2019 là năm bận rộn với Tuấn. Ngay từ đầu năm, anh đã được các sếp tin tưởng giao nhiệm vụ hoàn thành những con số doanh thu đầy thách thức, nhất là khi hoạt động kinh doanh của khối chưa mạnh mẽ. Tại miền Bắc, trừ Quảng Ninh là khách hàng lớn chung của FPT, eGov (Bộ phận Chính phủ điện tử) của Tuấn chưa có nhiều khách hàng. Vậy nhưng anh đã được các sếp tin tưởng, “dí” cho doanh số lên tới 2 tỷ đồng. Con số tương đương với hiệu quả nhiều năm kinh doanh của khối.
Phạm Minh Tuấn bất ngờ khi hay tin trở thành 1 trong 8 cá nhân OKR xuất sắc quý IV/2019. Ảnh: Hà Trần |
“Không thách thức đâu mà là quá thử thách”, PGĐ FPT IS GMC chia sẻ. “Nghe báo doanh số OKR dự kiến mà tôi cũng choáng váng, từ lúc đó đến hết năm chỉ chăm chăm nghĩ cách làm sao đạt được khoảng 70% mục tiêu đã là mãn nguyện lắm rồi”.
Có trong tay nguồn nhân lực chưa đến 30 người, để đạt được doanh số đề ra, suốt 4 quý năm 2019, Tuấn không ngừng vò đầu bứt tai tìm cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh của khối. Căn cứ vào lượng khách hàng tiềm năng và tình hình kinh doanh thực tế của bộ phận, anh tính toán, chia nhỏ mục tiêu OKR cho các quý. Thậm chí, Tuấn còn thiết lập cả OKR quản trị, đảm bảo anh em trong đơn vị đi làm đúng giờ, tăng năng suất lao động của GMC.
Dẫu vậy, suốt 3 quý sau đó, OKR duy nhất Tuấn đạt được 100% là duy trì tính kỷ luật của anh em. Những con số doanh thu hay doanh số ký hợp đồng đều chưa đạt mức anh điền. Quý trước không được thì phải dồn số sang quý sau. Cứ thế, thời gian còn lại của năm giảm dần, còn con số tồn đọng lại tăng lên.
Năm 2019 - 2020, Phạm Minh Tuấn phải giải quyết bài toán doanh số đầy tính OKR. Ảnh: Hà Trần |
“Mỗi lần tổng kết hay review quý, thấy số má không ra đâu tôi cũng lo lắm chứ. Đó là chưa kể trong cuộc họp hàng tuần sếp thường xuyên hỏi ‘Vụ này, vụ kia chú làm đến đâu rồi?’, chẳng khác gì review OKR thường xuyên”, Tuấn nhớ lại. Anh cũng hài hước kể mỗi lần nhìn báo cáo tổng kết quý, trong đầu chỉ thấy lo tháng này vợ con ăn bằng gì, rồi cả miệng ăn của biết bao người khác phụ thuộc vào mình.
Liên tục 3 quý không đạt được mục tiêu dự kiến, với đặc thù kinh doanh dự án với tập khách hàng Chính phủ, nhiều chỉ số OKR của bộ phận cần được đo đạc theo năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Việc chia thành quý như Tuấn áp dụng chủ yếu nhằm hình dung rõ và cụ thể hơn những việc cần làm để đạt được OKR chung của bộ phận.
Thấu hiểu đặc thù và chỗ khó của bộ phận, các sếp cũng có phần thông cảm cho kết quả cuối quý của khối. Nhưng không vì thế mà Tuấn lơ là OKR của bộ phận mình. Trong mỗi cuộc họp hàng tuần, PGĐ FPT IS GMC đều báo cáo rõ kết quả doanh thu, chỉ tiêu còn lại của quý/năm, phân tích tình hình kinh doanh chung và thực tế của từng dự án nói riêng. Từ đó đề ra hướng đi dự tính cho bộ phận.
“Có những dự án, kế hoạch ban đầu là một kiểu, nhưng khi đàm phán, thoả thuận với khách hàng, sẽ khiến thực tế khác hoàn toàn với dự định. Tất nhiên trong đó bao gồm cả vấn đề giá cả dịch vụ. Thậm chí có trường hợp, 1 dự án gánh được cả doanh số mục tiêu cho quý đó”, anh giải thích. FPT.Fortuna là một dạng dự án như thế.
Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna do Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long nghiên cứu thực hiện là công cụ nhằm xây dựng kho dữ liệu dùng chung, đáp ứng nhu cầu điều hành. Sau 2 năm ứng dụng tại TP HCM, sáng tạo đã tích hợp, cập nhật hàng ngày gần 1.000GB dữ liệu. Hết năm 2019, tổng doanh thu của dự án là 3 triệu USD. Đây là dự án phần mềm thuần 'Made by FIS' có giá trị lớn nhất của nhà Hệ thống.
Phạm Minh Tuấn - Mỵ Duy Long thành công đem về giải Nhì chung cuộc iKhiến cho nhà Hệ thống. Ảnh: Thế Trâm |
“Chạy đường trường cả năm, may mắn thế nào kết thúc quý IV cũng là lúc chạy đủ 70% OKR của năm”, Tuấn hồ hởi. Tổng kết năm 2019, anh hoàn thành lợi nhuận trước thuế (LNTT) với doanh số ký đạt 90% kế hoạch đặt ra; doanh số ghi nhận đạt 100%. Cạnh đó, Tuấn cũng hoàn thành đến 80% khối lượng sản phẩm Dự án RnD eGov 4.0. Thông qua cuộc thi iKhiến, anh đã thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ về FPT.Fortuna nhằm mục đích bán chéo (cross sale) và mở rộng bán hàng ra ngoài mảng Chính phủ điện tử.
Với những thành tích đó, Tuấn được vinh danh là 1 trong 8 cá nhân OKR xuất sắc quý IV/2019. Bật mí đã được “phím” trước về việc trở thành cá nhân OKR xuất sắc, nhưng phải đến khi đọc được thông báo chính thức, anh mới thực sự tin mình là 1 trong 8 người được mời ăn tối tại tư gia của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. “Quả thật tôi rất bất ngờ, vì để nói đạt OKR của cá nhân hay từng quý thì năm vừa qua tôi chưa làm được điều đó”, anh thật thà. “Năm vừa rồi cũng có đặt kế hoạch học và thi môn chuyên ngành, nhưng bận bịu không sắp xếp được thời gian nên cũng đành bỏ qua”.
Bởi vậy, mục tiêu đầu tiên Tuấn đặt ra cho bản thân trong năm 2020 là hoàn thành ít nhất 1 môn học trong lĩnh vực quan tâm, đồng thời sắp xếp thời gian để nghiên cứu cho ý tưởng sản phẩm mới anh ấp ủ từ trước Tết Nguyên đán.
Đánh giá về phương pháp OKR được nhà F triển khai hơn 1 năm nay, anh Tuấn khẳng định, đây là công cụ giúp tạo thói quen đặt mục tiêu, làm mới cách thức để hoàn thiện bản thân. “Việc điền OKR là cơ hội để ngồi ngẫm lại xem bản thân cần hoàn thiện điều gì. Cạnh đó, FPT cũng tiến hành review các chỉ tiêu OKR theo quý. Mỗi lần như vậy là một lần tôi tự nhắc nhở bản thân và xác định lại đúng hướng con đường hành động của mình”.
Phạm Minh Tuấn sẽ cùng 7 cá nhân OKR xuất sắc quý IV/2019 tham dự bữa tối cùng Chủ tịch Trương Gia Bình, gồm: Từ Hoàng Thái - PGĐ phụ trách Kinh doanh Trung tâm Thương mại điện tử (FPT Retail); Phạm Như Hoài Bảo - GĐ Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam (FPT Telecom); Hứa Thị Thuý - Trưởng phòng kinh doanh số 1 (FPT Online); Nguyễn Chánh Tín - GĐ Trung tâm FHN.MDC và JODC (FPT Software); Nguyễn Quốc Huy - Cán bộ phân tích dữ liệu phòng FAC SG (Synnex FPT); Nguyễn Trường Hiệp - phụ trách Dự án tư vấn CĐS khách hàng Minh Phú (FPT DX); Phạm Tuấn Anh – Phòng Quan hệ Doanh nghiệp, FPT Polytechnic (FPT Education).
Sự kiện “Ăn tối cùng Chủ tịch” được diễn ra hàng quý để "Hội Leng Keng" ngày càng lớn mạnh. Hiện tại, toàn tập đoàn đang bước vào giai đoạn triển khai OKR quý I/2020.
Hoàng Hương
Ý kiến
()