Chúng ta

Người FPT Huế ngâm mình trong nước lũ đảm bảo vận hành

Thứ sáu, 17/11/2023 | 17:20 GMT+7

Trong cơn lũ, người FPT Huế đã không ngại nguy hiểm, dấn thân ngâm mình trong dòng nước để đảm bảo vận hành các đài/trạm FPT Telecom, duy trì hoạt động chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến người dân.

Giữa dòng nước lớn, Phạm Thị Kiều, nhân viên FPT Long Châu, vẫn không quản ngại khó khăn, di chuyển bằng thuyền đến cửa hàng. Chị cho hay, sản phẩm thuốc là sản phẩm thiết yếu kể cả khi mưa lũ, nên việc đảm bảo cung cấp đến người dân là trách nhiệm và sứ mệnh của FPT Long Châu.

Để đến được cửa hàng, cô gái nhỏ Phạm Thị Kiều còn phải ngâm mình giữa dòng nước, men theo vỉa hè. "Lúc đến trước cửa là nước đã ngập nửa người. Lúc đó vừa lạnh, vừa lo lắng cho số thuốc ở bên trong", chị nói.

-8351-1700215914.jpg

Cô gái nhỏ Phạm Thị Kiều phải di chuyển bằng thuyền giữa mưa lớn để đến cửa hàng FPT Long Châu. Ảnh: ĐVCC

Ngay khi có dự báo đợt mưa lớn, toàn bộ cửa hàng FPT Long Châu tại Huế đã triển khai phương án phòng chống, đưa toàn bộ số thuốc, vật tư y tế lên cao, hạn chế tối đa những thiệt hại. Đặc biệt, xác định đảm bảo cung cấp thuốc đến người dân, nhân viên FPT Long Châu còn lội nước lũ, mang thuốc đến tận nhà khách hàng. "Với tinh thần nước rút đến đâu chị em Long Châu dọn dẹp đến đó, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động kể cả mưa lũ. Rất thương nhiều chị em còn chưa kịp dọn nhà mà đã đến cửa hàng dọn dẹp trước", chị Trần Thuý Ngọc, quản lý khu vực, cho hay.

Tại FPT Shop, để đảm bảo hoạt động và quản lý tài sản, nhân viên nhà Bán lẻ cũng phải di chuyển bằng thuyền đến cửa hàng, chia ca ở lại qua đêm. Trước đó, khi có dự báo về đợt mưa lớn, chi nhánh đã cho di dời toàn bộ tài sản có giá trị lên khu vực cao.

-7457-1700215914.jpg

CBNV FPT Shop tại Huế xử lí cánh cửa bị nước lũ làm hỏng, để vào cửa hàng. Ảnh: ĐVCC

Anh Hoàng Trọng Đạt, nhân viên FPT Shop tại Huế, cho biết: “Nước dâng quá nhanh và bất ngờ, rất may khi anh em đã chủ động ứng phó từ trước nên chỉ thay phiên nhau trông coi tài sản”. Theo anh, tình “đồng đội” cũng được sẻ chia trong gian khó khi nhiều anh em xung phong ở lại. Nhu yếu phẩm như: mì gói, trứng luộc, nước uống… liên tục được anh em mang đến. Buổi tối, ngoài cuộc gọi cho gia đình, anh Đạt còn nhận được nhiều cuộc gọi thăm hỏi từ lãnh đạo, đồng nghiệp để “anh em đỡ buồn”.

Anh cũng kể thêm, khi đang loay hoay tìm đèn pin thắp sáng buổi tối thì chợt nhớ cửa hàng có mặt hàng gia dụng là đèn pin. “Anh em mới nói vui là cửa hàng FPT Shop sáng nhất Huế đêm nay”, anh cười nói.

-7382-1700215914.jpg

Một giấc ngủ "tạm bợ" giữa dòng nước lũ. Ảnh: ĐVCC

Trước tình hình lũ lụt trên diện rộng, đội ngũ phòng Kỹ thuật FPT Telecom Huế đã huy động toàn bộ lực lượng sẵn sàng 24/24. Từ kinh nghiệm ứng phó mưa bão của những năm trước, toàn bộ đài/trạm tín hiệu của nhà Viễn thông FPT đã được nâng lên vị trí cao, hạ tầng cáp truyền dẫn cũng được gia cố. Ở những khu vực trọng yếu, phòng Kỹ thuật đã cho chạy máy phát để đảm bảo đường truyền toàn hệ thống.

Ngay khi có dự báo về đợt mưa lớn có thể gây ngập lụt, chi nhánh đã cho rà soát toàn bộ hạ tầng, lập kế hoạch để có phương án xử lí trong mọi tình huống. Đại diện FPT Telecom Huế cho hay, hiện anh em khối kỹ thuật đang chia ra từng nhóm để rà soát, xử lí ngay khi có thông báo từ khách hàng.

-9218-1700215914.jpg

Nhân viên FPT Telecom Huế dùng thuyền để đảm bảo vận hành hạ tầng trong mưa lũ.

Nhờ chủ động ứng phó, về cơ bản hạ tầng không có nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử đã khiến nhiều gia đình CBNV bị ngập lụt, hư hại về tài sản. Chi nhánh đang thống kê để có phương án hỗ trợ.

Hiện, mực nước ở khu vực Thừa Thiên – Huế đang rút, dự báo đợt mưa lớn sẽ kết thúc vào 18/11. Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, Thừa Thiên - Huế vừa hứng chịu đợt lũ lớn nhất trong 10 năm. Đây là hình thái thời tiết điển hình gây ra mưa lũ ở miền Trung. Khu vực xảy ra mưa lớn là từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây nguyên.

Trọng điểm mưa rơi vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với lượng mưa từ 300 - 600 mm, có nơi trên 1.000 mm, tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế. Thời điểm ngập nhiều nhất lên đến 20.761 ngôi nhà, nơi sâu nhất khoảng 1 m (Quảng Trị 3.064 nhà, Huế 17.453 nhà, Đà Nẵng 83 nhà, Quảng Ngãi 140 nhà).

Ngọc Huy

Ý kiến

()