VietFuture 2023 là giải thưởng do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức lần đầu tiên dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và đăng cai của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Chương trình thu hút 74 dự án từ 27 trường cao đẳng, đại học trên cả nước dự thi.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - kỳ vọng, giải thưởng sẽ đem đến trải nghiệm hữu ích, kiến thức có giá trị cho sinh viên. Những dự án xuất sắc sẽ khởi đầu cho mối liên kết gần gũi hơn nữa giữa doanh nghiệp và nhà trường trong tìm kiếm, hỗ trợ đưa các sáng tạo hữu ích của sinh viên vào thực tiễn, thị trường.
Năm nay, Giải thưởng VietFuture đã bình chọn được 19 đề cử xuất sắc và BTC đã trao 5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba và 4 giải Tiềm năng.
Đại diện đến từ FPT Arena Multimedia - thành viên Tổ chức Giáo dục FPT - giành giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Tương lai. Ảnh: TTH |
Trong đó, đại diện đến từ FPT Arena Multimedia giành giải Nhất với đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D - ANIMATION để tăng khả năng tiếp cận lịch sử của học sinh trong thời kỳ đổi mới”.
Dự án hướng đến giải quyết các nhu cầu cấp thiết trong quá trình dạy và học môn lịch sử. Sử dụng công nghệ 3D Animation, tạo ra mô phỏng động hình ảnh về các sự kiện lịch sử, với hiệu ứng chân thực, nhằm mang đến trải nghiệm độc đáo và thú vị cho học sinh.
Nhóm dự án thuộc FPT Polytechnic với dự án "Áo mưa cổ phục - Đại sứ du lịch Huế" giành giải Nhì. Đây là dự án nhúng tích hợp trong ứng dụng HueS, cho phép du khách được tự tay thiết kế chiếc áo theo một cách mới lạ, với hoa văn đặc trưng đại diện cho mỗi địa điểm du lịch khác nhau tại Huế. Ngoài ra, du khách tương tác qua HueS để có được những thông tin về các địa điểm Huế, đến tham quan các địa điểm trên map và sẽ được ghi nhận là "Đại sứ du lịch Huế", cấp chứng nhận thông qua HueS khi hoàn thành các điểm đến.
Đại diện Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic với dự án "Áo mưa cổ phục - Đại sứ du lịch Huế" giành giải Nhì. |
Đinh Như Hoàng Lộc - thành viên dự án - cho hay mùa mưa ở Huế kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển du lịch, từ đó, cả nhóm lên ý tưởng với mong muốn đem lại một giải pháp cho vấn đề này, đồng thời ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho du khách thông qua sản phẩm áo mưa cổ phục. “Đây là cũng là sản phẩm độc đáo, khi có sự kết hợp giữa áo mưa, cổ phục Huế và công nghệ. Một du khách khi khoác lên mình chiếc áo mưa đặc biệt này sẽ trở thành một Đại sứ du lịch Huế, sản phẩm không chỉ hữu dụng mà còn mang giá trị thẩm mỹ và văn hoá”.
“Mình cảm thấy được học hỏi rất nhiều khi tham gia phát triển dự án cùng các bạn. Càng bất ngờ hơn khi nhóm được giải Nhì, đây là một động lực rất lớn để nhóm tiếp tục theo đuổi đam mê khởi nghiệp cùng công nghệ”, Dương Thị Mỹ Loan - sinh viên FPT Polytechnic - bày tỏ.
Dự án "Áo mưa cổ phục - Đại sứ du lịch Huế" tích hợp trên ứng dụng HueS. |
Giải thưởng Sáng tạo tương lai được tổ chức thường niên từ năm nay, với mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà trường trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, kết nối nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các đề tài nghiên cứu và tuyển dụng, kết nối hợp tác giữa các trường đại học trong nước và quốc tế; giúp các doanh nghiệp tìm được các ý tưởng mới cho hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp, đồng thời tuyển dụng được các nhóm nhân tài.
Trước đó, Giải thưởng được tổ chức qua 3 vòng: Sơ tuyển tại các trường; Thuyết trình (trực tiếp, trực tuyến) và Chung tuyển toàn quốc với các hoạt động cụ thể: thuyết trình, triển lãm, demo dự án trực tiếp, kết nối hợp tác, tuyển dụng…
Tham gia Giải thưởng VietFuture 2023 sinh viên có các cơ hội được hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm/giải pháp tới các doanh nghiệp quan tâm, được đầu tư dự án, việc làm tại các doanh nghiệp, được giới thiệu với các chuyên gia, quỹ đầu tư, nhà đầu tư để tiếp tục hoàn thiện dự án triển khai thực tế.
Huy Nguyễn
Ý kiến
()