Khi Giám đốc kinh doanh trở thành giảng viên nhà F
Tiến sĩ Trịnh Trọng Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Ban Đào tạo Trường Đại học FPT, không chỉ là Chuyên gia Tư vấn về Quản trị và Phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn là “gương mặt thân quen", được biết đến nhiều trong giới kinh doanh.
Bên cạnh bề dày hơn 15 năm kinh nghiệm tại những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, anh Hùng còn từng trực tiếp giảng dạy và cố vấn chiến lược cho nhiều đơn vị lớn như Viettel Group, VNPT, Vietnam Airlines, Crown Foods & Drinks Group (US) và các chương trình đào tạo cho CEO tại Hà Nội.
Dù đang rất thành công, anh Hùng vẫn từ bỏ vị trí quản lý cao cấp để đi đến quyết định bất ngờ, chuyển hướng sang nghề giáo và dành trọn tâm huyết của mình đặt tại Đại học FPT.
- Cảm ơn anh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn đặc biệt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Anh có thể chia sẻ thêm về cơ duyên đưa mình đến với nghề giáo, dù đang rất thành công với vị trí quản lý cấp cao ở một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Bản thân tôi đã có hơn 15 năm làm việc cho các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới với các vị trí như Giám đốc kinh doanh toàn quốc, Trưởng đại diện, Giám đốc chi nhánh... Tôi cũng rất vinh hạnh, vì có thể nói rằng đó đều là thành tựu được nhiều người mơ ước.
Trong thời gian làm việc, tôi cũng có hợp tác và trở thành giảng viên thỉnh giảng ở một số trường đại học. Khi tham gia giảng dạy như thế, tôi tìm thấy niềm yêu thích trong việc được chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ thế hệ trẻ, đặc biệt là các em sinh viên.
Tôi duy trì việc đi thỉnh giảng trong một thời gian khá dài, cho đến hai năm trước, tôi quyết định chuyển hẳn sang giáo dục. Đôi lúc cũng cảm thấy tiếc nuối, nhưng tôi vẫn muốn theo một hướng đi mới mà đối với tôi là vô cùng nhân văn và đem lại những giá trị khác so với khi ở doanh nghiệp: đó là giảng dạy.
Chính xác là vào năm 2015, tôi chính thức trở thành giảng viên ở Viện Quản Trị & Công Nghệ FSB (thuộc Tổ chức giáo dục FPT). Sau đó, vào năm 2019, tôi về với Trường Đại học FPT Hà Nội.
PV: Anh có mất nhiều thời gian trăn trở giữa việc theo đuổi nghề giáo và tiếp tục công tác ở môi trường doanh nghiệp?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Tôi cũng mất một khoảng thời gian khá dài, tầm sáu tháng để suy nghĩ về việc mình có chuyển hẳn sang giáo dục hay không, hay vẫn cứ song hành vừa làm ở doanh nghiệp, vừa tham gia mảng giáo dục.
- Vậy đâu những yếu tố khiến anh cảm thấy cần cân nhắc nhiều nhất? Đâu là yếu tố quyết định cho sự chuyển giao quan trọng đó?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Theo tâm lý chung của những người đi làm, thực lòng mà nói vị trí của tôi lúc bấy giờ cũng là thành tựu mà nhiều người mơ ước. Khi chuyển sang giáo dục, một hướng đi hoàn toàn mới, tôi cũng đứng trước nhiều trăn trở, suy nghĩ.
Một suy nghĩ nữa là: Trường Đại học FPT cũng hơi xa đấy! Yếu tố về khoảng cách cũng khiến tôi phải cân nhắc. Thời điểm đó, tôi đang ngồi giữa trung tâm Hà Nội, cạnh khách sạn Metropole, có thể nói là vị trí “nên thơ” nhất lòng thủ đô rồi. Về với FPT thì tôi lại tạm xa Hà Nội ồn ào, náo nhiệt để về một nơi xa xôi nhưng yên bình, tĩnh lặng.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng là điều khiến tôi phân vân khá nhiều. Tôi chưa từng tiếp xúc và làm việc trong môi trường như Trường Đại học FPT. Nhiều năm làm việc ở các công ty nước ngoài, tôi đã quen thuộc với văn hoá nơi đây. Đôi lúc, tôi tự hỏi bản thân: liệu tôi có thể đón nhận một văn hóa làm việc mới và hòa hợp chúng với phong cách của mình?
- Theo anh môi trường làm việc tại FPT có điểm gì giống và khác so với những môi trường doanh nghiệp anh đã làm trước đây?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Có hai điểm tương đồng lớn nhất trong môi trường làm việc ở FPT và các công ty nước ngoài.
Đầu tiên là môi trường làm việc cởi mở, thân thiện và công bằng. Mọi người ở FPT làm việc và phối hợp với nhau nhịp nhàng dưới tinh thần minh bạch và vô cùng thoải mái. Kể cả góc độ cấp trên - cấp dưới, hay đồng nghiệp với nhau thì đều như vậy. Tôi không cảm thấy bất kỳ rào cản hay trở ngại nào khi phối hợp với các bộ phận, phòng ban ở FPT. Vì vậy tôi luôn cảm thấy thoải mái và hiệu quả khi làm việc tại trường.
Tất nhiên cũng sẽ có sự khác nhau. Làm việc ở doanh nghiệp lớn sẽ áp lực hơn so với môi trường giáo dục. Áp lực về chỉ tiêu, áp lực khi làm việc với khách hàng, với đối tác để đạt được mục đích và hiệu quả tốt nhất cho công ty, v.v. Trở thành giảng viên thì áp lực chỉ tiêu sẽ giảm đi. Nhưng bù lại, mình cần tập trung vào phát triển chuyên môn và chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Tuy nhiên, vì đã có thời gian song hành ở cả doanh nghiệp và trường học, nên tôi cũng đã cảm nhận sự khác biệt ấy và không quá bỡ ngỡ khi bước vào giai đoạn chuyển giao.
- Cơ duyên nào đã khiến anh chọn FPT, chứ không phải trường đại học nào khác?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Khi quyết định chính thức chuyển nghề, một số trường đại học cũng ngỏ ý mời tôi về giảng dạy, thậm chí có những lời mời về vị trí cao hơn ở FPT vào thời điểm 2019. Nhưng sau thời gian cân nhắc, tôi vẫn quyết định gắn bó với FPT.
Lý do đầu tiên, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hoá làm việc tại các công ty đa quốc gia. Theo cảm nhận của mình, tôi thấy văn hoá FPT tương đồng với những công ty nước ngoài tôi từng làm việc. Đó là điểm đầu tiên khiến tôi cảm thấy ấn tượng và có hứng thú.
Thứ hai, trước khi về với Trường Đại học FPT, tôi cũng từng giảng dạy ở FSB, từng làm việc với một số anh chị ở trong khối giáo dục - FPT Edu. Tôi thấy rằng bản thân có sự tương đồng trong cách làm việc và quan điểm về giáo dục với FPT.
Thứ ba, tôi có ấn tượng rất tốt khi tiếp xúc với sinh viên của Trường Đại học FPT. Ngày đầu đến trường, tôi mới chỉ trao đổi công việc và chưa quyết định liệu có về trường hay không. Nhưng khi xong việc, cùng một thầy đi dạo trong khuôn viên trường, tôi đã nhận được sự chào đón hết sức bất ngờ. Các em sinh viên đi ngang qua chúng tôi đã cúi đầu chào vô cùng lễ phép, dù đó đang là giờ giải lao, mà tôi thì cũng chưa phải giảng viên ở FPT. Từng đến rất nhiều trường đại học, đây có lẽ là lần hiếm hoi tôi thấy điều này. Đó là điều khiến tôi rất ấn tượng về sinh viên FPT từ lần đầu gặp gỡ.
- Về các nhà lãnh đạo tại Trường Đại học FPT, anh có ấn tượng nào đặc biệt không?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Có thể nói điều khiến tôi ấn tượng nhất, cũng là lý do tôi quyết định về FPT chính là sự cầu tiến và chân thành của lãnh đạo trường. Các anh chị làm việc vô cùng minh bạch, rõ ràng, nhưng cũng không thiếu đi sự cởi mở, tình cảm. Điều đó điều khiến tôi cảm thấy mình có thể hòa hợp được với “đất và người” nhà F, và sau đó, tôi quyết định trở thành một người FPT.
- Anh có thể chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình tại Trường Đại học FPT?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là vào tháng 5/2019, khi tôi vừa về với Trường Đại học FPT, khoảng hai tháng trước khi Ngành Quản trị Kinh doanh được kiểm định ACBSP* - tổ chức kiểm định chương trình kinh doanh lớn nhất thế giới.
Vừa về trường, tôi đã tham gia dự án đó. Tôi vẫn nhớ như in cảnh các anh chị đã theo dự án từ vài năm trước quên ăn quên ngủ, quên mọi thứ để cống hiến cho trường và hoàn thành kiểm định. Dù tôi còn mới, chưa hiểu rõ về FPT, nhưng thấy mọi người xung quanh đều miệt mài, “máu lửa", bất giác tôi cũng hăng say, “máu lửa" theo.
- Theo anh, đâu là triết lý giáo dục nổi bật nhất của nhà F?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Triết lý giáo dục của FPT là đào tạo ra các công dân toàn cầu. Học ở FPT, sinh viên sẽ được tạo điều kiện để đa dạng hoá các trải nghiệm. Chúng tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp, các em hoàn toàn có thể thích nghi với mọi môi trường làm việc khác nhau. Ngoài đào tạo chuyên môn, trường tổ chức rất nhiều chương trình trải nghiệm, hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ, cuộc thi lớn nhỏ liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực đào tạo. Theo tôi, đây là điều không phải trường nào cũng làm được, và làm tốt như FPT.
Nói về toàn cầu, không thể không nhắc đến yếu tố ngoại ngữ. Các em phải sử dụng tiếng Anh trong suốt bốn năm học, nơi toàn bộ giáo trình, bài tập, khoá luận... đều được thực hiện 100% bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, trường cũng thường mời các giảng viên nước ngoài đến dạy bằng tiếng Anh. Thầy cô người Việt ở FPT cũng hoàn toàn có thể nói tiếng Anh 100% với các em. Sau bốn năm trải nghiệm, khả năng tiếng Anh của các em sẽ được cải thiện rất nhiều.
Còn về văn hoá, FPT cũng tổ chức nhiều chương trình trao đổi quốc tế. Sinh viên, giảng viên nước ngoài có thể đến FPT học. Ngược lại, sinh viên và giảng viên FPT cũng thường trao đổi, giảng dạy ở các trường đối tác của FPT tại nước ngoài. Đó là sự trải nghiệm đa dạng văn hoá.
Với những yếu tố đó, FPT hướng đến sự toàn cầu, giúp cả sinh viên và giảng viên có được trải nghiệm của một công dân quốc tế. Tôi nghĩ đó là một triết lý hay mà FPT đã thực sự làm được, đặc biệt là ở Bộ môn Quản trị doanh nghiệp. Chương trình đào tạo hiện đã được kiểm định bởi tiêu chuẩn quốc tế, nên dấu ấn, trải nghiệm toàn cầu được thể hiện rất rõ ràng. Ở đây không ai nói tiếng Anh “ấm ớ" cả, vì nếu ấm ớ thì sẽ không thể theo học được.
- Sau hơn hai năm gắn bó, anh có thấy điều gì khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế ở môi trường FPT?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Tôi chưa thấy có gì khác biệt hay thất vọng, mà thậm chí còn thấy nhiều điều thú vị, nhất là về sinh viên FPT. Ban đầu, tôi chỉ mới ấn tượng rằng sinh viên FPT lễ phép, nhưng tiếp xúc nhiều mới thấy các em rất sáng tạo, giỏi giang, thậm chí có thành tựu cá nhân ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, trong khi vẫn giữ thành tích học tập vô cùng xuất sắc.
Đồng nghiệp và cấp trên ở FPT cũng hỗ trợ tôi rất nhiều. Thường giảng viên chúng tôi sẽ dạy đến trưa, sau đó máy móc có trục trặc thì mới xuống gặp IT để sửa. Dù đang giờ nghỉ nhưng các anh chị luôn sẵn sàng bỏ cả giấc ngủ trưa để hỗ trợ nhiệt tình. Không phải chỉ một, mà phòng ban nào cũng vậy, từ phòng hành chính, đào tạo đến công tác sinh viên... đều không có cách biệt hay rào cản. Khi cần thì mọi người đều giúp đỡ rất nhiệt tình.
- Anh nghĩ sao về hoạt động nghiên cứu ở Trường Đại học FPT và liệu trường có chính sách nào để đẩy mạnh mảng này?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Trong 2 năm gần đây, FPT đã có những chính sách rõ ràng và hấp dẫn để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên-tiến sĩ. Điển hình là chính sách trao thưởng lên tới 100 triệu đồng/bài, không giới hạn số lượng bài cho các công trình nghiên cứu khoa học có công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS, sáng chế. Tôi thấy đây là một chế độ được nhiều giảng viên quan tâm và không phải trường nào cũng có.
- Anh có thể chia sẻ thêm về lộ trình, định hướng phát triển khi tiến sĩ tại Trường Đại học FPT?
TS. Trịnh Trọng Hùng: Thực ra mỗi người có định hướng khác nhau, rất khó để nói thế nào là một định hướng “chuẩn". Các tiến sĩ làm đúng chuyên môn thường mong muốn trở thành nghiên cứu viên chuyên nghiệp, có nhiều bài báo quốc tế, tăng uy tín cá nhân trong mảng nghiên cứu. Thầy cô nào cũng muốn mình giảng tốt hơn nữa, chuyên môn giỏi hơn nữa, từ đó thương hiệu cá nhân của họ cũng tốt hơn.
Nhìn chung, đa số các giảng viên-tiến sĩ sẽ có hai mong muốn: phát triển về mặt chuyên môn, học thuật và đẩy mạnh về nghiên cứu. Trong hai năm gần đây, cả Trường Đại học FPT và cá nhân tôi đều đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác để tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên-nghiên cứu viên được phát triển theo đúng định hướng mong muốn.
Với Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, bản thân tôi đưa ra hai định hướng để phát triển các hoạt động: (1) thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên và (2) thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu. Hiện cả hai trung tâm này đều đã thành lập, dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động trong năm tới.
Ý kiến
()