Ngày 11/7, báo Chúng ta phối hợp với Tổ chức giáo dục FPT (FPT Education) tổ chức Talkshow nói về quãng đường gần 20 năm xây dựng và phát triển nhà Giáo dục với tên gọi “Khát vọng đổi thay”. Người dẫn chương trình cho buổi Talkshow này không ai khác ngoài anh Nguyễn Khắc Thành. Trong FPT, ai cũng biết rằng hiểu rõ nhất về FPT Education chỉ có thể là anh Thành.
Anh Thành tham gia vào sự nghiệp giáo dục của FPT từ năm 1994 khi tập đoàn bước những bước đầu tiên trong việc đào tạo nguồn nhân lực bằng việc mở trung tâm Đào tạo tin học FIT. Hơn bốn năm sau, anh Thành lại cùng anh Lê Trường Tùng xây dựng nên FPT Aptech rồi FPT Arena.
Để dẫn dắt câu chuyện nhà Giáo dục, không ai phù hợp hơn anh Nguyễn Khắc Thành. |
Mở đầu buổi Talkshow, theo kịch bản anh giới thiệu về nguồn gốc của nhà Giáo dục. Mọi người chờ đợi anh kể về mốc thành lập 2 trung tâm FPT Aptech đầu tiên vào năm 1999, nhưng anh lại bắt đầu bằng hội nghị Diên hồng tại Đồ Sơn năm 1998. Anh nói chiến lược Xuất khẩu phầm mềm là lý do chính để FPT quyêt tâm phát triển giáo dục.
“Những cái đầu đầy mơ mộng của lãnh đạo Tập đoàn luôn lo lắng FPT sẽ thiếu hụt nhân lực vì “được khách hàng yêu quý ký nhiều hợp đồng”. Vì vậy, việc tự chủ nguồn lực kỹ sư CNTT là việc phải làm song song với xuất khẩu phần mềm”, anh giải thích.
Là một phần của những sự kiện ấy, anh Thành dễ dàng dẫn dắt để anh Trương Gia Bình, anh Lê Trường Tùng, anh Mai Thanh Long, anh Nguyễn Nhật Tân, chị Nguyễn Quỳnh Chi, chị Lê Thị Loan, anh Trần Minh Trung lần lượt kể câu chuyện của mình trong quãng thời gian xây dựng FPT Aptech và FPT Arena.
Có thể chủ nhân bản vẽ này đã quên nhưng anh Thành vẫn còn nhớ rõ về từng thứ nhỏ nhất khi nhà F tạo ra sản phẩm giáo dục đầu tiên. |
Gần 20 năm trôi qua, có những chuyện ngay cả người trong cuộc cũng đã quên nhưng anh Thành vẫn còn nhớ rõ. Anh Long có thể quên bản vẽ của mình trong bản cáo bạch đầu tiên đầu tiên của FPT Aptech, chị Lê Thị Loan có thể không còn nhớ bài dạy đầu tiên của mình nhưng anh Thành vẫn nhớ.
Từ trong ba lô, anh lấy ra bản vẽ của anh Long, thuyết minh về nó một cách say mê. Anh nói hình vẽ này tượng trưng cho sản phẩm của FPT Aptech là hoàn hảo. Cầm tấm bằng của trung tâm, mỗi sinh viên ra trường sẽ được thỏa sức bay nhảy trên con đường tương lai.
“Cùng Aptech xây ước mơ đi tới chân trời. Vượt qua bao gian nan, vượt qua bao tháng ngày. Cùng Aptech niềm tin, cùng Aptech tỏa sáng…”, lời bài hát truyền thống của Aptech được dịch sang tiếng Việt chẳng mấy ai còn nhớ được anh đọc lưu loát.
Năm 2006, FPT có được giấy phép thành lập Đại học FPT. Xác định “làm đại học” không giống như “làm công ty”, lãnh đạo tập đoàn đã giao cho anh Thành dẫn dắt đứa con vô cùng quý giá của nhà F. Tiếp nhận Đại học FPT, anh quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển con người một các toàn diện cho sinh viên của mình. Theo như lời kể của anh Đinh Tiến Dũng, anh Thành luôn trong trạng thái phủ định, xin gì cũng nói “không”. Nhưng với những kế hoạch mang tên Phát triển con người (PDP) do chị Nguyễn Hồng Nga triển khai, anh luôn đồng ý.
Mỗi khi Tổ chức giáo dục gặp khó, anh Thành luôn là người tỏ ra lạc quan vui vẻ để động viên mọi người nhưng mấy ai biết trong thâm tâm anh là cả bầu trời lo lắng. |
Những bước phát triển tiếp theo của nhà Giáo dục như “Go mass” với FPT Polytechnic, mở thêm cấp học THPT… vị Hiệu trưởng Đại học FPT không lùi về sau làm người hỗ trợ thầm lặng.
Cán bộ nhân viên trường THPT FPT không thể quên được cuộc khủng hoảng ngay từ những ngày đầu thành lập. Phụ huynh học sinh đã gây sức ép lớn phản đối chính sách thắt chặt kỷ luật của nhà trường đối với học sinh đến mức chị Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng trường THPT FPT, định buôn bỏ công việc.
Khi những cuộc họp căng thẳng giữa chị Tân và phụ huynh học sinh diễn ra, luôn có một người đàn ông trung niên dáng nhỏ gầy đứng ngoài chốc chốc lại ngó vào phòng vẻ mặt lo lắng. Đó là lời kể của chị Từ Thị Nga, cựu cán bộ trường THPT FPT, về anh Thành. Và cuối cùng lúc khó khăn nhất, anh Thành đã đứng ra gánh vác áp lực. “Chúng tôi làm những gì chúng tôi cho là đúng. Nếu không còn học sinh theo học, chúng tôi chấp nhận đóng cửa”. Lời khẳng định đanh thép của anh Thành lại chính là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Gần cuối buổi Talkshow, sau những lời kể của cô nhân viên mình yêu quý, anh Thành lôi điện thoại và đọc lại email anh đã gửi cho cô ngày rời FPT tìm bến đỗ mới.
Chị Nga phải rất khó khăn mới có thể kìm những giọt nước mắt không rơi khi nghe lại email anh Thành gửi ngày chị chia tay trường THPT FPT. |
“Chào Nga, hôm nay dù chưa phải là ngày làm việc cuối cùng của em ở F-School (trường THPT FPT), nhưng mình cũng đã trao nhau những lời tạm biệt. Muốn nói với em nhiều điều nhưng nói thì khó, viết có lẽ dễ hơn.
…Anh đã có 15 năm tuổi nghề mà khi lèo lái con thuyền F-School lại thấy chưa có con sông nào nhiều sóng gió, thác ghềnh đến thế. Cũng phải thú thật với em, trong tâm bão dù ngoài mặt tươi cười nhưng trong thâm tâm anh lo lắng vô cùng. Nếu không có sự bình tĩnh của anh Tùng, sự trợ giúp của anh Nam và đặc biệt sự chuyên nghiệp tuyệt vời của em, không biết anh có thể vượt qua được không nữa?
Một lần nữa anh cảm ơn em rất nhiều vì những cố gắng em đã dành cho F-School. Những bước đi đầu tiên của một con người hay một tổ chức đều rất khó khăn. Thật may trong những bước đi đầu tiên, F-School đã có được những con người nhiệt huyết như em. Anh xin chúc em mọi sự tốt lành”.
Khán phòng chỉ vừa đó còn rộn tiếng cười cũng lặng đi vài phút. Mọi người không khó để nhận ra trong mắt chị Nga rưng rưng nước mắt. Chị phải cắn chặt môi ngăn nước mắt không rơi.
20 năm làm quản lý, có biết bao nhiêu nhân viên đến rồi đi. Những email chia tay như thế này hẳn không phải là ít. Ở vị trí ấy, nhiều người có thể quên nhưng anh Thành vẫn nhớ. Dừng tất cả những gì thuộc về Tổ chức giáo dục FPT, đều đã trở thành máu thịt trong anh.
“FPT Education - Khát vọng đổi thay” nằm trong chuỗi Talk show nhìn lại dấu ấn tiên phong của FPT 30 năm qua. Trước đó, nhà Cáo cũng đã nhìn lại lịch sử của đơn vị trong buổi Talk show “Chuyện nhà Cáo” (7/12); FPT Software với "Tiến lên toàn cầu - Đếch biết gì cũng tiến" (10/1), VnExpress với "Hành trình tới lòng tin" (3/4); "FPT IS - Khát vọng Việt" ngày 10/5. Dự kiến, sau FPT Edu là talk show về các dự án dò đường của FPT. |
>> Nhà Giáo dục ‘ôn nghèo, kể khổ’ tại Talkshow Khát vọng đổi thay
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()