Chúng ta

'Học Sử để bất tử' cùng giáo viên 9x THPT FPT

Thứ tư, 5/6/2019 | 10:07 GMT+7

Không ngừng sáng tạo để tìm ra phương pháp mới, Nguyễn Đăng Tuyên được biết đến là một trong những người tích cực đưa CNTT vào dạy học để mang đến những bài giảng chất lượng, hấp dẫn cho học sinh THPT FPT. 

Tháng 11/2018, trong buổi triển lãm của FPT Edu Camp, một chiếc poster với tông màu xanh nhạt, chi chít chữ, không nổi bật nhưng đã thu hút đông người tham dự. Thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên hiện đang giảng dạy tại trường THPT FPT, miệt mài trình bày sáng kiến áp dụng công cụ mới vào môn Lịch sử cho từng nhóm đến tham quan.

Ngày đó, Tuyên mới đến FPT vỏn vẹn 3 tháng. Thầy giáo 9x yêu thích môi trường làm việc cởi mở, thân thiện và không ngừng sáng tạo ở Fschool. Anh quyết tâm ứng tuyển vào trường.  

Educamp30-9097-1543327659-9070-5164-6765

Nguyễn Đăng Tuyên từng gây ấn tượng với sáng kiến áp dụng công cụ Powtool vào các bài giảng tại Educamp 2018. Ảnh: Trâm Nguyễn

Những ngày đầu, Tuyên loay hoay tìm mọi cách để “chữa” căn bệnh chung của học sinh khi đến giờ Sử, đó là “ngáp”. Đối với thầy giáo sinh năm 1994, việc tạo được sự hứng khởi cho học sinh trong giờ học là thành công lớn nhất. Học sinh không buồn ngủ, hứng thú với bài học khiến Tuyên cảm thấy hạnh phúc.

Những suy nghĩ này thôi thúc Tuyên phải sáng tạo hàng ngày, hàng giờ. “Lúc mới về trường, tôi làm mọi cách có thể để thu hút sự tập trung của học sinh nhưng đều thất bại”, Tuyên kể. Không bỏ cuộc, Nguyễn Đăng Tuyên quyết định đưa bài nghiên cứu luận văn tốt nghiệp đại học của mình trở thành một phương pháp mới. Đó là sử dụng công nghệ Google Sites, Padlet để tạo nên một trang web có tên gọi “Học Sử để bất tử”.

Không có thế mạnh về CNTT là thách thức lớn đối với Nguyễn Đăng Tuyên khi thiết kế website. Việc lựa chọn Google Sites để tạo website, tìm kiếm các công cụ phục vụ cho các nhiệm vụ học tập... mất khá nhiều thời gian. “Hiện tại, có vô vàn ứng dụng CNTT có thể áp dụng vào việc dạy học. Nhưng để lựa chọn được ứng dụng phù hợp nhất với nội dung bài học, nhiệm vụ học tập, đối tượng học sinh ... tôi phải cân nhắc rất nhiều. Khả năng ngoại ngữ còn hạn chế cũng khiến tôi gặp khá nhiều trở ngại khi tiếp cận các ứng dụng CNTT của nước ngoài”, Tuyên chia sẻ.

Tháng 2/2019, những kiến thức đầu tiên được đưa lên trang web và trở thành kênh trao đổi bài tập, kiến thức Sử của học sinh khối 10 THPT FPT.

Tại đây, Tuyên đưa ra các nhiệm vụ thiết kế poster, sách truyện về một chủ đề lịch sử cụ thể cho từng nhóm học sinh. Mỗi nhóm sẽ tự tạo ra sản phẩm xoay quanh một nhân vật, sự kiện lịch sử bất kỳ bằng các thao tác chèn text, hình ảnh.

61494374-439409140210329-75655-9460-8231

Học sinh thích thú khi được sử dụng các công cụ để tự làm poster và sách truyện cho môn Lịch sử. Ảnh: Trâm Nguyễn

Những tiết học thử nghiệm đầu tiên khiến thầy giáo trẻ khá căng thẳng khi không thể đánh giá được sự tiếp nhận của học sinh như thế nào. Song, học sinh Fschool luôn sẵn sàng đón chào cái mới, thích công nghệ, nền tảng ngoại ngữ tốt và hợp tác tích cực nên những khó khăn nhanh chóng được tháo gỡ. Tuyên cùng các học trò bước đầu có những trải nghiệm thú vị khi ứng dụng CNTT vào bài giảng.

Bài tập lịch sử không còn là những trang chữ dài đằng đẵng. Tất cả kiến thức được học sinh thể hiện qua poster, sách truyện sinh động. Cá tính của mỗi học sinh sẽ thể hiện phần nào qua những thiết kế của từng nhóm. Qua đó, học sinh cũng rèn luyện khả năng nghiên cứu, chọn lọc thông tin, trình bày sao cho hấp dẫn. “Học sử để bất tử” được mở công khai cho tất cả những ai quan tâm đến môn lịch sử. Phụ huynh cũng có thể trực tiếp theo dõi việc học tập của con mình.

Sau 3 tháng thử nghiệm, trang web đã được triển khai ở 10/18 lớp của khối 10. Phương pháp giảng dạy mới này không chỉ được áp dụng cho môn sử mà còn được áp dụng cho một số môn xã hội khác của THPT FPT như Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân và sắp tới là môn tiếng Anh.

Hoàng Chu Sa, học sinh lớp 10A5 trường THPT FPT, không giấu được sự hào hứng khi có công nghệ mới ứng dụng cho môn Lịch sử. “Em cảm thấy ứng dụng CNTT thực sự là bước tiến lớn trong dạy học. Việc học tập của chúng em đơn giản hơn rất nhiều khi không phải viết lách và được sử dụng máy tính trong giờ học. Chúng em có thể làm poster, sách truyện thú vị mà không mất quá nhiều thời gian. Trước đây, môn Sử chỉ có ghi chép và học thuộc, rất buồn ngủ. Nhưng hiện tại em có thể vừa học, vừa vui mà chữ vẫn “vào đầu”. Kiến thức chính sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn”, cậu học trò nói về website của thầy giáo.

Mới đây, Nguyễn Đăng Tuyên đã mang sản phẩm của mình tới tham dự cuộc thi Sáng tạo FPT – iKhiến số đầu tiên. Lọt vào chung khảo tháng, website “Học sử để bất tử” của Tuyên giành được giải Bạc và là sản phẩm đầu tiên được hội đồng giám khảo trao giải “Chuyển đổi số”. Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Lê Hồng Việt tỏ ra thích thú với website của thầy giáo trẻ. Anh đánh giá sản phẩm có một hướng đi rất lạ và cần được lan tỏa rộng rãi trên toàn quốc.

Trong thời gian tới, Nguyễn Đăng Tuyên dự định sẽ xây dựng hệ thống bài giảng gồm đầy đủ chương trình Lịch sử lớp 10. Bên cạnh đó, tiêu chí về thẩm mỹ cũng được nâng cao hơn để tăng sự đa dạng, hấp dẫn của bài giảng. Tuyên hy vọng bản thân sẽ trở thành một trong những người đón đầu xu hướng 4.0 để “truyền lửa” cho các đồng nghiệp và học sinh của minh.

>> Nhà Giáo dục giành giải ‘Chuyển đổi số’ đầu tiên ở iKhiến 2019

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()