Chúng ta

Các cặp đôi FPT duy trì tình cảm mùa dịch như thế nào

Thứ năm, 15/7/2021 | 11:09 GMT+7

Trong hoàn cảnh dịch Covid phức tạp, nhiều người FPT đang cùng bạn đời/người yêu trải qua một thời gian đặc biệt. Người bên nhau cùng vượt khó, người phải xa nửa kia do kẹt dịch hay onsite...

Các cặp đôi không ở bên nhau và hạnh phúc lâu dài vì cuộc sống dễ dàng, mà bởi những thử thách đã giúp họ mạnh mẽ hơn. Giữa thời kỳ khó khăn kéo dài, sự hỗ trợ mà mối quan hệ tình cảm đem lại càng đáng trân trọng chứ ít khi bị bỏ quên như trong cuộc sống đời thường.

Trong hoàn cảnh dịch Covid phức tạp tại các tỉnh thành, nhiều người FPT đang cùng bạn đời/người yêu trải qua một thời gian đặc biệt. Người thì cùng nhau ở nhà, trải qua những khó khăn đặc thù mùa dịch; người thiếu may mắn hơn phải xa nửa kia do kẹt dịch, do đi công tác onsite, hay ở lại làm việc toàn thời gian tại công ty... Duy trì chia sẻ, lắng nghe, giúp đỡ nhau là cách họ giữ gìn và vun vén hạnh phúc đôi lứa.

NGÀY NÀO CŨNG KỂ CHUYỆN CƯỜI CHO NHAU

Đến với nhau chưa bao lâu thì người yêu đi định cư tại Mỹ, chị Lê Thị Minh Thái (Synnex FPT HCM) đã trải qua cảm giác yêu xa được hơn một năm. Vì dịch Covid, anh không thể về vào tháng 7 này như dự kiến vì đúng lúc TP HCM bùng dịch.

Gọi video và nhắn tin là cách họ làm mỗi ngày để thấy gần nhau hơn. Lệch múi giờ, họ sắp xếp liên lạc 2 lần, vào buổi sáng khi anh dậy chuẩn bị đi làm - buổi tối ở Việt Nam; và khi anh đi làm về chuẩn bị đi ngủ - giờ nghỉ trưa của chị.

Có chung nhiều sở thích, lại đều là những người tích cực nên cặp đôi duy trì được mối quan hệ tốt đẹp, không có mâu thuẫn suốt thời gian qua dù cách xa về mặt địa lý. "Chưa bất đồng giận dỗi gì luôn, hơi nhạt nhẽo nhỉ?", Thái cười. "Chúng tôi tâm sự cho nhau những chuyện xảy ra trong ngày, duy trì chia sẻ những điều tích cực. Ngày nào cũng kể chuyện cười cho nhau".

Hiện tình hình ở Mỹ đã tương đối ổn hơn, người dân đã được bỏ khẩu trang và hoạt động bình thường, người yêu Minh Thái có kế hoạch sẽ về khi tình hình dịch ở Việt Nam lắng xuống. 

le-thai-3573-1626321105.jpg

Có chung nhiều sở thích, lại đều là những người tích cực nên cặp đôi duy trì được mối quan hệ tốt đẹp, không có mâu thuẫn suốt thời gian qua dù có cách xa về địa lý.

CÙNG CHƠI GAME TƯƠNG TÁC

Công việc chồng thường xuyên phải đi onsite, vợ anh Nguyễn Văn Khởi (Quản trị dự án phần mềm, FPT IS DSC Hà Nội) lại càng lo lắng giữa lúc tình dịch dịch Covid đang căng thẳng. 

Do đặc thù luôn phải đi sớm về muộn, khung thời gian của anh hơi chênh với lịch sinh hoạt ở nhà, nên đôi lúc anh chỉ kịp nhắn vội cái tin trong lúc ăn trưa, và gọi video vào buổi tối. Anh thường hỏi han vợ tình hình ở nhà như hôm nay 3 mẹ con ăn gì, có nhớ bố không, nghe các con hát, mặc dù "nghe không rõ lắm"... Đôi lúc, cả nhà chơi anh trò chơi tương tác qua Facebook, thi xem ai thắng. Thường là bố sẽ thắng, tuy nhiên đôi lúc anh vẫn…giả vờ thua cho vợ và các con vui. "Lúc đó mẹ và các con vui lắm, cứ cười và đòi chơi nữa. Những nhìn đồng hồ đã 22h, bố liền bảo 3 mẹ con đi ngủ và không quên gửi lời chúc ngủ ngon và thả tim".

Đó là cách anh và bà xã duy trì tình cảm khi xa nhau. Chưa hết, anh bật mí đôi lúc sẽ đổi xưng hô "chồng-vợ" sang "anh-em" và "đưa vài lời tán tỉnh như lúc mới yêu" để thêm phần lãng mạn. 

Với "kinh nghiệm" xa gia đình đã nhiều, anh Khởi hiểu rằng sau thời gian xa cách sẽ là những lúc cần bù đắp tình cảm cho vợ con và thêm quý giá thời gian bên nhau. "Thực sự trong sâu thẳm trái tim, tôi luôn biết khi mình ở nhà hay đi công tác thì vợ luôn vất vả nhường nào, nên thường mỗi dịp cuối tuần hoặc xong việc là tôi lại thay vợ làm các công việc thường ngày như đưa các con đi học, tắm cho các con, đi chợ và nấu ăn cho gia đình, đôi khi đèo 3 mẹ con đi chơi để "giải ngố". Nhiều khi vừa đi công tác về, khá mệt nhưng về đến nhà tôi liền đưa 3 mẹ con đi chơi luôn. Được gần gũi vợ và các con là thấy được xóa tan mệt mỏi rồi. Cảm ơn vợ yêu và các con nhiều nhiều!", anh gửi gắm.

khoinv-2767-1626321105.jpg

Đi onsite xa nhà, đôi lúc anh Nguyễn Văn Khởi đổi xưng hô "chồng-vợ" sang "anh-em" và "đưa vài lời tán tỉnh như lúc mới yêu"...

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH HẰNG NGÀY

Võ Quốc Bảo, Đơn vị kiểm thử (IVS, FPT Software) là một trong những thành viên nhà Phần mềm ở lại làm việc, ăn ngủ ngay tại công ty đợt dịch từ nửa tháng nay, trước khi công ty áp dụng chế độ camping (cắm trại).

Không thể bên cạnh gia đình một thời gian dài do đặc thù công việc không thể nhà làm từ xa, anh chỉ biết giải thích cho vợ rằng hiện dịch bệnh khó khăn, công việc cần thiết nên anh phải đồng hành cùng đồng đội. Mỗi ngày, Bảo đều liên lạc với vợ con bằng cách gọi video buổi tối, và thời gian còn lại tranh thủ cập nhật hình ảnh, tin tức qua tin nhắn mỗi khi có thể. 

Chia sẻ về cuộc sống toàn thời gian tại công ty, anh chia sẻ những ngày đầu hơi khó khăn và tốn kém vì nhóm phải tự đặt đồ ăn bên ngoài. Từ khi công ty bật chế độ "camping", các dịch vụ ăn uống, tắm giặt được cung cấp đầy đủ. Nhờ đó, anh và đồng đội cũng yên tâm công tác, chờ ngày đoàn tụ gia đình.

vo-quoc-bao-fpt-6822-1626403588.jpg

Anh Võ Quốc Bảo, Đơn vị kiểm thử (IVS, FPT Software) ở lại làm việc, ăn ngủ ngay tại công ty đợt dịch. Ảnh tư liệu anh Bảo và con trai.

ĐÈ NHAU RA CẮT TÓC

Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách xã hội, các cửa tiệm cắt tóc đều đóng cửa, thế là chị Phan Thị Thuý Hằng tự tay thử tài cắt tóc cho chồng, anh Lê Linh Em, cũng là đồng nghiệp tại FPT Telecom Đồng Tháp. 

"Thấy tóc ảnh dài như tóc con gái, tôi sợ con không nhận ra ba. Sẵn có cái tông-đơ của cu Win, tôi hớt tóc cho ảnh luôn. Trước đây đi cắt tóc cùng chồng, thấy thợ làm thế nào tôi làm như vậy. Người ta đo tóc bằng tay, tôi dùng cái tô cho nhanh", Hằng tếu táo kể. 

Hiện anh Linh Em làm việc ở nhà còn chị Hằng đang trong giai đoạn nghỉ thai sản. Ban ngày, anh dành thời gian cho công việc, chị và bà ngoại chăm sóc bé. Buổi tối, anh chăm sóc con để chị nghỉ ngơi. Việc chia ca cũng giúp cho bé gần gũi cả ba và mẹ. Cặp vợ chồng cũng cho biết đã cùng nhau mua đồ dự trữ, sẵn sàng cho 15 ngày chỉ ở trong nhà do địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 11/7.

214771067-962956234539070-8869-8291-8821

Cặp vợ chồng chị Phan Thị Thuý Hằng - anh Lê Linh Em, FPT Telecom Đồng Tháp

CÙNG TẠO THÊM THU NHẬP MÙA DỊCH

Anh Nguyễn Thanh Tân (Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam - PNC, FPT Telecom) cùng vợ lại có một trải nghiệm đặc biệt khác khi quyết định về quê một thời gian khi Sài Gòn đóng cửa, làm việc từ xa. 

Khu vực nhà ở quê anh Tân mùa này cũng là mùa thu hoạch trái cây. Vợ anh đăng bài lên mạng xã hội và gửi bán chôm chôm, mít, sầu riêng, măng cụt lên TP HCM. Có nguồn mua từ bạn bè, trái cây vườn may mắn được bán hết. "Cả nhà mấy ngày nay tranh thủ sáng sớm 5h hái và vận chuyển đồ lên Sài Gòn. Nhà vừa giải quyết được tồn trái cây, vừa có thêm thu nhập. Út thì chở hàng ra bến xe, cháu thì đóng hàng, vợ thì dán ghi số điện thoại lên thùng, mấy em cháu thu nhập cũng được 200-300 nghìn đồng, dịch bao nhiêu người khó kiếm tiền, nên kiếm được thu nhập ra vô là vui", anh Tân kể. 

Tuy nhiên lúc này Đồng Nai quê anh cũng thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, dù dịch không "căng" như TP HCM. Người dân được yêu cầu không ra đường khi không có nhu cầu cần thiết. Do đó, việc mua đồ ăn khó khăn, vì không có hàng quán bán. "Nhà tôi cũng chỉ ăn rau, trứng, mì, và một ít thịt mua trước đó".

Trong tuần, thời gian cho công việc chiếm hết, anh Tân hầu như không phụ giúp vợ được việc nhà. Chỉ có chủ nhật được nghỉ, anh phụ chở trái cây ra nhà xe vận chuyển. "Ở nhà đúng là bên vợ con nhiều thật cũng vui, có nhiều thời gian chơi với con hơn, cũng có thời gian tâm sự nhiều hơn. Vợ cũng thấy được cách làm việc từ xa và họp hành liên tục, nên cũng hiểu nhiều hơn cho tính chất công việc của chồng". 

tannt-9331-1626321105.jpg

Gia đình anh Nguyễn Thanh Tân (Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam - PNC, FPT Telecom.

SẴN SÀNG TRÁO ĐỔI VAI TRÒ

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Quản lý nhà thuốc Long Châu khu vực quận 3, quận 4, quận 7 - vẫn phải đi làm hằng ngày đợt dịch trong khi ông xã, làm ngành nhà hàng, đang nghỉ ở nhà.

Chồng ở nhà - vợ đi làm mang đến một sự thay đổi: anh hiện thay chị làm hết công việc nhà. Trong ngày, hai vợ chồng thường duy trì nhắn tin và gọi điện hỏi thăm tình hình nhà, cơ quan nơi làm việc có ổn hay có gì bất thường không, sức khỏe của đồng nghiệp..

Công việc của vợ cần thường xuyên tiếp xúc nhiều người, chồng chị Tâm rất lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng vì làm ngành nghề đặc biệt, chị vẫn phải tiếp tục công việc và đảm bảo an toàn cho bản thân để người thân an tâm. Bên cạnh luôn tuân thủ 5K, chị trang bị thêm kính chống giọt bắn để tăng độ an toàn. Chị cũng bổ sung vitamin tăng đề sức kháng, súc nước muối thường xuyên và sát khuẩn tay bằng cồn.

Không thể ra ngoài chơi, vợ chồng chị thường nấu ăn chung và chơi với con vào ngày nghỉ. "Mùa dịch này thì không được đi làm đẹp, gội đầu cắt tóc hay đi mua sắm... có hơi buồn nhưng vì sức khỏe nên phải chịu", chị nói. 

tam-1937-1626321105.jpg

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - FPT Long Châu

Theo một tác giả khảo sát của Đại học Monmouth (Mỹ) về mức độ hài lòng của người trưởng thành với mối quan hệ hiện có trong hoàn cảnh đại dịch, một trong những yếu tố chính giúp mối quan hệ bền vững là cảm giác được người kia quan tâm và lắng nghe.

Trước đây, Lê Thị Minh Thái từng không tin vào kết quả của yêu xa. Chị đã dè chừng khi anh đi. Nhưng vì tình cảm của anh dành cho mình, chị gạt qua nỗi sợ đó để thử tin lần nữa vào yêu xa. Và khó khăn quả thực đã không làm cho họ chùn bước, tình cảm càng được vun đắp một cách đặc biệt qua một năm vừa qua. Bởi vậy, Thái có niềm tin rằng, kể cả nếu dịch có còn phức tạp, dù phải xa nhau một thời gian nữa, hai người cũng vẫn hướng về phía nhau.

>> Giảng viên ĐH FPT HCM và những sọt bánh 0 đồng mùa dịch

Hà An

Ý kiến

()