Chúng ta
Thứ sáu, 8/10/2021 | 15:55 GMT+7

Dám thay đổi để thực hiện ước mơ

Nguyễn Công Nhật Quang khăn gói rời Hà Nội, quyết định đưa cả gia đình vào Quy Nhơn sinh sống với giấc mơ khai phá 'mỏ vàng AI', đưa Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) trở thành 'thung lũng công nghệ'.

Dám thay đổi để thực hiện ước mơ

Nguyễn Công Nhật Quang khăn gói rời Hà Nội, quyết định đưa cả gia đình vào Quy Nhơn sinh sống với giấc mơ khai phá 'mỏ vàng AI', đưa Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) trở thành 'thung lũng công nghệ'.

Ước mơ

4h sáng một ngày mưa tháng 9/2021, Nguyễn Công Nhật Quang (QuangNCN) – Quản lý vận hành (Operation Manager) của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) vẫn còn thức trước màn hình máy tính. Anh đang trong buổi phỏng vấn một ứng viên là nghiên cứu sinh về trí tuệ nhân tạo tại châu Âu, có mong muốn trở về Quy Nhơn để xây dựng thung lũng AI trên chính quê hương mình.

Chỉ gần một năm trước, không ai có thể nghĩ rằng trên mảnh đất Quy Nhơn vốn chỉ nổi tiếng về du lịch biển chứ chưa từng ghi danh trên bản đồ công nghệ, lại có thể sản sinh một tổ chức làm về trí tuệ nhân tạo. Một năm trước, Quang vẫn đang phụ trách một sản phẩm của Ban Công nghệ FPT Software. Nhưng ngay khi nhận được đề nghị từ Giám đốc Vũ Hồng Chiên, Quang quyết định thử thách bản thân với một công việc hoàn toàn mới - “khăn gói” vào Quy Nhơn để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (QAI).

Anh nhớ lại: “Lúc mới đầu, thực ra trong tay đâu có gì nhiều! Chủ yếu là khao khát, niềm tin rằng anh em sẽ cùng nhau hiện thực hóa giấc mơ thung lũng AI ở Quy Nhơn này. Những ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố biển, đồng nghiệp và người dân nơi này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Con người Quy Nhơn rất hiền hòa, ít nói, sống rất tình cảm và lại rất “máu” trong công việc. Vì thế trong tôi tự nhiên nảy nở một niềm tin rằng những con người hiền lành, chất phác và quyết tâm xây dựng quê hương này chắc chắn sẽ thành công. Miễn là anh em có thể đoàn kết và có một mục tiêu, đường hướng đúng đắn”.

Chân ướt chân ráo, lại phải làm việc trong vai trò quản lý vận hành – một công việc mà bản thân chưa từng thử qua, Nguyễn Công Nhật Quang chia sẻ: “Trong 8 năm ở nhà Phần mềm, tôi đổi khá nhiều vị trí công việc, từ kỹ thuật đến quản lý như kiểm thử (tester), quản trị dự án (PM), sản xuất (delivery)… Khi chuyển sang QAI, anh Chiên giao cho tôi nhiệm vụ đảm bảo phần vận hành của đơn vị. Thời điểm đó tôi cũng không thực sự chắc chắn vị trí đó sẽ làm những công việc gì. Sau này mới thấy quản lý vận hành (Operation Manager) phải là người nắm cả nhân sự, tài chính, tuyển dụng rồi đến văn hóa đoàn thể, truyền thông nội bộ… làm sao để mọi thứ của đơn vị vận hành trơn tru, tinh thần của anh em tốt”.

Chẳng có khóa học nào ở FPT Software dạy cách vận hành một đơn vị như thế nào. Quang lọ mọ tìm hiểu các nguồn trên mạng, hỏi han đồng nghiệp. Dù chỉ là Operation Manager của đơn vị sản xuất phần mềm nhưng Quang tìm hiểu rất kỹ xem COO (Giám đốc vận hành) của một công ty sẽ làm gì, công việc của họ ra sao, hàng ngày làm gì, báo cáo, đảm bảo KPIs và các công việc khác như thế nào… cho đến cả những thứ mà các COO cần học. Anh chọn lọc những gì phù hợp với phạm vi của một công ty lớn, những gì phù hợp với bản thân, liên tục gạn lọc các lý thuyết để áp dụng.

“Tính tôi đơn giản, cứ máu là làm, không biết gì cũng làm, từ từ sẽ biết, miễn là người ta cho mình được làm. Tôi đã làm nhiều vị trí, nên tôi xác định ngay từ đầu rằng vị trí này cũng chẳng thể nào làm khó được mình, quan trọng là mình có muốn làm hay không thôi!”, Quang quả quyết.

Tụ nghĩa

Những thách thức riêng của cá nhân, Quang đã phải đối mặt đồng thời với những khó khăn của tổ chức. QAI ra đời không thiếu những “điều tiếng” vây quanh. Với mục tiêu trở thành thung lũng AI tầm vóc châu Á và thế giới, không ít người, cả trong và ngoài FPT coi đây chỉ là một ước vọng viển vông, hoặc tệ hơn là một lời “chém gió”.

Nói như vậy để hiểu, việc xây dựng một thung lũng AI tại mảnh đất miền Trung này quả thật không dễ dàng. Vấn đề đau đầu nhất luôn là nguồn nhân lực. Làm sao để các cá nhân xuất sắc về toán, về trí tuệ nhân tạo, về học máy… có thể tập trung về Quy Nhơn, về QAI? 

Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều tổ chức, công ty làm về AI, cả mảng sản phẩm lẫn nghiên cứu. Nhân tài AI chủ yếu sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… những nơi có mặt bằng thu nhập rất cao.

Những ngày mới thành lập, trong tay người QAI chuyển vùng từ tỉnh thành khác tới vốn không có chế độ ưu đãi hay chính sách gì. Quang đứng ra thuyết phục Ban lãnh đạo, khi chưa xin được chính sách thì dù QAI là đơn vị mới cũng nên cắt ra một số tiền để làm chính sách nội bộ. Từ đó, các cá nhân QAI đến từ Đà Nẵng, Hà Nội… khi đến làm việc ở Quy Nhơn được hỗ trợ về chi phí ở, chi phí đi lại. 

Nhờ chính sách nội bộ này, hơn 20 nhân sự chuyển vùng đầu tiên đã thuận lợi hơn trong những ngày đầu cập bến đỗ mới. Sang năm 2021, đơn vị chính thức có chính sách chuyển vùng về Quy Nhơn theo tiêu chuẩn của FPT Software.

Điều quan trọng hơn, QAI từng bước chứng minh, hiện thực hóa được những gì đã cam kết với các thành viên. “Có được sự ủng hộ của chính người QAI, đơn vị lại được giới thiệu thêm nhiều ứng viên tiềm năng mới. Có những người trước đây từng làm ở Phần mềm Quy Nhơn cũng quyết tâm chuyển về. Họ tin vào những gì QAI đang mong muốn và dự định xây dựng ở Quy Nhơn”, Quang trầm tư.

Sau một năm đầu tiên, bài toán nhân sự bước đầu đã được giải, chỉ tính riêng QAI thì con số nhân sự mức chuyên gia về AI và Data Science (Khoa học dữ liệu) đã tăng từ 50 lên đến 130 người. QAI đạt được mục tiêu trên 70% chuyên gia cấp cao tập trung tại Quy Nhơn.

Kiếm tiền

Khi mới thành lập, dù đã thực hiện một số dự án AI nhưng tập khách hàng trong tay QAI hầu như không có một ai, ngoài một nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Nhật Bản. Thị trường duy nhất mà QAI từng thực hiện cũng là với khách hàng này. Còn với những thị trường khác, QAI phải đi từ con số 0.

Sau 1 năm, QAI là đơn vị có mức tăng trưởng trên nhiều mặt ở mức ấn tượng, cả về người, về dự án và doanh thu. Hàng loạt dự án mới ra đời ở nhiều thị trường chiến lược như Healthcare (Chăm sóc sức khoẻ), Logistic, Banking (Ngân hàng)… tạo ra một tập khách hàng tiềm năng không giới hạn. Có những khách hàng đã hợp tác với QAI qua nhiều dự án, cũng có những khách hàng đã đưa dự án với QAI lên hệ thống của họ.

Kết quả đó có lẽ là nhờ độ “máu”, tinh thần “cứ máu có lẽ là xong”. Lúc đầu, chẳng có ai dạy người QAI cách bán hàng về AI như thế nào. Trong tay người QAI chỉ có những kinh nghiệm của FPT Software cùng một vài dự án làm với khách hàng về công nghệ OCR (nhận diện ký tự quang học). Còn các dự án khác đều chưa từng có ai thực hiện. Khi ấy, một phần lớn nguồn lực của QAI đã được tập trung cho làm thầu, rải thầu.

Quang không thể quên những tháng ngày vất vả ấy cùng với anh em: “Service Offering (SO) - sản phẩm dịch vụ - của QAI được mang đi giới thiệu khắp các nơi,. Chúng tôi phải tổ chức những buổi trình bày về toàn bộ giải pháp, sản phẩm mà QAI đang có, những cái chúng tôi dự định sẽ làm. Sau đó, giới thiệu về năng lực công nghệ, đội ngũ nhân sự với từng đơn vị, từng nhóm kinh doanh. Để họ hiểu được chúng tôi có gì. QAI xác định nhiệm vụ hàng đầu là phải huấn luyện được cho anh em bán hàng về cách giới thiệu AI, nắm vững kiến thức và các điểm nối bật của AI”.

Đến bây giờ, doanh thu ở mức tương đối ổn định mặc dù những thách thức trong năm đầu tiên vẫn chưa chuyển biến nhiều. Nhưng ít ra QAI vẫn có thể tự hào là đã “thoát nghèo”, không còn ở trong tình trạng “ăn bữa nay lo bữa mai”. Một số khách hàng đã quyết định đặt phòng nghiên cứu (Lab) của họ tại QAI hoặc ký kết hợp đồng để đảm bảo QAI có thể đồng hành lâu dài.

Từ “thoát nghèo” đến “làm giàu”, câu hỏi lớn là làm sao để QAI có những hợp đồng trị giá từ 500.000 USD trở lên, thậm chí là dự án triệu đô về AI. Người QAI vẫn đang mơ về những dự án như thế. 

“Mặc dù cách thức kinh doanh đã trở nên chuyên nghiệp hơn, đội ngũ đã cải thiện rất nhiều nhưng tinh thần của anh em làm kinh doanh, làm thầu lúc nào cũng lăn xả như ngày đầu. Có những khách hàng chưa tin, chỉ giao cho một PoC (Dự án thử nghiệm) rất nhỏ nhưng QAI cũng làm, thậm chí dành rất nhiều công sức và tâm huyết vào đó!”, Quang kể lại.

Lớn khôn

Ngay từ năm 2020, QAI đã đặt ra mục tiêu là bàn giao dự án với chất lượng hoàn hảo (perfect delivery). Trước đó, các dự án về AI của FPT Software đa phần là PoC, tức là các dự án rất ngắn và nhỏ. Các dự án này chỉ mang tính chất chứng minh về mặt công nghệ là dự án có khả thi hay không, do vậy khách hàng thường đặt mục tiêu rất thấp. Khi QAI chuyển sang làm delivery, khách hàng đặt ra kỳ vọng rất cao về mặt chức năng, khả năng giúp tăng năng suất… của sản phẩm/giải pháp.

Cuối năm 2020, chỉ số hài lòng của khách hàng (CSS) trung bình của QAI đạt 93 điểm. Năm 2021, nhiều dự án đã đạt CSS từ 98-100 điểm, trung bình 95 điểm. Khách hàng của QAI chủ yếu từ các thị trường Nhật và Mỹ, trong đó khách hàng Nhật đã nổi tiếng lâu đời về mức độ khó tính, kỹ tính.

Để làm khách hàng hài lòng, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện một dự án AI thì team đã phải tính toán trước về mặt quy trình. Vấn đề đặt ra là quy trình làm một dự án AI có rất nhiều điểm khác biệt so với một dự án  truyền thống. Quang cho biết: “Ví dụ như khi tính toán năng suất, dự án AI không thể sử dụng đơn vị là số dòng code được. Điều này làm chúng tôi nhận ra rằng cần phải xây dựng một quy trình phát triển dự án AI riêng biệt, đặc thù và hiện nay bộ quy trình này đã được hoàn thiện đến giai đoạn 2. Trong hội thảo về AI của FPT - FAIC 2021, bộ quy trình cũng đã được QAI viết thành nghiên cứu và trình bày.”.

Điểm đặc sắc trong các kinh doanh của QAI chính là định hướng tập trung vào khách hàng, từ lãnh đạo đến cán bộ kinh doanh. Người QAI biết cách đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu mong muốn, khó khăn và tìm ra cách để giải quyết bài toán của họ. “Nhiều khi khách hàng đến với QAI mang theo ý muốn làm cái này cái khác, nhưng sau quá trình làm việc QAI mới nắm rõ được khách hàng thực sự cần gì và trong nhiều trường hợp, thứ đó hoàn toàn khác so với cái ban đầu”, Quang bật mí.

Hiện nay, các kinh nghiệm (best practice) qua các dự án được QAI tối ưu và tái sử dụng rất tích cực. Sau khi chuẩn hóa các kiến thức này và đưa lên SKU (chia sẻ tài nguyên), trong vòng 2 tháng QAI liên tiếp xếp hạng top các đơn vị tái sử dụng các IP trên hệ thống này. Mỗi tuần, chương trình chia sẻ kiến thức “QAI Friday Sharing” của QAI được tổ chức đều đặn. Đây là sân chơi để người QAI có thể chia sẻ với nhau về mọi vấn đề, từ kinh nghiệm quý báu trong các dự án, cho đến giới thiệu văn hóa công ty, trao đổi cách làm việc tại nhà hiệu quả…

Vũ khí

6 là con số giải pháp trí tuệ nhân tạo mà QAI đang nắm giữ, cũng là các "vũ khí" chính để đơn vị này công phá các thị trường. Từ khi ra mắt, cả 6 giải pháp đều mang lại doanh số và đạt tổng doanh thu là 2,4 triệu USD. Đặc biệt, sản phẩm akaOCR đã có kế hoạch bán thành công trị giá 200.000 USD. Đây là sản phẩm mà QAI đầu tư rất nhiều công sức và âm thầm phát triển trong nhiều năm. 

Một sản phẩm khác như akaFocus đã có kế hoạch triển khai trên hàng nghìn người dùng, hứa hẹn trở thành một giải pháp sáng giá trong lĩnh vực làm tăng năng suất dự án. Ngoài ra, QAI vẫn còn nhiều “vũ khí bí mật” khác chưa được đăng ký như akaInspection, akaCam, akaCoga… nhưng đã bán được cho rất nhiều dự án. Qua những dự án này, QAI đang tích cực chuẩn hóa để trở thành giải pháp hoàn chỉnh.

Như một phép tính lũy thừa, doanh thu từ các sản phẩm được dự đoán sẽ ngày càng tăng bởi khi QAI càng làm việc với nhiều khách hàng thì kiến thức về domain được tổng hợp lại ngày càng nhiều. Từ đó lại càng dễ dàng hơn trong việc tạo ra sản phẩm thiết thực, sát với nhu cầu của doanh nghiệp hay người dùng cuối. 

Tuy nhiên, Quang và các anh em QAI vẫn còn một nỗi trăn trở lớn: “Các sản phẩm này chủ yếu bán ra thị trường nước ngoài, còn đối với thị trường Việt Nam, khách hàng vẫn ưa chuộng những thứ đẹp – bền – tốt – rẻ, nhất là về giá cả thì QAI vẫn chưa đáp ứng được. Trong tương lai, nhất định chúng tôi sẽ có những sản phẩm khác thiết yếu hơn, gần gũi hơn với thị trường Việt Nam” – anh nói.

Ngoài các sản phẩm/giải pháp, QAI cũng không thiếu những nghiên cứu khoa học về Trí tuệ nhân tạo, Học máy hay Khoa học dữ liệu có giá trị, phổ biến trong giới học thuật trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, QAI hướng đến mục tiêu nâng thương hiệu của Quy Nhơn trở thành một thung lũng AI có tầm ở khu vực châu Á.

Nếp nhà

Gặp Quang trên con đường Xuân Diệu – con đường ven biển tuyệt đẹp ở Quy Nhơn trong những ngày giãn cách vừa được nới lỏng, anh tất tả: “Chỉ mong cho mấy đứa nhỏ được sớm đến trường, chứ ở nhà vừa làm việc vừa phụ vợ chăm con rất vất vả”.

Vốn dĩ cả vợ chồng Quang và 2 bé gái xinh xắn đang sinh sống ở Hà Nội, vì ước mơ xây dựng Quy Nhơn mà đã di cư đến đây. Anh cười: “Ở Quy Nhơn không khí trong lành, đồ ăn ngon, rất hợp với phong cách sống của gia đình tôi nên ngay trước khi đón vợ và các cháu vào đây, tôi đã biết mọi người sẽ yêu Quy Nhơn như tôi.”.

Nhớ lại những ngày một mình ở Quy Nhơn, còn gia đình ngoài Hà Nội, Quang không nén được xúc động: “Vợ phải một mình chăm lo cho cả 2 con trong suốt thời gian dịch bệnh. Quy Nhơn và Hà Nội không phải quá gần, không phải tháng nào mình cũng về thăm nhà được, trong gần 1 năm đầu tiên mình chỉ về 3 lần".

Thoắt buồn lại vui, Quang nói: “Khi cả nhà vừa vào đến Quy Nhơn thì có chỉ thị giãn cách xã hội, phải ở nhà suốt nhưng mình vẫn thấy rất hạnh phúc vì điều quan trọng nhất là bây giờ cả nhà mình được ở cùng nhau!”.

Tương lai

Với Quang, thành công nhất của anh suốt một năm đi cùng với QAI chính là việc đạt được con số tăng trưởng nhân sự đã đề ra là 170 người vào cuối năm nay. Đó cũng là OKR của Operation Manager 34 tuổi. “Làm thế nào để giữ được tốc độ tăng trưởng này trong vòng ít nhất là 3 năm tới, chỉ có như thế QAI mới đạt được mục tiêu vươn tầm châu Á. Ngoài ra, sứ mệnh lớn nhất của QAI vẫn không thay đổi, đó là ứng dụng công nghệ, ứng dụng AI để phục vụ, làm tăng chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Mục tiêu này đến nay chưa có tiến triển mạnh mẽ, đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư, cố gắng hơn nữa!”, anh nói.

Để giữ chân những nhân tài ở lại với Quy Nhơn, QAI chủ trương xây dựng một tổ chức có văn hóa, tinh thần khác biệt, đặc sắc và tập trung vào trải nghiệm của nhân viên. Các chính sách, chế độ liên tục được xây dựng, cập nhật, trong đó nổi bật là kế hoạch An cư lạc nghiệp với cơ hội mua nhà giá rẻ đến rất rẻ, hỗ trợ lãi suất dài hạn tại Khu Đô thị Long Vân – một đô thị thông minh với hệ thống dịch vụ đầy đủ, hiện đại.

Nội dung: Nguyễn Thành Hưng

Thiết kế: Lê Khánh Hoà

Ý kiến

()
 
Tags: