Chúng ta

‘Đã theo đuổi đam mê, nhất định phải hết mình’

Thứ năm, 12/12/2019 | 09:31 GMT+7

Dạy Sử là niềm đam mê cháy bỏng của nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Ngọc, THPT FPT Hòa Lạc.

Thoạt nhìn, vẻ ngoài “liễu yếu đào tơ” của Nguyễn Thị Thanh Ngọc dễ khiến người khác hiểu nhầm. Song chỉ cần tận mắt chứng kiến chị đứng lớp giảng Sử, không ít người phải sửng sốt trước nội lực “khổng lồ” bên trong người phụ nữ nhỏ nhắn này.

Dễ thấy nhất, năng lượng dồi dào của Ngọc thể hiện qua giọng nói. Mỗi khi chị bước vào lớp, dẫu đám học trò có đang ầm ĩ vỡ chợ đến mấy cũng liền im bặt. Giọng chị khỏe và cao vun vút. Cao đến nỗi nhiều học sinh FPT mỗi khi nhắc đến vẫn hóm hỉnh gọi chị là “cô Ngọc chóe”. Chỉ cần chị cất tiếng, học trò mọi góc lớp đều nghe rõ mồn một, chẳng thể bỏ ngoài tai mà lơ đễnh. Kể cả tới tiết thứ 8 trong ngày, dù đã thấm mệt, thanh âm của chị vẫn sang sảng đầy khí khái. Học trò bảo nhau, ấy là vì cô tâm huyết.

Nhưng giọng nói chỉ bộc lộ được phần nào nhiệt huyết sục sôi bên trong nữ nhà giáo trẻ. Đam mê với nghề thôi thúc chị tự mình tìm tòi “vỡ đất”, cho ra đời nhiều phương pháp giảng dạy vừa lôi cuốn học sinh, vừa đảm bảo truyền tải nhiều kiến thức Lịch sử bổ ích.

THPT FPT Hòa Lạc bắt đầu sử dụng sách giáo khoa điện tử từ năm học 2019 - 2020. Các giáo viên nhà trường bối rối trước bất cập học sinh tranh thủ mở máy tính để làm việc riêng, xao lãng việc học. Tuy nhiên, Ngọc không chờ đến khi đó mới tìm phương án giải quyết. Ngay từ mùa hè - thời điểm nhận được thông tin nhà trường sẽ triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử, Ngọc đã trăn trở về những khó khăn sẽ phải đối mặt. Chị băn khoăn: “Làm sao để quản lý học sinh khi có quá nhiều thứ hấp dẫn trên laptop? Làm thế nào để học sinh tập trung cao độ vào bài giảng của mình?”.

Không chút chần chừ, Ngọc ngay lập tức bắt tay tìm những giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là Nerpod, Netsupport School, rồi Zeetings,… Sau khi tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng, Ngọc quyết định đưa Zeetings vào sử dụng. Đây là một website miễn phí và hoạt động tương đối hiệu quả. Zeetings giúp tăng tương tác giữa giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học. Giáo viên và học sinh có thể tạo tài khoản tại website để kết nối với bài giảng giáo viên đăng tải. Ngọc thở phào nhẹ nhõm.

Chưa kịp vui mừng, chị phát hiện bài giảng của mình khi upload lên Zeetings bị mất toàn bộ hiệu ứng hình hoạt. Chưa kể, tất cả phông chữ trong bài giảng ban đầu đều bị lỗi. Để có những hiệu ứng sinh động như vậy, Ngọc đã bỏ rất nhiều công sức. Khi khám phá ra Zeetings - chị hào hứng, hy vọng bao nhiêu thì thời điểm nhận ra bài giảng bị thay đổi hoàn toàn định dạng, chị thất vọng bấy nhiêu.

Nhưng, từ điển sống của chị không có hai chữ “từ bỏ”. Ngọc luôn tâm niệm, nếu đã làm việc mình thích, phải nỗ lực hết sức. Mỗi slide bài giảng đều chất chứa bao tâm huyết của chị với mong muốn tạo hứng thú cho học sinh, để bài giảng khác biệt so với những giáo viên khác. Việc chị thiết kế bài giảng trên Power Point vốn đã mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, nỗi trăn trở về kiểm soát học sinh trong giờ khiến chị càng mong mỏi tìm giải pháp giúp mình và các đồng nghiệp bớt đau đầu. Vì vậy, Ngọc quyết tìm đường khắc phục: “Nhất định sẽ có cách”.

Cuối cùng, sau gần một tháng chuyên tâm nghiên cứu, chị đã đưa được bài giảng vào Zeetings mà vẫn giữ nguyên được định dạng ban đầu.

chan-dung-ikhien-co-giao-thanh-4250-6830

Hiện nay, phương pháp Zeetings đã được Thanh Ngọc đưa vào giảng dạy hiệu quả đối với học sinh khối 10. 

Ban đầu giải pháp sử dụng Zeetings chỉ là đồng bộ kết nối để quản lý được HS tập trung hơn trong bài giảng. Nhưng càng đào sâu tìm tòi các tính năng, chị lại càng bất ngờ với những gì mà Zeetings mang lại. Với Zeetings, giáo viên có thể biết được bao nhiêu học sinh đang tham gia vào bài giảng của mình, giúp việc quản lý học sinh thêm thuận tiện. Ứng dụng này có tính năng đồng bộ kết nối thuyết trình, có các công cụ đánh giá và xem được câu trả lời của học sinh trong thời gian thực. Ngoài ra, Zeetings còn giúp giáo viên lấy được feedback (phản hồi) sau tiết dạy để điều chỉnh bài giảng phù hợp với năng lực của học sinh. Hữu ích hơn, học sinh có thể tự chủ động ôn bài tại nhà theo bài giảng của giáo viên đã lưu trên hệ thống.

Ngọc rất phấn chấn, chị giới thiệu phương pháp Zeetings tới các đồng nghiệp trong trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Bộ môn Ngữ Văn FPT School Hòa Lạc), Zeetings là phương pháp kết nối hiệu quả giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên dễ dàng giao nhiệm vụ học tập cụ thể, rõ ràng, chi tiết và phù hợp cho từng đối tượng học sinh, đảm bảo mọi học sinh có thể theo dõi, nắm bắt. Về phía học trò, các em rất thích thú với phương pháp mới mẻ và đầy sinh động này. Nhờ Zeetings, các em chỉ cần tập trung vào máy tính cá nhân, không cần hướng lên máy chiếu của giáo viên, khắc phục việc ngồi cuối lớp không nhìn rõ và theo kịp bài giảng.

Sáng tạo "Đồng bộ kết nối Zeetings trong dạy Lịch sử" của Ngọc mới đây đã đạt được cú đúp giải thưởng tại chung khảo iKhiến số 7: giải Đồng và giải Không Khiến. "Tôi rất vui vì sáng tạo của mình được ghi nhận giữa vô vàn những sáng tạo kiệt xuất của các đồng nghiệp nhà F", Ngọc khiêm tốn. Đạt tới hai giải thưởng trong cuộc thi uy tín của tập đoàn, chị rất bất ngờ và hạnh phúc.

Không chỉ áp dụng Zeetings, chị còn kết hợp thêm nhiều công cụ khác như Easel.ly - giúp tạo những Infographics dễ dàng. Hay Mozaweb.com - kho tài liệu học tập thực tế ảo 3D đầy sinh động. Chị tự sáng lập kênh Lịch sử có tên “Amazing History” để cung cấp thêm các kiến thức Lịch sử thú vị, và là công cụ để chị nhận các file bài tập về nhà, sản phẩm thực hành của học sinh.

Nguyen-Thi-Thanh-Ngoc-THPT-FPT-8314-4343

Sở hữu vẻ ngoài nhỏ nhắn và xinh xắn, nhưng nhiệt huyết và năng lượng bên trong nữ giáo viên này không hề nhỏ chút nào. Ảnh: NVCC

Ít ai biết, Ngọc trước đây đã suýt lỡ duyên với nghiệp cầm phấn. Tốt nghiệp ra trường, cử nhân Đại học Sư Phạm Hà Nội lựa chọn về quê nhà (Hà Nam) dạy học. Tuy nhiên, chặng đường “công chức” trong ngành giáo là một câu chuyện dài. Một lần nữa, Ngọc quay trở lại thủ đô và tìm hướng đi mới cho mình. Sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn nhưng ý chí thì ngược lại, chị kiên trì thử qua nhiều nghề. Từ giáo viên mầm non, rồi hành chính nhân sự, chị chẳng hề ngần ngại. Thế nhưng dù có làm gì, ngọn lửa Lịch sử vẫn nhen nhóm cháy bên trong trái tim Ngọc.

Thế rồi một ngày, Ngọc vô tình thấy tin tuyển dụng giáo viên của THPT FPT. Sau khi nộp đơn ứng tuyển và đi phỏng vấn, cô gái nhân sự ngày ấy được gặp gỡ chị Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng nhà trường. Sau 6 năm cống hiến dưới mái trường F, Ngọc vẫn luôn cảm kích trước cơ hội mình được trao năm đó. Chị nói, môi trường FPT năng động đã giúp “ngọn lửa Lịch sử” được thổi bùng mạnh mẽ. Chị được sống hết mình với nghề, được tiếp thêm động lực để sáng tạo và đam mê.

Ngọc sinh sống cùng gia đình ở phố Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mỗi sáng, để tới trường, chị dậy từ 5h30. Ngọc phải di chuyển hơn 12 km từ nhà tới điểm xe đưa cán bộ nhân viên từ Hà Nội về Hòa Lạc. Sau đó, lại di chuyển từ thêm hơn 30 km mới về được tới THPT FPT Hòa Lạc. Hàng ngày, cả đi cả về tới hơn 80 km nhưng chị chưa bao giờ đi trễ.

Chị cười tự nhận mình từ lâu đã ước mơ được công tác trong môi trường mở, khuyến khích sáng tạo như FPT. Cho nên, đi dạy ở một ngôi trường xa nhà chẳng có gì là thử thách.  

Khánh Linh

Ý kiến

()