Chúng ta

F0 nhà F chia sẻ bí quyết vượt Covid

Thứ tư, 1/9/2021 | 08:42 GMT+7

'Hãy giữ cho tinh thần mình lạc quan, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Mình vẫn đang tiếp tục chữa trị Covid-19 trong Bệnh viện dã chiến 13 và đã đi được 2/3 đoạn đường', anh P.V.T., một F0 của đơn vị FPT HO, vừa qua giai đoạn nguy kịch chia sẻ

15-1629088756410-jpeg-16304601-5138-5361

Bên trong phòng bệnh nơi anh T., đang điều trị tại BV dã chiến 13. Ảnh: Dân Trí

Sau 3 tuần chiến đấu với Covid-19, anh P.V.T. (33 tuổi, TP HCM) đã hồi phục, hiện đang tập cai máy thở.

T. cho biết anh là người đầu tiên trong gia đình mắc Covid-19 khi tự test tại nhà. Bố anh T. người phát bệnh thứ 3 và chỉ sau 2 ngày khởi phát bệnh bác đã ra đi mà không thể có người thân ở bên. Anh T. - người bị nặng nhất trong gia đình và mẹ được điều trị tại Bệnh viện dã chiến 13 (do Bệnh viện Việt Đức phụ trách). Riêng em trai ở thể nhẹ hơn thì được điều trị nơi khác.

“Lúc này đây mình đang bước vào giai đoạn cai oxy sau 2 tuần được cứu chữa tại Bệnh viện Dã chiến 13. Hai tuần đó nằm một chỗ, không tắm rửa, vệ sinh tại chỗ, mỗi lần ăn là một lần rút mask (mặt nạ máy thở) và đút rồi đeo mask, mỗi ngày chứng kiến bệnh nhân mới nhập viện, mỗi ngày thấy dàn y bác sĩ chiến đấu ngày đêm không ngơi nghỉ để giành lại sự sống cho bệnh nhân. 2 tuần này mình thấm thía, cảm nhận từ cõi chết trở về là như thế nào.

Giá như trước đó mình có đủ kiến thức, mình cố gắng hành động thêm một chút là mình đã cứu được bố mình, dù là thêm một hy vọng nhỏ nhoi’ ”, T. kể lại.

Ít nói về những gian khổ mà bản thân đã và đang vượt qua, T. cho biết sẽ chia sẻ những vật dụng quan trọng nhất trong nhà, những việc cần làm, những việc nên tránh từ kinh nghiệm của bản thân nếu chẳng may bạn bị nhiễm Covid-19.

Cụ thể:

4 thứ quan trọng nhất ở trong nhà:

1. Máy đo Sp02 (sẽ chú thích bên dưới vì sao chỉ số này quan trọng).

2. Bình oxy (có bình lớn và mini càng tốt).

3. Bộ kit để test nhanh tại nhà.

4. Các thuốc men cần kíp để chữa triệu chứng và Vitamin C.

T. cho biết, trong khi liên hệ được các nơi để có những đồ cần chuẩn bị, bạn vào bước xử lý thông tin của bản thân (nếu người lớn tuổi bị nhiễm thì viết vào giấy để sẵn trong túi đồ/túi áo để luôn mang theo).

Khi phát hiện triệu chứng hoặc nghi có tiếp xúc nhiễm:

1. Nhanh chóng kiểm tra bộ kit test xem mình có dương tính hay không

2. Nhanh chóng đo Sp02 và theo dõi cứ 45 phút - 1 tiếng/lần đo Sp02

3. Viết nhật ký Covid-19 theo mẫu sau:

(1) Họ và tên:

(2) Năm sinh:

(3) Bệnh nền mắc phải (huyết áp, tiểu đường, ung thư, mỡ máu…):

(4) Các chỉ số đo Sp02 theo ngày (6-8 lần/ngày):

(5) Triệu chứng trong ngày (mất khướu giác, vị giác, sốt, đau họng, khó thở…):

(6) Các thuốc đang dùng:

4. Gia nhập Nhóm tư vấn hỗ trợ F0 trên Facebook hoặc Kết nối BS Trương Hữu Khanh (sẽ có BS tư vấn online)

5. Chuẩn bị tất cả các thông tin liên hệ (contact) sau đây:

- Người liên lạc trong trường hợp mình chuyển biến xấu

- Trung tâm Y tế phường

- Các nhóm phân phối Oxy và thuốc cho F0

- Bệnh viện gần nhất

- Phương tiện di chuyển trong trường hợp diễn biến xấu

Nếu cần phải vào bệnh viện: khi SpO2 xuống dưới 90, tập thở và thở Oxy tại nhà không cải thiện hoặc cải thiện rồi lại nhanh chóng hạ.

1. Xác định mình đi đâu?

2. Đem theo CMND, BHYT và nhật ký đã ghi chép.

3. Đi bằng gì? Bất kể xe gì, nếu có người nhà chở bằng xe máy cũng được, đến các chốt nhờ giúp, nếu họ không giúp được thì ít nhất cũng cho mình đi qua dễ dàng.

* Vì sao là Sp02?

Vào Bệnh viện dã chiến số 13 điều trị, chỉ số các y bác sĩ quan tâm duy nhất là Sp02, bỏ qua huyết áp, tim mạch, tiểu đường luôn.

Do đó mới biết chỉ số này nó quan trọng đến bệnh tình và hồi sức Covid-19 đến chừng nào. Chỉ số tốt dao động từ 97-100%. Nếu chỉ số càng thấp nghĩa là nồng độ O2 trong máu càng cạn kiệt, điều đó chứng tỏ phổi mình đang tổn thương.

“Giống trường hợp mình Sp02 xuống còn 66, nếu vào trễ một chút nữa mình đi rồi".

Vì vậy, mỗi nhà nên trang bị ít nhất cho mình một chiếc máy đo Sp02 trong máu, nhất là với người lớn tuổi, bệnh nền hay béo phì. Đặc biệt là mấy người thừa cân béo phì, chỉ số Sp02 tuột nhanh kinh khủng, gây viêm phổi suy hô hấp cấp trong nửa đến một ngày”, anh T. thông tin. 

17-1629090709210-jpeg-16304602-2177-6364

Anh P.V.T đang trao đổi với bác sĩ điều trị. Ảnh: Dân Trí

* Bình oxy tại gia: 

Khi vận động nhanh hay mạnh mà mình thở và ho như leo bộ năm tầng lầu (triệu chứng dễ thấy nhất là bị ngạt hơi, giống con cá không có nước) chứng tỏ phổi đã bị tổn thương, cần phải thở oxy gấp. Lúc này chỉ số Sp02 xuống thấp hơn 90% rồi.

“Hãy giữ cho tinh thần mình lạc quan, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Nếu không nhờ những lời động viên, thăm hỏi mỗi ngày của nhiều bạn bè, người thân, chắc mình cũng đã bỏ cuộc từ lâu.

Mình vẫn đang tiếp tục chữa trị Covid-19 trong Bệnh viện dã chiến 13. Đã đi được 2/3 đoạn đường.

Mình không biết sức khoẻ mình sau khi hồi phục sẽ ra sao, nhưng hiện tại việc đi lại của mình vẫn còn khó khăn, leo lên giường hay xỏ đôi dép để đi cũng là một sự cố gắng tột cùng.

Những lúc này đây mình mới thấy quý trọng cuộc sống và sức khoẻ. Cũng thấy việc giảm cân hay duy trì vận động để cơ thể dẻo dai và đề kháng tốt là điều thiết yếu đến thế nào.

Mình hy vọng những kinh nghiệm mình chia sẻ (khi bất lực chỉ biết nằm một chỗ gõ trên điện thoại) sẽ giúp thêm một phần kinh nghiệm để sống chung với lũ”, T. nhắn nhủ.

>> FPT triển khai dịch vụ xe cứu thương cho CBNV và người thân tại TP HCM

Infonet

Ý kiến

()