Chúng ta

Cụ ông 86 tuổi trở thành sinh viên CNTT trực tuyến

Chủ nhật, 12/7/2020 | 21:55 GMT+7

Ở tuổi 86, cụ Trần Nhật Thứ vẫn ngày ngày đọc sách, dạy toán cho các cháu qua skype, và mới nhất là trở thành sinh viên FUNiX.

Khi được hỏi về động lực tìm đến công nghệ thông tin, cụ Trần Nhật Thứ - cựu giảng viên khoa Toán trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM (nay là Đại học Sài Gòn) cho biết sống mà không thay đổi bản thân, không tiến về phía trước thì cũng không khác gì đã chết. CNTT là chìa khóa mở ra nguồn tri thức vô tận, giúp cụ tiếp xúc với những tư tưởng, quan điểm xã hội mới. Ở tuổi 86, cụ đã trở thành sinh viên lớn tuổi nhất tại FUNiX.

30 năm trước, khi thỉnh giảng môn Toán tại Khoa tin học, Đại học Mở TP HCM, cụ Trần Nhật Thứ cũng từng muốn học công nghệ thông tin, nhưng lại ngại ngần vì nghĩ mình lớn tuổi. Nhưng giờ đây, ở tuổi 86, đã tự học ngoại ngữ, âm nhạc, kinh dịch, logic, cụ tâm sự: "Những thứ yêu thích đã học hết rồi, chỉ còn cái này (CNTT) thôi, nên ông muốn thử xem sao".

Bac-Thu-feature-image-870x490-9306-15944

Dù 86 tuổi, cụ Thứ vẫn miệt mài bên chiếc laptop và trở thành sinh viên FUNiX.

FUNiX không phải là điểm đến đầu tiên của cụ. Giáo viên dạy công nghệ đầu tiên, không ai khác chính là cậu cháu nội 8 tuổi, người chỉ cho cụ cách tắt, bật máy, tìm kiếm thông tin trên mạng. Cụ cũng từng đến trung tâm tin học nhưng vì tai nghe không thông, mắt nhìn không rõ (vì thiếu ánh sáng), tay lại gõ chậm hơn các bạn trẻ cùng lớp nên cũng không theo kịp. Nếu gặp vấn đề nào khó, có khi cụ phải mất cả tuần, thậm chí là cả tháng mới nghĩ ra.

Vì vậy, cụ coi FUNiX là may mắn đầu tiên trên con đường tự học của mình. Từ giờ, cụ có thể đi theo một lộ trình học công nghệ bài bản, nếu có khó khăn cũng sẽ được mentor giúp đỡ, không còn phải vật lộn một mình.

Sau khi cụ Thứ nhập học, Hannah Ánh Nguyệt đã đến tận nhà để hướng dẫn cụ sử dụng các hệ thống của FUNiX, đặc biệt là cách hỏi đáp với mentor qua Facebook. Biết tin ông giáo 86 tuổi đi học FUNiX, cộng đồng sinh viên, mentor đều hào hứng lập nhóm học, cùng hỗ trợ cụ, đồng thời lại học hỏi được những kiến thức khác từ "tân sinh viên".

bac-thu-3-e1594134101296-4907-1594487723

Hannah Ánh Nguyệt trực tiếp đến nhà hướng dẫn cụ Thứ các thao tác kết nối mentor và tổng đài hannah FUNiX.

Cụ Thứ tự tin sẽ học tốt vì trước nay học gì cũng đứng đầu. Thậm chí, cụ đã có một vài ý tưởng để áp dụng kiến thức được học, như giúp UBND phường làm "app" quản lý nhân sự, hỗ trợ hội khuyến học mở lớp dạy CNTT miễn phí... Cụ ước tính mình còn có thể sống thêm 5 - 10 năm nữa nên hy vọng có thể học xong đại học trong 2 năm, rồi nếu có thể học lên thạc sĩ, thậm chí còn mơ đến tiến sĩ nữa thì "đúng là không còn gì hạnh phúc hơn".

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập ở Hà Tĩnh, cụ Thứ kế thừa lòng hiếu học và đam mê với Toán từ người cha làm giáo viên. Năm 13 tuổi, cả xã chỉ có một mình cậu bé Trần Nhật Thứ tốt nghiệp tiểu học, tiếp tục ngày ngày đi bộ 5 km để đến trường. Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Trung Ương, thầy giáo Thứ được cử về Phú Thọ làm giáo viên toán trong 8 năm, trước khi được nhà nước cử đi học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thời đại học, bệnh hen suyễn ảnh hưởng nặng đến cuộc sống, đã có lúc chàng trai trẻ bi quan. "Mấy lần tôi chỉ muốn nhảy vào tàu điện để kết thúc cuộc đời nhưng rồi lòng ham sống, đam mê học tập giữ cho ngọn lửa sống le lói trở lại", cụ Thứ kể. Dù bị nhắc nhở vì bệnh tật cần học vừa sức, chàng sinh viên ham học năm ấy vẫn lén học thêm tiếng Nga, tiếng Anh.

Cụ Thứ cho biết khi đó, tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, như viết từ mới ra giấy rồi dán ở giếng để vừa giặt quần áo, vừa nhẩm đọc. Không có sách bằng tiếng Việt, không có đĩa, người hướng dẫn, cụ cố bắt chước theo hình vẽ cách đặt môi lưỡi trong sách để tập phát âm. Sau mấy năm tự học, cụ Thứ đã có thể đọc hết nguyên bản cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, đọc được sách tiếng Anh.

Nói về kinh nghiệm tự học của mình, cụ Trần Nhật Thứ chia sẻ hai bí quyết. Thứ nhất, những bước đi ban đầu là vô cùng quan trọng. Đọc được quyển sách đầu tiên, học được ngôn ngữ đầu tiên sẽ là thành công để tạo dựng niềm tin đi tiếp. Nếu để thất bại thì sẽ rất dễ dàng nản chí. Thứ hai, cách tốt nhất để hiểu sâu một vấn đề là dạy cho người khác. Vậy nên, khi còn là giảng viên trường Cao đẳng sư phạm và thỉnh giảng tại Đại học Mở, cụ từng dạy đến trên vài chục phân môn Toán học, vì "dạy thế thì vất vả, nhưng chuyên môn sẽ vững vàng thêm".

>> Biết 8 ngôn ngữ lập trình, nam sinh 12 tuổi nhận học bổng FUNiX

Trân Trân

Ý kiến

()