10h ngày 15/9, bão Doksuri - bão số 10 đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Sau 6 giờ hoành hành, bão đã làm 8 người chết, gần 200.000 ngôi nhà tốc mái và hư hỏng, gần 3.000 cột điện bị đổ. Mạng lưới điện, viễn thông tê liệt.
Nhà chị Trang sau khi bão số 10 đổ bộ. |
Ít ngày sau khi cơn bão Doksuri đổ bộ, trên nhiều tuyến đường ở Quảng Bình vẫn còn cảnh tan hoang, xơ xác. Cây cối đổ ngổn ngang, bờ cát sạt lở, nhà tốc mái... Đặc biệt ở những vùng núi, hàng nghìn ha cao su của người dân bị san phẳng, không còn gì ngoài thân gỗ bị gãy từng khúc nằm la liệt.
Giữa trưa nắng gắt, chị Hà Huyền Trang, nhân viên kinh doanh FPT Telecom chi nhánh Quảng Bình, dù cố gắng tập trung cho công việc đi thị trường nhưng trên khuôn mặt vẫn ngẩn ngơ nhớ đến cánh rừng cao su của gia đình. Đang đi lòng vòng qua những cung đường, chị lại ngồi đánh bệt xuống đoạn đường vắng với dấu hiệu mệt mỏi.
“Bão gió không lớn nhưng nó đủ để quật ngã cao su nhà tôi và vùng lân cận. Hơn 5 năm chăm sóc và số tiền vốn cả trăm triệu đã bị lấy đi. Mất sạch rồi!”, chị Trang thở dài.
Mong muốn thoát nghèo cũng như hy vọng tạo được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai, gia đình chị Trang quyết định tập trung vốn thông qua tích góp lẫn vay mượn để đầu tư vào cao su. Nằm ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nên địa bàn khá thuận lợi để trồng loại cây này. Khoảng 3 ha cao su sau 5 năm chăm sóc đã lớn nhanh như thổi. Cả gia đình ai cũng phấn khích và chờ giai đoạn bội thu. Nhưng đầu năm 2017, khi mới thu hoạch được vài tháng, bão số 10 đã cuốn đi tất cả.
Những ha cao su nằm la liệt. |
“Bão về xóa những cánh rừng cao su, sắn và cây tiêu thành thứ bỏ đi. Bão tan cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh tay trắng”, chị Trang nói và nhẩm tính, thiệt hại của gia đình mất hơn 150 triệu đồng, chưa kể nhà cửa bị hư hỏng nhẹ.
Sau bão, bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của Trang, gần như mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền. Mỗi lần nhắc đến bão hay cao su, bà đều không thể cầm được nước mắt. Nói đúng hơn, bà hy vọng "đừng ai nhắc đến". Những ngày qua, Trang phải đưa mẹ từ quê xuống ở chung phòng trọ do hệ thống điện vẫn chưa có lại.
"Không buồn sao được, bởi cao su chính là tương lai của gia đình. Nếu bão không làm gãy, vài năm nữa gia đình tôi sẽ thoát nghèo nhờ nguồn thu nhập lớn", Trang bày tỏ. Hiện gia đình chị vẫn phải thuê người dọn dẹp cũng như cố gắng chăm sóc những cây còn có khả năng thu hoạch được.
Gia đình chị Bùi Thị Thanh Trà, nhân viên kinh doanh FPT Telecom chi nhánh Quảng Bình, cũng là một trong số hộ bị thiệt hại nặng nhất ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch. Ước tính hơn 1.000 gốc cao su nhà chị đã bị gãy, thiệt hại lên tới 300 triệu đồng.
Đánh giá bão số 10 là "cơn ác mộng đối với gia đình", chị Trà bảo gần một tuần qua, tất cả thành viên trong nhà không thiết ăn uống gì bởi tiếc của. Đầu tư hàng trăm triệu đồng chăm sóc và đặt hy vọng lớn, nay mất hết. "Nhìn những thân gỗ hơn 8 năm chăm sóc, gia đình tôi không ai cầm được nước mắt", Trà nói.
Trung bình một ngày, gia đình chị Trà thu được 400 đến 500.000 đồng. Dự kiến con số này sang năm tăng lên 1 triệu đồng/ngày. Bởi hiện nay, số lượng cao su thu hoạch còn ít nên chưa thể đẩy nhanh việc khai thác. "Cao su chính là nguồn thu nhập chính của người dân khu vực này. Nhiều người giàu cũng nhờ cao su nhưng đến nay thì gần như mất trắng", chị chua xót.
Hệ thống điện ở một số khu vực gia đình Trang và Trà hiện vẫn chưa có lại. |
Nhận điện thoại của người thân ở xa hỏi thăm về thiệt hại do bão, không nói được lời nào, chị chỉ biết lắc đầu. "Căn nhà bị tốc mái, điện mất, bước chân ra khỏi nhà là chứng kiến cây cao su nằm la liệt. Thành viên trong nhà như già thêm vài tuổi do nhiều đêm phải suy nghĩ và mất ngủ".
Ngoài gia đình của Trang và Trà, FPT Telecom chi nhánh Quảng Bình còn ghi nhận nhiều gia đình khác bị thiệt hại nặng như: Nguyễn Ngọc Tuấn (thiệt hại 20 triệu đồng), Nguyên Thị Hồng Chiêm (50 triệu đồng), Nguyễn Mậu Trường (25 triệu đồng), hay Nguyễn Thị Phương Thúy (25 triệu đồng)... Tổng số tiền thiệt hại của các gia đình nhân viên lên tới 622 triệu đồng.
Sau bão, chi nhánh đã nhanh chóng thống kê và động viên tinh thần nhân viên. Một số gia đình nhân viên ở xa hoặc bị thiệt hại nặng đều được cho nghỉ để ở nhà khắc phục sự cố. Hiện toàn bộ nhân viên đã trở lại làm việc bình thường và gấp rút cùng chi nhánh vượt qua khó khăn do bão gây ra.
Gần một tuần qua, hàng trăm kỹ thuật viên Bắc - Nam lẫn chi nhánh lân cận đã tập trung về Quảng Bình và Hà Tĩnh để xử lý sự cố. Tại Quảng Bình, công tác khắc phục cơ bản gần như đã hoàn thành. Tại Hà Tĩnh, đơn vị đã hoàn thành kết nối cho các khách hàng ở thành phố Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh và đang khắc phục nốt tại Kỳ Anh.
>> Kỹ thuật FPT 'đội nắng' khắc phục bão số 10
Việt Nguyễn
Ý kiến
()