Chúng ta

FPT thông tuyến trục Bắc - Nam đầu tiên

Thứ năm, 27/12/2012 | 11:30 GMT+7

Trần Hoàng Ngọc Tuấn, nhóm cáp quang, Ban Dự án Đường trục Bắc - Nam FPT Telecom, cố lê đôi chân đang đau nhức do đá găm phải khi thi công, tiếp tục làm nốt đầu việc dở dang.
> FPT Telecom khen thưởng đơn vị hoạt động hiệu quả

Anh nén đau chờ đến ngày quay về thành phố khám, bởi dọc tuyến đường này không có bệnh viện nào.

May mắn là vết thương của Tuấn không quá nguy hiểm. Sau vài ngày điều trị, anh lại tiếp tục lên đường.

Cả FPT Telecom đang hy vọng vào dự án này. Ban Dự án Đường trục Bắc - Nam căng mình để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Ai cũng quay cuồng và không có thời gian để nghĩ cho bản thân.

Ba tuần nữa là đến lễ cưới nhưng Tuấn chẳng chuẩn bị được gì. Mọi thứ anh phải nhờ vợ sắp cưới giải quyết để yên tâm làm nốt công việc. Nhà Tuấn thờ Phật, trong khi vợ anh lại theo đạo Thiên chúa. Việc học giáo lý với anh là bắt buộc. Anh xin với Cha xứ giảm ngày học xuống vì quá bận dự án.

Tuyến đường trục huyết mạch của FPT Telecom đã hoàn thiện trong thời gian kỷ lục 9 tháng 10 ngày.

Tuyến đường trục huyết mạch của FPT Telecom đã hoàn thiện trong thời gian kỷ lục 9 tháng 10 ngày. Ảnh: FPT Telecom.

Tuấn không phải là trường hợp duy nhất san sẻ niềm hạnh phúc cá nhân cho lợi ích chung của công ty. Vũ Viết Quân, Phó Phóng triển khai miền Nam, buồn rười rượi khi bà xã thông báo “con ốm”. Giấu sự bất an trong lòng, anh động viên vợ bình tĩnh và điện thoại nhờ người thân đưa con vào bệnh viện. Tắt điện thoại, anh buông tiếng thở dài vào màn đêm đặc quánh.

Ngồi kế bên, anh Trương Tiến Trí, PGĐ Dự án đường trục Bắc - Nam, chỉ biết an ủi bạn. Hơn ai hết, anh Trí hiểu sự hy sinh của anh em. Cá nhân anh cũng đã ba năm đón sinh nhật trên đường và không có người thân bên cạnh.

“Tôi rất vui mừng khi tuyến đường trục Bắc - Nam hoàn tất. Đây là sự phát triển hạ tầng quan trọng của FPT Telecom, đáp ứng việc cung cấp dịch vụ Internet tốt hơn tại những địa phương mà công ty đi qua.

Công trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để hoàn thiện. Tôi đánh giá cao năng lực và vượt khó của đội ngũ triển khai, khi kéo hơn 1.800 km đường trục từ Bắc tới Nam, băng qua sông, qua núi, qua đèo với muôn vàn vất vả”.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

“Nhiều lần tôi phải đóng vai ‘chị Thanh Tâm’, giải thích và động viên hậu phương của anh em trong đội dự án”, PGĐ Dự án Nguyễn Hoài Nam cho biết. Ba năm lăn lộn với dự án, anh đã chứng kiến không biết bao nhiêu vui buồn của anh em.

Bên tách cà phê, chuyện đời, chuyện nghề quanh 1.800 km đường trục cứ nồng đượm qua lời kể của anh. Ngày ấy, FPT Telecom xây đường trục tại Huế. Công việc cứ ro ro chạy cho đến khi “đụng” phải 300 m cáp qua vườn của một người dân địa phương. Cán bộ FPT Telecom vào nói chuyện, chủ vườn không nói năng gì và chỉ vào hàng rào. Nhìn ra hướng đó, mọi người sửng sốt khi thấy hàng rào này được đan bằng cáp… viễn thông.

Các thành viên dự án. Ảnh: FPT Telecom.

Các thành viên dự án. Ảnh: FPT Telecom.

Tiền ông ta không cần. Nói về văn hóa cũng chẳng nghe. Hết cách, anh Nam xách chai rượu đến tâm sự. Câu chuyện đưa đẩy một hồi, anh buông: “Không thông được kênh này, tụi em bị mất việc chứ chẳng chơi. Đến lúc đó không còn cơ hội ngồi nói chuyện với anh nữa”. Ngập ngừng một hồi, chủ nhà khoát tay: “Đấy, chú ra làm đi”. Anh em mừng khôn xiết. Dự án lại tiếp tục chạy.

Bám theo tuyến đường sắt để làm đường trục nên chuyện lên rừng, xuống biển với anh em trong đội là “cơm bữa”. Nhọc nhất là khi thi công trên đèo Hải Vân, dài 20 km. Để xuống được tuyến đường trục nằm dưới chân đèo, cán bộ phải đi bộ khoảng 5 km.

Di chuyển xuống phía dưới là một việc không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm khi một bên là vực, một bên là núi. “Làm thế nào để đến được địa điểm?”, anh em lân la hỏi chuyện nhân viên ngành đường sắt.

Cách họ bật mí là “nhảy tàu”. Anh em sẽ “bám” vào những khoảng trống trên những chuyến tàu chở hàng chạy qua đèo Hải Vân mỗi ngày. Khi tàu chầm chậm vào ga, mọi người sẽ nhảy xuống và quốc bộ đến nơi thi công. “Nhiều anh em nhảy không đúng cách nên bị trầy sát, tôi phải mắng ngay. Xót lắm, nhỡ thế nào thì…”, anh Nam trầm ngâm.

Lên rừng, xuống biển là chuyện

Lên rừng, xuống biển là chuyện "cơm bữa" của các thành viên dự án. Ảnh: FPT Telecom.

Lần khác, mấy anh em đi trên cầu đường sắt qua sông. Bất chợt tàu chạy tới. Mọi người nép chặt vào lan can. “Cẩn thận áo!”, anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Ban Dự án, hét lên. Mọi người vội lấy tay kéo áo để không bị cuốn vào tàu.

Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng nhóm Triển khai miền Bắc bảo, khi tàu đi qua, anh em phải chạy thục mạng về đầu bên kia. Nếu không xoay sở kịp, anh em chỉ còn biết quăng mình xuống.

Theo anh Lưu Quang Chương, chuyên viên dự án, FPT Telecom phải cử nhóm đi giám sát thi công. Hai người đi đầu lo đo đạc, còn người phía sau làm nhiệm vụ cảnh giới tàu, nhằm đảm bảo an toàn.

“Hôm đấy, trời tối rồi nhưng nhóm cứ làm cố. Một người đi trước bấm GPS, tôi ở giữa và anh Nam chốt phía sau để cảnh báo tàu. Trời mưa lâm thâm, anh em cứ bước thấp bước cao trên tà vẹt”, anh Trung nhớ lại.

Đôi khi có những nguy hiểm rình rập. Ảnh: FPT Telecom.

Đôi khi có những nguy hiểm rình rập. Ảnh: FPT Telecom.

Đi dọc chiều dài đất nước để xây đường trục, ai cũng kinh qua cảnh “mưa rừng, cơm vắt”. PGĐ Dự án Lê Viết Thanh Luận từng nhiều lần chịu đói. Một lần, anh cùng 3 chuyên gia của FPT và Cisco đi triển khai tại trạm thiết bị ở nơi xa xôi hẻo lánh và khó khăn nhất trong hệ thống dự án, đến 10h tối chưa xong việc. Anh em đói quá nhưng tìm mỏi mắt không có đồ ăn vì chẳng có hàng quán nào ở đây.

Sau nhiều nỗ lực mọi người mới tìm được mấy gói mì tôm và bim bim. Nhờ trạm trực của đường sắt đun được nước nấu mì thì nhìn lại chỉ có một chiếc bát và đôi đũa. Mọi người thay phiên nhau ăn, rửa bát xong lại chuyển cho người khác. Riêng chuyên gia Cisco người nước ngoài nhất quyết từ chối.

Nhiều lần hăng say công việc, đến 1-2h sáng anh em mới nghỉ. May mắn thì tìm được khách sạn, không thì ngủ luôn tại trận trong các túi ngủ, thậm chí ngả lưng trong container đầy thiết bị đang hoạt động.

Một câu chuyện khác cũng được anh Trí tủm tỉm cười mỗi khi nhắc lại. Số là trong nhóm anh có 4 người yêu đạo. Trước ngày đi lễ, các anh sẽ phải lên mạng tìm nhà thờ gần nhất trên tuyến đường để cầu nguyện. “Mọi người đều cầu cho đường trục Bắc - Nam hoàn thành đúng tiến độ. Có lẽ nhờ vậy mà dự án mới suôn sẻ”, anh Trí tin tưởng.

Nhắc tới yếu tố tâm linh, anh Phạm Thanh Tuấn bồi hồi nhớ lại ngày khởi công. “Hôm làm lễ khởi công, tôi và TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa đã phải dậy từ 3h30 sáng. Đường đi vào khu vực khởi công xuống cấp nghiêm trọng, phải đổi xe gầm cao hơn mới đi vào đến nơi. Tôi không nhớ hết lời bài cúng do chị Phạm Thanh Toan, Giám đốc Nhân sự FPT Telecom, soạn nên đành cầm iPad vừa xem vừa khấn vái. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục thì có một đoàn tàu Bắc - Nam chạy đến và hú còi rất to, như báo một điềm lành cho mọi việc”.

Một năm chạy rốt-đa, tuyến đường trục huyết mạch Bắc - Nam đầu tiên của FPT Telecom đã hoàn tất. Trong từng mét cáp là một câu chuyện, là quyết tâm của mọi người đã đồng cam cộng khổ dốc sức để có thành công của ngày hôm nay.

- Đường trục Bắc - Nam có chiều dài 1.800 km, với tổng thời gian thi công 9 tháng 10 ngày.

- Xây dựng mới 20 trạm và là ISP đầu tiên sử dụng container nguyên khối làm trạm truyền dẫn DWDM (công nghệ ghép kênh theo bước sóng).

- Tự triển khai, phát triển bộ giám sát môi trường không người trực với 15 tính năng như: khói, cháy, nhiệt độ, độ ẩm, rung, nước, báo trộm, chuyển động, camera quan sát, nhiệt liệu, máy phát điện…

- Số người tham gia dự án: 27 người.

Dự án vừa được Ban Điều hành FPT Telecom thưởng 10 triệu đồng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Ngư Nhi

Ý kiến

()