Nhận 2 ổ bánh mì vừa "mua" với giá 0 đồng, cô bé áo vàng cười tươi, cảm ơn rồi chạy ngay tới chỗ người mẹ đang ủ rũ ôm em ở gốc cây kế đó. "Con đi theo mẹ bán vé số mà bây giờ không ai mua nên không được ở nhà trọ nữa”...
Đằng sau tấm kính chống giọt bắn, chàng trai âm thầm rơi nước mắt. Anh không biết giải thích như thế nào với cô bé vô gia cư giữa Sài Gòn về "pandemic", về Covid-19, về sự tàn bạo của nó. Thùng bánh mì sau xe máy anh và cả của những đồng đội vơi dần, đổi lại là những nụ cười, những ánh mắt sáng lên, là tình thương. "Startup" của anh chỉ đặt mục tiêu như thế.
Anh Hoàng Đức Huy, giảng viên ĐH FPT HCM, trao những phần bánh 0 đồng cho người vô gia cư tại TP HCM. |
Chàng trai ấy là Hoàng Đức Huy, giảng viên bộ môn Kỹ năng mềm của ĐH FPT HCM. Với tình yêu Sài Gòn và nỗi niềm trăn trở trước những mảnh đời khốn khó, ngày càng hao mòn, kiệt quệ khi đại dịch ập đến, anh đã sáng lập "Bánh mì 0 đồng" - một "startup" đặt mục tiêu lợi nhuận mãi mãi 0 đồng.
Từ đầu tháng 7, các tối thứ Hai, Tư, Sáu, nhóm "Bánh mì 0 đồng" của Huy gồm khoảng 20 người lại tập hợp. Người làm bánh mì, người nấu xôi, người đóng gói, thêm chai nước, người lên xe rong ruổi các tuyến đường Sài thành, cứ thế từ 18h đến khoảng 23h, cho đến khi các thùng bánh trống trơn. Họ đến những nơi tập trung nhiều người vô gia cư, trao thức ăn, đồ uống, khẩu trang, tặng tiền cho những người lang thang, ăn xin, những người lái xích lô, người bán vé số hoặc lao động mất việc làm đang trong hoàn cảnh khó khăn... Họ cũng đến các khu cách ly người nghèo, các xóm lao động bị phong tỏa, tiếp tế lương thực. Mỗi buổi, nhóm phát khoảng 1.500 phần.
Nhóm "Bánh mì 0 đồng" của Huy gồm khoảng 20 người, người làm bánh mì, người nấu xôi, người đi phát bánh... |
Chỉ sau chưa đầy một tuần vận dụng trên mạng xã hội, nhóm của Đức Huy đã nhận được hơn 500 triệu đồng từ các anh em, bạn bè thân thiết đến người lạ thấy bài đăng, để cùng anh đưa được thêm nhiều ổ bánh mì đến tay người khó khăn.
Đồng hành với thầy giáo Hoàng Đức Huy thực hiện hoạt động thiện nguyện là các tình nguyện viên chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp có chung "máu" thiện nguyện. Anh cho biết sinh viên FPT gửi email đăng ký nhiều nhưng anh từ chối vì đang là thời gian nghỉ hè, hơn nữa đây là hoạt động tình nguyện có yếu tố nguy hiểm nên phải bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn cho các em.
Thành viên nhóm "Bánh mì 0 đồng" đến những nơi tập trung nhiều người vô gia cư, trao thức ăn, đồ uống, khẩu trang, tặng tiền... |
Huy muốn làm điều gì đó cho Sài Gòn vì anh yêu thành phố này, và muốn đáp lại phần nào ân tình mảnh đất này đối với anh bao năm qua. Là một người con của Hải Phòng, từng học tập và có nhiều kỷ niệm với Sài Gòn, Huy chọn về đây làm việc từ năm 2015 sau thời gian học tập tại nước ngoài và anh coi mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình. Anh bảo yêu Sài Gòn khi "kẻ giàu hay người khó đều được Sài Gòn đối đãi một cách sòng phẳng", "khi nhìn thấy những thùng trà đá miễn phí chẳng biết của ai đặt bên đường", "khi có lần trú mưa cho cậu bé bán vé số 10 nghìn đồng mà nó kêu 'dạ con chỉ bán bé số, không xin tiền' rồi chạy biến đi mất"; khi "cái sự cho đi ở Sài Gòn nhẹ nhàng đến lạ"...
Cũng chính vì yêu Sài Gòn, anh buồn tê tái khi thành phố phồn hoa giờ đây trở nên lặng ngắt. Anh thương những người dân lam lũ, những người dễ tổn thương nhất vì dịch bệnh. "Những người bán vé số sẽ ăn gì khi mà thành phố ngưng cho bán vé số, họ sẽ ngủ ở đâu khi Sài Gòn nắng mưa bất chợt. Họ sẽ đi về đâu?”, anh trăn trở.
Đội "Bánh mì 0 đồng" rong ruổi các tuyến đường từ 18h-23h mỗi tối Hai - Tư - Sáu. |
Từ hôm nay 9/7, Sài Gòn giãn cách theo chỉ thị 16, Huy cho biết anh và các đồng đội vẫn lên đường. Vì lò bánh mì đóng cửa, các anh tặng bánh mì đóng gói, xúc xích và sữa. Các anh sẽ đi theo nhóm nhỏ chỉ 2 người, đảm bảo giãn cách. Huy nói, tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp, người nghèo sẽ còn gặp khó khăn, "Startup Bánh mì" sẽ tiếp tục đẩy nhanh quy mô, phạm vi, chất lượng bán hàng, vì một mục tiêu sau cùng là góp phần để "Sài Gòn không cảm thấy cô đơn, để ít người bị đói hơn, cùng vỗ về Sài Gòn những ngày yếu bệnh này".
"Chúng ta vẫn còn là những người rất may mắn, khi tối nay ta biết có gì đó để ăn dù chén cơm đã vơi hơn trước, ta biết trời mưa hay bão tố ta vẫn có nơi để quay về trú ngụ, và ngày mai hay ngày mốt ta vẫn có một việc gì đó để làm kiếm sống, để chờ đợi và hy vọng. Để tạ ơn cuộc sống này, không gì hơn là hãy bao dung, yêu thương và sẻ chia nhiều hơn, có lẽ là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chúng ta", giảng viên nhà F gửi gắm.
>> FPT Software HCM tổ chức camping tại công ty cho gần 200 CBNV
Hà An
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()