FPT Leader Talk đầu tiên và duy nhất của FPT Telecom tại Học viện Kỹ thuật Quân sự trong năm 2016 đã diễn ra vào sáng nay (ngày 2/4) tại hội trường S5 của trường, đã thu hút hơn 300 sinh viên khối ngành CNTT, điện tử - Viễn thông tham dự. Với chủ đề “Tech guy & Get the right Job", hai diễn giả là GĐ Vùng kinh doanh 2 Trần Thanh Hà và PGĐ Trung tâm quản lý - Phát triển Hạ tầng phía Bắc Phan Văn Khoa đã chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, cùng hàng trăm cơ hội việc làm tại đơn vị.
Theo anh Khoa, FPT có thể chưa phải là công ty tốt nhất nhưng chắc là là công ty nằm trong top đầu về môi trường làm việc. |
Hiện nay, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp luôn ở mức cao trong khi sinh viên ra trường chưa có việc làm lại chiếm tỷ trọng lớn, nhiều câu chuyện nghịch lý như ứng tuyển đúng ngành thì trượt, còn trái ngành thì được nhận... đã được anh Hà giải đáp bằng chính câu chuyện mình.
Cách đây gần 15 năm, anh Hà từng theo học chuyên ngành Toán cơ. Theo định hướng của gia đình, anh trở thành thầy giáo. Đi dạy 2 năm, anh nhận ra bản thân không hợp với việc phải nói hằng giờ, vì vậy, sau hai năm đúng trên bục giảng, anh đầu quân về FPT với vị trí lập trình viên. Những kiến thức công nghệ lần đầu được biết đến khiến anh phải nỗ lực liên tục trong suốt thời gian dài. Kết quả cho những cố gắng không ngừng, anh được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý như Phó Ban CNTT FPT, Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng FPT Telecom... Đến năm 2016, anh làm GĐ Vùng kinh doanh 2, quản lý 14 chi nhánh khu vực phía Bắc của Viễn thông FPT.
Theo anh Hà, sinh viên đừng vội cảm thấy lãng phí với khoảng thời gian được học trên trường, ngay cả khi chuyên ngành đào tạo không liên quan đến công việc sau này. Những kiến thức thu nhận được có thể không lập tức giúp ích cho chủ thế, nhưng lại là nền tảng rất tốt để sau này áp dụng vào công việc, cuộc sống.
Để thích ứng với môi trường mới, ứng viên học trái ngành cần phải xác định rõ mục tiêu ưu tiên hàng đầu và cố gắng. "Giống như tôi, có thể yêu thích nhiều công việc, nhưng tại một thời điểm, chỉ nên chọn một thứ đi theo", anh nói.
Sinh viên hăng hái đặt câu hỏi cho diễn giả. |
GĐ Vùng kinh doanh 2 thừa nhận, công việc hiện tại không phải là sở trường và yêu thích của anh, thế nhưng, nguyên tắc "đã làm việc gì phải cố gắng hết mình" được anh áp dụng trong cả công việc và cuộc sống. Và đó cũng là bí quyết mà anh Hà gây dựng được cơ đồ trong FPT như hiện nay.
Thuận lợi hơn "tiền bối", anh Phan Văn Khoa được đào tạo bài bản và đúng chuyên ngành. Ngay khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa, anh gia nhập FPT Telecom. Đối với anh, FPT đã tạo ra hai điều kiện quan trọng để cá nhân phát triển. "Điều kiện cần là bạn phải thích làm, từ đó sẵn sàng dấn thân; điều kiện Đủ là môi trường chuyên nghiệp, trao cho bạn cơ hội thể hiện và phát huy năng lực", PGĐ Trung tâm quản lý - Phát triển Hạ tầng phía Bắc kể lại quá trình lập nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra những thay đổi chóng mặt. FPT Telecom cũng không nằm ngoài guồng quay này, do đó, dù học đúng ngành, bản thân anh Khoa vẫn không ngừng học hỏi. "Tôi luôn dành 30% thời gian để tìm hiểu cái mới, 70% còn lại để chuyển giao những điều đã biết", anh nói.
Hơn 7 năm ở vị trí quản lý, anh Khoa cho hay, sinh viên mới ra trường thường bộc lộ một số yếu điểm như không hiểu được bản thân muốn gì/làm được gì; ảo tưởng về công việc nhàn hạ, lương cao nên không sẵn sàng làm việc đơn giản; sẵn sàng từ bỏ đam mê để làm công việc có thu nhập tốt hơn.
Hai diễn giả tham gia trò chơi cùng sinh viên. |
Theo hai diễn giả, ngoại ngữ, các chứng chỉ về công nghệ sẽ là những lợi thế khi xin việc. Ngoài ra, sinh viên cũng cần thể hiện được sự tự tin, tinh thần tuân thủ và kỹ năng chuyên môn. "Trong mắt nhà tuyển dụng, những người giỏi nhất, xuất sắc nhất không phải lựa chọn hàng đầu. Chúng tôi chọn những người phù hợp", anh Hà nói. Thêm vào đó, các yếu tố về bằng cấp, kinh nghiêm, dù không phải là quyết định tất cả song cũng là căn cứ quan trọng để ứng viên "ghi điểm".
Là đơn vị chuyên sâu về viễn thông cố định, năm 2016, FPT Telecom sẽ tăng thêm các trải nghiệm cho khách hàng, đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ hiện đại nhất cho mỗi người dân Việt Nam trên nền Internet. Trong 3 năm tới, đơn vị dự kiến phát triển Data Center lên quy mô lớn; cung cấp dịch vụ Analytic cho khách hàng và cung cấp nền tảng phát triển hạ tầng mobile cho khách hàng. Đây chính chính là cơ hội dành cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành điện tử - viễn thông.
Trả lời cho câu hỏi "nên theo kinh doanh hay kỹ thuật", các diễn giả đều đưa ra nhận định, chìa khóa cho thành công ở bất cứ công việc nào là chăm chỉ và nỗ lực. Thực tế, tại FPT, không có khoảng cách giữa hai mảng này.
Môi trường làm việc, văn hóa dân chủ, con người là những chủ đề được sinh viên quan tâm đặt câu hỏi. |
Khác với những chương trình FPT Leader Talk, sinh viên Học viện kỹ thuật không quá ồn ào, náo nhiệt, mà chịu khó lắng nghe, ghi chép chia sẻ của diễn giả. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh môi trường, văn hóa và con người FPT được trả lời đầy đủ, thấu đáo. Trong đó, anh Hà đặc biệt nhấn mạnh tới phẩm chất quan trọng của người FPT chính là sự sáng tạo, cơ sở để giúp tập đoàn phát triển.
Bên lề nội dung trao đổi, sinh viên cũng được tham gia trò chơi vui nhộn. BTC đã trao học bổng cho 2 sinh viên xuất sắc của trường, và tổ chức bôc thăm may mắn.
Thượng tá Tạ Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy khoa Vô tuyến điện tử, Phó chủ nhiệm khoa, nhận xét: "Chương trình mang màu sắc rất riêng của FPT. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng gắn bó".
Chương trình đã thu hút hơn 300 sinh viên và lãnh đạo của nhà trường. |
Nguyễn Thành Long, sinh viên Khoa Điện tử Viễn thông, đánh giá, "Tech guy & get the right job" đã giúp cậu giải đáp những thắc mắc về định hướng nghề, có cái nhìn tổng quan về các hoạt động của doanh nghiệp để trả lời cho câu hỏi "bản thân có thể làm được gì?".
Kết thúc năm 2015, FPT Telecom vị có 175 chi nhánh, phòng giao dịch tại 60 tỉnh thành trên toàn quốc; 7 văn phòng tại Campuchia và là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên giành được giấy phép cung cấp dịch vụ tại Myanmar. Tổng nhân sự của công ty là hơn 14.000 người, kể cả các đối tác kỹ thuật.
FPT Leader Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp các em tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.
>>'FPT là công ty hạnh phúc nhất Việt Nam'
Tiểu Thanh
Ý kiến
()