Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, FPT sớm sở hữu hữu bản sắc văn hoá mạnh mẽ và riêng biệt so với các công ty khác. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác được sức mạnh văn hoá Việt Nam nói chung và của cộng đồng người F nói riêng, từ đó đưa FPT thành tập đoàn toàn cầu là vấn đề cần nghiên cứu. Đây cũng là nội dung của buổi seminar về chủ đề xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp do người đứng đầu nhà F điều phối.
Chương trình diễn ra chiều ngày 4/12 tại tầng 13, toà nhà FPT Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) với sự tham gia của khách mời là GS. Vũ Minh Giang - nhà Sử học hàng đầu Việt Nam, người nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hoá gắn liền với chính trị, kinh tế, quân sự. Đồng thời, ông cũng là người thầy đầu tiên giúp FPT đạt được thành công tại thị trường Nhật Bản.
Hơn 60 CBNV nhà F đã được nghe GS. Vũ Minh Giang làm rõ tầm quan trọng của văn hoá tới sự thành bại của cộng đồng; văn hoá với phát triển bền vững và phát triển đột biến; văn hoá là tài nguyên dồi dào, thậm chí là vũ khí bí mật của doanh nghiệp.
CBNV nhà F chăm chú nghe GS. Vũ Minh Giang thuyết giảng về văn hóa. |
Qua việc phân tích những câu chuyện từ các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc - những đất nước phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống, GS. Vũ Minh Giang khẳng định văn hoá giữ vai trò quan trọng, là nền tảng phát triển bền vững yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Giáo sư cũng chia sẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: Nghiên cứu quân sự chỉ từ nghệ thuật quân sự là không đủ mà phải cả văn hoá. Tướng lĩnh Pháp thua bởi họ không tính được yếu tố tự tôn dân tộc to lớn của người Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp, nếu biết cách khai thác, văn hoá sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào. Với nền văn hoá hiếu học, người Nhật Bản quan niệm “những thứ học được từ người khác đều hay”, luôn hỏi sâu đến tận cùng của vấn đề. Sau đó tìm cách thêm thắt những yếu tố riêng để tốt, tiện dụng hơn thứ đã học. Tiêu biểu như xe máy Honda của Nhật Bản là sản phẩm “lai ghép” với ghi đông, yếm xe lấy từ các hãng khác. Tuy nhiên, Honda vẫn trở thành thương hiệu xe máy được ưa chuộng nhất thế giới.
Tại Việt Nam, văn hoá khá phức tạp với các nghịch lý: dân tộc bất khuất, nhưng rất thiếu tự tin; giỏi tiếp biến nhưng gần như dừng trước các sáng tạo lớn; linh hoạt nhưng ngại đổi thay lớn; giỏi cấu kết nhưng tư duy tổ chức khối đoàn kết yếu; nhanh trí, tinh ranh nhưng không nhìn được xa. Khẳng định những đặc điểm văn hoá này đều là khách quan, GS. Vũ Minh Giang cũng nhấn mạnh dân tộc Việt Nam rất phi thường với sức mạnh tiềm ẩn.
Với vị trí địa lý là điểm giao thoa của những nền văn hoá Đông - Tây, Nam - Bắc, người Việt sở hữu khả năng mềm dẻo, linh hoạt đến khôn lường, cùng tài mô phỏng và lòng tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Đây đều là những nét đặc trưng mà FPT có thể khai thác, đẩy mạnh tinh thần quyết chí dám nghĩ dám làm, không chịu thua kém của CBNV. Qua đó đẩy mạnh năng suất lao động, tốc độ thực hiện khát vọng vươn tới vị trí dẫn đầu của tập đoàn.
GS. Vũ Minh Giang là người nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hoá gắn liền với chính trị, kinh tế, quân sự. |
Nhận định nhà F đã sớm xây dựng bản sắc văn hoá riêng và độc đáo, GS. Vũ Minh Giang cho rằng người đứng đầu doanh nghiệp cần chú trọng khai thác yếu tố văn hoá để phát triển doanh nghiệp. “FPT có doanh thu lên tới hàng tỷ đô, mang bóng dáng đại gia tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, văn hoá doanh nghiệp mới chỉ ở dạng khát vọng, nhiều phần là hình thức”, Giáo sư chia sẻ. “Đã đến lúc cần có nhóm xây dựng chiến lược biến tất cả những gì có trong văn hoá con người Việt Nam và FPT thành lợi thế, bắt vít với khát vọng của nhà sáng lập Trương Gia Bình”.
Cạnh đó, GS. Vũ Minh Giang cũng khẳng định để xây dựng, phát triển và làm dày hơn nền tảng văn hoá của FPT, không thể bỏ qua vai trò của người đứng đầu. Theo Giáo sư, Chủ tịch Trương Gia Bình cần tìm và hoá giải những nghịch lý trong văn hoá người Việt Nam nói chung và cộng đồng người F nói riêng. Giáo sư cho rằng: “Anh Bình cũng như đại bàng có khả năng nhìn rõ và bao quát từ khoảng cách xa. Do vậy để thúc đẩy phát triển tập đoàn, với tầm nhìn của đại bàng, cần xây dựng cho cán bộ nhân viên ý chí cháy bỏng, không chịu thua kém và sự tự tin”.
Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà và nhiều lãnh đạo, quản lý các đơn vị thành viên chăm chú tham gia và đặt câu hỏi. |
Trả lời câu hỏi của chị Chu Thanh Hà - Chủ tịch FPT Telecom - về vấn đề tự tin của nhà F, GS. Vũ Minh Giang khẳng định anh Trương Gia Bình là người tự tin, và sự thành công hôm nay của FPT xuất phát trước hết từ yếu tố đó. Đồng thời diễn giả cũng nhấn mạnh tự tin không là không sợ ai hay luôn cho rằng người khác đúng, mà đó là tự biết điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Đồng quan điểm với Giáo sư, anh Bình nhấn mạnh tự tin là vấn đề nổi cộm ở nhà F. Theo anh Bình, có nhiều trường hợp cán bộ FPT khi làm việc với khách hàng thường hoặc quá nghe theo yêu cầu của khách, hoặc không coi trọng họ. “Chúng ta dễ dàng nhảy từ tự tin lên tự tôn. Tự tin thật sự là biết mình, biết người, tôn trọng mình và người”, người đứng đầu nhà F chia sẻ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tặng bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn GS. Vũ Minh Giang đến chia sẻ câu chuyện văn hóa với FPT. |
Chăm chú lắng nghe chia sẻ trong gần 3 giờ đồng hồ, anh Lâm Ngọc Khánh (FPT IS BNK) khẳng định buổi seminar đã đem đến nhiều bài học cho bản thân và các đồng nghiệp. “Giáo sư có đề cập đến 5 yếu tố nghịch lý của người Việt, trong đó tôi chú ý nhất về thiếu sáng tạo và không nghĩ xa. Đây sẽ là những yếu tố tôi cần cải thiện trong thời gian sắp tới”, anh Khánh cho biết.
Trong khi đó, Thám hoa 2019 Phạm Tuyết Hạnh Hà (ĐH FPT) bị thu hút bởi rất nhiều câu chuyện và keywords “chất” mà GS. Vũ Minh Giang chia sẻ. Đúc rút sau buổi seminar, chị Hà khẳng định: “Giáo dục và đào tạo phải khơi dậy được sự tự tin của mỗi sinh viên. Đó là sức mạnh để làm được những điều kỳ diệu”.
Đánh giá cao những nhận định và lời khuyên của GS. Vũ Minh Giang, anh Trương Gia Bình cho rằng buổi seminar đã mang lại bài học về vai trò của xây dựng nền văn hoá doanh nghiệp. “Cần phải khai thác văn hoá để hoá giải bất cập tồn tại khách quan trong thực tiễn kinh doanh”, người đứng đầu nhà F chia sẻ. “Seminar là bước gợi mở để FPT nghiên cứu chương trình cụ thể để đưa văn hoá thành sức mạnh”.
Video chia sẻ của GS. Vũ Minh Giang về văn hóa doanh nghiệp để trở thành sức mạnh:
TGB - Seminar on Leadership là chuỗi seminar do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khởi xướng từ năm 2014. Chương trình có mục tiêu cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo và mong muốn xây dựng FPT trở thành một tổ chức học tập thực sự. Trong gần 3 năm (kể từ 2014), TGB seminar đã triển khai nhiều nội dung liên quan đến chính sách, định hướng của tập đoàn như: Lean Start-up, Chính sách Thành Cát Tư Hãn, Xây dựng lực lượng công nghệ, Tái cấu trúc, Xu hướng Robot trợ lý gia đình, Giải pháp Bank 4.0, Tư duy chiến lược và phương pháp luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghệ thuật đàm phán, Quản trị Metropole. |
Hoàng Hương
Video: Quốc Phú
Ý kiến
()