Ngay từ năm 1998, tại Hội nghị chiến lược đầu tiên của mình (Hội nghị Diên Hồng), FPT đã quyết định lấy xuất khẩu phần mềm làm lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược toàn cầu hóa. Cùng với đó là sự ra đời của FPT Software.
“Xuất hay là chết”
Hội nghị Diên Hồng năm 1998 nổi tiếng với bài tham luận của anh Nguyễn Thành Nam mang tên “Xuất hay là chết”, cho thấy một quyết định mang tính lịch sử của FPT.
Sau hơn 3 năm thực hiện thành công chiến lược đưa FPT trở thành công ty Tin học số 1 Việt Nam, với mục tiêu phát triển FPT lên một tầm cao mới, anh Trương Gia Bình đã tổ chức hội nghị chiến lược được gọi là “Hội nghị Diên Hồng”. Hội nghị được tổ chức ở Đồ Sơn trong hai ngày 26-27/9/1998.
Hội nghị Diên Hồng có nhiều tham luận, trong đó có tham luận “FPT - Con chim đầu đàn của Tin học Việt Nam” do anh Đỗ Cao Bảo trình bày và tham luận “Xuất hay là chết” của anh Nguyễn Thành Nam.
Quay ngược lịch sử từ tham luận “FPT - Con chim đầu đàn của Tin học Việt Nam”, thời điểm này, FPT đã vững chắc ở vị trí công ty Tin học số 1 trong nước, nhưng anh Trương Gia Bình không muốn dừng ở vị trí số 1 mà muốn FPT trở thành con chim đầu đàn của Việt Nam.
Lễ xuất quân, tiễn các "chiến binh" xuất khẩu phần mềm “chinh phạt” Bắc Mỹ năm 1999. Ảnh tư liệu |
Theo anh Đỗ Cao Bảo, con chim đầu đàn khác với con chim số 1 ở chỗ: Con chim số 1 chỉ cần to nhất và nhanh nhất, còn con chim đầu đàn không chỉ to nhất, nhanh nhất mà còn có trách nhiệm dẫn dắt cả đàn chim.
Anh Nguyễn Thành Nam được phân công trình bày tham luận: “Xuất hay là chết”. Thực tiễn thị trường trong nước quá hạn hẹp, FPT muốn phát triển thì phải thực hiện chiến lược xuất khẩu phần mềm. Để thể hiện quyết tâm này, anh Nguyễn Thành Nam dùng khẩu hiệu: “Xuất hay là chết”. FPT chỉ có con đường duy nhất để phát triển là xuất khẩu phần mềm.
Trong phần thảo luận, sau khi mọi người đồng ý chiến lược xuất khẩu phần mềm thì vấn đề gay go nhất là kinh phí đầu tư. Lấy tiền ở đâu và đầu tư bao nhiêu cho xuất khẩu phần mềm?
Anh Trương Gia Bình lên bảng viết dòng chữ 500.000 USD. Anh Đỗ Cao Bảo đề xuất 1.000.000 USD. Được lời như cởi tấm lòng, anh Trương Gia Bình viết dòng chữ 1.000.000 USD trên bảng và cả hội nghị nhất trí thông qua. Điều này có nghĩa là FPT chỉ có quyền chi 1 triệu USD cho xuất khẩu phần mềm.
“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải thực hiện thành công xuất phần mềm”
Sau hội nghị Diên Hồng, FPT Software được thành lập. Anh Trương Gia Bình và anh Nguyễn Thành Nam đã quyết định lựa chọn 16 cán bộ ưu tú trong khối phần mềm sang FPT Software. 5 cán bộ kinh doanh được tuyển chọn với một tiêu chuẩn cao cả về trí tuệ, kiến thức phần mềm, tố chất kinh doanh cũng như tiếng Anh (thời ấy, FPT gọi là “phi công vũ trụ"). 2 trong số 5 “phi công vũ trụ” ấy chính là anh Hoàng Việt Anh và anh Bùi Hoàng Tùng.
Về nhân sự, những người giỏi nhất về kinh doanh quốc tế theo hiểu biết của FPT thời ấy đều được mời. Đầu tiên phải kể đến Hùng Henry - Việt kiều Canada; tiếp đến là Michael David - một người Mỹ chính gốc được mời về phụ trách kinh doanh ở FPT Software với một mức lương khủng thời bấy giờ.
Để thể hiện quyết tâm này, anh Trương Gia Bình đã phát biểu một câu nổi tiếng: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải thực hiện thành công xuất khẩu phần mềm”.
Quả thực, tháng 6/1999, FPT đã xuất khẩu phần mềm sang thị trường Bắc Mỹ, sự kiện này đánh dấu bằng lễ xuất quân, tiễn các "chiến binh" xuất khẩu phần mềm lần đầu tiên của nhà F.
Cũng từ đó, FPT đã khởi tạo làn sóng xuất khẩu phần mềm, đặt nền móng hình thành ngành công nghiệp tỷ USD.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau. FPT đã “cầm cờ” đứng lên tập hợp các công ty phần mềm trong nước. Năm 2002, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (nay là Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT - VINASA) được thành lập, tiến ra toàn cầu với quyết tâm sắt đá: “Người Ấn Độ làm được, người Việt Nam cũng làm được”.
Bắt đầu bằng Bangalore (Ấn Độ) và Silicon Valley (Mỹ) nhưng kết quả không mấy khả quan, FPT chỉ thực sự ""cất cánh"" khi chinh phục thành công được thị trường khó tính nhất - Nhật Bản từ năm 2005.
Các năm sau đó, FPT liên tiếp mở văn phòng tại Singapore, Châu Âu, và quay trở lại Mỹ. Quy mô dự án cũng lớn dần tăng lên, từ vài triệu USD lên đến 10, 20, 30 triệu USD và 100 triệu USD. Bộ sưu tập khách hàng cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.
Năm 2014, FPT Software là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào danh sách Top 500 doanh nghiệp phần mềm lớn của thế giới do Software Magazine bình chọn. FPT được công nhận ở cấp đối tác hàng đầu của nhiều ông lớn như Microsoft, IBM, Amazon Web Services, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus… Tính đến giữa năm 2023, nhà F đã hiện diện tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
FPT cũng mở con đường xuất khẩu phần mềm cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng hàng đầu về xuất khẩu phần mềm trên toàn cầu.
"Ưu tiên hàng đầu của FPT là nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, cạnh tranh bình đẳng với những người khổng lồ trên thế giới, từ đó khẳng định mình là tập đoàn công nghệ số hàng đầu" - anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khẳng định.
F-Story ra mắt với chủ đề “F ta 35 năm” mong muốn tạo không khí sôi nổi, lan tỏa, truyền cảm hứng tự hào về hành trình FPT 35 năm nói chung và quy mô phát triển của Tập đoàn. Từ đây, người FPT sẽ được hòa mình vào những tháng ngày tươi đẹp của FPT trong 35 năm qua. Chương trình sẽ bao gồm 2 nội dung chính: chuỗi minigame diễn ra thứ Tư hàng tuần trên Workplace FPT Chungta News với giải thưởng lên tới 10.000 Gold và loạt câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình 35 năm lên sóng vào thứ Sáu. Hoạt động sẽ kéo dài từ 26/7 đến 13/9, trong 8 tuần với các chủ đề hấp dẫn, “thâm cung bí sử” FPT. |
Sơn Trà
(Tổng hợp)
Ý kiến
()