Chúng ta

Cặp đôi cá nhân xuất sắc FPT nên duyên vợ chồng

Chủ nhật, 27/1/2013 | 15:44 GMT+7

Cuộc gặp gỡ "trời định" trong dịp FPT tổ chức trao thưởng cho 100 cá nhân xuất sắc năm 2011 tại Singapore đã giúp anh Vũ Văn Kết, FPT Telecom Campuchia, tìm được một nửa đích thực của mình.
> Chụp ảnh cưới ở đất nước chùa Tháp / 'Áp lực sẽ trở thành niềm vui trong công việc'

Nhìn lại một năm qua, tôi thấy mình tràn trề hạnh phúc và thành công. Mọi việc khởi đầu từ thành công trong công việc khi vinh dự là một trong 100 cá nhân xuất sắc nhất tập đoàn năm 2011. Lễ tôn vinh ở Singapore cùng các cá nhân xuất sắc đã trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Bởi ở đó, tôi đã tìm thấy một nửa đích thực của cuộc đời mình.

a

Dịp gặp mặt " trời định" trong ngày FPT tổ chức trao thưởng cho 100 nhân viên xuất sắc tập đoàn tại Singapore đã giúp anh Kết và chị Thúy nên vợ nên chồng.

Đợt đó, ngoài phần lễ tôn vinh các cá nhân, Ban tổ chức còn mở tiệc để chúc mừng. Ban đầu, tôi được bố trí ở một bàn khác nhưng không hiểu sao bỗng dưng Ban tổ chức “cơ cấu” lại chỗ ngồi. Tôi được sắp xếp ngồi cùng bàn với Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng FPT Telecom chi nhánh Đồng Nai.

Tôi và Thúy biết đến nhau qua bài giới thiệu trên Chungta.vn nhưng chưa gặp mặt. Vậy là, chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng mở đầu câu chuyện không hề gượng gạo, như đã quen từ rất lâu. Chúng tôi chia sẻ với nhau về nghề nghiệp. Cùng nghề mà, công việc trở thành đề tài của chúng tôi trong buổi gặp gỡ đó.

Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi đã rất khâm phục Thúy. Vì làm phòng khách hàng ở FPT Telecom rất khó, nữ lên được vị trí trưởng phòng lại rất ít, mà đi Singapore chắc chỉ được vài người.

Là người trong nghề, tôi bị ấn tượng với các trưởng phòng khách hàng luôn khó tính, nghiêm khắc, luôn làm khó salesman. Tôi làm Trưởng phòng Salesman nhiều khi nói khó để lên hợp đồng đặc biệt cũng không được giải quyết. Tóm lại, trong tôi, gương mặt cau có, khó tính và lúc nào cũng có từ "no" trên miệng đã in hằn trong trí nhớ của tôi khi nghĩ tới các trưởng phòng khách hàng.

Khi nói chuyện với Thúy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô pha trò hài hước và nụ cười rất duyên. Thúy vui vẻ, hòa đồng chứ không khó tính. Nhưng tôi vẫn không tin và tự nhủ: “Có lẽ là buổi đi chơi nên mới thế!”.

Sau đó, vì công việc bận rộn nên tôi cũng chỉ giữ liên lạc với Thúy ở mức xã giao. Tôi ở Hà Nội còn Thúy ở Đồng Nai nên không có điều kiện gặp gỡ. Thỉnh thoảng, thấy Thúy online Facebook tôi cũng hỏi thăm chân tình như những người bạn.

Rồi cũng trong năm vừa rồi, tôi đã quyết định sang Campuchia làm việc, thử đổi vận làm ăn xem có khá hơn không. Về Hà Nội chi phí bay lớn mà một tháng tôi phải đổi visa một lần nên tôi đã quyết định qua TP HCM. Tất nhiên, mua visa 6 tháng cũng được nhưng đắt đỏ hơn chi phí về TP HCM. Tôi ở Bắc nên không quen ai ở TP HCM. Thúy đã nhiệt tình hướng dẫn đưa tôi đi đổi visa và tham quan thành phố mang tên Bác.

Lần đầu tiên bắt xe bus từ Campuchia về TP HCM được Thúy đón tiếp tận tình như người nhà tôi rất cảm động. Thực ra, người "tha hương cầu thực" xa nhà như tôi nhiều nỗi niềm lắm. Vì vậy, gặp được người lắng nghe mình, nói mình hiểu thì đã thấy được động viên rất nhiều.

Công việc bận rộn và nhiều áp lực khiến chứng đau dạ dày của tôi tái phát. Tôi phải về Bệnh viện chợ Rẫy, TP HCM chạy chữa.

Hay tin, Thúy đã vào tận viện chăm sóc, giúp đỡ tôi như người nhà. Thúy chu đáo, tận tình và kiên nhẫn. Bệnh viện quá tải, Thúy đã cùng tôi kiên nhẫn chờ cả ngày để đến lượt vào khám. Dù ở TP HCM cách quê hàng nghìn km nhưng tôi cảm giác quen thuộc như đang ở nhà mình vậy. Và tình yêu đến tự nhiên từ lúc nào.

Yêu nhau mà ở xa cảm giác nỗi nhớ lúc nào cũng thường trực. Và tần suất tôi về TP HCM cũng tăng dần đều theo nỗi nhớ đến cháy lòng ấy. Đầu tiên, một tháng tôi mới về để đổi visa. Sau chưa hết hạn visa, tôi cũng về TP HCM hai tuần một lần (vì tối thiểu hai tuần tôi mới được phép Việt Nam một lần). Để “lách luật” mà vẫn ở bên nhau thì tuần tôi về TP HCM, tuần Thúy lại sang Campuchia thăm tôi. Cả tài xế của chuyến xe Kum ho Phnom Penh - TP HCM đã quen mặt hai chúng tôi.

Sáu tháng kể từ khi quen nhau, tôi vốn nhút nhát, nên không dám tỏ tình. Cả hai người cùng cảm nhận được tình yêu nhưng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tôi đã hẹn Thúy đến một nơi có khung cảnh lãng mạn và chuẩn bị bó bông hoa hồng đỏ rực để bày tỏ tình yêu. Và điều bất ngờ nhất với tôi là cô ấy đã tỏ tình trước.

Tình yêu giúp tôi có trách nhiệm hơn, yêu đời hơn. Đồng thời, tôi tự nhủ, mình phải phấn đấu kiếm nhiều tiền hơn để trang trải cuộc sống và xây dựng tổ ấm cho riêng mình.

Sau gần một năm quen nhau, tôi hẹn đi cô ấy ăn một nơi sang trọng, yên tĩnh. Gần cuối bữa ăn, tôi đã quỳ xuống cầu hôn Thúy. Tôi vỡ òa trong niềm vui khi cô ấy gật đầu đồng ý.

Chúng tôi đã lựa chọn chụp ảnh cưới tại đất nước Chùa Tháp - nơi tôi đang làm việc và phấn đấu cho hạnh phúc tương lai.

a

30 đồng nghiệp FPT Telecom theo cùng để cổ vũ và "làm nền" cho anh Kết khi chụp ảnh cưới.

Bộ ảnh cưới của tôi không có ê-kip chuyên nghiệp phục vụ nhưng trở nên đặc biệt hơn cả khi được tập thể 30 anh em trong công ty mặc áo đồng phục để làm nền trên bãi biển Kompong Som, Campuchia. Vì chụp ảnh cưới theo phong cách “tự sáng tạo” nên cả hội chụp ảnh điệu nhảy Gangnam Style cho vui.

Ngày 27/1, chúng tôi tổ chức đám cưới ở TP HCM với sự hiện diện của đồng nghiệp ở FPT Telecom. Giờ đây, trong tôi chỉ tràn ngập cảm cảm giác hạnh phúc vì là người đàn ông thật may mắn khi đã gặp được một nửa đích thực của cuộc đời.

Còn vợ tôi thì lại chia sẻ, cô ấy cứ tự hỏi “mình còn con nít mà sao tuổi cứ lớn thêm". Rồi thì đã có gia đình nhỏ, phải làm người lớn, lo cho nhiều người... nhiều cảm xúc lẫn lộn đan xen khi sắp trở thành cô dâu.

Hiện, vợ tôi - Nguyễn Thị Thúy - cũng chuyển sang Phụ trách phòng dịch vụ khách hàng của FPT Campuchia. Tết năm nay là lần thứ hai cô ấy ăn Tết xa nhà. Có lần Thúy đã tâm sự với tôi: “Em tự hứa là sẽ không bao giờ ăn Tết nơi đất khách, nhưng ai bảo duyên số đưa em đến với anh”.

Năm nay, vợ chồng tôi sẽ về quê ăn Tết trễ một chút, vì Tết của mình không trùng với Campuchia còn công việc vẫn phải đảm bảo.

Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống tại Campuchia làm việc tại FPT Telecom Campuchia trong khoảng 2 năm nữa.

Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Vũ Văn Kết sống và làm việc tại FPT Telecom Campuchia trong khoảng hai năm nữa.

Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống và làm việc tại FPT Telecom Campuchia trong khoảng hai năm nữa. Chắc hẳn khó khăn sẽ còn rất nhiều nhưng tôi nghĩ chỉ cần “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Là đồng nghiệp, vợ chồng tôi hỗ trợ và giúp đỡ nhau được nhiều hơn trong công việc. Nhưng vợ tôi vẫn kể, cô ấy ấn tượng nhất dịp Tết ở FPT vì thời gian nghỉ ngơi không nhiều, lúc nào cũng các chỉ số và các con số liên quan đến khách hàng.

Dù đã về chung một nhà nhưng Thúy vẫn không làm tôi thay đổi những ấn tượng ban đầu về những cô trưởng phòng khách hàng khó tính luôn hô khẩu hiệu “No”. Nhưng trong cuộc sống thì khác hẳn, cô ấy luôn nhiệt tình, hợp tác và lúc nào cũng “Ok”.

Tình cờ quen nhau tại lễ tôn vinh cá nhân xuất sắc tập đoàn năm 2011 tại Singapore, anh Vũ Văn Kết, Giám đốc kinh doanh mảng Internet Broadband, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế (Campuchia) và chị Nguyễn Thị Thúy - cũng chuyển sang Phụ trách phòng dịch vụ khách hàng của FPT Campuchia đã quen và yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng.

Ngày 27/1, hai anh chị về chung một nhà. Trước lễ cưới, anh Kết kể lại mối tình với Chúng ta như một lời cảm ơn FPT đã mang đến cho vợ chồng anh cả sự nghiệp và gia đình.

Lưu Vân (ghi)

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()