CEO Talk số 14 đã thu hút hơn 750 sinh viên của trường. Với chủ đề "You can make it", những câu chuyện về công việc, môi trường, cơ hội và thách thức đã được các lãnh đạo trẻ của FPT Software gồm TGĐ Hoàng Việt Anh, GĐ Phát triển Nguồn lực Trần Xuân Khôi, PGĐ FSU1 Lê Hồng Hải, GĐ FSU1.BU2 Nguyễn Quang Hưng và team leader Bùi Công Sơn chia sẻ ngắn gọn, súc tích.
23 tuổi, Sơn hiện là một trong những team leader trẻ nhất của FPT Software. Ngay trước khi tốt nghiệp Đại học FPT, cậu đã có thời gian thử thách tại đơn vị với chuyến onsite ngắn hạn tại Nhật Bản. Nỗ lực, cố gắng phá bỏ những giới hạn của bản thân, chấp nhận đánh đổi thời gian vui chơi, cậu đã có được vị trí khá vững vàng so với bạn bè cùng trang lứa.
Các diễn giả của chương trình ( từ phải sang): Trưởng nhóm dự án Bùi Công Sơn; Giám đốc Phát triển nguồn lực Trần Xuân Khôi, TGĐ Hoàng Việt Anh, Phó Giám đốc FSU1 Lê Hồng Hải, và Giám đốc FSU1.BU2 Nguyễn Quang Hưng. |
Ít ai biết rằng, Sơn từng có thời gian ném tiền vào điện tử. Thất bại trong kỳ thi đại học đã khiến Sơn vỡ ra nhiều điều. Sau đó, Sơn chọn Đại học FPT là điểm xuất phát trong hành trình chinh phục. Cũng ở đây, Sơn bước sang môi trường doanh nghiệp - FPT Software - nơi cậu được làm công việc yêu thích và khai thác hết các kỹ năng của mình. "Chỉ có thể là FPT mới chấp nhận và cho mình cơ hội phát triển. Có thể nói, FPT là công ty hạnh phúc nhất Việt Nam", Sơn khẳng định.
Những năm tháng ở Nhật Bản đã bổ sung cho Sơn thêm nhiều kỹ năng khác để phát triển bản thân. Theo Sơn, đây cũng là cơ hội rất lớn để cho sinh viên khối ngành Công nghệ, trong đó có Học viện Bưu chính viễn thông trưởng thành.
Giám đốc phát triển nguồn lực FPT Software Trần Xuân Khôi cho biết, Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược Toàn cầu hóa của FPT và đang chiếm tỷ trọng doanh thu lớn. FPT Software hiện có 5.000 người đang làm việc cho thị trường này, trong đó có hơn 700 cán bộ làm việc trực tiếp ở Nhật. Dự kiến, năm 2016, FPT Software sẽ có khoảng 1.000 CBNV có mặt tại xứ sở mặt trời mọc.
"Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong ngành CNTT với khoảng 60.000 người. Đất nước này đã xác định Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia cung cấp nhân lực cho họ. Trong đó, Việt Nam đang có ưu thế hơn nhờ những nét gần gũi về văn hóa, con người. FPT đang tận dụng rất tốt cơ hội này", anh Khôi nói.
Điểm đặc biệt của thị trường Nhật là không khắt khe về chuyên môn nhưng yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ. Do đó, sinh viên cần chuẩn bị trước khi gia nhập sân chơi toàn cầu. Đón đầu xu hướng, FPT Software đã triển khai chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối. Trong vòng 6-12 tháng, học viên được đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành CNTT cũng như văn hóa bản địa để thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2. Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được bố trí việc làm thêm, thực tập tại FPT Nhật Bản hoặc các đối tác của FPT tại Nhật và tham gia các khóa học chuyên ngành CNTT trên hệ thống online.
Thời gian onsite ngắn hạn tại Nhật Bản đã giúp Sơn phá bỏ những giới hạn của bản thân và hiểu được những quy tắc cơ bản trong quá trình làm việc. |
Ngoài Nhật Bản, FPT Software còn có nhiều khách hàng lớn trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2015, FPT Software có 3.500 lượt CBNV ra nước ngoài làm việc.
Việc mở rộng quy mô phát triển của FPT tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Ngoài dự án 10.000 BrSE, sinh viên cũng có thể trở thành nhân viên của đơn vị với chương trình Campus Link.
Tuy nhiên, từ góc độ nhà tuyển dụng, Giám đốc FSU1.BU2 Nguyễn Quang Hưng cho rằng, để trở thành nhân viên của bất kỳ công ty nào, các bạn trẻ cần khắc phục 3 điểm yếu là ngoại ngữ, sự tự tin và sự thể hiện khả năng của bản thân. "Ngay cả khi không đạt ở những câu hỏi về chuyên môn, bạn hãy thể hiện mình hát hay, chơi thể thao giỏi, hoặc đánh điện tử không tồi. Chúng tôi sẽ tuyển bạn", Giám đốc FSU1.BU2 bật mí.
Ở FPT, cơ hội được trao đều cho tất cả và nếu cố gắng, thành công sẽ đến với bạn. Câu chuyện của Phó Giám đốc FSU1 Lê Hồng Hải - người có 12 năm gắn bó với FPT Software - là tấm gương về việc lập kế hoạch, kiên trì và nỗ lực để chạm tới thành công. Hiện anh quản lý sản xuất của 1.500 lập trình viên của đơn vị.
Cùng với việc tổ chức giao lưu bằng trò chơi trắc nghiệm, BTC cũng đã trao học bổng cho sinh viên PTIT vượt khó. |
Đi lên từ vị trí Lập trình viên (Developer) đến Quản trị dự án (PM) rồi Giám đốc trung tâm chiến lược có quy mô tương đương một công ty cỡ vừa, anh Hải luôn có định hướng cụ thể: trở thành quản lý hay chuyên gia. Từ đó, anh chia nhỏ mục tiêu theo các giai đoạn và thực hiện nghiêm túc. Đó là lý do mà các kế hoạch: sau 3 năm được đi onsite nước ngoài, sau 5 năm làm quản lý dự án của anh đã lần lượt cán đích sớm hơn dự định.
"Ngày đầu gia nhập công ty, tôi từng rất sốc khi chứng kiến đồng nghiệp trở về từ chuyến công tác tại xứ sở sương mù, ngồi nói chuyện tiếng Anh cùng khách hàng. Tôi kiên trì phấn đấu từng ngày cho các mục tiêu. Trong công việc, cố gắng làm nhiều hơn việc được giao, nắm nhiều mảng khác nhau trong dự án, tối về thì học thêm tiếng Anh. May mắn, sau 1,5 năm làm việc thì được chọn đi onsite tại Anh 6 tháng", anh Hải nói.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Hải đã giúp sinh viên PTIT hiểu rõ về quy trình làm việc của công ty. Tại FPT Software, mỗi nhân viên đều có một lộ trình công danh, ngay từ khi là sinh viên cho đến cấp quản lý. Thông thường, người được tuyển dụng là ứng viên có nhiều tiềm năng phát triển. Công ty sẽ đưa ra những công việc phù hợp với năng lực của ứng viên.
"Khi vào làm, không bao giờ các bạn đi một mình. Người có kinh nghiệm sẽ luôn bên cạnh bạn, đi cùng với bạn", anh Hưng bổ sung.
Trong vai trò là người dẫn dắt, TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh đưa đến kết luận, ngoài đam mê, sinh viên cần có ý thức tự vượt lên chính mình. "Kiến thức chuyên môn cần có thêm các kỹ năng mềm. Đó không chỉ là ngoại ngữ, mà còn là cách cư xử trong cuộc sống, công việc".
Trong 2 giờ trao đổi, sinh viên đã dành thời gian quan tâm cho các vấn đề đào tạo, cơ hội việc làm tại Nhật và vấn đề khởi nghiệp. Theo TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh, FPT nói chung và FPT Software luôn khuyến khích khởi nghiệp. Cùng với sự phát triển của xu thế, đơn vị cũng có những cơ chế và chính sách để hỗ trợ các startup.
Nói về chương trình, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông Trần Quang Anh đánh giá, CEO Talk là chương trình rất có ý nghĩa đối với nhà trường. Bởi, PTIT chú trọng phát triển sự gắn kết với doanh nghiệp, trong đó có FPT và FPT Software nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu xã hội, hướng nghiệp cho sinh viên.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi và tham gia trò chơi của chương trình. |
Thầy Quang Anh cũng tin tưởng, sau chương trình, sinh viên sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng phát triển nghề nghiệp, đối diện khó khăn trong cuộc sống từ diễn giả, đồng thời, xác định được định hướng cho tương lai. Với sự gợi ý của FPT Software, thời gian tới, PTIT sẽ đưa tiếng Nhật trở thành một trong những môn ngoại ngữ của trường.
Lê Hồng Phong, Khoa CNTT, đánh giá: "Chương trình tuyệt vời, giúp em hiểu thêm về môi trường FPT để định hướng tương lai. Đặc biệt với niềm yêu thích tiếng Nhật, dù mới là sinh viên năm đầu, nhưng em rất hy vọng sẽ sớm được vào FPT Software làm việc".
CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT. Đây là chương trình thứ 14 được thực hiện trên cả nước.
Năm 2015, doanh thu của FPT Software đạt mốc 181 triệu USD, tăng trưởng 34% so với năm 2014. FPT Software đang tiến đến mục tiêu cán mốc 1 tỷ USD doanh thu và có đội ngũ nhân sự gồm 30.000 người vào năm 2020. Đơn vị sẽ cần tuyển mới từ 4.500 đến 10.000 nhân viên mỗi năm. Ngày 1/1 vừa qua, FPT Software ra mắt mô hình tổ chức mới. Trong 9.000 người của FPT Software, có khoảng 1.000 cán bộ nhân viên đang sống và làm việc tại 9 quốc gia trên thế giới.
>>Trưởng thành từ cuộc sống tại Nhật
Tiểu Thanh
Ý kiến
()