Chúng ta

Câu chuyện từ những bức tranh

Thứ sáu, 2/3/2007 | 17:03 GMT+7


Các hoạ sỹ khi tổ chức triển lãm cố nhiên mong càng có nhiều người đến xem càng tốt. Nhưng tôi lại muốn có một không gian tĩnh lặng thưởng thức nghệ thuật trong triển lãm ART FPT 2001. “May mắn” thay tôi lại làm xa ngôi nhà 89 Láng Hạ.


Đường phố đã rất vắng khi tôi bước qua cánh cửa công ty. Chỉ vừa mới bước qua cánh cổng tôi đã phải ngỡ ngàng vì bức tượng mang đậm hình ảnh FPT mà lại rất đẹp. Đẹp hơn rất nhiều những bức tượng xi măng nằm trong công viên Lê nin. Hình ảnh mái tóc dài ba màu tung bay trong gió làm tôi nghĩ đến hai hình ảnh trái ngược nhau được tác giả đồng nhất. Hình tượng các nam thanh nữ tú hiện đại và dáng đứng với mái tóc dài bay trong gió của một chị Sứ. Tôi cảm ơn người đồng nghiệp nào đó đã đem lại cho tôi một sự thoả mãn về kết hợp quá khứ truyền thống và hiện đại.


Háo hức tiến vào đại sảnh FPT, tôi choáng ngợp khi nhìn thấy một bức tranh khổng lồ. Rõ ràng chỉ là một bức tranh, nhưng tôi như nhìn thấy một chiều dài lịch sử đang tầng tầng lớp lớp hiện ra. Sợ mình bị hoa mắt, tôi tiến lại gần, hình ảnh đó vụt biến mất và tôi đọc được cái tên Nguyễn Văn Khánh. Lùi ra xa, cảm giác về chiều dài thời gian của bức tranh lại hiện ra. Quá sung sướng và ngưỡng mộ, tôi lao lên tầng hai để được thoả chí ngắm nhìn các bức tranh.


Màu đỏ trên bức tranh Hoa Chuối khiến tôi không thể nào rời bước. Chẳng hiểu sao nhìn bức tranh tôi thấy hết sức “mát ruột”. Mỗi khi nhắc đến FPT, tôi thường như thấy hiện ra trước mắt mình lá cờ ba màu. Ba sắc màu ấy tràn trề trong những tác phẩm của FPT small. Chắc rằng các cô cậu cũng như tôi, khi nghĩ đến FPT là nghĩ đến những màu sắc của lá cờ. Tiếc rằng trong những bức tranh được vẽ bởi sự hồn nhiên trong sáng đó thiếu vắng những cái tên Bùi Quang Nguyệt Minh, Lê Quang Cẩm Tú, Trương Gia Ngọc Anh(!?)


Triển lãm nghệ thuật không chỉ có tranh mà còn có cả một bộ sưu tầm những chiếc đĩa được tô điểm một cách dung dị những lời nói thường xuất hiện của FPT. Bức tượng đồng Sức bật, gợi nhớ đến các trung tâm thể dục thể hình. Quả thực là một sự đánh đố trí tưởng tượng nghèo nàn của tôi. Theo tôi, bức tượng đó phải đặt tên là Sức đạp thì đúng hơn, hoặc phải lật ngược lại thì mới có thể đặt tên là Sức bật. Bên cạnh, bức tượng mang dáng dấp các cột thiêng của người dân tộc của anh SonTT thì hết sức rõ nghĩa. Không hiểu anh có đặt tên cho tác phẩm của mình không? Nhưng những điều nó truyền tải thì có lẽ không một cái tên nào có thể nói lên được. Tiếc rằng anh không trưng bày tượng “Chú bé Vàng FPT”, tôi mới chỉ được nhìn nó từ khoảng cách rất xa.


“Vững bước đi lên” là một bức tranh mang tính tiên tri của Phạm Tùng Dương. Những vết chân mạnh mẽ trên một nền đất nâu không chỉ cho người xem cảm nhận về một con người đang tiến về phía trước bất chấp những cảntrởmà còn ca ngợi phương tiện giao thông nguyên thuỷ của loài người. Có lẽ vì thế anh không mặn mà lắm tới việc bảo vệ con ngựa sắt của mình(!?)


Bức tranh “Tĩnh vật” của Phan thị Bích Hà lại không vẽ tĩnh vật một chút nào. Khi còn đi học vẽ, mỗi khi tập vẽ tĩnh vật thầy giáo thường cho chúng tôi vẽ lọ hoa không có hoa, mâm hoa quả có một con dao... kiểu kiểu như thế. Những bông hoa trong tranh của Bích Hà rất sống động, chúng kể cho tôi nghe câu chuyện về một tâm hồn mong muốn sự yên bình và đầy đặn. Bức tranh “Tĩnh vật” của nữ hoạ sỹ Hằng cũng vẽ Hoa cúc nhưng là hoa cúc đại đoá (?). Mới đầu mùa thu mà những bông cúc vàng từng rất lộng lẫy đã sắp rụng xuống. Bức tranh rất đẹp nhưng có vẻ buồn buồn. Quay sang bức tranh “Hoa sen” của Nguyễn Hoàng Long tôi hy vọng được thấy ấm áp trong sức hồng của những cánh sen. Nhưng đây lại là một đầm sen đen tối, những cọng sen khẳng khiunâng đỡ một đài sen đã bị vặt hết cánh. Tôi nghĩ vậy vì nếu sen rụng cánh tự nhiên thì đài sen sẽ khác hẳn. Phần còn lại của đầm sen trông tan tác, nhưtừng bị sự khắc nghiệt nào đó tràn qua. Nhưng tôi tin rằng dưới lớp bùn sình đen tối kia, những củ sen đang ẩn náu chờ đến một ngày vươn dậy. Hy vọng một lúc nào đó hoạ sỹ Nguyễn Hoàng Long sẽ cho ra đời tác phẩm “Sức sống”.


Lại một mùa thu nữa xuất hiện hết sức đáng ngạc nhiên: Chuông thu. Chuông thu nghĩa là thế nào? Chỉ thấy những chiếc lá rơi sắp chạm vào chuông thu ngã trên khung tranh. Một hình trái tim đỏ tươi trên thân chuông như muốn gợi đến mối tình của Thị Mầu với chú tiểu trên chùa, như còn nghe thấy tiếng chuông kêu, tiếng cười say đắm khi người con gái nồng nàn yêu đương giành chiếc chổi quét sân làm đổ cả kinh, cả kệ, cả chuông, làm bay tung những chiếc lá mùa thu.


Một bức tranh khoả thân tuyệt đẹp là hình ảnh người con gái đang múc nước bằng gáo dừa dội lên thân hình ngọc ngà. Hoạ sỹ chắc phải là nam giới mới có cái nhìn đàn ông như thế về thân hình của người phụ nữ. Trông bức tranh rất thật, thật đến mức có thể khiến người ta nhớ lại những thân hình cao quý mà mình đã từng biết. Thật đến mức có thể nghe thấy tiếng nước chảy và tiếng xuýt xoa trong làn nước mát của người con gái. Thật đến mức tôi thấy đủ năm vết ngón tay của hoạ sỹ trên đường cong quyến rũ của cô gái. Có lẽ sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, hoạ sỹ cũng không tin đó chỉ là bức tranh và đã không kìm chế được lòng mình.


Nếu đã ngạc nhiên về Chuông thu của Trần Lan Anh thì hình như chính chị lạilàm người ta ngạc nhiên lần nữa với Hoa Quỳnh. Bởi đây là hai bông hoa quỳnh bị ai đó buộc dây kéo thẳng lên trời. Vốn dĩ các bông hoa quỳnh có cuống rất vững để giữ cho bông hoa có xu hướng nằm theo chiều ngang, từ khi còn là nụ cho đến khi nở rực rỡ. Nếu nghĩ đến một bông hoa toả hương nồng nàn và rực rỡ trong ánh trăng lạnh lẽo thì quả thật có hơi thất vọng với những bông hoa quỳnh tàn úa chĩa thẳng lên trời của Lan Anh. Hoa quỳnh nở đẹp nhất vào lúc nửa đêm nhưng đến gần sáng bông hoa đã cụp cánh, cuống hoa duỗi thẳng, mềm oặt không còn sức sống sau khi đã qua đỉnh điểm vào lúc nửa đêm. Nhưng tôi tin rằng hoa quỳnh không phải là điều chị muốn nói đến.


Một chút kinh dị khi nhìn thấy một bức tranh nhỏ, nhỏ đến mức nếu không để ý thì bạn có thể bỏ qua. Nhưng đó là bức tranh theo phong cách của fan Heavy Metal, một bức tranh của máu. Những khuôn mặt rạn vỡ, những móng tay đỏ máu và những viên đạn chết chóc.


Mỗi bức tranh là cả một câu chuyện. Mỗi bức tranh bằng ngôn ngữ riêng của mình tặng cho người xem những cảm nhận thật khác nhau về những gì nó truyền tải. Nhưng phòng triển lãm nghệ thuật của FPT thực sự đem lại cho tôi sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ và khâm phục đến những người đồng nghiệp. Bên tôi, họ là những người bình dị, thế mà với nghệ thuật, họ lại có thể sáng tác tuyệt vời đến như thế. Một điều ao ước chợt đến với tôi khi rời phòng tranh “Giá mà không có những bức tranh thể hiện sự cằn cỗi, sự buồn bã hay nuối tiếc một thời tươi đẹp sắp qua”. Vẫn biết đó là nghệ thuật, là muôn hình muôn vẻ của cảm xúc, nhưng tôi mong ước những người đồng nghiệp của tôi luôn gặp những điều tốt đẹp, hanh phúc. Để những bức tranh tương lai của họ kể cho tôi nghe về những niềm vui rạng rỡ như gương mặt anh Bình trong tranh của hoạ sỹ Nguyễn Văn Khánh, về những bước chân vững chắc đi lên, những đỉnh cao bị vượt qua, những mối tình phiêu lưu, những đêm trăng lãng mạn... Tôi mong các đồng nghiệp của tôi luôn được hạnh phúc.

Ý kiến

()
 

Hãy là người đầu tiên
bình luận