Chúng ta

Học sinh FPT School Đà Nẵng làm dự án 'liên môn' thay kiểm tra

Thứ tư, 11/12/2019 | 10:34 GMT+7

Lần đầu tiên học sinh của 16 lớp khóa 10 sẽ triển khai dự án liên môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân với tên gọi "Thế giới trong mắt tôi". Sản phẩm của các em được hoàn thiện thông qua các tập san, mô hình và kịch.

Dự án liên môn Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân với chủ đề "Thế giới trong mắt tôi" của FPT School Đà Nẵng được triển khai trong vòng một tháng. 16 lớp khóa 10 sẽ hoàn thành và báo cáo tổng kết vào đầu tháng 1/2020. 

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ tổng hợp kiến thức liên môn để biết được điều kiện tự nhiên, sự hình thành và đặc điểm lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia vùng miền. Trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của bản thân đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập giao lưu văn hóa trong thời hiện đại. 

1-1571488982.jpg

Thông qua dự án "Thế giới trong mắt tôi", học sinh sẽ có những trải nghiệm thú vị với bộ môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Ảnh: ĐVCC.

Để hoàn thành dự án và cho ra mắt các sản phẩm là tập san, mô hình và kịch, học sinh phải trải qua các kỹ năng cần thiết như thuyết trình, làm việc nhóm, công nghệ thông tin, khảo sát thực tế, thống kê, phân tích… Tất cả phải phù hợp với đặc trưng của bộ môn xã hội; vận dụng kiến thức liên môn và tích hợp kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề.

Học sinh phải trải qua 6 nhiệm vụ và yêu cầu của giáo viên, từ khâu hướng dẫn đến hoàn thành nội dung, hoàn thành tập san, báo cáo và tổng kết. Từng giai đoạn của dự án, giáo viên sẽ tham gia đánh giá và giám sát tiến độ. 

Chị Trần Thị Phương Lan, nhóm Trưởng môn Lịch sử - Địa lý tại FPT School Đà Nẵng, cho biết dự án ra đời từ thực trạng đa số học sinh có “định kiến” với các môn khoa học xã hội, và nhìn nhận thuần túy học thuộc lòng. Điều đó khiến cho tất các giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn ở FPT School Đà Nẵng rất trăn trở. Bản thân những người giáo viên tin rằng học sinh chưa bao giờ thờ ơ với các môn Lịch sử, Địa lý hay Giáo dục công dân... mà vấn đề có thể nằm ở phương pháp dạy. Các môn Khoa học xã hội không chỉ là lý thuyết suông, xa vời, viển vông mà đó là những kiến thức gắn liền với đời sống, vận dụng để phát triển các kỹ năng cần thiết.

Qua quá trình giảng dạy, nhà trường nhận thấy thế mạnh đặc biệt của học sinh FPT School về công nghệ thông tin và khả năng tư duy sáng tạo. "Tại sao không tạo điều kiện để học sinh phát huy thế mạnh này trong học tập các môn Khoa học xã hội? Điều này không chỉ phù hợp với đặc trưng của bộ môn xã hội, mà còn giúp các em vận dụng kiến thức liên môn, tích hợp kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề. Việc dạy học theo dự án cũng phù hợp với những mục tiêu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm gần đây", chị chia sẻ.

Dự án liên môn ngoài tích hợp kiến thức các môn học gồm Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh còn chủ động tiến hành thu thập thông tin, lên ý tưởng về bài tập nhóm và phân chia nhiệm vụ nhằm tạo ra các sản phẩm cuối cùng. Ngoài một cuốn sách hoặc tập san theo hình thức infographic, mỗi nhóm còn có một mô hình bẳng giấy, xốp hoặc gỗ. Sản phẩm cuối dự án là buổi họp báo tổng kết. Học sinh sẽ đóng vai phóng viên truyền hình; dân cư bản địa; nhà nghiên cứu để truyển tải thông điệp.

"Điều cốt lõi làm nên thành công của dự án là giáo viên phải “truyền lửa” được cho họ sinh, tạo hứng thú, niềm say mê yêu thích bộ môn. Khi các em say mê, thích thú, sẽ có những sáng tạo đầy tâm huyết khiến giáo viên phải bất ngờ. Giáo viên còn là người hiểu rõ mục tiêu dự án, hướng dẫn chi tiết cách thức và nội dung thực hiện. Trong nhóm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bài hướng dẫn về hình thức và nội dung sách, tập san, mô hình một cách thống nhất đến toàn thể học sinh. Nhìn chung so với dạy học truyền thống thì hướng dẫn học sinh làm dự án thực sự vất vả. Nhưng đấy là sự vất vả xứng đáng, rất xứng đáng", chị nói.

72966024-726046497871466-513367567190563

Dự án liên môn góp phần khích lệ và làm mới phương pháp giảng dạy các môn Khoa học xã hội tại FPT School.

Đây không phải lần đầu tiên FPT School Đà Nẵng cho học sinh làm dự án để kết thúc môn. Tháng 10, nhà trường cũng đã tổng kết dự án triển lãm cuộc thi "Gửi mẹ màu nắng nơi tim con", nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Dự án có sự tham gia của học sinh ba khối 10, 11 và 12. Học sinh được tự do chọn hình thức thể hiện như hội hoạ, bài viết, video hay photobook... Sân chơi thu hút tổng cộng hơn 600 tác phẩm. Trước đó, học sinh đã lần lượt tham gia thuyết trình về sản phẩm của mình trước hội đồng giám khảo.

Hiệu trưởng FPT School cơ sở Đà Nẵng - anh Lê Văn Duẫn khẳng định các dự án do nhà trường triển khai đã mang đến những trải nghiệm thú vị dành cho học sinh. Dự án đã phản ánh được năng lưc cũng như kiến thức, kỹ năng của học sinh. Việc tổ chức chương trình cũng chính là một cách thức triển khai phương pháp dạy học dự án của nhà trường.

FPT School luôn hướng tới sứ mệnh “Cung cấp năng lực cạnh tranh cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước” dựa trên hệ giá trị cốt lõi gồm 5 yếu tố: tri thức, nhân cách, kỹ năng, tự lập và bản lĩnh.

>> Học sinh FPT giành giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng

Việt Nguyễn

Ý kiến

()