Nhiều người xem truyền hình chưa thể quên được đoạn phóng sự cách đây vài năm – một video phỏng vấn các bạn trẻ về kiến thức Lịch sử. Người ta từng lắc đầu ngao ngán trước những câu trả lời “hồn nhiên” như: “Bà Trưng và Bà Triệu là hai chị em ruột”, “Nguyễn Du là cha của Nguyễn Huệ”,… Trong vài năm trở lại đây, chuyện dạy và học Lịch sử vẫn là vấn đề đáng báo động đối với giáo dục Việt Nam.
Khao khát giúp Lịch sử không còn là môn học “khô, khó, khổ” trong mắt các học sinh nhà F, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ngọc, giáo viên Lịch sử THPT FPT, đã dày công nghiên cứu nhiều phương pháp giảng dạy thú vị. Điển hình như bài tập về nhà “Đóng vai nhà báo thời chiến và tường thuật về Chiến tranh thế giới thứ Nhất” vừa qua của cô trò trường F đã “gây bão” cộng đồng mạng vì độ sáng tạo và chuyên nghiệp.
Trong bài tập ấy, cô giáo Thanh Ngọc tạo cơ hội cho học sinh được “nhập vai” thành nhà báo thời chiến. Học sinh sau khi chứng kiến lần lượt hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra bằng cách đọc tài liệu, xem các phóng sự, sẽ viết tường thuật lại theo quan điểm và góc nhìn cá nhân. Qua đó, học sinh không chỉ ghi nhận lại những sự kiện nóng hổi trong tiến trình cuộc chiến mà còn đánh giá khách quan bản chất sự kiện trong từng giai đoạn.
Các sản phẩm báo chí “thời bom đạn” của học sinh FPT đều được trình bày rất logic. Từng mục giới thiệu cuộc chiến, nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa được trình bày ngắn gọn dễ hiểu bằng bảng biểu.
Sau khi ra đề bài, cô Ngọc nhận về một loạt các đầu báo "tầm cỡ": từ Báo Tân Thời, Sài Gòn News, LSVN News đến The World News, The Boy Post,... Ảnh: THPT FPT |
Mỗi cuộc chiến luôn gắn liền với nguyên nhân, diễn biến, kết quả, cho nên việc học Lịch sử sẽ gây ra sự nhàm chán và kém hấp dẫn nếu giáo viên chỉ giảng dạy theo phương thức truyền thống. Lịch sử là môn học không dễ tiếp nhận bằng phương pháp chỉ giảng – chép thông thường. Học sinh thời hiện đại có đủ sáng tạo và thông minh để tiếp thu bài học theo một phương thức mới sinh động hơn. “Mục đích của ý tưởng này là giúp học sinh có thể hiểu sâu, nhớ lâu và có đam mê tìm hiểu về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Nhất. Tôi mong muốn học sinh được là một phần của Lịch sử và viết ra Lịch sử, thay vì chỉ đọc qua sách”, nữ giáo viên chia sẻ.
Điều thú vị của dự án là không chỉ chấm bài cá nhân, mà qua đó Thanh Ngọc còn đánh giá được khả năng hoạt động nhóm của mỗi tờ báo thông qua hình thức và giao diện của tờ báo. Nữ giáo viên trải lòng, bằng cách tự đặt tên tờ báo, tự biên soạn, có cả vai trò của “Tổng biên tập”, đặc biệt là kích thích được khả năng sẵn có về Công nghệ thông tin của học sinh nên các em rất hào hứng và trách nghiệm với sản phẩm của mình.
Để thành hình một tờ báo chuyên nghiệp như thế này, tòa soạn của học trò FPT được vận hành bởi 1 "Tổng biên tập" điều phối các hoạt động làm bài, các "phóng viên" tìm hiểu thông tin và một số chuyên gia thiết kế "xịn xò". Ảnh: THPT FPT |
Từ khóa 2 đến khóa 6 của trường, cô Ngọc đều triển khai dự án làm báo thời chiến. Qua mỗi năm, sản phẩm của học sinh nhà F ngày một hấp dẫn và đẹp mắt hơn bởi việc áp dụng những công nghệ thiết kế ngày càng “xịn”. Nếu những khóa đầu thiết kế bằng Powerpoint, thì những khóa sau đã sử dụng những phần mềm cao hơn như: Adobe Illustrator, Adobe Photoshop, Adobe Indesign,… “Tôi rất tâm đắc về khả năng tổng hợp, đánh giá sự kiện khách quan, khả năng làm việc nhóm cũng như năng lực sử dụng công nghệ của các bạn học sinh FPT”, nữ giáo viên tự hào.
Nam sinh Trần Ngọc Minh, lớp 11A1 THPT FPT, bật mí học tiết Sử của cô Ngọc chúng cả lớp chưa bao giờ thấy buồn ngủ bởi nữ giáo viên luôn mang đến những điều mới mẻ và thú vị khác nhau qua từng tiết học. "Phong cách dạy của cô Ngọc hấp dẫn ngay từ cách cô truyền đạt qua những slide bắt mắt, dễ hình dung, thi thoảng cô còn mang tới lớp những bộ phim tư liệu hay ho mà chúng mình hiếm khi tìm được”.
Trong khi đó, Lê Vũ Phương Linh, lớp 11A1 THPT FPT, thích thú khi những bộ phim tư liệu của cô Ngọc mang đến lớp được rất nhiều học sinh yêu thích và mong ngóng. “Tôi thích nhất là bộ phim “1911 Resolution”, “Tây Sơn hào kiệt”, “300 với Troy”.
Mang đến những phương thức truyền đạt độc đáo, tiết Sử của cô Ngọc luôn được nhiều học sinh ngóng đợi mỗi tuần. Ảnh: NVCC |
Ngoài ra, những “nhất quỷ nhì ma” trường nhà F còn đặt cho cô Ngọc biệt danh đáng yêu “Cô Ngọc Chóe”. Lý do cho biệt danh hài hước này là vì cô có chất giọng cao vun vút, rất “hút” học sinh. “Cô chỉ cần cất giọng là mọi góc lớp đều có thể nghe rõ mồn một. Mình nghĩ, một phần là vì cô dành rất nhiều tâm huyết cho mỗi bài giảng”, Ngọc Minh hóm hỉnh tiết lộ.
Yêu nghề là vậy nhưng hiếm ai biết rằng thời còn “mài đũng quần” trên ghế nhà trường, Ngọc không hề có ý định lựa chọn môn Lịch sử làm mục tiêu nghề nghiệp. Con đường trở thành giáo viên dạy Lịch sử của cô hoàn toàn là một cơ duyên bất ngờ.
Năm học lớp 9 khi đang theo học lớp chuyên Văn, cô được giáo viên Lịch sử của lớp yêu cầu đi học đội tuyển Học sinh giỏi (HSG) Sử. Nếu không tham gia, cô sẽ phải chuyển sang lớp học đại trà. Cô học trò Thanh Ngọc năm ấy vì sợ quá nên đành “nhận duyên”, dù duyên này ban đầu mang tính chất… “cưỡng bức”.
Sau đó, từ năm lớp 9 đến lớp 12, với tố chất thông minh kết hợp sự chăm chỉ cần cù, cô giáo Thanh Ngọc đã tham gia nhiều kì thi HSG Sử của tỉnh. Ở thời khắc quyết định, Ngọc lựa chọn theo học ngành Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư Phạm Hà Nội. Hồi tưởng về quãng thời gian mới ra trường nhiều bỡ ngỡ, cô Ngọc xúc động: “Thời điểm mới tốt nghiệp, như bao sinh viên khác, tôi cũng gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành. Trước khi bén duyên với FPT, tôi từng thử qua khá nghiều nghề như: giáo viên mầm non, hành chính nhân sự…”. Tính đến nay, nhà giáo Thanh Ngọc đã gắn bó tại trường THPT FPT ngót nghét 5 năm.
Cô Ngọc hạnh phúc bên những sản phẩm - bài tập về nhà Lịch sử đầy công phu của học sinh ngày tổng kết năm học 2018-2019. Ảnh: NVCC |
Hiện cô giáo Thanh Ngọc là Trưởng nhóm chuyên môn Lịch sử THPT FPT. Ngoài ra, cô còn là tác giả của chuỗi sách luyện thi nổi tiếng như: Mega Luyện giải đề Tổ hợp KHXH 2017 Sử - Địa – GDCD, Mega Luyện giải đề THPTQG 2018 Lịch sử - Tích hợp chuyên đề tổng ôn kiến thức.
Lịch sử là một môn học khó nhằn. Điều khó khăn nhất của một giáo viên dạy Lịch sử là làm sao để bài giảng hấp dẫn và có thể truyền tải được đến mọi đối tượng học sinh. Và việc dạy Lịch sử tại THPT FPT càng thêm nhiều thách thức - khi nhu cầu về tri thức, nhu cầu về phương pháp giảng dạy của học sinh nhà F ngày càng cao.
Nhưng thách thức cũng chính là cơ hội. Đây là điều thôi thúc giáo viên thời đại 4.0 luôn trau dồi năng lực, đổi mới chính mình. Cô Ngọc cho hay, cô thường xuyên học hỏi, cập nhật nhiều yếu tố mới vào phương pháp giảng dạy. Đồng thời cô cũng tìm tòi nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ. “Học Lịch sử ở FPT, học sinh sẽ không chỉ được viết báo, làm sản phẩm mô hình, tập san, clip, poster, infographic,… mà còn được tiếp xúc với kho tài liệu 3D – công nghệ thực tế ảo – để nhìn nhận trực quan, sinh động nhất những kiến thức khô khan từ sách vở”, cô Ngọc khẳng định.
“Là học sinh FPT, mình hy vọng sẽ ngày càng có nhiều ứng dụng thực tế vào bài giảng Lịch sử. Ví dụ như được đi thực nghiệm ở chính các địa điểm lịch sử chẳng hạn”, Trần Ngọc Minh, lớp 11A1 THPT FPT, bày tỏ.
Mỗi môn học đều có nét thú vị và ý nghĩa riêng, và Lịch sử cũng vậy. Học Sử là để tái hiện quá khứ, đối chiếu với hiện tại và rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai. Bằng những phương thức truyền đạt sáng tạo của giáo viên, học sinh nhà F ngày càng yêu thích Lịch sử, đồng thời được tiếp thêm hoài bão, ý chí để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Khánh Linh
Ý kiến
()