thích thách thức”, anh Hải lý giải về quyết định của mình.
Chấp nhận thử thách mới, cuộc sống của anh Hải “tua nhanh” như tiết tấu của những thước phim hành động. Hàng loạt các chuyến bay đi bay lại giữa thành phố Naha (Okinawa) và Tokyo được cất cánh, anh đôn đáo lo xây dựng office và tìm kiếm khách hàng.
Chẳng giống với những hình dung ban đầu về “đảo thiên đường” Okinawa, nơi có thể thong dong sáng bơi, chiều làm, tối ăn hải sản và ngắm hoàng hôn, mọi thứ với anh đều vô cùng khó khăn. Quan hệ chưa có, lại thêm “chỉ thị” của COO yêu cầu ngay trong tháng thành lập, FORD phải có hợp đồng đầu tiên. Áp lực chồng lên áp lực.
“Hãy tưởng tượng dự án sắp hoàn thành và hôm nay bỗng có lỗi to đùng. Nếu không sửa kịp thì dự án chết, vậy là phải làm việc xuyên đêm (overnight) mấy đêm liền. Điều đó thực sự rất kinh khủng”, Chúa đảo nhớ lại.
Cảm giác phải có “quick-win” (chiến thắng nhanh) cứ thế thôi thúc anh bước về phía trước. Liên tục các buổi gặp gỡ khách hàng, các chuyến đi đến các hiệp hội trong tỉnh được anh lên kế hoạch và thực hiện. Nhờ đó, quan hệ được mở rộng, FORD có thêm những người bạn mới, đối tác mới. Bằng mọi cách hỏi han, xin xỏ, thật may mắn, FORD ký được 2 hợp đồng đầu tiên ngay trong tháng 7.
Sau khởi đầu suôn sẻ, FORD liên tục đạt những dấu mốc tăng trưởng vượt bậc, khép lại chuỗi ngày phải “gom góp từng đồng, từng xu, từ việc cho mượn người, đến tuyển trước, cũng như xin làm ké các dự án lớn”. Hình ảnh văn phòng rộng lớn nhưng thưa người cũng không còn nữa.
Anh Hải tâm sự, việc “nhận bừa” đi Okinawa hoàn toàn “không có kế hoạch”. Hành trang duy nhất của anh khi ấy chính là “niềm tin” vào tinh thần FPT - đếch biết gì cũng tiến. Nhưng đó quả là giai đoạn khó khăn, gian khổ mà rất thú vị.
Với vai trò tối đa hóa doanh số và lợi nhuận cho FJP, những năm qua, FORD luôn đạt mục tiêu tăng trưởng 30-40%, đóng góp vào tăng trưởng chung của công ty.
Năm 2018, FORD có lãi ngay sau năm đầu tiên “mở cõi”, trong khi với hầu hết các công ty Nhật, thông thường phải mất tới 3 năm để hồi vốn chứ chưa nói tới chuyện sinh lời. Đây cũng là năm FORD có sự tăng trưởng vượt bậc về nhân sự khi từ 7 người ở thời điểm đầu năm lên xấp xỉ gần 100 người. Đặc biệt, đơn vị đã đón những nhân sự bản địa đầu tiên gia nhập tổ chức. Họ là những người có đóng góp rất lớn cho những bước tiến của FORD sau này với việc lần đầu săn được “khách hàng cá voi”, ký dự án quy mô hàng chục người…
Sang năm 2019, mặc dù không tăng mạnh về người nhưng doanh số của FORD tăng trưởng 400% (gấp 4 lần) so với 2018. Năm 2020, giữa lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới toàn nước Nhật, nhờ sự nhạy bén của “Chúa đảo”, FORD đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 154% về doanh thu và 167% về nhân sự, đưa FORD lọt Top 6 công ty IT lớn nhất tại vùng đảo này.
Bước sang năm 2021, “điểm sáng” của FORD là đứng số 1 FPT Software về chỉ số hiệu quả công việc nội bộ EEi (Effort Efficiency).
Tháng 7/2022, trở thành nearshore đầu tiên của FPT Software/FJP nhận chứng chỉ chất lượng ISO 9001-2015, FORD có thêm nhiều lợi thế về năng lực delivery dự án cũng như tiếp cận các cơ hội lớn tại Nhật Bản. Là “một nửa” của FPT Nearshore (FNS) cùng FPT Fukuoka, đơn vị hướng tới mục tiêu đưa tên mình vào danh sách Top 5 công ty IT tại Okinawa và Fukuoka.
“Sau 5 năm, với những thành tích đã đạt được, có thể thấy rõ, anh Hải là người rất phù hợp cho Okinawa”, COO Trần Đăng Hòa nhận định.
Anh Hòa tiết lộ, năm 2017 khi gặp anh Hải để rủ về Okinawa, COO đã mượn câu chuyện có một ngôi làng Việt Nam tại Trung Quốc sau 200 năm để nói về giấc mơ tương tự: một ngôi làng Việt Nam trên đất Nhật.
Câu chuyện ấy lập tức chạm vào “niềm kiêu hãnh” của anh trung niên xứ Hà Thành. Tối đó, anh Hải về bàn với vợ. Thật không ngờ, chị đồng ý ngay và đã luôn ủng hộ anh trong những chặng đưởng mở lối sau này.
“Tôi thích thử thách. Anh Hòa kể câu chuyện 200 năm về một làng người Việt tại Okinawa, tôi thấy cũng hay hay. Khi thấy hay hay thì tôi quyết định làm”, anh Hải nói.
Nhưng, mốc 200 năm để hiện thực hóa giấc mơ ấy dường như quá dài. “Ở FPT Software cũng không có nhiệm vụ gì dài như thế. Nên mục tiêu của tôi xuyên suốt vẫn là 500 người. Và gần đây, với sự ra đời của FNS, con số này đã nâng lên 1.000 người, trong vài năm”, Chúa đảo trải lòng.
Hiện, sau 5 năm, từ 2 thành viên ban đầu, FORD đã có gần 200 CBNV, xây dựng được 2 văn phòng ở Okinawa, sát nhập thêm Fukuoka để mở thêm 1 văn phòng tại đây bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2022. Vừa qua, đơn vị cũng đã cử người lên Hokkaido, tiếp tục cùng khai phá những “vùng đất mới”.
Giữ niềm hứng khởi với “giấc mơ chung”, anh Hải chưa khi nào thấy chán khi quyết định rời Tokyo về đảo sống và làm việc. Ngược lại, niềm vui của anh cứ ngày một lớn lên khi thấy những đồng nghiệp của mình đang rục rịch chuẩn bị mua nhà, mua xe. Mà không chỉ ở Okinawa, kể cả ở Fukuoka, con số này ngày một tăng.
Trong mường tượng của Chúa đảo, chỉ 5 năm nữa thôi, nearshore sẽ có từ 500 đến 1.000 người. Mỗi vùng sẽ có vài trăm người. So với thời điểm hiện tại, khu vực sống của anh em FPT sẽ có những quần thể tập trung. Hiểu theo một nghĩa nào đó, đấy là những làng Việt Nam "nhỏ xinh".
Vậy là, nếu như 5 năm trước, Okinawa chỉ là điểm đến du lịch của người FJP, thì giờ đây, vùng đảo cực Nam của Nhật Bản chính là “miền đất hứa” – nơi những kỹ sư nhà F không chỉ an cư lạc nghiệp mà còn bắt tay vào hiện thực hóa những giấc mơ.
Bài viết: Tô Ngà
Thiết kế: Hà Duyên
Ý kiến
()