Chúng ta

EBS.PAS: Dựng pool ‘chạy’ dự án, thử thách bằng cách làm khác

Thứ tư, 19/7/2023 | 10:16 GMT+7

Bài toán vận hành để tối ưu hóa năng suất, tăng hiệu quả hoạt động và kinh doanh không dễ dàng. Với quyết tâm của EBS.PAS nói chung và anh Bùi Quốc Vũ (Giám đốc EBS.PAS, FPT Software) nói riêng, tập thể đã cán đích xuất sắc với kết quả ấn tượng.

Doanh thu tăng trưởng 83% so với cùng kỳ năm trước, mở rộng 70% nhân sự, năng suất đạt gần 3.800 USD/1 nhân sự, tối ưu hóa năng suất (tăng 25%)… là những con số biết nói của EBS.PAS, một thành viên của Đơn vị Giải pháp & Dịch vụ Doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam (EBS - FPT Software). Chính thức thành lập tháng 1/2023 và nhanh chóng mang về kết quả kinh doanh vượt trội, EBS.PAS trở thành tập thể OKR xuất sắc cấp tập đoàn.

Dựng pool để “chạy” dự án

Vừa mới thành lập, anh Vũ cho rằng kết quả mà EBS.PAS mang lại còn nhỏ bé so với các đơn vị khác của FPT Software. Danh hiệu “Tập thể OKR xuất sắc cấp tập đoàn” là điều bất ngờ với cả tập thể.

Chuyên về dữ liệu, khác với truyền thống làm phần mềm của FPT Software, anh Bùi Quốc Vũ phải “tự thân vận động” trong tìm kiếm nhân lực, đào tạo để đáp ứng công việc. EBS.PAS là đơn vị mới, số lượng người còn khiêm tốn và đây là lúc anh bắt tay triển khai thử nghiệm một mô hình mới.

Không còn “team” (đội, nhóm) thông thường mà tạo thành “pool” (hồ), trong đó sẽ có ba pool gồm data engineer, data analysis, software development. Và anh Vũ sẽ là người tìm kiếm, đào tạo nhân sự để đưa người vào các "hồ". Khi một dự án được triển khai sẽ nhìn thấy trong pool người phù hợp để tham gia vào từng phần hoặc toàn bộ dự án. Và khi kết thúc một dự án, họ sẽ về lại pool và chuyển sang một dự án khác.

“Tại một thời điểm, có thể các bạn sẽ đảm đương nhiều dự án cùng lúc, có mặt ở một giai đoạn của dự án này và dự án kia để đảm bảo tiến trình công việc. Nếu các bạn đã quen với nhịp độ thì sẽ thấy bình thường nhưng với người mới, điều này sẽ gây khó khăn trong thời gian đầu”, anh Vũ chia sẻ.

Theo anh, để hiểu rõ nhân sự nào phù hợp cho dự án thì người “thuyền trưởng” phải hiểu về “thuyền viên” của mình. Một nhóm sinh viên thực tập, trẻ nhất là lứa 2000, được anh đào tạo từ những ngày mới về nhà Phần mềm, thừa kế các kiến thức và kỹ năng của anh.

“Nguyên tắc của tôi khi đào tạo nguồn nhân lực là không giữ lại cho mình điều gì. Các bạn cần, tôi biết thì sẵn sàng chia sẻ. Vì vậy, ở EBS.PAS, có những bạn sinh năm 2000 nhưng nắm bắt khá tốt cách nói chuyện với khách hàng cấp cao. Bạn biết cách vận hành một doanh nghiệp như thế nào, hiểu được nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, kỹ năng cứng và kỹ năng mềm song hành qua lại”, anh Vũ tâm đắc.

Khi chưa có dự án, nhân sự sẽ tự nâng cấp bản thân bằng các khóa học và tự học từ các cấp của mình để có thể tham gia vào ngay lập tức nếu dự án “về tay”. Thu thập các chứng chỉ, khóa học của Microsoft để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nắm rõ cách vận hành của một doanh nghiệp, ngành nghề để ngồi được với khách…

“Kết quả hôm nay là sự cố gắng của một tập thể, nhất là những bạn có tuổi đời khá trẻ trong bộ phận. Chúng tôi trân trọng và cố gắng cùng nhau, ngồi lại chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn mà đồng đội gặp phải, động viên và đồng hành để hướng đến mục tiêu chung cho EBS.PAS”, anh Vũ bày tỏ.

-8571-1689732445.jpg

EBS.PAS đạt kết quả ấn tượng trong hoạt động kinh doanh, trở thành tập thể OKR xuất sắc cấp tập đoàn.

Không có vùng an toàn, là động lực thúc đẩy sáng tạo, làm mới chính mình

Ở EBS.PAS, con người là cốt lõi, đào tạo con người là mục tiêu hàng đầu. Nhân lực trong bộ phận sẽ có 2 trường phái, hoặc là sẵn sàng học “tất - tần - tật” mọi thứ để biết được nhiều việc, hoặc sẽ nắm sâu một mảng hay kiến thức nào đó. “Và tùy các bạn theo trường phái nào, sẽ tự nâng cấp bản thân bằng khả năng của mình. Chúng tôi trao cơ hội, kiến thức, kỹ năng và đồng hành để giúp các bạn tốt hơn mỗi ngày”, anh Vũ nói thêm.

EBS.PAS nói chung, và trong định hướng của anh Vũ nói riêng, bộ phận phải bước ra khỏi vùng an toàn, thử nghiệm nhiều thứ mới, làm những việc mà đối thủ chưa nghĩ tới. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất mà bộ phận anh đang đối mặt.

“Pool” chính là kỳ vọng của anh về sự thành công của một mô hình mới. Thành công, tức là đưa dự án vào một dây chuyền sản xuất, chia khâu và làm theo hình thức công nghiệp để giảm thời gian và chi phí. Lúc này, kết quả hoạt động và kinh doanh sẽ tăng trưởng cao.

Nếu tính theo chuẩn dự án thông thường, một dự án (project) sẽ hoàn thành trong 6-7 tháng nhưng với mô hình tại EBS.PAS, chỉ cần triển khai trong 3-4 tháng. Cá biệt, với những dự án đã được modules hóa sẵn, việc triển khai trong 2 tháng là hoàn toàn khả thi. Xây dựng modules đóng gói sẵn, “tạo khuôn” để vận hành giữa các dự án sẽ giúp giảm lượng người tham gia trên một loại hình dữ liệu giống nhau.

Anh Vũ bày tỏ: “Có 2 điều mà tôi định hướng ở một pool. Đầu tiên là con người, thứ hai là tạo thêm vùng an toàn cho bộ phận của mình. Vùng an toàn này lại có định nghĩa khác, là khi “tôi không có đối thủ thì tôi an toàn, và ngược lại”. Chúng tôi phải có điểm khác biệt để đối thủ khó bắt kịp”.

Với kinh nghiệm làm dữ liệu hơn 15 năm, anh Vũ nắm rõ cách vận hành và dòng chảy của lĩnh vực này. Bán một sản phẩm, phải biết độ phủ của nó trên thị trường. Khi triển khai, phải thực hiện trong thời gian tối ưu nhất. Và khi bán, phải có giá tốt nhất. Thăm dò thị trường - thời gian triển khai - giá cả là 3 yếu tố quyết định một sản phẩm trên thị trường.

“Mục tiêu của tôi vẫn cháy âm ỉ. Nó không xảy ra trong 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm mà ít nhất phải mất 2 năm để tạo ra đúng cái mình mong muốn. Và hoàn thiện “pool” vẫn chính là OKR trong các quý tiếp theo của EBS.PAS và của tôi, bên cạnh việc tăng trưởng về doanh thu và con người”, Giám đốc EBS.PAS nói thêm.

Thanh Dung

Ý kiến

()