Chúng ta

Chủ tịch ĐH FPT: 'Cần phổ biến pháp luật định kỳ cho giáo viên và học sinh'

Thứ năm, 11/4/2019 | 16:36 GMT+7

Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng "hiến kế" nhằm cải thiện tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian qua.

Với mong muốn cải thiện tình trạng hiện tại, một số chuyên gia giáo dục đã đưa ra các giải pháp trước mắt như tăng cường giáo dục kỹ năng sống và tình yêu thương cho các em; thay đổi cách đào tạo sư phạm và thay đổi nhận thức của giáo viên về giáo dục quyền lực…

LTT-2822-1554970609.jpg

Tiến sĩ Lê Trường Tùngcho rằng cần phổ biến pháp luật thường xuyên và định kỳ cho giáo viên, học sinh các trường. 

Theo Chủ tịch ĐH FPT - anh Lê Trường Tùng, ngành giáo dục cần phổ biến pháp luật thường xuyên và định kỳ cho giáo viên, học sinh các trường; và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định cụ thể về vấn đề này: "Chẳng hạn, cứ đầu năm hoặc đầu học kỳ, nhà trường phổ biến về các luật liên quan như Luật Trẻ em, Luật Giáo dục cho giáo viên. Giáo viên phổ biến cho học sinh về các quyền và nghĩa vụ của các em, của giáo viên".

Người đứng đầu nhà Giáo dục FPT nhấn mạnh, giáo viên cần nói cho học sinh biết rằng theo Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, giáo viên không được quyền xâm phạm thân thể các em. "Từ đó, các em sẽ biết đó là hành động sai và chính học sinh sẽ là người giám sát giáo viên. Bản thân giáo viên cũng phải ý thức hơn, không thể vi phạm điều đó".

Anh Tùng cũng "hiến kế" thêm có thể vẽ tranh, khẩu hiệu về các nội dung liên quan, dán lên tường để học sinh và giáo viên cùng nhắc nhớ mỗi ngày.

Bạo lực học đường đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn nạn ở mọi cấp, đặc biệt gia tăng ở cấp học phổ thông. Nguyên nhân do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến vừa được tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp cho biết dù Bộ GD-ĐT đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm. Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()