Chúng ta

Chủ tịch FPT bàn về tương lai 4.0 trong sự kiện của Bộ Ngoại giao

Thứ tư, 20/11/2019 | 17:01 GMT+7

Tại sự kiện, anh Trương Gia Bình nhận định Việt Nam không thể bỏ lỡ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nếu không đó sẽ là một sự tụt hậu lớn.

Mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình được mời chia sẻ trong chương trình bồi dưỡng cao cấp về hội nhập quốc tế, tổ chức bởi Bộ Ngoại giao. Sự kiện diễn ra tại Hà Nội, quy tụ gần 100 vụ trưởng các bộ, ngành, giám đốc sở các tỉnh, thành phố.

Trong gần 3 tiếng làm diễn giả, anh Trương Gia Bình vẽ nên bối cảnh về thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cuộc cách mạng về công nghiệp lần thức tư trong lịch sử nhân loại, được dự đoán sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thói quen lao động, sản xuất của người dân tất cả các quốc gia trên thế giới.

Mỗi cuộc cách mạng đều xuất phát từ công nghệ và sau đó là sự ra đời của những cường quốc mới. Những cuộc cách mạng này sẽ diễn ra rất nhanh, sau đó trận tự giữa các nước trên thế giới được sắp xếp lại. Trong quá trình đó, 15 năm là thời gian để tạo nên khoảng cách giữa công nghệ trước và sau. Những năm gần đây, Trí tuệ nhân tạo (AI) đạt khả năng có thể làm hầu hết công việc của con người, công nghệ này thậm chí đập tan nhận đính máy móc không có cảm xúc, thực tế trên thế giới đã phát triển được những cỗ máy phản ứng với cảm xúc con người.

IMG-0470-JPG-6575-1574233229.jpg

Chủ tịch FPT là diễn giả duy nhất tại sự kiện. ảnh: Huyền Trang.

“Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội từ 3 cuộc cách mạng trước, vậy sẽ ra sao nếu lần này chúng ta tiếp tục bỏ lỡ? Tôi mường tượng cũng trong khoảng 15-20 năm đó, dân Việt Nam đã già và nghèo. Khi đó doanh nghiệp nước ngoài rút vốn do chúng ta không thể đáp ứng lợi ích hiện có cho họ, như lao động giá rẻ và nguồn lực dồi dào”, Chủ tịch nhà F dự đoán và cho hay, 75% công việc của Việt Nam hiện tại sẽ mất trong thời gian tới, khi đó các địa phương sẽ mời chào bất kỳ doanh nghiệp nào có thể tạo công ăn việc làm cho người dân, đấy cũng chính là lúc Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Cánh cửa để thoát khỏi kịch bản này chính là tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0. Một trong những cốt lõi của cuộc cách mạng này là AI, về điểm này Việt Nam đang có lợi thế. Trong hàng chục năm qua, người Việt Nam sang các quốc gia khác, nhiều trong số đó trở thành những người đứng đầu trong giới công nghệ thông tin. Theo anh Bình, hiện chuyên gia hàng đầu thế giới về AI có khoảng 22 nghìn người, tỷ lệ người Việt Nam trong số đó không tệ. Vấn đề đặt ra, làm thế nào chúng ta lôi kéo họ về phục vụ đất nước, đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, tạo môi trường để họ phát triển.

“Trước cuộc cách mạng 4.0, chỉ con người biết suy nghĩ, nhưng sau khi cuộc cách mạng này xảy đến thì đến máy móc cũng có khả năng suy nghĩ như con người. Trong một bức tranh lớn hơn, cách mạng 4.0 sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, giao tiếp… Đầu tiên là sự thay đổi về công nghệ, sau đó sẽ là sự thay đổi kinh tế. Dự báo đến năm 2025, 50% nền kinh tế thế giới thành nền kinh tế số, tác động đến ngoại giao, quốc phòng, văn hóa…”, diễn giả chia sẻ và nhấn mạnh, trong bức tranh đó, dữ liệu là cốt lõi sống còn, mà không có dữ liệu thì sẽ không tồn tại AI.

Nói về ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), các nước khác trên thế giới như Singapore, Israel, Trung Quốc đã vận dụng và kết quả là nền kinh tế phát triển vượt bậc. Dự đoán năm 2025, Trung Quốc đứng đầu về công nghệ, đặc biệt là về công nghệ AI.

Cốt lõi của vấn đề này chính là dữ liệu. Ở những cuộc cách mạng trước, chúng ta nhắc nhiều đến dầu mỏ thì nay, chúng ta cần phải đề cập đến dữ liệu. Dữ liệu được ví như một loại dầu mỏ của tương lai. Hiện chưa xác định được mô hình dữ liệu tại Việt Nam.

Bài toán lớn nhất gặp phải chính là dữ liệu tại Việt Nam bị phân tán và không kết nối. Vấn đề tiếp theo là dữ liệu dùng chung, riêng như thế nào, trục kết nối như thế nào. Từ vấn đề này có 2 cách tiếp cận là tiếp cận tập trung và phân tán. Việc chuẩn hóa dữ liệu chưa thỏa đáng, từ thông tin gốc, khi sao chép từ khu vực này sang khu vực khác có thể bị sai lệch. Vấn đề này có thể giải quyết bằng thiết lập đơn vị riêng điều hành dữ liệu quốc gia phụ trách quản lý, cập nhật dữ liệu. Các địa phương chỉ gửi dữ liệu một lần cho đơn vị, sau đó mọi sửa đổi, cập nhật sẽ do đơn vị thức hiện. Trong các quá trình này dữ liệu sẽ luôn được mã hóa.

Tại thành phố thông minh tất cả đều được kết nối. Ảnh: Huyền Trang

Tại thành phố thông minh tất cả đều được kết nối. Ảnh: Smartcity4.0

Trong một thành phố thông minh, dữ liệu từ người dân, đặc tính sử dụng… sẽ giúp một công trình công cộng có thể tăng dung lượng lên nhiều lần. Tương tự các vấn đề xã hội khác, thành phố thông minh giúp tăng hiệu quả hạ tầng, chất lượng cuộc sống bằng việc phát hiện và giải quyết vấn đề từ gốc. Đây cũng chính là tiền đề của nền kinh tế số.

Để bắt đầu, trước mắt chúng ta giải quyết bài toán gốc là dữ liệu, giải quyết được là nền tảng. Bức tranh tổng thể xây nên từ quá trình này gồm chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp, nước, điện, giáo dục, đào tạo, kinh tế các ngành kinh tế trọng điểm. Đáp ứng đầu tiên là chính phủ kết nối, giúp giải quyết mọi vấn đề, điều hành giao thông hiệu quả hơn, giáo dục hiệu quả hơn.

Trong một thành phố thông minh, tất cả đều được kết nối hai chiều. “Tại thành phố thông minh của Singapore, người dân tích cực tham gia đóng góp cho đất nước. Điện thoại của người dân để trên ô tô đang di chuyển có thể đo được độ rung xe vượt qua tiêu chuẩn thông thường. Khi ấy máy sẽ ghi lại dữ liệu tọa độ đường có ổ gà. Chính phủ tiếp nhận thông tin và cử đơn vị phụ trách sửa chữa. Tất cả phải được hoàn thành trong thời gian 1 tuần.

Ngoài ra giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Để trẻ có tư duy lập trình, một số cách dạy truyền thống có thể cần được thay đổi. Tại FPT, Nền tảng học lập trình trực tuyến Codelearn.io cũng được thiết lập để thay đổi phương pháp học code.

“Về cơ bản chúng ta đã giải quyết gần hết. Làm điều này là vì gia đình, con cháu, gia đình xứ sở. Nếu không làm chúng ta sẽ rơi vào thảm cảnh. Thay đổi sẽ làm giải phóng khỏi công việc chán trường, nâng tầm người ta lên những công việc mới”.

Huyền Trang

Ý kiến

()