Chúng ta

Cái khó ló sáng tạo, kỹ sư FPT Telecom thiết kế hạ tầng khi không thể đi khảo sát

Thứ tư, 18/8/2021 | 09:58 GMT+7

Đặc thù công việc thiết kế hạ tầng là phải ra hiện trường khảo sát, đánh giá kỹ các phương án. Nhưng dịch Covid khiến ai ai cũng phải làm ở nhà (WFH), các kỹ sư của FPT Telecom đã sáng tạo nhiều cách để công việc trôi chảy.

Đầu tháng 8, khi được phân công thiết kế hạ tầng mạng lưới khu vực Tân Phú, thay vì lên xe phi đến địa bàn khảo sát, tuân thủ Chỉ thị 16 phòng dịch, anh Nguyễn Quang Vũ liền mở laptop để sử dụng bản đồ có sẵn, cập nhật cơ sở dữ liệu như cột điện, cống/bể, cáp quang… bổ sung các hiện trạng thiết kế của khu vực lên bản đồ của FPT Telecom. Đủ “công cụ” hỗ trợ trực tuyến, Vũ tự tin lên phương án thiết kế.

inf-fpt-4095-1629255183.jpg

Kỹ sư Nguyễn Quang Vũ, phòng Thiết kế,  Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF, FPT Telecom).

Xong bản vẽ ban đầu, kỹ sư hạ tầng tận dụng thêm công cụ Google Street View để kiểm tra lại phương án và điều chỉnh cho phù hợp thực tế hiện trường. “Không thể đi hiện trường nhưng các cách này giúp phương án thiết kế chuẩn đến 80-90%. Bước điều chỉnh cuối cùng sẽ được thực hiện tại khâu bàn giao thi công”, anh Vũ bật mí. “Dù WFH nhưng chúng tôi luôn nỗ lực để công việc trôi chảy nhất có thể”.

Cũng tận dụng mọi công cụ trực tuyến khi làm việc tại nhà mùa dịch để kịp thiết kế hạ tầng mới, kỹ sư Nguyễn Văn Định còn áp dụng “chiêu” gọi video call với đối tác ở dự án liên quan đến các khu chung cư cao tầng, toà nhà văn phòng (nhóm dự án Building) để từ đó “soi” kỹ hơn mọi ngóc ngách trước khi bắt tay thiết kế và điều chỉnh.

“Việc không thể khảo sát trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của phương án thiết kế. Do đó, khi bàn giao thi công tôi phải xử lý thêm một bước là phối hợp với đội triển khai đánh giá lại phương án để có những điều chỉnh kịp thời”, anh Định cho hay.

Theo anh Dương Văn Nghị, Trưởng phòng Thiết kế, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF, FPT Telecom) công việc thiết kế đòi hỏi anh em kỹ sư phải xuống hiện trường khảo sát, đánh giá tìm giải pháp. Trước đây, phần lớn thời gian làm việc anh em đi hiện trường (kết hợp onsite (75%) và online (25%)), giao/nhận việc thì vừa trên công ty cho đến phần mềm/ứng dụng.

Nhưng chuyển sang WFH, ngay lập tức anh em giảm tối đa việc đi khảo sát, tận dụng dữ liệu có sẵn, các công cụ hỗ trợ để xử lý, đảm bảo công việc vận hành trôi chảy. “Trước đây, việc duyệt hồ sơ phải ký sống trực tiếp, nhưng nay FPT chuyển đổi số, chuyển sang ký số trên bản vẽ và xuất file đến các đơn vị liên quan rất nhanh chóng và tiện lợi”, anh Nghị khẳng định.

thiet-ke-inf-fpt-2959-1629255183.jpg

Anh Dương Văn Nghị, Trưởng phòng Thiết kế, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF, FPT Telecom).

Anh Nghị cho hay, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam cũng phụ trách ngành dọc Vùng 4, 5, 6, 7 - từ Quảng Bình đến Cà Mau). Thực hiện chiến lược phân cấp và tạo nguồn lực, phòng Thiết kế đã phối hợp các chi nhánh xây dựng nhóm nhân sự thiết kế ở địa phương với việc cập nhật, đào tạo hằng năm. Khi WFH, các kỹ sư của phòng không đi tỉnh được, đồng nghiệp chi nhánh sẽ đảm trách phần việc này dưới sự hướng dẫn từ các nhân sự thiết kế INF.

Ai cũng sẵn sàng chia sẻ công việc với đồng nghiệp

Cả nhóm cùng hiểu và nắm bắt tiến độ công việc của nhau để sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp trong tình huống bất trắc là tiêu chí mà Trưởng phòng Dương Văn Nghị áp dụng cho phòng Thiết kế.

Theo đó, khi triển khai công việc mới, anh Nghị giao xuống là giao cả nhóm, đảm bảo các thành viên đều biết về dự án phòng khi nên ai đó không liên lạc được, hay thậm chí bị cách ly/F0…thì các thành viên khác vẫn đảm bảo tiếp quản và hoàn thành công việc không bị ngắt quãng. “Hồ sơ thiết kế bắt buộc lưu trên server chung để đảm bảo mọi người có thể truy xuất bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Các kỹ sư trong phòng thường xuyên luôn chuyển công việc để đảm bảo 1 nhân sự có thể làm được tất cả các loại dự án khác nhau để đảm bảo công việc được xử lý nhanh chóng và hiệu quả nhất”, anh Nghị nêu.

Nguyen-van-dinh-fpt-5198-1629255183.jpg

Kỹ sư Nguyễn Văn Định tuân thủ 5K khi còn làm việc ở văn phòng.

Đánh giá cách làm của phòng khoa học và hiệu quả trong mùa dịch, kỹ sư Nguyễn Quang Vũ bổ sung trước đây nội bộ các nhóm trong phòng cũng thường xuyên luân chuyển nhân sự phục trách khu vực để các bạn có thể nắm bắt hạ tầng, thuận tiện xử lý công việc nhanh nhất nếu được phân công nhiệm vụ mới.

“Đặc thù công việc thiết kế là nhân sự phải luôn tương tác với nhau (qua điện thoại, chat, email…), làm việc nhóm để thống nhất giải pháp nên chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau khi WFH. Là quản lý nên trung bình mỗi ngày tôi dành khoảng 50% thời gian để trao đổi, xử lý công việc với các đồng nghiệp, thời gian còn lại sẽ triển khai chuỗi công việc khác”, anh Vũ nêu.

Xây dựng tinh thần kết nối giữa mùa dịch

Làm việc ở nhà mùa dịch khiến chủ đề duy trì tinh thần teamwork/teambuilding để anh em duy trì kết nối và luôn hết mình với công việc luôn được Phòng Thiết kế, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng phía Nam chú trọng.

ftel-dachien-3815-1629255183.jpg

Các kỹ sư phòng Thiết kế tham gia dự án triển khai hạ tầng thần tốc cho các bệnh viện dã chiến.

Đặc thù anh em thiết kế hay đi hiện trường, nhưng WFH thời gian dài khiến các kỹ sư nảy sinh tâm lý không tốt. Giải pháp là phòng khuyến khích anh em trao đổi, chia sẻ các chuyện bên lề, những vui buồn trong thơi gian WFH để ai ai cũng có tinh thần thoải mái  hơn.

"Cách làm sáng tạo, việc chuẩn bị/đào tạo nguồn lực từ các chi nhánh và xây dựng tinh thần làm việc nhóm khiến công việc thiết kế của INF miền Nam luôn vận hành trôi chảy, hạ tầng đảm bảo cho các kế hoạch phát triển của công ty", anh Lê Trung, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng phía Nam khẳng định.

“Tôi tăng các buổi họp online định kỳ (khoảng 2 ngày/lần), để anh em nhìn thấy nhau, nghe được tiếng của nhau nhiều hơn. Nội dung không chỉ là bàn công việc mà còn trao đổi những chuyện về cuộc sống cá nhân, những điều tích cực, những góp nhặt trong thời gian WFH để đồng nghiệp cảm nhận được tình anh em trong thời gian xa nhau”, Trưởng phòng Thiết kế trải lòng. “Nhờ WFH khiến mình hiểu đồng nghiệp hơn, trong khó khăn anh em chia sẻ với nhau nhiều hơn với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chung tay”.

Với Nguyễn Quang Vũ, tinh thần đồng nghiệp thể hiện tốt nhất là khi tập thể chung tay với anh em ở khu vực phong toả. “Những lần tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các đồng nghiệp là kỷ niệm khó quên và hiếm khi xuất hiện. Tình đồng đội thể hiện rõ nhất khi gặp khó khăn. Đó cũng là những chuyện đáng nhớ nhất khi chúng ta trở lại thời bình thường mới”.

inf-ftel-3289-1629255183.jpg

Ngoài giờ làm, anh em phòng Thiết kế còn tổ chức "nhậu online" để tăng gắn kết.

“Ngoài giờ làm việc, thỉnh thoảng nhóm chúng tôi thường tổ chức "nhậu online" để cùng nhau giải tỏa bớt căng thẳng cũng như "hâm nóng" tình cảm anh em”, tinh thần teamwork được kỹ sư Nguyễn Văn Định áp dụng rất thực tế và hiệu quả.

Dù tuân thủ quy định giãn cách nghiêm túc nhưng khi được điều động đi triển khai hạ tầng cho các bệnh viện dã chiến, Định lại háo hức lên đường. “Tiến độ công việc này cực kỳ gấp, có khi trưa nhận thông tin, chúng tôi lập tức đi khảo sát, lên phương án và triển khai lắp thiết bị ngay trong đêm. Ai cũng khẩn trương với mong muốn góp phần vào công tác phòng chống dịch của thành phố”.

>> Nữ nhân viên FPT IS vừa tự chữa Covid vừa làm dự án

Tân Thuận

Ý kiến

()