Chúng ta

Bão Matmo sắp đổ bộ, nhiều CBNV FPT miền Trung được về nhà sớm

Thứ tư, 30/10/2019 | 17:02 GMT+7

FPT Telecom Bình Định, Phú Yên hay Quảng Ngãi đã cho một số CBNV ở vùng xa được về nhà sớm để đảm bảo an toàn trước khi bão số 5 với tên gọi Matmo đổ bộ. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những giờ qua, bão số 5 tiếp tục mạnh lên. Vào 10 giờ sáng nay (30/10), tâm bão cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11.

Các chi nhánh FPT Telecom có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão như Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi đã chuẩn bị xong các phương án để hạn chế tối đa thiệt hại về hạ tầng. Ngoài ra, Ban giám đốc cũng đã cho một số nhân viên ở khu vực xa có nguy cơ ngập nặng và lũ quét về nhà sớm.

"Hơn 10 nhân viên có nhà ở xa đã được chi nhánh cho về sớm để đảm bảo an toàn. Phần lớn các bạn đều nằm ở huyện xa như Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa hay Sơn Hòa", anh Nguyễn Văn Cường, GĐ FPT Telecom Phú Yên, thông tin và cho biết thời tiết ngày càng mưa lớn. Hiện các phương án ứng cứu đã sẵn sàng.

bao1.jpg

Đêm nay, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 11; riêng Bình Định, Phú Yên có nơi cấp 9, giật cấp 11; Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 10; Ninh Thuận có gió giật cấp 6 - 7; Gia Lai, Đắc Lắk gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8. Ảnh: TTXVN.

FPT Telecom Quảng Ngãi cũng đã chủ động ứng phó với bão số 5 sau khi có thông tin ngoài biển đông. Bên cạnh rà soát hạ tầng, bố trí nhân sự túc trực và đưa ra các phương án sau bão, chi nhánh còn cho phép nhân viên có nhà ở xa được về trước. "Có hai nhân viên ở huyện Nghĩa Hành, cách văn phòng khoảng 30 km được về đầu giờ chiều. Các bộ phận các liên quan vẫn tiếp tục trực chiến nhưng vẫn theo dõi tình hình để có phương án kịp thời", GĐ FPT Telecom Quảng Ngãi - anh Tạ Ngọc Triết cho biết.  Hiện toàn bộ học sinh tỉnh Quảng Ngãi nghỉ học tránh bão số 5.

"Đội ngũ kỹ thuật đang tập trung theo dõi hạ tầng và mực nước dâng trên địa bàn. Do thời tiết mưa to nên sales không thể đi thị trường, thay vào đó ở văn phòng để đào tạo. Ngoài ra, một số CBNV nhà ở xa, địa hình đi lại khó khăn hoặc có nguy cơ bị ngập đã cho về an toàn", GĐ FPT Telecom Bình Định - anh Hoàng Anh chia sẻ. 

Hiện toàn bộ các đơn vị FPT Telecom miền Trung đã kiểm tra, gia cố và lên phương án ứng phó khi bão đổ bộ. Hầu hết chi nhánh đều đã rà soát hạ tầng, đài trạm tại 100% POP ở khu vực. Bên cạnh đó, vật tư, công cụ, nguồn lực ứng cứu đã sẵn sàng. Lãnh đạo chi nhánh đều thông báo và yêu cầu các bộ phận theo dõi, bám sát tình hình bão, cập nhật thông tin, báo cáo thường xuyên về tình hình của bão.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10 giờ sáng mai (31/10), tâm vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ trưa và chiều nay (30/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10-11. Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7. Gia Lai, Đắc Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Cũng do ảnh hưởng của bão, trong hai ngày 30-31/10, ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to (tổng lượng mưa 50-100mm/đợt). Khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm). Các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to (Tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, có nơi 400-600mm/đợt).

Từ ngày 31/10 đến 2/11 mưa mở rộng ra Bắc Trung bộ. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300-500mm/đợt. Mưa lớn sau đó giảm dần, đến ngày 4 đến 5/11 có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.

>> FPT Telecom miền Trung chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới

Việt Nguyễn

Ý kiến

()