Câu 1:
Xin hỏi anh Thắng, hiện nay có nhiều người rời khỏi FPT dù họ gắn bó cũng khá lâu, vậy điều gì khiến anh về FPT?
Mỗi công ty có những giai đoạn phát triển nhất định, và FPT cũng đang trong giai đoạn cần có sự thay đổi, và sự thay đổi thì sẽ ó sự phù hợp và không phù hợp, do đó chuyện có một ai đó rời khỏi FPT vì sự thay đổi và không phù hợp nữa là điều cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đấy đồng nghĩa việc có một số người sẽ thấy sự cống hiến của mình cho FPT trong giai đoạn mới là sự phù hợp hơn. Một trong những người đấy là anh!
Câu 2:
Trong công việc, có thời gian anh là GĐ KD Oracle, vậy anh có dự định gì trong việc dùng kinh nghiệm này để hỗ trợ Oracle (FIS-ERP) trong toàn cầu hóa?
ERP là một trong những mũi nhọn toàn cầu hóa của FIS trong giai đoạn tới, tất nhiên kinh nghiệm của anh ở Oracle có thể hỗ trợ nhiều. Trước đây anh đã cùng với FIS tham gia vào các dự án ERP từ 2 phía của 1 công việc. Và bây giờ khi cùng nhau đứng về một phía thì chắc chắn anh sẽ đem được giá trị cho ERP (không giới hạn là Oracle ERP)
Câu 3:
Với cương vị mới anh có thể cho biết một số dự định chính của anh tại FIS trong 6 tháng tới?
- Toàn cầu hóa là nhiệm vụ trọng tâm của không chỉ FIS mà là cả FPT trong giai đoạn tới, chính vì thế các bạn có thể thấy người phụ trách toàn cầu hóa được bổ nhiệm với chức danh Phó TGD điều đấy cho thấy mức độ quan trọng và cam kết của FPT đối với việc này. Đối với cá nhân anh trong 6 tháng tới sẽ đặt ra định hướng và phương pháp triển khai cụ thể cho toàn cầu hóa của FIS nằm trong chiến lược chung của FPT.
Câu 4:
Trông ảnh thì anh Thắng có vẻ là người khá "nghiêm nghị", ở ngoài anh là người như thế nào? có khó tính không? Nhân viên của anh thì phải lưu ý gì trong cách cư xử, có theo văn hóa FPT bật sếp tưng tưng được không?
Ý kiến như vậy có vẻ không giống với những gì anh vừa nghe được trong phòng giao lưu. Nếu bạn chưa tin thì có thể gặp trực tiếp anh để tự đánh giá nhé. Có thể nói mình không là người khó tính, nhưng mình là người yêu cầu cao đối với công việc. Việc phù hợp với văn hóa FPT là một trong những lý do anh về FPT, do đó không phải ngại việc bật sếp. Bây giờ mình đang đợi việc bật sếp đây.
Câu 5:
Ồ trông anh Thắng trẻ trung quá! Anh có thể giới thiệu về bản thân được không? Anh bao nhiêu tuổi, lý lịch trích chéo như thế nào?
Rất mong nhận định của bạn là đúng, anh đã ngoài 40 rồi, con gái lớn đã 13 tuổi và luôn muốn coi bố như một người bạn, vì thế cho nên sở thích của anh cũng tương đối trẻ trung. Nghe nhạc teen, đọc sách teen (bạn đã đọc "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" chưa?)
Câu 6:
FIS trả anh lương bao nhiêu VNĐ/01 tháng?
Điều khoản này là bảo mật đối với FIS mặc dù anh rất muốn chia sẻ. Có điều anh có thể nói thêm đó là hấp dẫn và rất mong tất cả các bạn cũng có được mức độ hấp dẫn như vậy khi làm việc ở FIS.
Câu 7:
Theo anh thì FIS đang có những thuận lợi và khó khăn gì khi bắt đầu toàn cầu hóa? Nhân lực hiện tại của FIS có những ưu điểm gì và cần nâng cấp kỹ năng gì để tham gia cuộc chiến toàn cầu hóa?
Có thể nói thuận lợi lớn nhất đối với việc toàn cầu hóa chính là sự thành công ở thị trường nội địa. Tất cả các đối tác và khách hàng trong và ngoài nước biết đến sự thành công của FIS trong quá khứ thì sẽ đánh giá cao khả năng thành công của FIS trong tương lai đối với việc toàn cầu hóa. Thách thức đối với FIS hiện nay theo anh là sự nhận thức tầm quan trọng của việc toàn cầu hóa.
Nhân lực hiện tại của FIS tương đối chuyên nghiệp trong việc phân công công việc, và khi phục vụ khách hàng, yếu tố đó vô cùng quan trọng dù khách hàng đó là trong nước hay nước ngoài. Các phương pháp đánh giá kỹ năng theo tiêu chuẩn nước ngoài thông qua bằng cấp hay các kỹ năng mềm cũng là một lợi thế rất lớn mà nhân lực FIS đang có.
Tất nhiên việc chuẩn bị lực lượng nâng cấp và thay đổi kỹ năng cũng như phong cách là rất quan trọng.
Câu 8:
Xin hỏi ông Thắng thị trường đầu tiên mà FIS muốn hướng đến là?
Thị trường đầu tiên mà FIS muốn hướng đến là bên ngoài Việt Nam!
Câu 9:
Em chuẩn bị ra trường, đang tính apply vào FPT, muốn hỏi anh là backgound của anh là gì? Anh bắt đầu đi làm từ bao giờ và công việc đầu tiên như thế nào? Rất mong anh có thể chia sẻ với lớp trẻ chúng em.
Anh học Bách Khoa HN tốt nghiệp năm 91, bắt đầu đi làm ngay sau đó với một công ty tin học trong nước, công việc đầu tiên bắt đầu từ nhân viên kỹ thuật, với những kỹ năng mà bây giờ là rất cơ bản, nhưng tại thời điểm đó thì cũng cần những trình độ nhất định. Sau đó với kinh nghiệm tích lũy được, anh chuyển sang công việc kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo anh, lớp trẻ bây giờ năng động hơn và được trang bị nhiều kỹ năng sẵn sàng hơn ngày trước, điều đó cho phép họ cống hiến tốt hơn, sớm hơn và đa năng hơn.
Câu 10:
Xin phép các bác FPT cho em được hỏi anh Thắng câu nữa, anh Thắng có đọc sách không và thường đọc sách gì? Cuốn sách nào anh tâm đắc nhất?
Anh đọc sách teen mà :D. Anh có hay đọc sách, ngoài sách văn học thì loại sách anh ưa thích nhất là về kinh doanh, tuy nhiên điều anh tâm đắc hơn là nói chuyện trao đổi về sách kinh doanh và làm sao áp dụng vào thực tiễn. Việc áp dụng quan trọng hơn là đọc sách gì bao nhiêu sách. Cuốn sách anh tâm đắc nhất trả lời ở trên rồi nhé!
Câu 11:
FIS có mục tiêu trở thành nhà cung cấp hệ thống công nghệ thông tin hàng đầu tại khu vực như vậy có thể thấy hướng toàn cầu hóa đầu tiên sẽ là khu vực tức Lào, Campuchia rồi Đông Nam Á đúng không anh Thắng? Viettel triển khai viễn thông ở các nước này được sự hậu thuẫn rất lớn mang tính chính trị, thế FIS thì sao?
Mục tiêu của toàn cầu hóa gần nhất chính là những thị trường em vừa nói, và FIS đã triển khai một phần công việc này.
Câu hỏi của bạn rất thú vị khi đề cập đến vấn đề hậu thuẫn để phát triển kinh doanh, với vị thế của FPT nói chung và FIS nói riêng, chúng ta có rất nhiều sự hậu thuẫn không chỉ mang góc độ chính trị và không chỉ ở Việt Nam.
Câu 12:
Anh mất bao lâu để quyết định về FPT và điều gì ảnh hưởng nhiều nhất tới quyết định đó? Ai là người trực tiếp ngỏ lời mời anh về?
Quyết định về FPT của anh rất nhanh, trong thời gian 1 tháng. Người nói chuyện với anh là anh Đỗ Cao Bảo. Để có được quyết định nhanh như vậy, có thể nói phần lớn là do sự hiểu biết của anh về FPT trong nhiều năm qua, không chỉ về văn hóa mà cả những con người cụ thể.
Câu 13:
Em chả có câu hỏi gì. Chỉ chúc mừng bác!
Xin cảm ơn bạn, anh muốn chia sẻ thêm trong những ngày đầu tiên anh về FIS, có một số không ít FISers là người đã từng làm việc với anh trong nhiều năm ở phía bên kia của công việc đến chúc mừng, điều này thực sự làm cho anh xúc động vì thông qua công việc trước đây mà mọi người hiểu nhau và vui vẻ đón nhận.
Câu 14:
Làm sao anh có thể hòa đồng và cùng làm việc được với các Lãnh đạo khác của FIS? Vì họ là những người đã ở FIS nhiều năm, các cụ có nói, không ngồi cùng mân được thì khó mà nói chuyện.
Anh về FIS là để ngồi cùng mâm với mọi người, anh tin tưởng là sẽ đem lại giá trị của mình thông qua công việc, đấy là sự hòa đồng ở mức cao nhất.
Câu 15:
Với nhiệm vụ toàn cầu hóa FIS vậy thị trường nước ngoài nào anh hướng tới đầu tiêng ngoài những thị trường hiện đang có
- Câu này mình trả lời ở trên rồi bạn nhé!
Câu 16:
Em thấy kinh nghiệm của anh là bán sản phẩm của thế giới (đã rất nổi tiếng trên thế giới) tại VN. Nhưng công việc mới của anh là bán dịch vụ/ản phẩm (đã nổi tiếng tại VN) ra thế giới. Xin hỏi FIS cho anh thời gian là 2 hay 3 năm để khẳng định mình hay anh chỉ cần 6 tháng là đủ rồi?
Để có cơ hội khẳng định mình trong vòng 2 đến 3 năm tới thì việc anh phải làm là khẳng định mình trong vòng 6 tháng tới. Còn 6 tháng tới anh làm gì thì chú đọc ở trên biết rồi còn gì :D?
Câu 17:
Em muốn biết chiến lược của công ty trong toàn cầu hóa như thế nào? Và trong 1 và 2 năm tới FIS cần đạt được mục tiêu gì về toàn cầu hóa? Chúng ta đã đủ khả năng để nhận thầu từ nước ngoài chưa? Toàn cầu hóa nghĩ là đội ngũ nhân viên phải tăng trình độ ngoại ngữ, vậy công ty đã có kế hoạch gì trong việc đào tạo nhận viên chưa ạ?
Toàn cầu hóa là một quá trình, và cần thiết phải có những lộ trình nhất định chứ không phải tất cả mọi người đổ xô đi toàn cầu hóa. Việc này bắt đầu bằng chuẩn bị kỹ năng (vũ khí) cho một nhóm nhân viên có thể đi tiên phong, ngoại ngữ chỉ là một trong những yêu cầu bắt buộc và FIS có kế hoạch trang bị tất cả những vũ khí này, bản thân FIS cũng xây dựng một trung tâm đào tạo ITC để phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn và lâu dài.
Trong 1 đến 2 năm tới FIS cần thành công trong việc làm tổng thầu cho các dự án ở nước ngoài, việc này chắc chắn sẽ đạt được khi chúng ta đã và đang thành công trong những dự án rất lớn và quan trọng ở Việt Nam.
Câu 18:
Chiến lược toàn cầu hóa em nhớ các bác ở FIS đã định hướng cách đây 4 năm rồi nhưng kết quả vẫn chưa đạt được là mấy. Rõ ràng là con đường toàn cầu hóa rất khó khăn. Vậy anh có cao kiến gì không? Hoặc định hướng ra thế giới mình sẽ làm gì để kiếm được nhiều hợp đồng về Việt Nam?
Như đã nói ở trên, toàn cầu hóa là một quá trình, trên thực tế đã được bắt đầu từ nhiều năm trước, bản thân việc hợp tác tốt với những hãng nước ngoài một cách bình đẳng đã là nên móng cơ bản xây dựng cho chiến lược toàn cầu hóa sau này.
Công việc nào cũng khó khi bắt đầu, anh rất tin tưởng khi FIS có thành công bước đầu trong việc toàn cầu hóa thì các hợp đồng sẽ có được tăng lên rất nhanh, khi đó thách thức lại trở thành làm sao chuẩn bị đủ nguồn lực cho toàn cầu hóa.
Câu 19:
Toàn cầu hóa là cái gì đó còn rất mơ hồ, xa xôi, viển vông đối với FIS. Bạn Thắng nghĩ gì về nhận định đó của Thầy?
- Thưa Thầy Đóm, nếu chúng ta không dám làm gì để biến những điều xa xôi và viển vông thành hiện thực thì chúng ta sẽ đi giật lùi.
Câu 20:
Xin hỏi anh Thắng: Toàn cầu hóa của FIS là (1) Đem dịch vụ, sản phẩm của FIS ra nước ngoài hay (2) Đem sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài vào Việt Nam? Trong chiến lược này có mục nào phải cạnh tranh với FPT Software của bọn em không? Và sản phẩm dịch vụ nào sẽ là "quả đấm thép" của FIS?
Toàn cầu hóa của FIS là đi ra nước ngoài.
Khi FIS đang ở bước đầu của việc toàn cầu hóa, thì không có quả đấm thép mà có nhiều mũi nhọn Việc biến mũi nhọn thành quả đấm thép sẽ được đánh giá và chấp nhận của thị trường toàn cầu.
Về bản chất mục tiêu kinh doanh và thị trường của FIS và FPT Software khác nhau và bổ trợ lẫn nhau.
Câu 21:
Nhìn ảnh anh có vẻ rất giống anh TriềuDD - Phó TGĐ của FIS. Anh có họ hàng gì với anh Triều không?
Anh sắp bỏ kính để không giống TriềuDD nữa, chứ họ hàng làm việc với nhau thì khó lắm!
Câu 22:
Thưa anh,
1. Anh đã có bao nhiêu thời gian làm việc và tiếp xúc với người FPT? Anh thấy cách làm việc của người FIS có những hạn chế gì? Liệu những hạn chế đó cản trở như thế nào tới sự toàn cầu hóa?
2. Tại HNCL, anh Bảo đã đề ra kế hoạch hoành tráng của FIS để toàn cầu hóa, góp phần vào "hội nghị đếm cua" theo cách nói vui của dân bên lề. Anh thấy số cua mà FIS đếm được được bao nhiêu con rồi?
1. FISers chỉ bị hạn chế khi không muốn trở thành FISers trong giai đoạn mới, đấy là điều cản trở duy nhất.
2. Đã là cua rồi thì chỉ tính theo rổ thôi chứ không tính theo con. Anh đang thấy rất nhiều rổ!
Câu 23:
Khi nghe tin có buổi giao lưu này, em thử tìm hiểu về anh trên Google nhưng hầu như không có thông tin gì ngoài thông tin về Autodesk gì đó. Anh có câu chuyện nào về cá nhân như thất bại chẳng hạn để chia sẻ với bọn em không? Có bài học gì khuyên nhủ cho bọn em không? (Em ko phải là FISer nên thông tin về anh rất mù mờ).
Trên Google có lẽ không đưa những câu chuyện thất bại của anh. Có một bài học về anh có thể chia sẻ là sự thất bại tại một thời điểm không có nghĩa là thất bại trong một thời điểm khác, điều đấy khuyến khích mọi người vượt qua chính mình, và những thất bại để thành công trong tương lai. Còn về bài học cụ thể thì cần một chầu cafe mới nói được. Có gì cứ email cho anh nhé.
Câu 24:
Bài toán toàn cầu hóa, FIS đã cố gắng giải nhưng đã giải chưa ra có lẽ do bụt nhà không thiêng. Lần này FIS mời anh về anh có cảm thấy áp lực phải thành công không? Anh thấy tỷ lệ này là bao nhiêu %?
Khi đã chắc chắn thành công thì tỉ lệ nào cũng không mô tả hết và tất nhiên điều đấy tạo nên áp lực rất cao đối với cá nhân anh, một phần lý do FIS chưa thành công trong bài toán toàn cầu hóa là do thiếu áp lực này. Trong khi bụt nhà mải đánh trận trong nước (rất thành công), thì anh có điều kiện để đánh trận nước ngoài, và bây giờ cùng với bụt chùa nhà đánh trận thì sẽ cùng thiêng.
Câu 25:
Hỏi nhỏ một chút: FIS có cấp vốn cho anh làm toàn cầu hóa không hay làm theo kiểu cơm chấm cơm?
Với quyết tâm và tiềm lực của FIS cũng như FPT cho toàn cầu hóa chúng ta có thể đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược này một cách dài hạn chứ không manh mún, e dè.
Câu 26:
Anh đánh giá thế nào về đội ngũ lãnh đạo, quản lý của FIS hiện nay? Bộ máy của FIS luôn được coi là nặng nề nhất trong tập đoàn, làm thế nào để giải phóng được sức ỳ?
Anh đánh giá cao về đội ngũ lãnh đạo và quản lý của FIS hiện tại khi suy nghĩ về sếp và đồng nghiệp của mình trong tương lai trước khi quyết định về FIS.
Nếu bạn biết về kết quả doanh số và lợi nhuận của FIS bạn sẽ không thấy đây là một bộ máy nặng nề. Tất nhiên các hệ thống đều cần tối ưu hóa hơn để đạt hiệu quả trong tương lai với những thách thức mới.
Câu 27:
Đối thủ lớn nhất của FIS hiện nay là ai, theo anh?
Đối thủ lớn nhất của FIS chính là FIS với những thành công trong quá khứ!
Câu 28:
(Tiếp theo câu 22) Vậy theo anh FISer trong giai đoạn mới cần những gì?
Bạn có thể rút ra câu trả lời từ những phần trả lời trên của mình.
Câu 29:
FIS định hợp lực với những đơn vị nào để toàn cầu hóa?
Chiến lược toàn cầu hóa của FIS nằm trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn, đặc biệt FIS sẽ hợp lực với FPT Software và FPT Telecom. Còn FPT Land thì xây cho FIS một tòa nhà thật to là được.
Câu 30:
Câu "Đối thủ của FIS chính là những thành công trong quá khứ của FIS" hay quá anh ạ!
Cảm ơn bạn. Mình mong có rất nhiều người đồng quan điểm với bạn.
Thông qua buổi giao lưu này, tôi đã hiểu thêm được những băn khoăn suy nghĩ của mọi người về FIS và về vấn đề toàn cầu hóa của FIS. Rất cảm ơn những chia sẻ của mọi người. Từ trước đến nay tôi đã tham gia những cuộc phỏng vấn nhưng đây thực sự là một buổi phỏng vấn thực sự rất thú vị. Rất mong có nhiều cơ hội để chia sẻ như thế này. Những câu nào tôi chưa kịp trả lời thì xin được hẹn các bạn trong một dịp khác.
Cảm ơn các bạn!
Theo FLI Blog
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận